Saturday, April 7, 2018

THÂY KỆ!

Theo nhiều người có dịp gần gũi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa này thường nói hai chữ: “Thây kệ!” khi gặp cách cư xử không đẹp hay lời thị phi xấu ác đối với bản thân mình.



Tôi nhớ đến “thây kệ!” của Trịnh Công Sơn vì vừa xem xong một clip trên mạng TED với tên “Cái giá của sự sỉ nhục ”. Monica Lewinsky là diễn giả thuyết trình trên TED về kinh nghiệm đau thương của cô cách đây 17 năm.

Vào năm 1998, Monica Lewinsky là nữ thực tập sinh tại Nhà Trắng bị phát hiện “quan hệ không phù hợp” với Tổng thống Mỹ Bill Clinton và chịu sự sỉ nhục, đàm tiếu. Cô kể: “Chỉ được tắm mà không được đóng cửa phòng, để mẹ tôi theo dõi ngăn tôi không làm điều gì không tốt cho bản thân”. Cô nhớ mãi về thời gian mà cả bố mẹ đều sợ rằng cô có thể bị làm nhục đến chết theo nghĩa đen.


Sau 17 năm im lặng, cô thực tập sinh Nhà Trắng ngày nào nay đã 41 tuổi, lên tiếng với bài thuyết trình “Cái giá của sự sỉ nhục ” mang nhiều giá trị nhân văn rất đáng suy nghĩ. Cô cho biết đã lên tiếng vì thời của cô, sự phỉ báng sỉ nhục người khác khu trú, không lan rộng toàn cầu một cách nhanh chóng như hiện nay. Cô lên tiếng vì sau 5 năm mạng truyền thông xã hội ra đời, với phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, hậu quả của những trường hợp giống như cô trước đây còn kinh khủng hơn rất nhiều. Trong cuộc nói chuyện, cô đã nhắc đến Tyler Clementi mới 18 tuổi, là sinh viên năm thứ nhất đại học Rutgers. Chàng trai trẻ Tyler sáng tạo, nhạy cảm, ngọt ngào bị bạn cùng phòng bí mật quay đoạn phim cậu đang thân mật với một chàng trai khác và tung lên mạng. Khi thế giới mạng biết đến sự việc này, họ đã giễu cợt và sỉ nhục chàng trai. Tyler đã tự tử chết ở cầu George Washington. Cái chết của Tyler Clementi cho thấy Internet đem lại lợi ích rất nhiều nhưng quyền uy đen tối của nó ngày càng trở nên đáng sợ. Nó có thể tạo nên và hoàn thiện “văn hóa” sỉ nhục. Sử dụng nó không khéo, người ta có thể dùng lời nói giết người bằng hình ảnh và chữ. Các mạng xã hội đã bị lợi dụng để người thực hiện các hành vi gọi là “bắt nạt kỹ thuật số”, “bạo hành tinh thần qua mạng”, “ném đá trên mạng”. Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ thông tin, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi.


Cần làm gì để chấm dứt “môn thể thao đẫm máu” này? Monica Lewinsky gọi “bắt nạt kỹ thuật số” là “môn thể thao đẫm máu”. Có lẽ vì chế diễu, phỉ báng người khác trên mạng theo một số người đem đến sự giải trí không khác gì một môn thể thao nhưng lại có thể làm rất nhiều người đổ máu. Cô nói: “Chế giễu công khai là một môn thể thao đổ máu cần phải dừng lại. Hãy bình luận bằng những ngôn từ tích cực, tiếp nhận tin tức và click chuột bằng sự bao dung, bởi chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hóa của mình, cả ở thế giới thật và ảo”.


Ôi, nếu Monica Lewinsky dùng tiếng Việt sẽ thốt lên: “Thây kệ!” thay vì dùng “Hãy bao dung!” cho mà xem. Cô đã nói: “Bất cứ ai đang bị tổn thương và bị sỉ nhục trước công luận cần biết một điều: bạn có thể vượt qua, có thể không ít đau đớn, không nhanh chóng hay dễ dàng, nhưng bạn có thể đặt một cái kết khác cho câu chuyện của mình. Hãy bao dung với chính mình. Tất cả chúng ta đều xứng đáng được bao dung để sống ảo và sống thật trong một thế giới từ bi hơn”. Có khác gì cô đã sống và nói: “Thây kệ!” trước mọi chế diễu công khai của “văn hóa” sỉ nhục của người đời. Cũng như cô mong muốn người đời “thây kệ”, không lệ thuộc cái bản năng xấu ác của mình, không gieo hạt giống xấu hổ cho người khác.

NGUYỄN HỮU ĐỨC
Nguồn: SKDS

No comments: