Theo Hiệp hội các tác giả SACEM của Pháp, bài My Way hiện có khoảng 2500 phiên bản ghi âm bằng 40 thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Việt. Ngoài các ngôn ngữ thông dụng như tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, bài hát còn đã được đặt lời Nhật, Hoa, Thái, Hindi, Ba Tư, Ả Rập, Hy Lạp. Theo sách kỷ lục Guinness, về số lượng phiên bản, nhạc phẩm My Way đứng hạng nhì trên toàn cầu chỉ kém hơn một chút so với bài Yesterday của nhóm Tứ Quái The Beatles. Sáng tác của Paul McCartney nắm giữ kỷ lục thế giới với hơn 3000 phiên bản khác nhau tính cho đến cuối thế kỷ 20.
Trong nguyên tác tiếng Pháp, nhạc phẩm này mang tựa đề Comme d’habitude (tạm dịch là Như thường ngày). Trái với nhiều người lầm tưởng, ca khúc này ban đầu không phải do danh ca Claude François sáng tác, mà là do tác giả Jacques Revaux soạn nhạc và đặt lời.
Jacques Revaux sau đó trở thành tác giả ‘‘chính thức’’ của danh ca Michel Sardou và cũng là người đã gầy dựng tên tuổi của Mike Brant. Theo lời kể của chính tác giả, ông viết bài này vào tháng 6 năm 1967 ban đầu cho Michel Sardou, nhưng do bị từ chối nên ông mới mời ca sĩ Hervé Vilard, nổi danh hai năm trước đó với nhạc phẩm Capri c’est fini, ghi âm ca khúc này. Đến khi thâu xong, thì bỗng nhiên bài hát lại đổi chủ. Số là Claude François vào lúc đó chuẩn bị cho ra mắt đĩa hát mới, nhưng trên đĩa nhựa vẫn còn thiếu một ca khúc, cho nên anh mới nhờ tác giả Revaux gửi bài hát cho anh.
Khi nhận được bài hát, Claude François cùng với một tác giả khác là Gilles Thibault mới sửa đổi điệp khúc, viết lại một số ca từ. Một khi được hoàn chỉnh, bài được đặt tựa là Comme d’habitude và qua đó nói lên cái thói quen thường ngày gây nhàm chán, đổ vỡ trong tình yêu đôi lứa. Thật ra, vào thời đó danh ca Claude François vừa chia tay với thần tượng nhạc trẻ France Gall, sau 4 năm chung sống. Gợi hứng từ câu chuyện đời tư, anh khóc thương cho số phận của chính mình khi tình yêu đánh mất.
Trong quyển hồi ký viết về Claude François, cô em gái (Josette) của nam ca sĩ người Pháp cho biết là ca sĩ người Mỹ Paul Anka đã khám phá ca khúc Comme d’habitude trong lúc anh đi nghỉ mát ở miền nam nước Pháp cùng với song thân. Khi nghe xong bài này, Paul Anka cấp tốc bay đến Paris để thương lượng về quyền phát hành bằng tiếng Anh. Paul Anka nhiều lần bắt đầu tìm cách chuyển dịch bản nhạc nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm ra được ca từ thật ưng ý. Mãi đến hơn một năm sau, nhân một buổi ăn tối với danh ca Frank Sinatra, Paul Anka mới nghe bậc đàn anh than thở là ông chán đời đến nổi ông chỉ muốn giải nghệ sân khấu.
Câu nói này của Frank Sinatra làm nẩy sinh trong tâm trí của Paul Anka câu hát đầu tiên của bài My Way theo đó đời người tựa như một tấn kịch, sắp đến giờ kết thúc buông màng. Từ Florida trở về New York, Paul Anka khi về đến nhà đã quá nửa khuya, nhưng lại không đi ngủ mà lại ngồi vào bàn đánh máy vì sợ rằng đến khi thức giấc thì lúc ấy anh sẽ không còn cao hứng.
Paul Anka bỏ hết tất cả những lời tiếng Anh từng sáng tác trước kia để viết lại từ đầu. Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, từ 1 giờ đến 5 giờ sáng, tác giả tự đặt mình vào tư thế của một người đàn ông từng trải đến tuổi xế chiều, ông nhìn lại thân phận năm chìm bảy nổi trước bao sóng gió bấp bênh đời người. Lời ca tiếng Anh không ăn nhập gì với bài hát tiếng Pháp, vì một bên nói về tình yêu bất hạnh, còn bên kia lột tả những kinh nghiệm chua cay học hỏi từ cuộc đời. Người đàn ông ngậm ngùi xót xa nhưng không nuối tiếc. Cho dù cuộc đời có thăng trầm nổi trôi, nhưng khi phải đối đầu với tất cả những thách thức cuộc đời, ông vẫn tự định đoạt lấy để làm theo ý mình. Câu cuối của bản nhạc I did it My way chính là câu hát có ý nghĩa nhất.
Khi viết xong lời tiếng Anh, Paul Anka từ New York liền gọi cho Frank Sinatra, lúc đó đang có hợp đồng biểu diễn tại Las Vegas. Qua điện thoại, anh nói đùa rằng nếu ông thật tình muốn giải nghệ thì hãy chờ thâu bài My way xong rồi lúc ấy nghỉ hát vẫn chưa muộn. Danh ca Frank Sinatra ghi âm bài này vào ngày 30 tháng 12 năm 1968. Bản nhạc được phát hành vào đầu năm 1969. So với các ca khúc trước của ông là Strangers in the night và Fly me to the moon, bài My way không ăn khách bằng và thành công ở nước ngoài nhiều hơn là trene thị trường Hoa Kỳ. Riêng tại Anh, bản nhạc này lọt vào danh sách 40 bài hát bán chạy nhất trong vòng 75 tuần lễ liên tục, từ tháng tư năm 1969 cho đến tháng 9 năm 1971.
Trong quyển hồi ký của mình mang tựa đề I blew it My Way, Giọng ca vàng Frank Sinatra (The Voice) thú thật rằng chính ông cũng không ngờ rằng bản nhạc này lại thành công đến như vậy, tuy không bao giờ đứng đầu bản xếp hạng nhưng lại ăn sâu vào lòng người, tiềm tàng trong ý thức của công chúng. Các phiên bản sau đó của các danh ca lẫy lừng nhất từ Elvis Presley cho đến Tom Jones, từ Ray Charles cho đến Nina Simone giúp cho bài hát vượt thời gian để rồi trở thành bất tử (timeless).
Nhờ các phiên bản chuyển dịch, bản nhạc My Way / Comme d’habitude đi vòng quanh thế giới. A Mi manera trong tiếng Tây ban Nha, La Mia Strada trong tiếng Ý, Moy Put trong tiếng Nga, Esu Laimingas trong tiếng Lítva (Lithuania).
Còn trong tiếng Việt, bài được chuyển thành nhạc phẩm Dòng đời, có ít nhất là hai lời khác nhau của tác giả Nam Lộc, so với lời thứ nhất, lời thứ nhì gần sát hơn với nội dung của bài My Way. Nhìn chung, hầu hết các phóng tác tiếng nước ngoài chủ yếu dựa vào phiên bản tiếng Anh nhiều hơn là nguyên tác tiếng Pháp. Cũng nhờ vào các bản phóng tác mà Paul Anka cũng như nhóm sáng tác của Claude François thu về bạc triệu. Theo gia đình của danh ca quá cố, hơn 40 năm sau ngày ra đời, bản nhạc tiếp tục hái ra tiền nhờ vào tác quyền.
Theo luật bản quyền của Pháp, các thế hệ đời sau của Claude François được hưởng trong vòng 70 năm. Mãi đến năm 2037, bài hát này mới trở thành di sản chung tức là bất cứ ai ghi âm cũng được mà không cần phải trả tiền tác quyền.
Nhìn lại, về mặt ảnh hưởng văn hóa, bản My Way đã đi vào đời sống thường nhật từ lúc nào không hay. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người Âu Mỹ thường chọn bài này để phát trong các buổi tang lễ, một cách để tưởng nhớ người thân đã khuất. Trước khi ra đi, có ai mà không muốn nhìn lại một lần cuối những chặng đường đã qua, thanh toán sổ sách để không còn nợ với cõi đời. Từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây, nội dung bản nhạc phản ánh tâm trạng của một cá nhân, nhưng lại đạt được tầm mức phổ quát, vì bất cứ ai cũng có thể tự bắt gặp mình trong ca từ, cứ ngỡ nhìn người mà lại thấy ta.
Cái tài của nhóm sáng tác Claude François là đã đặt ra một giai điệu dễ nằm lòng, cái tài của Paul Anka là khi phóng tác, anh đã tự đặt mình trong lứa tuổi về già. Paul Anka viết bài này khi anh mới 27 tuổi, giả sử như anh soạn bài này từ góc nhìn của một thanh niên chưa ngoài 30, thì cho dù có chán đời cách mấy, chưa chắc gì bản nhạc sẽ sâu sắc cho bằng. Bản nhạc đi vào huyền thoại qua lối hát hớp hồn của Frank Sinatra. Ở tuổi 53, làn hơi không còn khỏe khoắn như thuở nào, nhưng càng về già ông càng hát với sự dày dặn từng trải, lối nén âm thiên phú, cách nhã chữ thần sầu. Cõi thế nhân, giọng ca Vàng càng thấm thía nỗi buồn, càng nhức nhối độ tuổi hoàng hôn. Trong vùng nước xoáy dòng đời, mấy ai được làm chủ số phận, mấy ai được cầm lái linh hồn.
Tuấn Thảo
Theo RFI
No comments:
Post a Comment