Bạn hỏi thì đúng sai cũng phải trả lời, có điều kiến thức lổ mổ, không mấy tự tin nên tôi viết lên đây để các bậc cao minh thức giả cho thêm lời chỉ giáo.
1- Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳmh Tịnh Paulus Của (ấn bản 1895-1896) có nói đến chữ xã (dấu ngữa) ở trang 1184 như sau:
- Xã .c .Thần đất đai.Làng lớn, lấy theo lệ cũ có từ 200 dân trở lên.
- Làng xã (làng)
- Thôn xã (ít dùng)
- Bổn xã (Chính làng mình)
- Chính xã (ít dùng)
- Xã Quan (quan đốc sức việc làng, chức cũ, đời nhà Trần)
Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của ghi chép khá đầy đủ từ Việt của cả ba miền, nhưng không có từ xã trong bà xã, ông xã. Chứng tỏ vào cuối thế kỷ 19 người Việt chưa dùng chữ xã để chỉ người vợ hoặc người chồng ??
2- Đại từ điển tiếng Việt (tái bản và bổ sung 2007) ở mục xã (dấu ngữa) trang 1798 viết:
- Đơn vị hành chính nông thôn , gồm một số thôn.(chủ tich xã, xã đoàn)
- Chức vị ở làng thời phong kiến (mua nhiêu mua xã)
- Vợ hoặc chồng (ông xã, bà xã)
- Nơi tế thần đất (xã tắc)
- Đoàn thể hoặc cơ quan (xã giao, xã hội)
Đại từ điển tiếng Việt chỉ nhắc đến chữ xã chứ không nói đến xuất xứ của chữ ấy khi chỉ vợ hoặc chồng.
3- Xã (dấu ngữa) là một từ Hán Việt có một chữ duy nhất với tự dạng:
社 có nghĩa là :
- Thần đất, thổ địa
- Lễ tế thần đất, thổ địa
- Tên một khu vực
- Nhiều người cùng một chí hướng họp lại (thi xã – hội thơ)
- Vùng Giang Hoài Trung Quốc gọi mẹ là xã.
4- Từ những sách đã dẫn trên tôi chú ý vào mấy ý về chữ xã thế này:
- Chức vị ở làng thời phong kiến (mua nhiêu mua xã)
- Nhiều người cùng một chí hướng họp lại
- Vùng Giang Hoài Trung Quốc gọi mẹ là xã
- Vợ hoặc chồng (ông xã, bà xã)
Vậy xuất xứ của chữ xã (chỉ vợ hoặc chồng) là một từ Hán Việt chỉ người tâm phúc, cùng chí hướng , sống gửi nạc thác gửi xương . Tình cảm đó chỉ vợ với chồng mới có được. Xã hội phong kiến, xã còn là một chức nhỏ ở địa phương có thể mua, do vậy vợ chồng gọi nhau là xã là cách để tỏ ý phô trương cho vẻ vang với làng xóm. Bởi thế chăng mà người Giang Hoài bên Tàu gọi mẹ là xã ??
5- Về cấu trúc chữ xã.
- Trong phép Lục thư (6 phép) của chữ Hán thì chữ xã thuộc phép hội ý (phép thứ 3). Hứa Thận định nghĩa chữ hội ý là chữ “hợp ý từng phần mà thấy được nghĩa”. Chữ xã gồm chữ kỳ (礻) là thần đất, chỉ linh hồn, tình cảm, tâm linh, kết hợp với chữ thổ (土) là đất, chỉ tài sản, vật chất. Một quốc gia phát triển bình thường thì hai mặt tâm linh và vật chất phải bám chặt nhau và điều hòa cân đối. Nếu nặng vê tâm linh thì duy ý chí, không tưởng, nếu nặng về vật chất thì sa vào dung tục, thực dụng. Lão tử gọi hai loại xã hội đó là vô đạo. Triết học phương đông xem mỗi con người là một thế giới, nó phải hội đủ hai mặt tâm linh vật chất như là âm dương. Khi anh chọn vợ rõ ràng anh phải chọn một cô có thân hình mạnh khỏe, biểu thị sự phát triển vật chất dồi dào, để biết lao động góp phần nuôi sống gia đình, người đó lại phải có tâm hồn phong phú, dịu dàng, chu đáo, chiụ thương chịu khó, chiều chồng, thương con. Hai yêu cầu trên chính là hai mặt cấu thành chữ xã mà tôi vừa nói ở 4 mục trên vậy.
Bulukhin Nguyễn