Sunday, October 15, 2017

ÔNG CHỦ CHỢ BÌNH TÂY

Thông Hiệp Quách Đàm – Ông chủ chợ Bình Tây
Người già Sài Gòn có thể nghe và biết về Quách Đàm, còn lớp trẻ ngày nay chắc chắn sẽ hỏi: “Quách Đàm là ai?”. Để trả lời, xin nhắc tới một nơi chốn khá dễ thấy: ngôi chợ Bình Tây (Quận 6, TPHCM ngày nay)


Quách Đàm là người Hoa, di dân qua Việt Nam kể từ khi phong trào phản Thanh phục Minh nổi lên mạnh mẽ tại Trung Quốc. Tuy vẫn khoác bên ngoài bộ cánh của một người Hán theo nhà Thanh, nhưng thực ra, theo nhiều người biết chuyện, Quách Đàm ngầm ủng hộ cho nhóm phản Thanh phục Minh.
Trở lại xuất thân của con người được liệt vào danh sách nhà hào phú bậc nhất ở Sài Gòn – Chợ Lớn thời ấy, chúng ta được biết, thuở nhỏ Quách Đàm có cuộc sống cơ cực, nghèo khó. Cũng giống như chú Hỏa, khởi nghiệp Quách Đám lập nghiệp bằng đôi quang gánh (mua ve chai). Quách Đàm vốn mồ côi, không nhà không cửa, nên phải sống lang thang đầu đường xó chợ. Ngày đi mua ve chai, tối về ngủ ở mái hiên ở các ngôi phố ở Chợ Lớn cũ, nằm ở khu vực Bưu điện Chợ Lớn, đầu đường Châu Văn Liêm ngày nay. Tuy sống cảnh đời bấp bênh như vậy, nhưng chú Ba Đàm (người ta thường gọi ông như thế) vẫn nuôi chí làm giàu. Vài năm sau, người ta thấy Quách Đàm có một ít vốn. Vẫn chưa có nhà cửa, nhưng chú Đàm không vì vậy mà không bắt đầu con đường “doanh nghiệp” của mình, bằng cách dùng số vốn ít ỏi, mua đi bán lại các mặt hàng hiếm và lạ, như da trâu, vi cá. Thời đó, những mặt hàng này chủ yếu là đem bán ở nước ngoài.

Khu thờ ông Quách Đàm người xây dựng chợ nằm ngay trung tâm chợ nay cũng đã xuống cấp nhiều - Ảnh: Thuận Thắng
Tượng ông Quách Đàm ở nơi thờ giữa chợ - Ảnh: Thuận Thắng
Công cuộc kinh doanh của Quách Đàm không phải là suôn sẻ ở buổi đầu, bởi ông còn phải ngủ đường ngủ chợ, cho nên thường bị bọn xấu rình đắp cắp vốn liếng giấu trong hầu bao. Mất tiền nhiều lượt, nhưng chú Đàm vẫn không nản, kiên trì làm lại từ đầu, chỉ vài năm sau nữa, Quách Đàm đã có được một số vốn kha khá. Chú mướn được một căn phố ở khu vực chợ Kim Biên ngày nay (thời đó toàn bộ khu vực này còn là một con rạch chảy ra kênh Tàu Hũ). Lợi dụng địa thể ngôi nhà ở ngay bờ kênh, Quách Đàm đã chuyển sang kinh doanh nông sản, thực phẩm, chủ yếu là thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây. Ban đầu buôn nhỏ, sau phát triển to dần, trở thành nhà thầu cung cấp gạo lớn nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn. Hầu hết những “chành” gạo ở dọc theo vùng Bình Đông, bến Lê Quang Liêm ngày nay, có thời là của chú Đàm.

