Wednesday, October 18, 2017

ĐỖ QUYÊN (RHODODENDRON)

Mấy mươi năm trước, đi đám cưới của những người bạn thường là được tổ chức tiệc trong nhà hàng Tàu lớn ở địa phương mình hay ở Melbourne city. Những bữa tiệc đó vui lắm vì là cơ hội cho bạn bè hội tụ lại vừa ăn mừng đám cưới bạn vừa là buổi nhậu, hàn huyên om sòm và còn những tiếng "vô, vô, trăm phần trăm ầm ĩ..."
Dần dà bạn bè ai nấy đều lập gia đình hết, nhưng đôi khi cũng những đám cưới đột xuất của vài người bạn già mới cưới "vợ mới" vừa bảo lãnh từ Việt Nam hay Trung Quốc sang.


Chục năm trở lại đây, chỉ đi dự đám cưới của con những người bạn, đại đa số đám cưới được chiêu đãi trong những reception mà phải đặt chỗ trước hàng năm. Mặc dù có một khuyết điểm là phải đãi đồ Tây và nếu muốn đãi đồ Tàu thì phải mời những tay chuyên nghiệp làm đồ ăn Tàu đem vào.
Hôm qua tôi đi dự đám cưới đứa cháu gái ở Tetra Receptions trên Mount Dandenong. Lúc nhận thiệp cưới tôi nhìn cái địa chỉ mà giật mình vì nó ở tuốt luốt trên núi, đường đèo ngoằn ngoèo nếu ban đêm về mà có uống chút rượu thì lái xe về rất nguy hiểm nên chúng tôi và vài gia đình mướn xe chở đi và về.
Chúng tôi đến đây lúc 3.30 chiều để dự lễ chứng hôn. Trong các reception mà tôi đã dự qua, Tetra Receptions có thể không rộng hơn, không sang hơn hay nói về mặt hoành tráng thì chưa bằng nhưng đến đây bạn sẽ có một ấn tượng dường như thấy qua ở đâu đó trong phim âu châu hay phim HK, Hàn quốc vì nó dễ thương và lãng mạn. Ở đây rất đẹp với những hoang sơ thiên nhiên trong một khu rừng đầy hoa và những cây đại thụ và xen lẫn trong những khu rừng đó những dãy nhà nghỉ theo tiêu chuẩn hotel (giá không rẻ đâu). Khu chiêu đãi rất đẹp vừa hiện đại, vừa cổ kính và không kém phần sang trọng. Một nơi đáng để đi qua và ở đây cũng có một nhà thờ nhỏ cho những người có đạo.


Đến gần 11:00 giờ đêm, xe đến đón chúng tôi. Trên đường về, tôi nghĩ cũng may mắn có xe đến rước vì ban đêm đường ngoằn ngoèo như thế thì làm sao dám lái xe về. Bất chợt tôi cũng nghĩ lại, phải chi biết trước nơi đây đẹp như thế thì đặt phòng ở đây ngủ lại một đêm và sáng mai Chủ Nhật có thể đi chơi vài nơi trong khu vực rừng núi này có phải sướng hơn không ?
TB: Nếu để xả stress thì đây là nơi lý tưởng vì không có phủ sóng điện thoại mobile và không ai có thể làm phiền các bạn trừ khi bạn dùng land line trong phòng và hệ thống internet. Suy nghĩ về Tetra Receptions là suy nghĩ riêng tư của tôi, có thể có bạn sẽ nói quá xa và quá nhà quê. Rất đúng vì chỉ ai yêu thiên nhiên và chút hoài cổ thì mới cảm nhận được nơi đây thật sự là quá đẹp như một nơi trong cổ tích.
Nguyên khu rừng này trồng nhiếu nhất là hoa Rhododendron và bây giờ đang là mùa Xuân ở Úc nên hoa nở thật đẹp. Trên vùng núi Dandenong này mỗi năm vào mùa Xuân đều có lễ hội hoa Rhododendron ở The National Rhododendron Garden.


Biết loại hoa này cả chục năm nhưng đến hôm nay tôi mới biết tên tiếng Việt của nó là "Đỗ Quyên" vì từ trước luôn nghĩ hoa Đỗ Quyên nhỏ chớ không lớn như Rhododendron nhưng thật ra là cùng họ.
LKH (18/10/2015)

CHI ĐỖ QUYÊN 


Chi Đỗ quyên, danh pháp khoa học: Rhododendron (từ tiếng Hy Lạp: rhodos, "hoa hồng", và dendron, "cây"), là một chi thực vật có hoa thuộc họ Thạch nam (Ericaceae). Đây là một chi lớn với khoảng 850-1.000 loài và hầu hết các loài đều có hoa rực rỡ. Đỗ quyên là quốc hoa của Nepal. Nhiều loài đỗ quyên được trồng làm cây cảnh. Một số loài có tác dụng chữa bệnh.



Chi Đỗ quyên có đặc điểm là cây bụi và lớn (hiếm), những loài nhỏ nhất cao chừng 10–100 cm, loài lớn nhất, R. giganteum, được ghi nhận là cao tới 30 m. Lá cây xếp theo hình xoắn ốc; kích thước lá có thể từ 1–2 cm tới hơn 50 cm, ngoại lệ là R. sinogrande có lá dài 100 cm. Đỗ quyên có thể là cây thường xanh hoặc cây rụng lá theo mùa. Ở một số loài, mặt dưới lá có phủ vảy hoặc lông tơ. Một số loài nổi tiếng vì hoa nở thành chùm lớn. Có các loài vùng núi có hoa và lá nhỏ, và một số loài nhiệt đới sống bám ở dạng tầm gửi.


Đỗ quyên là chi có phân bố rất rộng, xuất hiện ở hầu khắp Bắc bán cầu ngoại trừ các vùng khô hạn, và trải dài xuống Nam bán cầu ở Đông Nam Á và vùng bắc Australasia. Độ đa dạng loài cao nhất được tìm thấy ở vùng núi Himalaya từ Uttarakhand, Nepal và Sikkim tới Vân Nam và Tứ Xuyên, ở các vùng núi khác cũng có độ đa dạng cao như ở Đông Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Ngoài ra, có rất nhiều loài đỗ quyên nhiệt đới gốc Đông Nam Á và Bắc Úc. Người ta đã ghi nhận 55 loài ở Borneo và 164 loài ở New Guinea. Tương đối ít loài hơn có tại Bắc Mỹ và châu Âu. Người ta chưa tìm thấy đỗ quyên ở Nam Mỹ hay châu Phi.


Ở Việt Nam chỉ có vùng núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là những nơi có cây hoa Đỗ Quyên mọc tự nhiên. Riêng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên đã có tới 30 loài hoa Đỗ Quyên được phát hiện.
(theo Wikipedia)