Monday, April 30, 2018

CHUYỆN CÁI CỐI XAY

"Gà què ăn quẩn cối xay,
Hát đi hát lại tối ngày một câu"

Nếu như café chúng ta có thễ tự rang, tự xay để uống, thì từ hạt cacao làm thành sô-cô-la là quá trình hết sức phức tạp. Người ta phải ủ lên men mất mấy tháng, nên người trồng chẳng có giải pháp nào khác ngoài việc bán nguyên liệu thô.

Thế rồi 2 cậu Tây quyết định ở lại, mày mò chế biến sô-cô-la thủ công như ở châu Âu thế kỷ trước. Và đặt tên theo vùng trồng, như Bến Tre hay Lâm Đồng….với hàm lượng cacao tinh chất gấp mấy lần loại sô-cô-la cao cấp nhất trên thị trường. Giờ thành công lắm, xuất khẩu đi nhiều nước.

Và các bạn trẻ, nếu thất nghiệp, nghiên cứu sản xuất cái này xem sao. Thị trường mênh mông, mấy nước xứ lạnh như Hàn, Nhật, Âu, Mỹ….trồng đâu có được, mà họ ăn uống sô-cô-la kinh lắm. Riêng bán cho Trung Quốc thôi thì nông dân mình trồng trối chết cũng không đáp ứng đủ nhu cầu nữa. Hãy lao vào làm đi, đừng ngồi ôm cái Iphone lap-top thở dài. Học ngành gì không quan trọng, xin việc đúng ngành không được thì cứ đi làm theo đam mê của mình, chờ đợi thì đến bao giờ. Nghề chọn người. Thất nghiệp là do mình dở, chứ hận chi cha mẹ, hận chi thầy cô, hận chi cái trường. Mình chăm chỉ học hành, ngoại ngữ tốt, văn hóa sâu, mọi kỹ năng mềm đều thành thạo, tính tình vui vẻ, nhân hậu nhân văn…thì mắc mớ gì không có việc. Nếu trí tuệ mình thật sự cao siêu thì học lên, còn không, đi học nghề. Thể loại không làm việc nhà, không giúp đỡ ai, ngồi học từ mờ sáng đến khuya để làm thủ khoa, thì chẳng có ý nghĩa gì. Toàn định lý, tiên đề, bảng tuần hoàn, công thức của mấy ông Tây Niu-tơn, Đác Uyn, Men-đơ-lơ-ép, Anh-xtanh…phát minh ra mấy trăm năm trước, giờ ngồi viết ra y chang vậy thì có gì là giỏi? Thủ khoa hay loại giỏi mà thất nghiệp, tiếp tục ép cha mẹ bóp mồm bóp miệng dưới quê gửi lên thành phố nuôi nữa, sao mình bất tài vô dụng vậy? Quan điểm của dượng là, nên học càng nhiều càng tốt, dượng khuyến khích mọi người học đại học, rồi cao học, tiến sĩ…nhưng phải tự kiếm việc làm thêm để trang trải chi phí chứ không phải xin tiền cha mẹ. Từ năm hai ĐH, dượng đã tự kiếm tiền để ăn học miết đến tiến sĩ rồi. Dượng thích học lắm. Học để mà biết làm chứ không vì bằng cấp.


Có bạn ngồi đọc những bài như vậy và tặc lưỡi, giá như, giá như, rồi nhắn tin “dượng ơi, dượng đã ở đâu trong suốt 4 năm con học đại học?”. Có bạn đọc được mấy bài truyền cảm hứng, thì cũng háo hức, nhưng được mấy phút thì hết. Có 2 người bạn của Tony, một tốt nghiệp ngoại thương, một kinh tế quốc dân, từng nói là “bọn tôi chỉ ở Hà Nội, hoặc cùng lắm là vào Phú Mỹ Hưng”. Sau đó năm 2007 sạt nghiệp vì chứng khoán, chạy ăn từng bữa. Nghe lời Tony, vượt qua tự kiêu hãnh gì đó không rõ của người thủ đô, 1 bạn về Cà Mau, xin vào phòng xuất khẩu một công ty thủy sản, 1 bạn về Lâm Hà ( Lâm Đồng), xin vào làm kế toán cho 1 nông trường cà phê. Lúc ra đi, bạn bè họp ở cà phê Hàng Mành trề môi khinh bỉ, nói phải đi tha hương cầu thực à, nhục nhỉ. Mới có 7 năm thôi, dù cực khổ vất vả chút, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên 2 bạn ấy tích lũy mua đất nuôi tôm, trồng bơ, …..thành những nông trường lớn. Hôm bữa nhận thiệp mời sinh nhật, thấy ghi “mời Tony đến nhà hàng số….đường Orchard Road,Singapore để dự sinh nhật của bà tôi vào lúc…”. Con cái tụi nó đều học trường quốc tế, mùa thu thì cả gia đình đi châu Âu ngắm lá vàng, mùa hè thì đi câu cá bên bờ biển Caribe, đời sống phong lưu tuyệt đỉnh. Tony nói kẹt tiền là mang lên cho mượn 1 tỷ liền. Đem hết bà con ngoài ấy vào, giờ thành những danh gia vọng tộc. Còn đám bạn có cái - môi - hay- trề hôm bữa, kiên quyết đeo bám 5 cửa ô, ngõ nhỏ - phố nhỏ - tâm hồn nhỏ. Cứ sáng sáng ngồi uống chè, đút 2 cái tay vào đùi, hít hà cãi nhau chuyện cái trứng hay con gà có trước, chuyện gì cũng biết, cũng nói được…nhưng chỉ có làm thì lại không được. Tối tối tự sướng bên đĩa thịt chó và mấy lá mơ lông, nuốt rượu ừng ực trong tiếng chì chiết chuyện tiền nong của vợ con.
 

