Thursday, October 26, 2017

GAMCHEON - SANTORINI CỦA CHÂU Á

Không phải ngẫu nhiên mà Gamcheon, thị trấn nhỏ của Hàn Quốc, được mệnh danh là Santorini của châu Á.

Những du khách lần đầu tới đây sẽ mau chóng bị thu hút bởi những căn nhà màu pastel và những bức tượng gợi trí tò mò được đặt khắp thị trấn. Thế nhưng, mặt tiền kì lạ và các tác phẩm nghệ thuật hiện đại mới chỉ cho thấy một phần nào câu chuyện thú vị ẩn đằng sau thị trấn mê cung nằm dưới ngọn đồi ở Busan, với tên gọi làng Gamcheon.
 
Hàng nghìn nghệ sĩ Hàn Quốc lẫn sinh viên nghệ thuật đã thổi những luồng gió nhiều “màu sắc” vào ngôi làng Gamcheon

Không giống như bất kì hành trình khám phá Hàn Quốc nào, ngôi làng Gamcheon mang đến cho du khách một cái nhìn đối nghịch, khác hoàn toàn với những tòa nhà chọc trời hào nhoáng của một “Busan mới”, hoặc thậm chí các khu chợ nhộn nhịp của “Busan cũ”.
 
Thay vào đó, ngôi làng yên ắng một cách kì lạ này là một điểm đến khác biệt đối với các du khách. Không hề là trải nghiệm khám phá, hay tận hưởng kì nghỉ trên bãi biển như những lý do thu hút mọi người đến với Busan, Gamcheon quyến rũ du khách bằng nghệ thuật và lịch sử.
 
Nguồn gốc tôn giáo
 
Ngôi làng có một truyền thống lịch sử khác thường. Rất nhiều tài liệu nói rằng Gamcheon bắt đầu là một thị trấn nghèo khổ vào những năm 1950, với rất nhiều dân tị nạn do hậu quả của chiến tranh hai miền Triều Tiên. Nhưng trên thực tế, ban đầu khu làng thuộc sở hữu của cộng đồng những người theo một tôn giáo khổ hạnh có tên Taegeukdo. Tôn giáo này ra đời từ sự biến động chính trị ở Triều Tiên vào đầu những năm 1900.
 
Tác phẩm “Người và những chú chim” trên nóc một ngôi nhà của nghệ sĩ Jun Young-jin
 
Cho dù chỉ là một tôn giáo nhỏ, các thành viên của Taegeukdo vẫn luôn tin rằng ý nghĩa của vũ trụ có thể tìm thấy trong triết lý của “sự phân cực vĩ đại”, kết hợp với các khái niệm trong thuyết âm dương.
 
Biểu tượng của Taegeuk, vòng xoáy màu xanh da trời và đỏ, là một biểu tượng quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc. Đó cũng chính là biểu tượng trung tâm trên lá quốc kì của Nam Hàn ngày nay.
 
Một tác phẩm được thực hiện bởi hai nghệ sĩ Jin Young-sub và Park Kyung-seok cùng với những người dân tại Gamcheon
 
Năm 1955, trong khi tái cấu trúc sau chiến tranh, thành phố Busan đã yêu cầu 800 hộ gia đình theo tôn giáo này chuyển tới một khu vực được chỉ định nằm gần một ngọn đồi. Trung tâm của tôn giáo cũng theo đó mà di chuyển. Kể từ đó đến nay, đây là tôn giáo thống trị ở làng Gamcheon.
 
Sự tái sinh của nghệ thuật
 
Không giống như những khu làng khác đang đua nhau mọc lên những tòa nhà chọc trời, Gamcheon được cấu trúc và xây dựng rất công phu, tỉ mỉ với các tầng lớp đan xen.
 
Chủ đề nghệ thuật hóa Gamcheon bắt đầu vào năm 2009, khi một dự án nghệ thuật được tổ chức ở đây với sự tham dự của các sinh viên nghệ thuật và các nghệ sĩ nhằm trang trí cho ngôi làng.
 
Ngôi làng sặc sỡ như “Santorini của Hàn Quốc”
 
Ngôi làng vốn đã mang màu pastel nhẹ nhàng suốt hàng thập niên, các nghệ sĩ đã thêm 12 màu sắc khác để tạo sự rực rỡ khắp cả một vùng, mang lại cho nơi đây biệt danh “Santorini của Hàn Quốc”.
 
Để ngắm được toàn cảnh nơi đây, vị trí tốt nhất là “Sky Garden”, đồng thời cũng là nơi đặt trung tâm thông tin của làng (đây là nơi phát các quyển sách hướng dẫn về du lịch Hàn Quốc). Còn theo nhiều du khách khác, niềm vui đích thực lại là đi lạc trong những con hẻm nhỏ bé của ngôi làng.
 
Mỗi con hẻm lại dẫn tới một niềm ngạc nhiên khác nhau, ví dụ như những pho tượng kì lạ trên mái nhà của một căn nhà bỏ hoang đầy màu sắc.
 
Một trong những điều thú vị là bức tượng “Hoàng tử bé”, nhân vật trong cuốn truyện Pháp cùng tên, được đặt trên đỉnh một hàng rào, ngồi buồn bã nhìn về phía bến cảnh Busan bên cạnh con cáo của mình.
 
Khám phá xung quanh
 
Gần như không thể nào không đi lạc nếu bạn muốn khám phá Gamcheon. Mỗi con hẻm lại dẫn tới ba hoặc bốn con hẻm khác. Một cách để tránh bị lạc đường là “đi theo những con cá” được vẽ trên những bức tường. Nếu như để ý kĩ, bạn sẽ thấy những chấm người nhỏ xíu ngồi trên đỉnh cá, hoặc đang đá vào mắt cá.
 
Những chú cá chỉ đường tại Gamcheon
 
“Các nhiếp ảnh gia tới đây đều yêu mến ngôi làng này”, Sik Kim – một hướng dân viên du lịch cho biết. “Nhưng dân làng có vẻ như không thích thú khi thấy quá nhiều người đổ tới và đi khắp nơi trong làng, thậm chí là đi cả vào nhà họ. Rất nhiều người dân đã chuyển đi. Vì những ngôi nhà không thể bán, nên họ đã bỏ trống chúng”. Theo ước tính, có khoảng 300 ngôi nhà trong làng đang bị bỏ trống.
 
Các nghệ sĩ đang có ý định biến các ngôi nhà bị bỏ hoang đó trở thành không gian triển lãm. Một vài trong số đó sẽ được biến thành quán café hoặc nhà hàng do thị trấn điều hành. Lợi nhuận sẽ được trao lại cho dân làng.
 
Nhỏ bé, yên tĩnh, Gamcheon không phải là nơi thích hợp cho từng đoàn du khách lũ lượt lui tới. Cảnh tượng một vài du khách thi thoảng qua lại phù hợp với nơi này hơn.
 
“Tôi không nghĩ những vị du khách nước ngoài to béo có thể đi qua được những ngõ nhỏ ở đây”, một hướng dẫn viên du lịch khác nói khi được hỏi về các vị khách nước ngoài. “Họ sẽ phải canh chừng cái đầu mình trong từng bước đi, sẽ cực kì là bất tiện”.
 

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com - Theo vtv.vn

No comments: