Trong thời kỳ Chiến Quốc (475-221 TCN), các quốc gia trải qua khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi.
Vua nước Tề, lúc bấy giờ là Tề Uy Vương lao vào những cuộc rượu thâu đêm, đến ngày hôm sau, ông vẫn còn quá say đến nỗi không thể lên triều. Tất cả các quan lại trong triều đều rất lo lắng nhưng hầu như rất ít khi can ngăn Ngài từ bỏ chấp trước vào rượu.
Các nước khác liền nhân cơ hội tấn công nước Tề. Vào năm 349 TCN, vua nước Sở đem quân tấn công nước Tề. Quá bất ngờ, vua Tề ngay tức khắc gửi một vị ngoại giao sứ có tài là Thuần Vu Khôn sang cầu cứu quân vương láng giềng – vua Triệu.
Thuần Vu Khôn là một nhà ngoại giao và chính trị gia xuất sắc. Mặc dù thấp bé và không ưa nhìn, nhưng ông được đánh giá cao bởi tài năng và kiến thức về Đạo. Ông mang tới cho vua Triệu nhiều ngọc ngà châu báu.
Vua Triệu nồng nhiệt nhận quà của Thuần Vu và đối xử với ông như thượng khách. Thuần Vu Khôn đàm luận về tình hình của các nước và chia sẻ quan điểm của ông về liên minh Tề-Triệu. Ông đã thuyết phục được vua Triệu gửi 10 vạn đại quân tới giúp nước Tề.
Tin tức được lan truyền nhanh chóng. Nghe tin nước Triệu sẽ gửi 10 vạn đại quân giúp nước Tề, vua Sở lệnh cho quân đội rút lui. Khi đó, vua Tề cảm thấy nhẹ nhõm và rất hài lòng trước sự thành công của Thuần Vu Khôn. Để tỏ lòng biết ơn của mình, vua Tề mở hoàng tiệc vinh danh ông. Các quan lại và các vị chức sắc cao cấp nhất đều được mời đến dự.
Đại tiệc vinh danh Thuần Vu Khôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về của triều đinh. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Trong bữa tiệc, nhà vua hỏi Thuần Vu Khôn: “Khanh có thể uống được bao nhiêu vò rượu trước khi say?”
Thuần Vu Khôn đáp: “Bẩm, điều này còn tùy, có khi thần mới uống một vò đã say nhưng cũng có khi phải đến mười vò mới say”.
Nhà vua cảm thấy khó hiểu trước câu trả lời của ông và nói lớn: “Lạ nhỉ! Nếu như khanh uống một vò đã say, làm thế nào khanh lại uống được hết chín vò còn lại?”
Thuần Vu Khôn trả lời rằng: “Nếu thần uống rượu với bệ hạ và các quan ở đây trước sự chứng kiến của các cận vệ, thần rất lo sợ sẽ gây phiền toái cho bản thân mình dù chỉ uống có một vò rượu. Nhưng nếu thần uống rượu với người dân làng trong lễ mừng vụ mùa, thần sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và thoải mái uống hết 9 vò rượu trước khi say.”
“Nếu bệ hạ yêu cầu thần cùng thưởng thức rượu ngon với Ngài, thần thấy mình rất vinh dự, và để minh chứng cho sự kiên gan bền bỉ của mình, thần sẽ uống hết cả 10 vò rượu. Nhưng bệ hạ thử nghĩ xem, các bậc tiền nhân thường khuyên răn rằng không nên quá lạm dụng rượu, bởi vì cái gì quá nhiều đều sẽ làm mất đi giá trị của nó”.
“Khi uống quá nhiều rượu Bệ hạ sẽ mất đi sự khôn ngoan. Đằng sau của sự vui sướng quá mức sẽ là khổ đau. Bởi vì, ‘sướng quá hóa khổ’. Đó là quy luật của vũ trụ”.
Kể từ đó, vua Tề bỏ rượu, chú tâm chăm lo cho vương triều.
Ghi chú:
(1): “Sử kí Tư Mã Thiên” hay còn gọi là “Thái sử công thư” biên niên 2.000 năm lịch sử Trung Hoa, từ triều đại Hoàng Đế (Hiên Viên Hoàng Đế – 2600 TCN) đến triều đại của Hán Vũ Đế (năm 87 TCN), được viết bởi sử gia vĩ đại Tư Mã Thiên của Trung Hoa. Ông được coi là cha đẻ của sử học Trung Hoa.
Việt Nguyên biên dịch