Có tài năng thật sự là phải sáng tạo ra cái mới, phải tạo ra việc làm cho người khác. Hàn Quốc có 50 triệu dân thôi, mà xe hơi có mấy hãng, điện tử có mấy hãng, xe máy có mấy hãng, mỹ phẩm, hóa dầu, công nghệ…Còn mình tới 90 triệu bộ óc, cũng ô-mê-ga-tê-cộng-phi, cũng sin cũng cos, mà có mỗi chiếc xe máy Made In Vietnam vẫn phải ngồi mơ. Trong khi ai cũng sở hữu 1 chiếc xe máy và ngày nào cũng leo lên nó, nhưng toàn nhãn hiệu Honda, Daelim, Susuki, Yamaha, Lifan, Piaggio,….hẻm thấy xe máy hiệu Cây Dừa, Con Vịt. Toàn giành nhau vào ngồi mấy trường ngoại thương kinh tế bách khoa, tự hào tôi thi 27 điểm, vào trường tốp đầu của Việt Nam, có gì đâu mà tự hào? Cử nhân ngoại thương mà chẳng giúp đất nước tìm kiếm thị trường xuất khẩu gì cả, cứ lo xin vô mấy công ty đa quốc gia làm marketing kiếm tháng mấy trăm đô la. Học cơ khí điện tử mà 5 năm ngồi ghế giảng đường, không có công trình, đề tài gì có thể ứng dụng, cầm cái bằng kỹ sư ấy về nhà nói mẹ cha có quen ai thì xin việc cho con. Rồi xin không được thì ngồi khóc.

Người Nhật phát triển xe máy Honda, sau đó ớn quá đem qua Hàn Quốc, Đài Loan. Người Hàn, người Đài phát triển ngay với thương hiệu Daelim, SYM…Người Nhật phát minh ra bột ngọt Ajinomoto, sau đó đem qua sản xuất ở Hàn, người Hàn, bắt chước tự sản xuất bột ngọt Miwon, người Đài bắt chươc sản xuất bột ngọt Vedan. Người Nhật cũng mang qua Việt Nam, nhưng người Việt không bắt chước xây dựng được nhà máy và thương hiệu nào của mình cả.


Khi Trà Lipton sản xuất ở Srilanka, người Srilanka đã tự mình xây dựng thương hiệu trà Dilmah. Người Phi tự hào vì có Jolibee, Sanmiguel…lừng lẫy. Học tập từ mô hình của nước ngoài, và xây dựng một nền sản xuất Việt, cái gì mình cũng sản xuất được, cũng made in Vietnam. Xã hội nên có những quỹ Hành Bổng bên cạnh mấy cái quỹ Học Bổng. Vì sản xuất là cốt lõi của một nền kinh tế hùng cường.

Và phải đi. Đi du lịch, đi du học, đi đó đi đây, đi tỉnh xa khởi nghiệp. Ngày xưa tụi Tây còn giong buồm bằng vải thô sơ đi ra khơi xa, hải trình đầy bất trắc vì không biết sóng gió thế nào, mua bán giao thương với những con đường tơ lụa. Đến Hội An, bạn sẽ thấy người Hoa, người Nhật, người Hà Lan… đã đến từ mấy trăm năm trước, bằng những chiếc thuyền bé tẹo vượt đại dương. Để gia đình, dân tộc họ giàu có. Còn mình cứ ru rú không dám đi đâu, như đám “gà què ăn quẩn cối xay”, canh me coi có rớt hột thóc nào thì nhặt hột đó. Mà bây giờ, công nghệ xay xát đỉnh cao, dễ gì rớt nhiều như hồi xưa nữa. Đành rằng nó bị què, nó mới kiếm ăn quanh cối thóc, mình lành lặn thể trạng và trí óc, mắc mớ gì suốt ngày cũng quanh quẩn giành thóc với mấy con gà què tội nghiệp vậy?


Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ….hãy còn nhiều cơ hội!

Phải lao ra đồng xa mà bươi đất kiếm ăn, xây dựng những nông trại, những nhà máy mang tên mình. Sống có 1 cuộc đời thôi, sao chết vô danh vậy?

Tony

NHỮNG LOẠI RAU ĐẮT HƠN THỊT ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI TÌM MUA

Có giá từ khoảng 100.000 đồng đến vài trăm đồng một kg nhưng những loại rau này vẫn được nhiều người săn tìm mua để ăn.

Rau ngót rừng

Đây loại rau được bà con người dân tộc trên tỉnh Cao Bằng vào tận rừng hái, khác hoàn toàn với loại rau ngót rừng được người dân trồng.


Loại rau này tuy đắt nhưng vẫn rất hút khách, nhất là giới nhà giàu sành ăn. Nhiều người còn phải đặt trước 2-3 ngày, thậm chí cả tuần mới mua được loại rau này. Rau ngót rừng đắt mấy cũng được lòng khách là vì lạ miệng, chỉ có theo mùa, và ưu điểm lớn là hàng sạch.

Rau ngót rừng đã rất ngon, nhưng hoa của nó còn ngon gấp chục lần. Hoa rau ngót rừng chỉ nở trong vòng một tháng nên có giá rất cao, lại hiếm nhưng nhiều người vẫn săn mua bằng được. Thực tế, hiện nay ở các huyện phía tây Hà Nội có nhiều vùng bà con đã trồng được loại rau này và bán ra khá nhiều nên giá rẻ hơn. Tuy nhiên, loại rau ngót rừng xịn vẫn có giá cao hơn hẳn.

Rau đắng

Nhắc đến rau đắng biển, rau càng cua nhiều người nghĩ ngay đến những món ăn quê quen thuộc dân dã.

Rau đắng biển và rau càng cua được xem là những món “đặc sản” của giới dân quê trước đây và là đặc sản của người dân thành thị hiện nay. Người ta thường bắt gặp những món ăn dân dã với rau đắng như rau đắng sống chấm mắm kho, rau đắng ăn lẩu cá, rau đắng nấu cháo cá, rau đắng nấu canh cá, rau đắng xào…


Theo các tài liệu Y học cổ truyền, rau đắng có tính mát, vị đắng, có khả năng thanh nhiệt tiêu độc, và là “thần dược” để chữa nhiều loại bệnh.

