Tuesday, October 10, 2017

THỊT DÊ: THỨC ĂN NGON - VỊ THUỐC QUÝ

Nếu tôi nhớ không lầm thì thời còn ở Việt Nam, má tôi chắc chưa bao giờ mua thị dê về ăn vì chê hôi. Tôi thì có ăn một đôi lần khi cùng bạn bè đi nhậu. Nói thì nói vậy chớ ăn cũng không mạnh miệng lắm. Qua tới Úc, thời gian đầu còn ở trong Hostel, những bữa ăn có thị trừu (lamb) là tôi không lấy vì có một lần lấy dĩa thị trừu về rồi bỏ ăn không được vì chưa chịu nỗi mùi hôi. Lúc đó quả là nó hôi thiệt. 


Dần dà rồi thì cũng quen nhất là đi lại nhà của mấy người bạn Úc, tụi nó nướng nguyên con mùi thật thơm. Nó cắt cho tôi một miếng, ngửi thì thơm ăn đại thì thấy không hôi và ngọt mềm nữa. Rồi tôi biết ăn và sau cũng thường mua về làm BBQ hay nướng hoặc nấu lẩu vì lúc ấy không có thịt dê. Nhiều năm trước đi ngang qua tiệm thịt thấy nó treo một cái đùi còn da thui vàng, dán tấm giấy đề "Goat meat". Tôi vào ngay và hỏi phài thị dê không, họ nói phải, tôi mua về nấu lẩu. Không biết sao bây giờ mới cảm được thịt dê ngon và thơm quá nên trong mùa Đông lạnh lẽo của Úc tôi thường ăn lẩu dê. Mới vừa đọc được bài nói về món thị dê và công dụng của nó, mời các bạn:



Sài Gòn thịt dê ký

Giữa thế kỷ XIX, theo chân thực dân xâm lược Việt Nam, những người lính thuộc địa Java không theo chân người Pháp rời khỏi Việt Nam mà đã ở lại rồi kết hôn với phụ nữ Việt tạo nên một cộng đồng con cháu người Java lai mà sau này chúng ta hay gọi là người Chà Và, món cari dê và các món từ thịt dê cũng được cho là phổ biến từ cộng đồng này mà ra.

Trải qua nhiều thập kỷ thì món ăn bổ dưỡng từ dê bồi bổ khí huyết, đã hòa nhập như một phần trong văn hóa ẩm thực Việt. Và trong đông y cho rằng thịt dê có nhiều chất dinh dưỡng có thể chữa trị cho một số bệnh làm suy giảm sinh lực cơ thể, bổ sung khí huyết… Bây giờ thời buổi công nghệ “cái gì không biết cứ tra google” thì với từ khóa chỉ đích danh “thịt dê ở Sài Gòn” trong vòng 0.63 giây có 1.990.000 dữ liệu có liên quan đến quán dê ở Sài Gòn sẽ ngay lập tức xuất hiện trên thiết bị công nghệ như smartphone, ipad… của bạn


Một quán hủ tiếu thịt dê do người Hoa bán ở khu vực quận 5, TP.HCM. Ảnh: Tùng Châu
Muốn ăn sáng với thịt dê, chạy lên đường Nguyễn Kim khu vực sân vận động Thống Nhất là có ngay một dãy phố bán hủ tiếu dê như Hào Phong, Tiến Nhân, Thuỷ Tiên… Xa hơn chút nữa thì có Cường Ký bán từ 6-10g sáng là hết. Hủ tiếu này đa phần là người Hoa nấu và đứng bán, mỗi phần ăn là hai tô, một đựng thịt, còn lại là hủ tiếu mềm cọng bánh thiệt bự. Buổi sáng mà xì xụp tô hủ tiếu gắp miếng thịt hay mắt, lưỡi, cật, lòng, gan… và nếu không ăn kèm vài cọng tía tô thì sẽ mất đi một nửa cái vị sướng trong miệng.

Nếu ngồi tại quán sẽ được mục sở thị người múc vớt thịt từ cái nồi to chảng, tất cả những phần có thể ăn được của dê đều có. Tùy theo thương hiệu của quán và cách nấu mà mỗi ngày ít nhất một con được bán hết trong buổi sáng! Rẻ thì từ 35.000đ/ tô mắc hơn thì 45-50.000đ vì chủ quán cho rằng bán dê không pha thịt tạp khác nên cao giá hơn. Còn không nữa là “chơi” luôn cái dựng (chân dê) khoảng 80.000đ/cái là có một buổi sáng đầy năng lượng.

