Grand Pacific Drive (tạm dịch là Con đường lớn Thái Bình Dương) là một trong những cung đường đẹp nhất bang New South Wales, Úc.
Đi xe ra khỏi CBD (Commercial Business District - khu thương mại trung tâm thành phố Sydney) khoảng 45 phút về hướng nam sẽ thấy công viên quốc gia lâu đời hạng nhì thế giới Royal National Park trải rộng. Cung đường này trải dài 140km dọc theo bờ Thái Bình Dương, chạy đến Wollongong, South Coast, ngang qua nhiều địa chỉ du lịch tuyệt đẹp.
Bầu trời xanh thẳm không một áng mây, chiếc xe chở chúng tôi lao nhanh về hướng Nam, phía ngoài thành phố Sydney, với tốc độ hơn 100km/h trên xa lộ thẳng tắp, phẳng lì như tấm thảm êm dài thượt.
Cảnh quan khúc đường vòng dẫn lên đỉnh Bald Hill (Đồi Trọc) làm bạn có cảm giác giống như đi xe trên đèo Prenn dẫn vào thành phố Đà Lạt. Bald Hill ở thị trấn Illawarra, bang New South Wales nổi tiếng là một trong những điểm quan sát trên cao tuyệt nhất Nam Bán cầu, với tầm nhìn rộng 360 độ.
Từ trên đỉnh đồi bao phủ bởi những thảm cỏ xanh rì, du khách có máu mạo hiểm có thể chơi môn thể thao hang gliding để có được những giây phút lơ lửng giữa không trung, bay lượn theo làn gió rồi cuối cùng đáp xuống một bãi cát dài hình vòng cung ở phía dưới, với tên gọi Stanwell Park.
Không chỉ có những chiếc xe chở du khách tìm đến Đồi Trọc ngoạn cảnh, nơi đây còn là điểm tập trung của những đoàn "biker", những tay lái mô tô phân khối lớn trên hành trình khám phá các xa lộ ven Thái Bình Dương. Xe kem, xe hot-dog sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách đường xa.
Ở phía xa xa, cũng chạy dọc theo biển xanh bao la, là một kỳ công xây dựng uốn vòng ngoằn ngoèo đầy hấp lực, thử thách các tay lái. Chúng tôi lái xe về hướng ấy, thì ra đó là Sea Cliff Bridge (Cầu Ghềnh đá biển) dài hơn 665m, cao hơn 40m và mới xây xong hồi tháng 12/2005.
Cây cầu bê tông và thép với năm nhịp phía trên ghềnh đá và sóng biển trị giá 52 triệu USD này nối hai ngôi làng ven biển Coalcliff và Clifton. Ngoài hai làn xe ô tô và một làn dành cho người đi xe đạp, cây cầu này còn có một làn dành cho khách bộ hành.
"Từ khi có Sea Cliff Bridge , một trong số bảy cây cầu chạy song song với biển trên thế giới, khu vực quanh đây phát triển du lịch mạnh hơn bao giờ hết", cô lái xe, một cư dân lâu năm của Sydney, cho biết.
"Điều đặc biệt là tên cây cầu do một nữ sinh 11 tuổi đặt, thông qua một cuộc thi tổ chức cho các học sinh địa phương, và đã có rất nhiều hãng xe đưa hình ảnh cây cầu vào phim quảng cáo sản phẩm mới của hãng".
Cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp, cuộc sống yên ả, bình an có thể khiến bạn nảy sinh ý muốn thoát tục, dù chỉ trong khoảnh khắc. Chúng tôi ghé vào không gian rộng lớn chiếm trọn một ngọn đồi của Chùa Nam Thiên Phổ Quang Sơn ở ngoại ô thành phố Wollongong và phát hiện không phải chỉ có mình là khách thập phương viếng chùa.
Ngồi bên tách trà nóng ở góc vườn cây xanh phía dưới các bậc thang dẫn lên chùa thoang thoảng mùi nhang thơm còn có những vị khách phương Tây, khách Ấn Độ, khách Hàn Quốc, khách Nhật Bản. Họ đến đây để nghiên cứu Phật giáo, văn hóa Trung Hoa, tĩnh tâm, tập luyện khí công, tập viết thư pháp...
Hồi tháng Ba, ngôi sao nhạc trẻ đang rất nổi Lady Gaga cũng đã đến viếng chùa. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất Nam bán cầu.
Nhưng cơm chay của nhà chùa chưa thể có đủ lực lôi chúng tôi ra khỏi sức cám dỗ của một bữa trưa hứa hẹn thật ngon với vang Úc và hải sản tươi. Xe chở chúng tôi đến một bến cảng nhỏ của thị trấn Kiama. Khu này dành cho du khách thích đi câu các loại cá biển lớn, như cá ngừ đại dương, cá lưỡi kiếm và cả cá mập.
Ở đó có Cargo, một nhà hàng nhiều năm liền đoạt giải ẩm thực số một của địa phương. Và đó cũng là nơi tập trung các đàn chim bói cá, đàn hải âu hóng mồi là những mẩu bánh, khoai chiên, miếng cá chiên... du khách ném cho.
Nhưng ở Kiama, cách Sydney khoảng 120km về hướng Nam, địa chỉ thu hút mỗi năm gần một triệu du khách Úc và quốc tế chính là một công trình của tạo hóa. Đó là những "lỗ thổi" nước biển (blowhole) khổng lồ. Sóng biển ập vào cái lỗ to giữa tảng đá basalt khổng lồ, tung bọt lên cao, tạo ra những cầu vồng rất đẹp.
"Khi hội đủ điều kiện thời tiết, sóng biển phun qua lỗ đá bắn vọt lên cao đến 25m rồi tung tóe lên đầu du khách", người bạn dẫn đường giải thích. "Khi ập vào đá, sóng biển cũng tạo ra âm thanh rất lạ, nên theo tiếng thổ dân aborigine, Kiama có nghĩa là nơi biển tạo ra tiếng động".
Hoàng hôn dần buông xuống, một kiến trúc trắng xóa nổi bật trên nền trời xanh lơ, đó là ngọn hải đăng xây dựng trên điểm Blowhole từ cuối thế kỷ XIX. Quả là một mỹ cảnh khó quên của một hành trình nhớ đời.
Theo www.doanhnhansaigon.vn