Wednesday, April 25, 2018

SONG THỦ HỖ BÁC (雙手互搏)

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung dưới góc nhìn khoa học

Châu Bá Thông - Tả Hữu Hỗ Bác Ứng Dụng Pháp.
Trong Anh hùng xạ điêu, Kim Dung đã tạo cho nhân vật Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông một loại võ công kỳ lạ là “Song thủ hỗ bác” - phân tâm để làm hai công việc cùng lúc, chẳng hạn ta có thể cùng lúc tay trái vẽ vòng tròn, tay phải vẽ hình vuông. Điều này thực tế có thể xảy ra được không?

Anh hùng xạ điêu kể lại rằng trong 15 năm trời bị Đông Tà Hoàng Dược sư giam trong thạch động ở đảo Đào Hoa, để giải trí, Châu Bá Thông đã sáng chế ra võ công “Song thủ hỗ bác”: dùng một tay tự đánh mình và tay kia đỡ. Khi giao chiến với địch thủ, “Song thủ hỗ bác” hoá thành thế “Phân thân hợp kích” hay “Phân thân song kích”, hai tay xuất chiêu giống như hai người chọi một vậy.


Theo Kim Dung, không phải ai cũng luyện được môn võ công này, những người càng thông minh, càng cơ trí, càng không thể lĩnh hội “Song thủ hỗ bác”. Trong truyện, Hoàng Dung là người cực kỳ thông minh, văn võ song toàn nhưng Châu Bá Thông dạy mãi mà chỉ bài tập đầu là hai tay vẽ hai hình khác nhau vẫn không học được. Chỉ những người tâm trong sạch, thật thà chất phác, không chút thị phi như Châu Bá Thông, Quách Tỉnh và Tiểu Long Nữ mới luyện thành môn võ công kỳ lạ này. Tất nhiên công dụng của “Song thủ hỗ bác” là rất lớn. Tiểu Long Nữ khi luyện thành công, tay phải sử dụng “Ngọc Nữ kiếm pháp”, tay trái sử dụng “Toàn Châu kiếm pháp” tạo thành “Song kiếm hợp bích”, một mình đại náo Trùng Dương Cung của Toàn Chân Giáo ở núi Chung Nam, địch cả hàng trăm cao thủ.

Điểm căn bản trong võ công “Song thủ hỗ bác” được gọi là "phân tâm nhị dụng" - phân tâm để làm hai công việc cùng lúc. Thực chất, nó là hiện tượng hưng phấn xuất hiện đồng thời ở cả hai bán cầu đại não, và hoàn toàn có thể trở thành thực tế.

Theo giải phẫu và sinh lý học của con người, cử động có ý thức của tay trái là do bán cầu đại não bên phải quyết định và ngược lại, cử động có ý thức của tay phải là do bán cầu đại não trái quyết định. Khi tay trái thực hiện vẽ vòng tròn thì tay phải cũng có hành động tương tự. Điều này xảy ra do có sự liên lạc giữa hai bán cầu đại não. Đây chính là nhờ chức năng của thể chai.

Lão Ngoan Đồng dạy Tiểu Long Nữ "Song thủ hỗ bác".
Thể chai (corpus callosum) là phần chất trắng, trên thiết đồ đứng dọc giữa não có kích thước dài 8 cm, dày 1cm, rộng 1 cm ở phía trước và 2 cm ở phía sau. Thể chai được tạo nên bởi các sợi thần kinh nối liền hai bán cầu đại não với nhau, đồng thời nối những phần cùng tên của hai vỏ bán cầu đại não. Toàn bộ vỏ đại não là hệ thống liên hợp rộng rãi, nhờ đó mà hình thành các khả năng trí tuệ, ý thức, ngôn ngữ, chữ viết. Nhờ có thể chai mà hai bán cầu đại não có thể liên lạc và phối hợp với nhau. Khi tay trái ta vẽ hình tròn thì nhóm thần kinh từ bán cầu đại não phải truyền sang điểm tương ứng của bán cầu đại não trái làm cho tay phải nếu thực hiện cùng lúc cũng sẽ có khuynh hướng vẽ hình tròn. Khi thể chai bị tổn thương hay bị cắt đứt thì hai bán cầu não sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập, không bị chi phối lẫn nhau, như vậy hai tay mới có thể hoạt động cùng lúc khác nhau được.

Tuy nhiên điều này không đơn giản như vậy. Bán cầu não trái có chức năng nhận thức lời nói (vùng Wernicke) còn bán cầu não phải có chức năng hiểu chữ viết. Do đó, khi thể chai bị cắt đứt, muốn tay phải vẽ hình tròn thì cần được ra lệnh bằng lời nói và tay trái phải ra lệnh bằng chữ viết.


Vậy có phải ai luyện được "Song thủ hỗ bác" đều bị tổn thương thể chai? Không hẳn vậy, theo quan điểm sinh lý - thần kinh học, người bình thường cũng có thể luyện thành công qua khổ luyện chứ không chỉ riêng những người chất phác thật thà mới luyện được.

Tuy nhiên, Kim Dung có lý khi cho rằng môn võ công này phụ thuộc vào bản chất mỗi người, bởi đây là quá trình luyện tập hết sức phức tạp và lâu dài nhằm tạo hai điểm hưng phấn cùng lúc trên hai bán cầu đại não. Vỏ não sẽ xuất hiện điểm hưng phấn lan toả, khuếch tán ra xung quanh và các điểm quanh đó sẽ xuất hiện quá trình ức chế. Đó là hiện tượng cảm ứng vỏ não. Các quá trình khuếch tán, tập trung hưng phấn và ức chế diễn ra liên tục trên vỏ não, chúng gặp nhau, tổ chức lại, hệ thống hoá thành một hệ thống động học liên tục không ngừng khi cơ thể ta đang sống. Nếu cùng lúc bán cầu đại não bên kia cũng đang ra lệnh tập luyện thì điểm hưng phấn nơi ấy sẽ theo thể chai truyền sang điểm tương ứng của bán cầu đại não bên này và ức chế luồng dẫn truyền thần kinh này. Kết quả là hai bán cầu đại não đều có hai điểm hưng phấn cùng lúc và độc lập với nhau và hai tay có thể thực hiện hai động tác khác nhau cùng lúc. Người luyện đòi hỏi tâm phải tĩnh lặng, không sử dụng óc phân tích quá mức, không chịu những xao động bên ngoài, hồn nhiên, thuần phác và kiên trì sẽ thành công.

(Theo Khoa học và Đời sống)