Chợ Bình tây được xây dựng năm 1928 bởi ông Quách Đàm người Hoa - Ảnh: Thuận Thắng
Rồng trang trí trên mái chợ - Ảnh: Thuận Thắng
 Trong kinh doanh, Quách Đàm rất khôn khéo. Ông vừa tránh đối đầu với thể lực người Pháp, nhưng lại không hề thua kém họ trên thương trường. Họ Quách lại nhanh nhạy, thông minh, nên chẳng mấy lúc, nhờ tài ngoại giao, ông đã được “nhà nước bảo hộ” dành cho đặc quyền rồi, thì phải đền đáp lại, chừng như đó là cách của người Hoa trên thương trường: đã không làm nghĩ cử đẹp thì thôi, còn làm thì phải làm cho xôm trò. Sự xôm trò đó là ngôi chợ Bình Tây. Nguyên vào thời đó (khoảng năm 1920), chính quyền thành phố Sài Gòn nhận thấy ngôi Chợ Lớn cũ nằm ở gần chân cầu Chà Và đã quá cũ và chật chội, nên có ý định tìm địa điểm để dời đi, mà tìm mãi vẫn chưa có nơi nào thích hợp. Biết được tin đó, Quách Đàm hứa tặng không một khu đất khá rộng nằm ở khu vực Bình Tây, lúc đó đang là đất trống, vốn là sở hữu của ông. Chẳng những tặng đất, Quách Đàm còn cam đoan sẽ xây tặng cho một ngôi chợ mới, bề thế với một “số ít” điều kiện kèm theo: cho ông được cất hai dãy phố cặp theo hai hông chợ và phải đặt ngay trước cửa chợ một bức tượng đồng đúc hình … Quách Đàm.

Tượng đồng Quách Đàm trước cửa chợ trước đây.
Điều kiện dễ dàng đó đã nhanh chóng được chính quyền chấp nhận. Chợ xây hơn hai năm thì xong. Khi khánh thành, chợ được đặt tên là chợ Bình Tây, nhưng người dân vẫn quen gọi là Chợ Lớn Mới.
Kể từ khi tặng ngôi chợ, công việc làm ăn của Quách Đàm càng thêm khấm khá. Tuy nhiên, trong kinh doanh, ông cũng dùng những mưu mô thường thấy ở những tay phú thương cỡ bự. Có chuyện kể rằng, khi thấy giá lúa gạo đang bị sụt và ứ đọng, họ Quách đã tung tiền thu mua hết số lúa gạo ứ đọng, đem về chứa trong kho, rồi nhờ một người quen ở Singapore đánh liên tiếp nhiều bức điện tín về Sài Gòn đặt hàng lúa gạo với giá cao không thể ngờ. Tin đó được truyền rao ra ngoài, lập tức nhiều người cùng đổ xô đi thu mua lúa gạo, dĩ nhiên là với giá cao chứ từng thấy. Cho đến khi họ vỡ lẽ ra, thì chỉ có nước ngậm đắng nuốt cay và chịu trận. Quách Đàm vớ bở cú đó. Ông ta mãn nguyện tâm sự với bạn bè: “Khi ra làm ăn, tôi đã nhờ thầy địa lý coi hướng xây nhà trên một long mạch, đồng thời đặt tên cho công ty của mình là THÔNG HIỆP, điều đó cho thấy tôi sẽ phất lên”. Giải nghĩa chữ THÔNG HIỆP như thế này: Thông thương sơn hải (bán buôn khắp chốn), Hiệp quán càn khôn (thu tóm cả đất trời) [通商山海 合貫乾坤].

Chợ Bình tấy hiện tại có hơn 2.300 sạp trong đó 1446 sạp nằm trong nhà lồng chợ, 912 sạp nằm xung quanh chợ thuộc đường Lê Tấn Kế, Phan Văn Khoẻ, Trần Bình - Ảnh: Thuận Thắng
Dù lời nói của Quách Đàm có tính khoa trương, nhưng thực tế phải nhìn nhận là ông đã làm được việc mà nhiều người không làm nổi: từ bạch đinh trở thành đại phú chỉ với sức lực, tài năng và ý chí của mình.
Thượng Hồng

No comments: