Saturday, April 14, 2018

ĐỪNG ĐỂ SÀI GÒN THÀNH "THE LOST CITY"!



Khắp nơi trên thế giới, khi nhận ra những thành phố xưa đẹp đang mất đi, người ta đã và đang cố gắng làm những điều gì đấy để có thể hồi tưởng và khôi phục lại.

Sài Gòn cuối mùa mưa - vẫn những cơn mưa chiều nũng nịu, lúc dài lúc ngắn. Thế nhưng, mưa những ngày tháng Tám, tháng Chín năm nay có khác. Thấy mưa cứ thêm buồn bởi vì trung tâm Sài Gòn, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi đang ngổn ngang những hàng rào, lô cốt “đại công trường” - có gì vui?Nhìn xem, hàng cây xanh tram tuổi trước cửa Nhà hát lớn: cưa trụi! Cái bùng binh - đài phun nước và hang liễu đã quen thuộc hơn 50 năm - bị bứng mất! Tòa nhà Thương xá Tax đóng cửa, hấp hối trước tin một tòa nhà 40 tầng nào đấy sẽ thế chỗ...

Chỉ vài năm nữa, thậm chí vài tháng nữa thôi, những kiến trúc xưa đẹp, những cảnh quan tiêu biểu còn sót lại ở khu trung tâm thành phố sẽ tan biến đi đâu đấy. Cho dầu, cuộc sống bao giờ cũng phải phát triển nhưng cái giá cho sự thay đổi ký ức trăm năm của một thành phố nếu cứ phải như thế thì buồn lắm chứ,chứ, ức lắm chứ!

Nhà hát lớn Sài Gòn được khôi phục nét xưa, một ví dụ chung sống hài hòa giữa
hiện đại và cổ xưa - Ành: P.T

Chính trong những ngày mưa buồn như vậy, khi được Phạm Công Luận trao cho bản thảo tập Hai Sài Gòn - Chuyện đời của phố, tôi càng đọc càng thấy rưng rưng. Hóa ra, Luận đã và đang âm thầm góp nhặt những mảnh vỡ của một Sài Gòn lấp lánh đa dạng cho trước nhất - thế hệ 50 tuổi của chúng tôi. Cảm ơn Luận, từ hồi đọc tập Một và bây giờ tập Hai, tôi gọi anh là “ông già 6x, “ông Sơn Nam 6x” đang cho chúng tôi xem lại cuốn phim ký ức Sài Gòn từ thuở thơ ấu của mình. Có lẽ những bạn “ngũ thập” và các bậc cao niên hơn nữa, khi đọc những chuyện đời do Luận chắp bút, sẽ nhận ra nhiều kỷ niệm tưởng chừng đã mất, song hóa ra vẫn còn đâu đấy thanh thoát. Với tôi, Luận đưa tôi trở lại “vương quốc” chợ Bến Thành, giản dị mà kỳ diệu từ những hình phù điêu ở bốn cửa chợ, cho đến những phận người nổi trôi theo các sạp hàng. Từ chợ Bến Thành, anh dẫn chúng ta đến Lăng Ông, Bà Chiểu, từ con phố Lê Công Kiều nhỏ xíu đến cả dinh Độc Lập khổng lồ… Và rồi, thật bất ngờ, Luận cho tôi gặp lại Ban nhạc Tuổi Xanh ngày nào trên “Truyền hình băng tần số 9”. Ô hay, tôi gặp lại nỗi hồi hộp vào tuổi 12-13, khi bỗng dưng thấy một cô bé ca sĩ xinh xắn như thiên thần của Ban Tuổi Xanh từ tivi bước ra, hát “trong veo”, trong một buổi văn nghệ Tất niên ở sở Mẹ tôi làm. Đây nữa, Luận giới thiệu tôi gặp những nghệ sĩ nổi tiếng, giờ đây “hồn muôn năm cũ”: Thanh Nga, Kiều Hạnh,Trịnh Công Sơn, Trần Văn Trạch… Có những người ít khi ta nghe thấy nhưng họ lại là những người đã góp phần làm ra và lưu lại ký ức Sài Gòn: nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu, đạo diễn Kha Thùy Châu, họa sĩ Duy Li