Rau sắng

Rau sắng khá đặc biệt ở chỗ, từ khi trồng đến lúc cho lần thu hoạch đầu tiên mất từ 3 đến 5 năm và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Rau sắng thường mọc trong rừng sâu, trên những vách núi cao. Cây mọc trên vách núi cao thì tuổi đời cây càng cao, chất lượng rau càng ngon ngọt lạ thường.


Theo kinh nghiệm dân gian, rau sắng thường dùng để nấu canh, có thể nấu với xương lợn, thịt lợn, tôm nõn giã nhỏ, thịt gà, cá rô, cá quả… mỗi thứ một vị, đều rất thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của rau sắng.

Rau càng cua

Rau càng cua là loại rau mọng nước có vị ngọt ngọt, the the và đặc biệt có chút nhẫn nhẫn, ăn một lần là nhớ. Theo Đông y, rau càng cua có vị chua, tính sinh miễn dịch, giải nhiệt, nhiều chất bổ.


Rau càng cua thường được dùng để làm các món nộm, chỉ cần rửa sạch rồi trộn cùng dầu giấm ăn kèm trứng luộc cũng đủ làm dậy lên vị ngon của loại rau này.

Thu Hà (Nguồn Suckhoedoisong)

BÀI CA VỌNG CỔ

Một câu chuyện cảm động khác của Tiểu Tử, thật sâu sắc và cảm động:



BÀI CA VỌNG CỔ

Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ như quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khoé môi, mái tóc đã ngả bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước “Cách mạng thành công” và tôi của bây giờ - nghĩa là chỉ sau có mấy năm sống dưới chế độ gọi là ưu việt - thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi... tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!

Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’Ivoire (Phi Châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu tôi cho Công ty Đường mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa. Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái niệm thô sơ về vùng Phi Châu da đen như là: ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v.v… Vì vậy, tôi hơi... ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia...

Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng này toàn rừng là rừng. Không phải là rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mươi, mười lăm thước... coi khô hóc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng, nhưng đồi không cao và trũng không sâu... Nhà nước phá rừng trồng mía. Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v.v.. nằm cách nhau cỡ vài cây số. Muốn về thủ đô Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đất đỏ, mỗi lần máy bay bay lên đáp xuống là bụi bay... đỏ trời!


Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi “làm lại cuộc đời” ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhứt làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể). Ở đây, thiên hạ gọi tôi là “le chinois” - thằng Tàu - Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi ...nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy...

Một hôm, sau hơn tám tháng “ở rừng”, tôi được gọi về Abidjan để họp. (Đây là lần đầu tiên được về thủ đô!). Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa.

Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói:

- Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi tôi mới về.

Ở xứ đen, họ dùng từ “Patron” để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v.v... Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết.

Tôi nói:

- Về đi! Đâu cần phải đợi!

Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng toát:

- Tại Patron không biết chớ ở đây lâu lâu họ lại hủy chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.

Rồi hắn đi ra xe. Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh: hành khách khá đông, nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly v.v... Không phải họ không biết gởi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gửi đã đủ số ký-lô giành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ ...xách tay, cho dầu là nhiều món vừa nặng vừa cồng kềnh!

Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim...

Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy”. Rồi lại nhắm mắt lim dim... Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”: “Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng... đang vươn lên ngọn khói... á... lam... à... chiều...”


Đúng rồi ! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngoài kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá ! Người đen đâu có năm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển... họ cũng ít dùng nữa.

Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là loại võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hoà hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:

- Bonjour!

Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói “Bonjour”. Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Anh hát cái gì vậy?

Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp.

- Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là le chinois làm việc cho hãng đường ở Borotou không?

Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.

Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:

- Trời ơi! ...Bác là người Việt Nam hả?

Rồi hắn vỗ lên ngực:

-Con cũng là người Việt Nam nè!

Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt...

Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:

- Trời ơi!... Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!... Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt... con mừng “hết lớn” bác à!

Rồi hắn kéo tôi lại võng:

- Bác nằm đi! Nằm đi!

Hắn lại đống gạch “bờ-lóc” gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:

- Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu đợi tới bây giờ...


Hắn móc gói thuốc, rút lòi ra một điếu, rồi đưa mời tôi:

- Mời bác hút với con một điếu.

Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một “cái gì” rất Việt Nam.

Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:

- Bộ bác nhìn ra nó rồi hả?

Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:

- Của ông ngoại con cho đó! Ổng cho, hồi ổng còn sống lận.

Rồi hắn bật cười:

- Hồi đó ổng gọi con bằng “thằng Lọ Nồi”.

Ngừng một chút rồi tiếp:

- Vậy mà ổng thương con lắm à bác!

Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm... Tôi nói:

- Vậy là cháu lai Việt Nam à?

- Dạ. Má con quê ở Nha Trang.

- Rồi má cháu bây giờ ở đâu?

Giọng của hắn như nghẹn lại:

- Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi Việt cộng vô năm 1975.

- Còn ba của cháu?

- Ổng hiện ở Paris. Tụi này nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!

Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi môi dầy...

Tôi chợt nói, nói một cách máy móc:

- Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!

Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:

- Có chớ bác. Con có lai chớ bác.

Hắn xoè hai tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:

- Bên nội của con là nằm ở bên ngoài đây nè.

Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim:

- Còn bên ngoại của con, nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.

Bỗng giọng hắn nghẹn lại:

- Con lai Việt nam chớ bác!


Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt tôi, một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vói tay vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:

- Ô! Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy...

Hắn mỉm cười:

- Ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?

Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:

- Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người giống mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là Trời còn thương con quá!

Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng...

Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:

- Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài “Đường về quê ngoại” đó bác.

- Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.

Giọng nói của hắn bỗng như hăng lên:

- Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.

- Bác cũng vậy.

Tôi nói, mà thầm phục sự sâu sắc của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau...

Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:

- Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.

Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:

- Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết “Jean le vietnamien” hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.

Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ, rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:

- Ghé con nghe bác... Ghé con...

Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật gật đầu, vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con...


Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vội vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho “thằng Jean le vietnamien”. Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ...

...Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến “thằng Jean” rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!

* * *

Bây giờ, viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi:

“Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam?”

“Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó?”


Tiểu Tử
(Trích tập truyện “Bài Ca Vọng Cổ”, 2006)

Sunday, April 29, 2018

THUỐC BỔ TỪ MĂNG

Nhiều người cho rằng, ăn măng chẳng tác dụng gì, thậm chí còn độc hại, thực tế lại hoàn toàn ngược lại nếu biết những thông tin dưới đây.


Măng là mầm non của tre, nứa, được gọi bằng nhiều tên khác nhau như duẩn, mao duẩn, trúc duẩn, trúc nha... Nhiều nước ở phương Đông măng được xem là một trong những loại thực phẩm thông dụng được yêu thích.

Dinh dưỡng từ măng

Trước đây, có quan niệm cho rằng măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí không ít người nghĩ rằng ăn nhiều măng sẽ “hại máu”. Ở nước ta, măng cũng là một nguyên liệu được dùng để chế biến nhiều món ăn như: măng xào, nộm măng, măng nấu với thịt, cá, ếch… đều ngon. Trong các bữa cơm chay, măng lại càng là món ăn chủ đạo. Trước đây, nhiều nơi thiếu lương thực còn lấy măng ăn thay cơm, điều đó cho thấy chất dinh dưỡng trong măng rất phong phú.

Về giá trị dinh dưỡng của măng tươi cũng tương tự như rau tươi, nhưng măng có nhiều chất xơ hơn rau và măng càng già tỷ lệ chất xơ càng cao, cứng hơn và khó tiêu hơn. Măng khô, do phơi khô bớt nước nên tỷ lệ các chất dinh dưỡng cũng cao hẳn lên. Có nhiều loại măng khác nhau, tuỳ theo nguồn gốc có măng tre, măng vầu, măng nứa, măng giang..., tuỳ theo hàm lượng nước chứa trong thành phần mà người ta làm măng khô, măng tươi, tuỳ theo cách chế biến có măng luộc, măng xào, măng hầm, măng chua, măng ớt... phù hợp với khẩu vị của từng vùng, miền.


Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong măng có chứa các loại đường, mỡ, protein và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như sắt, can-xi… trong đó protein có chứa ít nhất 18 loại axit amin có thành phần khác nhau. Chất cenllulose có nhiều trong măng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, chống bệnh máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, béo phì, trĩ, đái đường, ung thư hay bệnh vành tim. Vì cenllulose có khả năng làm giảm sự hấp thụ mỡ, tăng cường hoạt động của nhu động ruột, thúc đẩy sự bài tiết. Ngoài ra, với hàm lượng Mg khá phong phú và một loại đường đa có trong thành phần khiến măng có khả năng nhất định trong việc phòng ung, kháng ung và được coi là một trong những thực phẩm chống ung thư.

Măng làm thuốc

Theo dinh dưỡng y học cổ truyền, măng có vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng, phù thũng do viêm thận, do suy tim và thiểu dưỡng, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao phiền khát, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông...


Chữa ho đàm nhiệt: Măng tươi 60g, luộc chín, thái miếng rồi đem xào với gừng tươi thái chỉ và dầu vừng, chế đủ gia vị, ăn nóng sẽ giúp ho do đàm nhiệt thuyên giảm, lồng ngực bớt đầy tức khó chịu. Hoặc Măng tre 20g, chua me đất 20g, rễ dâu (cạo vỏ, tẩm mật, sao vàng) 10g, gừng tươi 8g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm một chút đường hoặc mật ong, hấp cơm rồi cho uống, ho do phong nhiệt dần sẽ khỏi.

Chữa táo bón do nhiệt: Măng tươi 60g, luộc chín, thái miếng, đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Chữa mụn đầu đinh: Măng mới nhú ra khỏi mặt đất 20g, bồ công anh 10g, gừng tươi 5g, tất cả rửa sạch, thái vụn, sắc với 2 bát nước lấy 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.

Chữa hen phế quản: Măng tre 40g, ốc sên 2 con (loại có vỏ to, màu vàng nâu, miệng không có vảy); ốc đem đập vỏ, bỏ nội tạng chỉ lấy thịt, sát với phèn chua, rửa sạch cho hết nhớt, nướng vàng, cho vào nồi đun lấy nước đặc ; măng tre giã nát ép lấy nước rồi hòa với nước ốc cho uống, dùng liên tục cho đến khi bệnh ổn định.


Chữa sởi, thủy đậu: Măng tươi, cá diếc, gừng tươi, hạt tiêu lượng vừa đủ và một chút rượu vang. Cá diếc làm sạch, măng rửa sạch thái miếng, gừng tươi thái chỉ, tất cả cho vào nồi đun chín, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Trẻ bị sởi, thủy đậu ở giai đoạn đầu chữa sởi sẽ nhanh khỏi, người lớn bị táo bón ăn vào sẽ nhanh tiêu.
Tuy được sử dụng phổ biến nhưng măng chứa nhiều chất glycocid có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric gây độc hại cho cơ thể khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng chúng ta có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:
- Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến.
- Măng tươi luộc đi luộc lại khoảng 2 - 3 lần rồi xả lại bằng nước sạch.
- Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa, lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch.
- Măng khô lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt. Muối măng chua cũng là một biện pháp là giảm tính độc của măng.­­
Hồng Nhung

CUỘC SỐNG VÀ NHỮNG VA ĐẬP

Hãy nghe một viên sỏi kể về nguồn gốc của mình: “Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đăng đẳng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối.


Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ”.

Bạn nghĩ gì khi nghe câu chuyện trên? Cảm thấy lý thú với chuyến đi của hòn sỏi hay xúc động trước ánh mắt lạc quan của nó đối với cuộc đời đầy biến động? Đã bao giờ bạn thấy được rằng chính những chông gai mới tạo nên những hình hài đẹp và ấn tượng, dù là hình hài được tạo bởi chính những vết thương và sự đớn đau?

Có thể là bạn, có thể là tôi, cuộc sống chẳng bao giờ chỉ mang đến nỗi đau, cũng chẳng bao giờ chỉ mang đến niềm hạnh phúc. Vượt qua được gian khổ, vượt qua những cuộc thử thách, vượt qua được những nỗi đau là bạn đã tự làm hoàn thiện chân dung mình.



Cuộc sống là vô vàn những điều biến động. Vì vậy, cho dù trong khó khăn hay trong hạnh phúc, cũng mong bạn luôn nhớ cuộc hành trình của hòn sỏi để sống tự tin hơn, để mang những yêu thương xoa dịu và làm lành những vết thương. Sự va đập của cuộc sống chẳng có gì đáng sợ đâu bạn ạ!

Theo Inspirational

CHU TRANG (周莊)


Chu Trang (chữ Hán giản thể: 周庄) là một thị trấn thuộc địa cấp thị Côn Sơn, Trung Quốc. Chu Trang cách Tô Châu 30 km về phía đông nam. Thị trấn này nổi tiếng với cảnh phố xá xen lẫn với phố cổ có 900 năm lịch sử với các con sông, suối, kênh xen lẫn phố xá. Thị trấn Chu Trang được mệnh danh là Venice của phương Đông. Năm 2003, Chu Trang đã được công nhận là Trấn văn hóa lịch sử Trung Quốc.

Chu Trang, Venice của phương Đông

Là điểm du lịch được xếp hạng cao nhất ở Trung Quốc, Chu Trang nổi bật với nét đẹp cổ kính và nên thơ của những con sông bao quanh thị trấn.

Chu Trang (Zhouzhuang) là thị trấn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Trung Hoa, thuộc thành phố Côn Sơn, cách Tô Châu 30 km về phía đông nam và cách Thượng Hải 60 km về phía tây nam.

Cảnh đẹp như tranh vẽ đã thu hút một triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Cổng chính vào khu du lịch văn hóa.

Các cửa hàng, quán xá dọc theo các con đường lát đá trong thị trấn mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa.

Rặng liễu bên bờ xõa những mái tóc dài soi bóng xuống các dòng kênh.

Cây cầu đôi (cầu Shide và cầu Yongan) nổi tiếng từ thế kỷ 16 là biểu tượng của Chu Trang.

Fuan là một trong những cây cầu cổ nhất của Chu Trang từ thế kỷ 14 với kiểu kiến trúc vòm càng làm nên nét cổ kính.

Chu Trang được bảo tồn để gìn giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra hàng ngày.

Toàn bộ khuôn viên Đền Quanfu trong thị trấn Chu Trang.

Những chiếc dải đỏ được người dân treo lên cây trước cửa chùa mong cầu bình an và may mắn.

Hồ cá chép trong thị trấn.

Cá đớp mồi làm đỏ cả mặt nước.

Phiên chợ sáng của người dân thị trấn Chu Trang.

Du khách có thể mua các sản phẩm lưu niệm trong các cửa hàng nhỏ quanh thị trấn về làm quà cho gia đình và người thân.

Sân khấu biểu diễn kinh kịch, loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của Trung Quốc.

Diễn viên kinh kịch đang biểu diễn.

Cây cầu mới xây nối liền thị trấn cổ Chu Trang với khu đô thị mới.

Bài và ảnh: TADO


HÃY ĐỂ 30/4 NHƯ MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG

Ngày 30/4 được tác giả liên hệ với những ký ức trong gia đình, lớp người đi trước, bạn bè và bản thân thuộc thế hệ 9X.(Ành: Vietnam Archives Image caption)

Tôi sinh ra và lớn lên sau gần 20 năm đất nước được “giải phóng”.

Hầu như chỉ nghe bà nội kể và nhà trường rao giảng: “30/4 là ngày giải phóng đất nước khỏi Đế quốc Mỹ xâm lược”.

Thế nhưng nhiều người mà tôi tiếp xúc lại có cái nhìn khác về cái ngày này.

Sinh trưởng trong một gia đình hậu duệ cộng sản, bố mẹ tôi được coi như những “hạt giống đỏ” vì ông bà nội ngoại đều là những công thần chế độ.

Ông nội của tôi từng giữ hàm viện trưởng (tương đương chức thứ trưởng lúc bấy giờ). Ông ngoại của tôi từng cai quản cả một bệnh viện lớn ở Hà Nội thời kỳ “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Bố mẹ của tôi không những thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa xã hội từ bé, mà còn được học hành đến nơi đến chốn.
Nếu ngày 30/4 không xảy ra, có lẽ bây giờ Sài Gòn là Singapore của Châu Á rồi, chúng ta không phải đi du học đâu xa, cứ vào miền Nam mà học, tiền Việt sẽ có giá trị hơn. (Cô giáo cũ của tác giả)
Với những thế hệ đi trước

Nay tôi xin nói về 30/4 với những thế hệ đi trước.

Hồi nhỏ, khi đi học những trường chuyên lớp chọn ở Hà Nội, chúng tôi đã được ‘quán triệt’ tư tưởng “30/4 là ngày giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của Đế quốc Mỹ, chúng ta phải tự hào vì là dân tộc duy nhất trên thế giới đánh thắng Đế quốc Mỹ”.

Khi về nhà, tôi hỏi bố tôi có thấy tự hào khi đánh thắng Đế quốc Mỹ không, bố tôi chỉ lẳng lặng trả lời ”Khi nào con lớn sẽ hiểu”. Bản thân bố tôi từng làm nghiên cứu sinh và làm việc tại Warsaw, Ba Lan những năm 1990. Có lẽ khoảng thời gian đó bố có cơ hội được tiếp xúc với mặt trái của chủ nghĩa xã hội.

Tôi từng hỏi bà nội: “30/4 là ngày gì mà nhiều chương trình văn nghệ thế ạ?” Bà từng trả lời với giọng đầy hả hê: “Là ngày đất nước giải phóng khỏi tay Mỹ-Diệm”.

Dạo gần đây, khi về Việt Nam, cũng với câu hỏi đó và bà chỉ xua tay đáp “Buồn lắm cháu ạ”. Tôi cũng dần hiểu thế nào là buồn, một con người dành cả đời vì lý tưởng cộng sản mà.

Mẹ tôi kể rằng, anh họ của mẹ từng giữ chức phó giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Sài Gòn trước năm 1975.

Sài Gòn trước 1975 từng là một đô thị phát triển nổi bật ở trong khu vực, nhất là trong thương mại, kinh tế thị trường.(Ảnh: Saigoneer.Com Image caption)

Sau ngày 30/4, bác ra Hà Nội ăn giỗ, bị anh ruột của mẹ tôi (đến khi nghỉ hưu giữ hàm đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ghẻ lạnh và coi thường ra mặt đến nỗi không thèm ngồi cùng mâm cỗ. Giọng kể của mẹ có chín phần là thương xót cho anh họ, mười phần là không hài lòng với cách hành xử của anh ruột.

Hồi tôi học cấp ba, trong một tiết học văn sát ngày 30/4, cô giáo bảo các bạn đóng cửa lại và tâm sự: “Nếu ngày 30/4 không xảy ra, có lẽ bây giờ Sài Gòn là Singapore của Châu Á rồi, chúng ta không phải đi du học đâu xa, cứ vào miền Nam mà học, tiền Việt sẽ có giá trị hơn, tiếng Việt sẽ được dạy ở nhiều nơi, văn hóa Việt sẽ vang danh bốn phương gấp nhiều lần, và văn hóa K-pop (nhạc Hàn Quốc) sẽ không thể lấn át thế hệ Việt trẻ như ngày hôm nay”.
Hình như 30/4 bây giờ chỉ còn là cái ngày mà new feed (một chức năng theo dõi người dùng trên Facebook) của tôi hiện toàn ảnh đi chơi, ăn uống, và cờ đỏ sao vàng nay còn đâu. - Johnny Phạm
Với những 9x bạn tôi

Còn ngày 30/4 với những bạn bè thế hệ 9x của tôi, tức là thế hệ được sinh ra trong thập niên 1990, thì sao?

Hồi tôi mới sang Anh du học, vào cái ngày 30/4 đầu tiên xa gia đình, tôi thấy bạn bè Việt Nam đồng loạt thay ảnh cá nhân (trên Facebook) bằng cờ đỏ sao vàng.

Sau hai năm, hình như 30/4 bây giờ chỉ còn là cái ngày mà news feed (một chức năng theo dõi người dùng trên Facebook) của tôi hiện toàn ảnh đi chơi, ăn uống, và cờ đỏ sao vàng nay còn đâu.

Có lẽ đối với chúng tôi, 30/4 giống như một ngày thống nhất về mặt địa lý chứ không còn là giải phóng đất nước.

Quan điểm này có thể không đúng với các bạn ở miền Bắc, nhưng ở miền Nam hình như nó đang càng ngày càng rõ ràng hơn.

Nhiều bạn trẻ đang tranh đấu cho một đất nước với những quyền căn bản của công dân: Phản biện nhà nước.

Còn với tôi…?

30/4 là “ngày giải phóng đất nước” ư, vậy sao người dân Việt Nam vẫn khổ thế?

Ở trong nước hình như người dân không còn tính người trong cụm từ ‘con người’.

30/4 là một dịp 'ăn nhậu', 'xả hơi' với nhiều người, trong đó có giới trẻ ở Việt Nam, theo tác giả.(Ảnh: Facebook Image caption)

Ông cưỡng hiếp cháu, nạn đánh chó tàn nhẫn lên hết các mặt báo thế giới, chồng đánh vợ tàn bạo, môi trường ô nhiễm cực độ, tắc đường không lối thoát tại các thành phố lớn, hối lộ tràn lan từ trên xuống dưới, thực phẩm bẩn ngay tại thủ đô, lòng dân oán hận từ ngay trong mỗi bữa cơm tối… là những thứ mà tôi thấy.

Hãy là ngày bình thường

30/4 là ngày “giải phóng đất nước” sao một bộ phận người Việt vẫn phải bươn chải tại nơi xứ người?

Ở hải ngoại, với những nước châu Âu mà tôi đã từng học tập đặc biệt là Anh Quốc, hình như ở London người Việt nổi tiếng nhất là trồng cần sa, sau đó làm nail, và cuối cùng quán ăn. Khi nói về Việt Nam, liên tưởng của lái xe taxi Anh: Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War).

Một người bạn Ấn Độ của tôi kể về ấn tượng đầu tiên khi nghe hai chữ Việt Nam: “Đất nước các bạn rất nổi tiếng với món thịt chó” (đây là con vật biểu tượng của sự trung thành).

Còn thầy giáo người Anh của tôi (từng dạy học tại Apollo, Việt Nam) thổ lộ: “Lý do tôi không muốn lập nghiệp tại Việt Nam vì tham nhũng Việt Nam quá tràn lan, không hối lộ thì không làm được việc. Mà đối với người Anh, hối hộ là phạm pháp dù anh sống ở đâu”.
Hãy để nó trôi đi như bao ngày bình dị khác, xin các thế hệ đi trước đừng khoác lên cho nó một cái ngày “Quốc Tang” hay “Giải Phóng”. Vì thế hệ trẻ cần một sự kiến tạo chứ không phải một di sản tang thương. - Johnny Phạm
Khi tôi sang Pháp học, một anh chàng người Hoa kể: “Rất nhiều phụ nữ Việt sang miền nam Trung Quốc lấy chồng, mà những mười ông chồng lấy một bà vợ Việt”.

Bây giờ thay lời kết, tôi nghĩ rằng có lẽ 30/4 hãy nên là một ngày bình thường như bao ngày.

Không kèn trống, không văn nghệ, hãy để nó trôi đi như bao ngày bình dị khác. Xin các thế hệ đi trước đừng khoác lên cho nó một cái ngày “Quốc Tang” hay “Giải Phóng”. Vì thế hệ trẻ cần một sự kiến tạo chứ không phải một di sản tang thương.

Hỡi ôi 30/4!

Johnny Phạm
Gửi cho BBC từ Anh quốc

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một sinh viên Việt Nam đang học tập tại Châu Âu. Bài được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975.


VỀ CHÂU THÀNH ĐI SUỐT KHÚC DÂN CA

Nói trước tôi chưa cảm được ca cổ nhiều nhưng đôi khi nghe cũng thấy chút bồi hồi. Hôm nay tôi tiếp tục xem chương trình "Hát Mãi Ước Mơ" mới nhưng là một chương trình đặc biệt về ca cổ. Tôi định chuyển sang clip khác, nghĩ lại cũng thử xem vì lâu lắm không nghe qua. Một bài hát làm tôi cảm động vì lời bài hát là cả một bài dân ca nói về miền quê hương Cần Thơ - Hậu Giang của tôi. Bài hát có cái tưa là "Về Châu thành đi suốt khúc dân ca" do soạn giả Ngô Hồng Khanh viết. Em gái dự thi thua cuộc ở vòng 2 nhưng bài hát cũng được trình diễn rất hay.



Lên mạng tìm thật lâu mà không có lời bài hát, xin ghi lại mấy câu mà tôi nghe loáng thoáng và mời các bạn nghe bài hát:


"Hò.. ơ...Ai đến Cái Răng, ai về Ba Láng
Chiều vô Vàm Xáng, mưa trắng Bảy Ngàn
Xuồng ai ngược xuôi chở chuối mật cam vàng.
Chớ xuồng em chỉ chở...hò.. ơ...
Chớ xuồng em chỉ chở...vầng trăng Phong Điền.."


Saturday, April 28, 2018

CHỒNG ƠI, BỚT "KHÔN NHÀ DẠI CHỢ" CHO VỢ NHỜ!

Tôi nói thế chẳng phải là “vơ đũa cả nắm” nhưng… nói thật, đàn ông, phần nhiều thường rất hay “khôn nhà dại chợ”.



Đi thì thôi, cứ về đến nhà là các anh nằm dài ra, kêu than đủ kiểu. Nào là mệt lắm, đau đầu lắm, mỏi lưng lắm… Thế mà chỉ cần điện thoại kêu “tít tít”, bạn bè “A lô” một cái là phi ngay ra cửa. 11-12h đêm cũng đi, mưa cũng đi, bão cũng đi.

Thế chẳng phải khôn nhà dại chợ là gì?

Vợ ốm cả tuần chả thấy anh có động tĩnh gì. Thấy vợ ho muốn long cổ họng ra thì anh vô tư hỏi một cách rất ngơ ngác “Ơ, thế mẹ nó bệnh à”. Ơ thế anh tưởng vợ anh là trâu bò à, hay anh tưởng chỉ mình anh đi làm mới biết mệt? Vợ anh cũng đi làm như anh, đã thế về nhà lại còn lao vào nhà cửa, cơm nước, con cái…việc này việc nọ, việc xọ việc kia…việc gì cũng đến tay. Thế mà chưa ốm nằm viện là còn may đấy.

Vợ ở nhà ốm đau thế nào anh cũng chả biết, mà đồng nghiệp mới sụt sịt mũi tí đã thấy anh hỏi han ân cần. Mẹ sếp bệnh anh cũng sốt sắng vào viện thăm hỏi, quà cáp chu đáo.


Đi ra ngoài thì các anh ăn nói sao mà duyên dáng, hài hước thế. Nhất là nói chuyện với chị em phụ nữ thì ngọt ngào cứ gọi là “lọt tới xương”, câu nào cũng anh anh em em ngọt xớt, nói chuyện sao mà thấu lí đạt tình, văn hoa, lịch thiệp. Các em cứ gọi là mắt long lanh, miệng chớp chớp, ngưỡng mộ “sao anh nói chuyện có duyên thế”.

Ấy vậy mà về đến nhà thì anh im thin thít, chả thèm nói với vợ dăm câu gọi là, có chăng thì cũng được vài câu “ừ, hử”, không đầu, không cuối, không chủ (ngữ), không vị (ngữ).

Ra đường thì anh luôn sẵn lòng lắng nghe người khác tâm sự, chuyện nhạt như nước ao của người dưng, thiên hạ, tận đẩu tận đâu anh cũng lắng nghe chăm chú rồi ý kiến ý cò kinh lắm. Thế mà về nhà, vợ mới mở miệng nói được vài câu thì các anh rên rĩ “giồi ôi, sao nói gì mà nói lắm thế”, hay lại “gớm, chuyện đàn bà, có thế mà cũng kể, thôi, yên lặng, trật tự cho tôi…chơi game cái nào!

Hôm nào lĩnh lương, vợ mua ít đồ ăn ngon về để cả nhà ăn tươi một bữa. Thế mà nấu xong, con cái chưa được miếng nào đã thấy bố “A lô, chú T hả, sang nhà anh làm ly rượu cái nhỉ, có ít mồi ngon đây này”. Thế là con cái thay vì được một bữa no nê, thoải mái, ngon lành thì lại phải ăn uống ý tứ, bóp mồm bóp miệng, để dành mồi cho bố mời bạn nhậu.


Lại có anh, ra ngoài với bạn bè thì rất thoáng nhưng về nhà thì tính toán chi ly từng đồng, từng hào với vợ con. Ở nhà thì các anh thậm thụt quỹ đen, quỹ đỏ. Lễ lạt cũng chẳng mua tặng vợ được cái gì. Vợ tủi thân trách thì anh bảo “Ôi giời, vợ chồng rồi lại cứ vẽ, phải tiết kiệm tiền chứ, còn bao nhiêu thứ phải tiêu”. Lâu lâu con nó mà mở miệng xin bố tiền mua sách vở hay đồ chơi gì là anh càu nhàu, anh mắng mỏ. Nhìn bộ dạng thằng bé tiu nghỉu đến là tội nghiệp.

Thế mà ra ngoài, đi cà phê, cà pháo hay tụ tập bạn bè ăn nhậu, đến lúc trả tiền thì anh đứng lên giành trả cho bằng được. Vợ ý kiến thì anh gắt gỏng “Sao cô ích kỉ thế, cô cấm tôi có bạn bè à?”

Ở nhà vợ nấu nướng cơm ngon canh ngọt ngày 3 bữa, giặt giũ, hầu hạ đến tận răng thì chả thấy anh mở miệng nói được 1 câu cảm ơn. Ngược lại anh coi đó như là nghĩa vụ, là việc đương nhiên phải làm của vợ. Còn ra đường thì, người ta đưa cho anh quyển số, cây bút anh cũng cám ơn rối rít. 


Đấy chỉ mới là một vài ví dụ điển hình của một ông chồng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Bản tính của đàn ông là ưa sĩ diện, trọng danh dự. Bởi vậy nên lúc nào ra ngoài cũng thích thể hiện, thích chứng tỏ để được người khác ca ngợi, ngưỡng mộ. Nhưng về nhà với vợ con thì thay đổi chóng mặt, bởi lẽ trước mặt vợ con thì chả ông nào cần “làm màu” làm gì nữa. Những người đàn ông thuộc kiểu “khôn nhà dại chợ” thì thường đi kèm theo là tính vô tâm. Và những người như thế, dù có nhận bao lời khen ngợi, tìm được bao niềm vui bên ngoài, thì nguy cơ đánh mất mái ấm của mình là rất cao…

(Theo Webtretho)

Ghi chú: Đọc xong bài này, tôi thấy dường như tôi đang bị chửi đó. Xin lỗi vợ. (LKH)


TUÂN TỬ: "NHÂN TƯỚNG HỌC, CỔ NHÂN CHẲNG LÀM THẾ"

Nhân tướng học không thể thay thế cho thiện tâm của con người. Người làm nhiều việc thiện thì cho dù là tướng xấu cũng trở thành tướng tốt, bạn bè lương thiện tự nhiên sẽ đến gần, và những việc tốt cũng sẽ tự nhiên tìm tới.



Trong cuốn “Phi Tương”(非相), Tuân Tử viết:

“Tướng nhân, cổ chi nhân vô hữu dã, học giả bất đạo dã”.
(相人, 古之人無有也, 學者不道也)

Có nghĩa là: Xem mặt người để đoán định tướng số, người xưa chẳng làm thế, người có học thức thời nay cũng không đàm luận.

Người xưa có câu rằng: ”Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, có nghĩa là phúc họa không có cửa, chỉ là do con người tự mình tìm đến mà thôi. Bên cạnh số mệnh vốn là điều khó có thể xét đoán, thì sự tốt xấu của cuộc sống là do chính tâm thái của chúng ta. Đó không phải là điều mà vẻ đẹp hình thức, hay vẻ đẹp nhân tướng, có thể thay thế được.


Nếu như thường xuyên làm điều tốt, giúp đỡ người khác, giữ cho mình một suy nghĩ tích cực, trong lòng không nghĩ đến điều sai quấy, thì tự nhiên vận tốt sẽ đến bên mình, hoặc chí ít thì cũng không có vận xấu đeo đuổi. Còn nếu một người thường xuyên làm chuyện ác, lòng dạ bất chính, thì vận xấu đương nhiên không mời cũng tới, có tránh cũng không thoát được.

Chính vì thế, thay vì để ý tới nhân tướng học của bản thân, hãy tự xét mình xem trong quá khứ có dùng thái độ không tốt để đối nhân xử thế hay không? Có vô tình hay hữu ý lừa gạt người khác hay không? Có đùn đẩy trách nhiệm hay cho rằng việc không liên quan đến mình hay không? Những chuyện gây tổn hại cho người khác như vậy dù lớn hay nhỏ thì đều không nên làm.

Thời xưa, những điều liên quan đến vận mệnh của người ta như nhân tướng học, phong thủy, thuật số, v.v. đều do những bậc cao nhân đức độ đảm trách. Thông qua hình thức tín ngưỡng tâm linh đó mà có ý khuyên bảo con người làm điều ngay, theo lẽ phải, chứ không phải là chạy theo cái vỏ bề ngoài. Nhưng trong quá trình truyền thừa mấy nghìn năm, thế hệ sau này càng ngày càng coi trọng truy cầu vật chất mà lãng quên giá trị tinh thần chân chính của chúng.


Người có tướng mạo xấu nhưng hành vi ngay thẳng, quang minh chính đại, thì dù khi mới quen có thể không có ấn tượng tốt, nhưng càng tiếp xúc nhiều sẽ càng cuốn hút người ta. Người có tướng mạo đẹp đương nhiên sẽ tạo thiện cảm lúc mới gặp, nhưng nếu lòng dạ hẹp hòi thì chẳng mấy mà bị nhận ra, mà bị xa lánh.

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, người lương thiện đương nhiên sẽ thu hút nhiều bạn bè lương thiện. Người có thiện tâm thì cho dù là tướng xấu cũng trở thành tướng tốt, bạn bè tốt tự nhiên sẽ đến gần, và những việc tốt cũng sẽ tự nhiên tìm tới.

Quang Minh tổng hợp