Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
(Ca dao)
Có lẽ một phần nào đó, một phần rất nhỏ thôi, sự ám ảnh đến từ những trái sim, những hoa sim, những đồi sim, màu tím buồn buồn của tình yêu dang dỡ. Nhà thơ Hữu Loan trong một lần hành quân qua những đồi sim tím đã bật lên nỗi nhớ người vợ trẻ: “Những đồi hoa sim … , Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Màu tím hoa sim. Tím cả chiều hoang biền biệt”. Vũ Đức Sao Biển trong “Thu hát cho người” đã “về đồi sim tôi nhớ người vô cùng”. Ai cũng có một mối tình vì thế không thể không da diết, ngậm ngùi dù chỉ thoáng qua những câu như thế.
Không thể nói khác được sự hiển nhiên đến khó hiểu của hai câu lục bát mà người dân Việt đã thuộc nằm lòng. Ừ, thì “đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Ta chợt nhớ đến câu ca dao “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Để lội sông, lội suối vượt đèo chí ít cũng phải no lòng để đủ sức mà đi tìm người thương chứ! Sao chỉ ăn có nửa, uống có lưng (mà nửa trái sim bé nhỏ bằng đầu ngón tay) thế? Rõ ràng ăn và uống để lấy sức mà đi không phải hàm ý của hai câu ca ấy.
Trong thơ ca chúng ta từng bắt gặp hình ảnh một nửa gợi sự lỡ làng dang dỡ chia xa, không trọn vẹn. Đại thi hào Nguyễn Du có hình ảnh nỗi tiếng: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” hay như “Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai”. Những nhà thơ thế hệ sau đã sử dụng hình ảnh ấy với tầng suất khá cao trong rất nhiều thi phẩm: “Thuyền đi nửa phía chênh vênh/ buồm giăng nửa gió tiễn em nửa chiều” (Chiều trên sông Tiên/ NBH)…. Phải chăng nửa trái sim, lưng bát nước cũng mang hình ảnh rẽ chia ly biệt quen thuộc ấy? Có người còn đùa rằng nửa còn lại mang theo dành tặng người thương khi tìm được! Nếu đã thương nhau rồi vì một lý do gì đó phải chia tay nhau bây giờ đi tìm lại nhau thì hình ảnh một nửa của sự ly biệt dỡ dang có chút gì đó còn lý giải được. Nhưng đi tìm người thương phải đâu là đi tìm một nửa bị đánh mất?
Thời tôi còn học phổ thông, thầy cô giáo dạy rằng truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao Việt Nam thâm thúy lắm mang nhiều triết lý của cuộc sống lại bền vững trong mọi thời đại. Thế là tôi lại loay hoay tự vấn: đi tìm người thương lẽ nào là đi tìm người đã thương hay chăng là đi tìm người để thương, đi tìm đối tượng cho mình, đi tìm một tình yêu, một hạnh phúc, hơn thế nữa có thể là một lối sống đẹp? Nếu vậy hình ảnh một nửa của sự dang dỡ chẳng phù hợp chút nào. Có người còn khái quát hình ảnh nửa trái sim – lưng bát nước lên thành sự khiêm tốn, giản dị, thanh sạch… Đi tìm em với tấm lòng chân thực mà thôi, anh chẳng có gì khác nữa! Đời nay, người ta đi tìm đối tượng, đi tìm đối tác, bằng xe ô tô, bằng sự hào nhoáng bề ngoài, chẳng ai dại gì mang theo cái vỏ đói rách, thanh sạch rỗng không đó! Thú thật tôi thấy không ổn chút nào qua cách lý giải đó
Đi tìm người thương, đi tìm tình yêu, đi tìm hạnh phúc chỉ cho riêng mình hay là cho mọi người?
Ở Việt Nam, hoa sim được xem như biểu tượng cho lòng chung thuỷ, không chỉ bởi sắc hoa màu tím thường gợi đến sự nhớ thương, mà còn do vị ngọt tím đậm có trong chùm quả chín mọng, lôi cuốn hầu hết những ai từng đặt chân đến vùng rừng núi, đồi hoang đất sỏi trong những dịp hè thu. Ít có loài cây nào sắc hoa được chuyển dần vào vị quả, quả càng chín thì màu càng tím sẫm, đến nỗi ăn vào là cả môi, răng và lưỡi đều như bị nhuộm tím, khiến người ta không tài nào quên được.
“Đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương”- có thế, chỉ với nửa trái sim và lưng bát nước, hòa cái sắc vị tím ngát ấy vào tận trong lòng dạ, mà người ta mới tìm đến để hiểu nhau, thương nhau, quên cả những đói no trần thế…
Tìm về với nhau, tìm về sắc hoa, vị ngọt để cho người được yêu người. Phải chăng vì lẽ đó mà dẫu đói no, gian khổ thế nào, dù chỉ là một nửa trái sim và lưng bát nước, mà lòng dạ thủy chung vẫn muôn đời như nhất.
Nguyễn Bá Hòa
No comments:
Post a Comment