Ăn sáng với hủ tiếu thịt dê rất hấp dẫn.Ảnh: Tùng Châu

Lai rai ư? Chuyện nhỏ! Có ngay những quán lẩu dê trứ danh như Bảy Hồng ở Trần Quang Khải Q1, lẩu dê Trương Định – Q3, Tư Trì Thanh Đa – Bình Thạnh, Bình Chánh có Đệ Nhất….Tóm lại bất kể quận nào cũng sẽ có ít nhất một quán lẩu dê với thực đơn phong phú từ nướng, tái lăn, sa tế… Riêng món pín hầm thuốc bắc ở chân cầu Nguyễn Tri Phương thì nếu kêu đủ “đồ chơi” đi kèm cũng phải trên chục món như ngọc kê, bắp bò. Chắc chắn là phải có thêm dĩa “súng đạn”… Món tiết canh dê thì gần như “tiệt chủng” vì sự an toàn cũng như kiểm tra gắt gao của ban ngành, bù lại là rượu tiết dê thì vô tư.

Mỗi quán có bí quyết riêng để giữ chân khách, như quán Bảy Hồng thì cà ri dê là sở trường được truyền lại từ ông chủ quá cố cho người con gái với hương vị món ăn độc đáo mà không đâu có được, ăn thịt dê cơm nị thì cứ vào trong khuôn viên thánh đường Hồi giáo trên đường Nguyễn Trãi, nhà hàng Tandoor Q1…

Điểm chung của các quán dê là mùi rất đặc trưng ngai ngái nếu không nói là nặng mùi. Do đó khi làm món thì tùy theo kinh nghiệm của bếp mà họ có cách khử mùi riêng, như luộc với giấm, ướp ngũ vị hương, ớt, cari… Nhưng một yếu tố quan trọng nhất ngay trong lúc chuẩn bị nấu là thịt phải để thật ráo nước cho tiết trong thịt chảy ra hết rồi mới chế biến. Kỹ hơn nữa là lúc cắt tiết thì treo ngược con dê lên để tiết trong thịt chảy ra hết mới hạ xuống xẻ thịt, thường phải trên một giờ đồng hồ.


Tùng Châu

Lẩu dê
Vị thuốc quý

Theo y học cổ truyền thì tất cả các bộ phận của con dê đều có thể làm thuốc được.

Lấy ví dụ như Dương nhục có công dụng bổ huyết, ích khí, ôn trung ăn vào để chữa thiếu máu, gầy yếu, suy nhược cơ thể, chán ăn, đau bụng do hư thận, suy giảm khả năng sinh lý, thận hư. Ngoài ra người ta còn lấy đem ngâm với thuốc bắc thì sẽ trở thành một loại “thuốc vigara” mà nhiều ông trung niên trở lên tìm kiếm. Có người còn hấp chín rồi chấm với mắm gừng là món ngon và bổ dưỡng nhất.

Móng dê hầm nấu cháo có tác dụng chữa bệnh ít sữa cho sản phụ mới sanh bị bệnh tắc tuyến sữa. Cốt dê có vị ngọt tính ấm, công dụng bổ thận, cứng gân cốt, chữa phong thấp, gầy yếu do lao lực, hoa mắt, mỏi lưng chóng mặt.

Tất cả bộ phận của dê đều có tác dụng trị bệnh Ảnh: Tùng Châu

Tinh hoàn dê có công dụng bổ thận, tráng dương, ích khí, chữa đau bụng do thận hư, di tinh, lạnh tinh, hượt tinh, dương khí hư sa đì, tiểu đường. Thận dê giúp bổ thận, chữa xuất tinh sớm, gầy yếu, suy nhược, ù, điếc.

Huyết dê bổ huyết, xuất huyết, chảy máu cam, cầm máu vết thương …

Hiện nay ở vùng nông thôn thì thịt dê có giá cao nhất khoảng 400.000 đ/kg thế nhưng ai cũng thích, bởi dê chỉ ăn các loại lá cây mà dân gian đã từng làm thuốc chữa bệnh. Vì thế thịt dê không có độc tố, ăn vào lại chữa được nhiều thứ bệnh như y học cổ
truyền đã nghiên cứu lâu năm đúc kết nên.

CTV 5 Bê

No comments: