Friday, April 6, 2018

ẨM THỰC HONG KONG KỂ CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ CỦA CẢ MỘT VÙNG ĐẤT

Để thấy được lịch sử Hong Kong, bạn không phải vào viện bảo tàng hay thăm những công trình kiến trúc mà chỉ cần tìm hiểu về ẩm thực.



Ẩm thực Hong Kong kể câu chuyện lịch sử của cả một vùng đất

Không giống với những thành phố có lịch sử lâu đời như Paris hay London, ở đặc khu kinh tế Hong Kong có 8 triệu dân này, rất ít những hiện vật có thể nhắc tới lịch sử. Nhưng có một điều đặc biệt, để thấy được lịch sử Hong Kong, bạn không phải vào viện bảo tàng hay thăm những công trình kiến trúc mà chỉ cần tìm hiểu về ẩm thực.

Daisann McLane, người quản lý Công ty Du lịch Little Adventures ở Hong Kong, đã nói rằng: “Nếu bạn muốn trải nghiệm Hong Kong những năm 1960, bạn phải khám phá ẩm thực vì nó là thứ còn tồn tại từ đó đến nay mà không hề thay đổi”. Du khách sẽ trải nghiệm mọi thứ từ các quán cà phê, những tiệm bánh, các khu chợ và những cửa hàng trà. Và nếu bạn đã hoặc sắp đến Hong Kong, bạn nên biết câu chuyện lịch sử đó được kể rất sinh động qua những món ăn đặc biệt.

Đồ khô

Cá khô ở Hong Kong và những vùng lân cận rất có giá trị.

Trước khi Hong Kong trở thành thuộc địa của Anh, thì những con người ở đây chủ yếu là ngư dân. Vào những ngày đầu hình thành, Hong Kong là một bến cảng cho những thủy thủ châu Á hay châu Âu làm điểm dừng chân trước mỗi chuyến hành trình dài.

Vào thời đó, haam yu là nguồn thức ăn phổ biến, cung cấp cho các thủy thủ trong các chuyến đi và là nguồn cung cấp protein chủ yếu cho người dân Trung Quốc. Những con cá khô treo bên đường, được buộc bằng những dải ruy băng đỏ là một trong những sản phẩm ban đầu của Hong Kong và vùng châu thổ sông Châu. Để sống sót trong những chuyến hành trình dài thì thủy thủ không thể thiếu những con cá khô này.

Ngành công nghiệp lâu đời này vẫn còn tồn tại đến ngày nay, đặc biệt là tại khu phố đồ khô Sai Ying Pun, nơi du khách có thể ngửi thấy được mùi của quá khứ.

Cà phê


Người Anh bắt đầu chủ nghĩa thực dân tại Hong Kong vào năm 1841. Và từ những năm 1950, có rất nhiều thứ thay đổi ở Hong Kong. Sau thế chiến thứ hai, người dân Trung Quốc đổ về Hong Kong để trốn chạy khỏi sự chiếm đóng của cộng sản và nạn đói những năm 1950, đầu những năm 1960. Khi Hong Kong phục hồi từ chiến tranh, người dân chuyển sang sản xuất, mở ra một thời kỳ năng suất và phát triển của đặc khu.

Với việc toàn cầu hóa, dân số Hong Kong tăng lên nhanh chóng, các nhà máy cũng mọc lên rất nhiều, cũng như xuất hiện hàng loạt thực phẩm được sản xuất công nghiệp như bánh mỳ trắng, bơ lạc, sữa đặc, mỳ ăn liền… Và khi đó, có một loại hình ăn uống mới độc đáo: các tiệm cà phê Cha chaan teng.

“Một trong những thứ chúng ta thấy thay đổi lớn nhất đó chính là tiệm cà phê Hong Kong Cha chaan teng (茶餐廳). Đã xuất hiện từ những năm 1920, nhưng Cha chaan teng thật sự phát triển sau thời kỳ chiến tranh. Áp lực sản xuất tại các nhà máy ảnh hưởng tới cách ăn uống, vì vậy bạn luôn phải chuẩn bị những phần ăn nhanh do công nhân chỉ được nghỉ rất ít vào bữa trưa”, McLane cho biết. Vào thời điểm đó, bạn có thể dễ dàng tìm thấy Cha chaan teng tại những góc phố, một chút bánh mỳ trắng, vài lát thịt heo và trà sữa. Thế là bạn đã có một suất ăn nhẹ.

Ngày nay, thực đơn đã thêm nhiều món ăn đa dạng hơn như bánh trứng, bánh nướng, và trà sữa yuanyang – là sự pha trộn giữa trà đen đặc với cà phê. “Ngồi trong một Cha chaan teng, thưởng thức bánh nướng bơ lạc và sữa đặc, một tách trà sữa là bạn đang thưởng thức 75 năm lịch sử của Hong Kong rồi đấy”.

Những nhà hàng Soy Sauce Western

Vịt quay là một trong những món bắt đầu xuất hiện nhiều trong thời kỳ phát triển của Soy Sauce Western.

Soy Sauce Western thường không được gợi ý cho du khách khi tới du lịch Hong Kong, nhưng nó là phần không thể bỏ qua của lịch sử vùng đất này. Giống như phiên bản cao cấp của Cha chaan teng, phong cách ăn uống lai tạp Soy Sauce Western bắt đầu bùng nổ vào những năm 1950 và 1960.

Mc Lane cho biết: “Những người nổi tiếng ở Hong Kong đã đi khắp châu Âu, họ quay lại Hong Kong và muốn ăn những thứ gợi lại cho họ những chuyến đi, chẳng hạn như bò bít tết…”. Vì thế, những người nấu món Quảng Đông tại các khách sạn quốc tế như Mandarin Oriental và The Peninsula đã lấy những gì họ biết về nấu ăn phương Tây và mở các nhà hàng Soy Sauce Western với những bồi bàn trong trang phục tuxedo.

Với những người phương Tây, họ giống như đang ở những năm 1955 vì họ vẫn đang được phục vụ thịt, khoai tây, salad, bánh trứng soufflés, những thứ mà bạn không bao giờ thấy trong thực đơn nữa. Với những người ở Hong Kong, đây là một biểu hiện cho khát vọng vươn ra thế giới của họ.

Ngày nay, rất hiếm có những nhà hàng Soy Sauce Western, vì vậy bạn nên thử một lần nếu vô tình bắt gặp.

Quảng Đông 2.0


Nhắc đến ẩm thực Hong Kong thì sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới hương vị của ẩm thực Quảng Đông hiện đại. Trong 5 năm qua, phong cách ẩm thực Quảng Đông chưa bao giờ thú vị hơn. McLane cho biết: “Bạn sẽ thấy các thế hệ đầu bếp tuổi ngày càng trẻ. Họ mạnh dạn thay đổi món ăn, có những suy nghĩ tích cực trong cách chế biến và thành phần, không ngừng cập nhật những cái mới, nhưng không phải là ẩm thực pha trộn (fusion food)”.

Người đi đầu xu hướng đổi mới, sẵn sàng làm nhà hàng riêng cho mình là Lau Kin Wai, chuyên gia về ẩm thực, cũng là chủ nhà hàng Kin’s Kitchen phong cách Quảng Đông, nơi đã nhận được sao vàng Michelin danh giá. Những đầu bếp sáng tạo thế hệ sau như Lau Chun, con trai của Kin Wai, là người đang tạo nên nhiều thay đổi đáng kể, với những menu nhỏ đặc biệt và phục hồi lại những món ăn cũ đã biến mất một thời gian. Lịch sử hiện đại cũng đang được phản ánh qua những món ăn mới.

Tien Quang
Theo: Ngôi sao