Saturday, April 14, 2018

MỘT LOẠI THUỐC QUÝ Ở ĐÀI LOAN?

Nhật Nguyệt Hồ
Hôm nay xem một chương trình du lịch Đài Loan mới nghe được một chuyện lạ mà tôi chưa từng đọc qua ở sách báo nào hay ngay cả trên các mạng xã hội. Tôi đã qua Đài Loan và gần như đi hết một vòng toàn đảo nhưng vẫn chưa nghe nói về câu chuyện truyền kỳ này. Bây giờ tôi xin kết nối câu chuyện này lại từ mấy chuyện có liên hệ với nhau:

- Người ta nói đặc sản nổi tiếng nhất của Đài Loan là phải kể qua 3 loại: Trà - Bánh Dứa (鳳梨酥) và Linh Chi. Vậy chớ khi qua đây một nơi mà các tour guide sẽ vẫn bạn đến thăm và mời các bạn mua một đặc sản, một loại thuốc quí nhưng mắc một chút, đó là "nhau thai hươu sấy khô". Tôi có đến đây nhưng không dám mua vì mắc và không tin.

- Thành phố Nam Đầu (南投市) có đệ nhất danh thắng của Đài Loan, đó là Nhật Nguyệt hồ (日月湖). Ở nơi đây cũng còn sót lại khoảng hơn 250-300 người thuộc dân tộc Thao (邵族). Ở bên bờ hồ có phố "Ita Thao" cũng nổi tiếng lắm.

- Bà Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Giới Thạch, tổng thống đầu tiên của Đài Loan. Từ nhỏ bà đã có bệnh kinh niên về hen suyễn và bệnh ngoài da chữa không dứt và cho tới năm 40 tuổi mới phát hiện thêm mình bị ung thư vú nhưng vẫn sống đến 106 tuổi. Nhiều truyền thuyết nói là do bà có chế độ ăn uống đặc biệt...

Bà Tống Mỹ Linh
Câu chuyện mà hôm nay tôi kể cho các bạn nghe là từ clip video du lịch Đài Loan do người dẫn đoàn kể lai theo sự tin tưởng của người Đài Loan, còn thật sự như thế nào thì các bạn xem như là đọc chơi cho biết nhé:

Nhật Nguyệt hồ là nơi nghỉ dưỡng ưng ý nhất của TT Tưởng Giới Thạch. Khi biết được bà Tống Mỹ Linh bị bệnh ung thư và ngày ngày lo lắng u buồn nên ông đưa bà đến nghỉ dưỡng ở Nhật Nguyệt hồ. Ngày ngày có một người hầu cận người dân tộc "Thao" chèo thuyền cho ông bà Tưởng dạo chơi trên hồ. Người hầu cận thấy bà Tống Mỹ Linh không vui nên sợ là mình chèo thuyền không tốt nên đâm ra lo lắng. Ngày nào cũng vậy nên người hầu cận do hỏi người chung quanh nhưng không ai biết, cho đến một ngày anh ta hỏi ông Tưởng, ông Tưởng không muốn cho mọi người biết về bệnh tình của vợ nên nói không có đâu. Người hầu cận đâm lo lắm vì anh ta họ Mao, mà Mao Trạch Đông là kẻ thù của ông Tưởng Giới Thạch, anh ta nghĩ là mình bị ghét nên làm bà Tưởng không vui. Người hầu cận cứ hỏi mãi ông Tưởng phải nói bệnh của bà làm cho bà không vui chứ không phải cái sai từ công việc hay là cái họ của anh hầu cận.

Nghe vậy, anh hầu cận mới nói người dân tộc Thao của anh có một phương thuốc bí truyền muốn tiến cử cho bà. Ông Tưởng không đồng ý nói là bà Tống Mỹ Linh là người theo Tây học, thuở nhỏ đã du học ở Mỹ nên phong cách và tư tưởng đều theo Tây học không tin vào những loại thảo dược hay những loại thuốc dân gian không mang tính khoa học nên nói ông bỏ qua đi và đừng nghĩ gì về điều đó nữa.

Một thời gian sau, bà Tống Mỹ Linh thấy dường như mình khỏe lên chút, da dẻ lại hồng hào lên nên mới nghĩ là khí hậu Nhật Nguyệt hồ giúp mình nên mới xin cho mình ở lại Nhật Nguyệt hồ một thời gian dài hơn nữa. Ông Tưởng thấy vậy nên đồng ý. Vài tháng sau khi tái khám, bác sĩ mới cho bà Tống Mỹ Linh biết là hen suyễn của bà đã hết, bệnh da cũng không còn và ung thư thì đã được khống chế vậy bà đã uống loại thuốc gì. bà nói không uống gì khác các loại thuốc mà bác sĩ đã cho mà có lẽ là do khí hậu của Nhật Nguyệt hồ. Các bác sĩ không tin nên ông Tưởng Giới Thạch mới cho xét hỏi, lúc đó người hầu cận mới nói là anh ta có bỏ thuốc vào thức ăn của bà Tống Mỹ Linh. Hỏi anh đã bỏ cái gì thì anh ta mới nói buổi sáng anh ta bỏ một chút "nhau thai hươu sấy" vào chén cháo, buổi trưa và chiều anh ta bỏ một chút "linh chi" vào tô canh của bà với một liều lượng rất ít nên bà không thể phát hiện. Ông Tưởng quá giận, còn bà Tống Mỹ Linh lập tức lấy mẫu thuốc đó sang Mỹ và nhờ bác sĩ bên đó khám và phân tích. Cuối cùng các bác sĩ Mỹ nói đó không có chất độc mà có những loại nguyên tố giúp ích cho căn bệnh của bà, nghe vậy bà rất mừng. Bà Tống Mỹ Linh sống thọ 106 tuổi.

Quá trình tinh chế nhau thai hươu được thực hiện một cách khoa học trong phòng thí nghiệm khép kín để tế bào nhau thai luôn tươi, vô khuẩn và hóa đông.
Về nước, để cám ơn cho người hầu dân tộc Thao, ông Tưởng đã cho một đặc quyền người dân tộc Thao được săn bắt nai và lên rừng tìm Linh Chi.

Cũng theo câu chuyện này, nhau hươu không phải là mổ con hươu khi có thai mà lấy ra mà cứ luân phiên 3 năm một lần con nai cái có mang sẽ được cho ăn một loại thảo dược làm cho thai hư và bị tống ra ngoài để người ta lấy làm thuốc.

Người Đài Loan tin câu chuyện này, còn bạn có tin không?

(LKH)