Có cần làm mất Sài Gòn French town của thế kỷ 20 khi bước qua thế kỷ 21
như khung cảnh phát họa này?
Luận không chỉ ghi lại cái ký ức chúng ta từng có mà còn giúp chúng ta khám phá thêm, tuyển chọn thêm những điều hay, tinh hoa của Sài Gòn xưa. Nhà Luận ở Phú Nhuận nhưng anh “thơ thẩn” khá nhiều ngóc ngách Sài Gòn. Luận làm báo nhưng cũng là người sưu tầm lịch sử, chịu khó làm quen đủ người tứ xứ. Anh tìm hỏi từ trí thức, nghệ sĩ đến doanh nhân, thợ thuyền và giới bình dân. Anh ghi lại câu chuyện nghe được, biết được từ gia đình, thân hữu và người dưng trước lạ sau quen. Không những thế, anh còn sục sạo các thư viện và những tủ sách, album ảnh gia đình. Luận có nhiều “hàng độc” để viết lắm: những căn nhà cổ, những bức tranh giấy và tranh kiếng Lục Tỉnh Nam Kỳ, những tấm ảnh “minh tinh, tài tử”, những tờ nhạc, tập báo, quyển sách xưa hiếm. Anh “moi móc” từ những vựa ve chai ngoài đường và trên mạng cho đến những sưu tập cá nhân ở Việt Nam và hải ngoại, để đưa ra những tư liệu không chỉ bằng chữ viết, chữ in mà còn là hình ảnh, lời kể, bức tranh, bức tượng, cuộn phim sống động. Tất cả những nhân chứng, vật chứng ấy, thấm đậm - cái nôn nao đi tìm sự thật và vẻ đẹp của ngày xưa và người xưa. Thấm đậm - cái cách anh yêu Sài Gòn không ồn ào mà lại sâu lắng... Và rồi, trên cái vốn thông tin và tư liệu giàu có đấy, để viết được thành sách, Luận có được một sự quan sát tỉ mỉ và tìm kiếm nhẫn nại. Luận có được một thần thái, một cách viết nhẹ nhàng, không cần điệu nghệ, không cần khoa trương mà vẫn cháy bỏng tình yêu đất và người.


Tôi đọc và “khen” anh, và rồi, thật mắc cỡ, có lúc tôi “ghen” với anh. Tôi tự trách mình sao không viết thành sách, sao không kể bằng ảnh bằng phim những câu chuyện Sài Gòn, những con người Sài Gòn mà tôi đã biết từ lúc mê viết, mê sử đến giờ. Ôi, hóa ra, sách của “ông già 6x” đã và đang đốt lên dữ dội hơn nữa, trong tôi và có lẽ nhiều người yêu Sài Gòn, không chỉ là nỗi nhớ mà còn là nỗi lo lắng, sự thôi thúc phải ghi chép lại, phải giữ gìn được những điều hay đẹp về cuộc sống và con người của một thành phố lạ kỳ nhất Việt Nam này. Chợt nhớ, thỉnh thoảng, đi Đông đi Tây, tôi vẫn thấy có những quyển sách, những bức tranh, những cuộc triển lãm mang tên “The Lost City”. Khắp nơi trên thế giới, khi nhận ra những thành phố xưa đẹp đang mất đi, người ta đã và đang cố gắng làm những điều gì đấy để có thể hồi tưởng và khôi phục lại. Sài Gòn của chúng ta bước qua thế kỷ 21 với những biến đổi kinh tế vùn vụt, phải chăng cũng đang nhanh chóng trở thành “The Lost City”? Không, không thể như vậy! Những quyển sách về Sài Gòn xưa đẹp như Phạm Công Luận đang làm, những quán cà phê mang hình ảnh Sài Gòn ký ức đang mọc lên nhiều hơn. Và nữa, những bộ phim, sách ảnh khác tương tự đang xuất hiện nhiều hơn, đang giúp chúng ta tin rằng: Chắc chắn những ông già 6x và các thế hệ già hơn và ngay cả những người trẻ 8x, 9x đều không muốn Sài Gòn trở thành “The Lost City”! Chúng ta phải viết tiếp, làm tiếp nhiều điều để mai này, không than khóc không buồn thảm khi cứ phải “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”, phải không “ông Sơn Nam6x” của tôi?

Chiều mưa 9/10/2014
Phúc Tiến