Đi thì thôi, cứ về đến nhà là các anh nằm dài ra, kêu than đủ kiểu. Nào là mệt lắm, đau đầu lắm, mỏi lưng lắm… Thế mà chỉ cần điện thoại kêu “tít tít”, bạn bè “A lô” một cái là phi ngay ra cửa. 11-12h đêm cũng đi, mưa cũng đi, bão cũng đi.
Thế chẳng phải khôn nhà dại chợ là gì?
Vợ ốm cả tuần chả thấy anh có động tĩnh gì. Thấy vợ ho muốn long cổ họng ra thì anh vô tư hỏi một cách rất ngơ ngác “Ơ, thế mẹ nó bệnh à”. Ơ thế anh tưởng vợ anh là trâu bò à, hay anh tưởng chỉ mình anh đi làm mới biết mệt? Vợ anh cũng đi làm như anh, đã thế về nhà lại còn lao vào nhà cửa, cơm nước, con cái…việc này việc nọ, việc xọ việc kia…việc gì cũng đến tay. Thế mà chưa ốm nằm viện là còn may đấy.
Vợ ở nhà ốm đau thế nào anh cũng chả biết, mà đồng nghiệp mới sụt sịt mũi tí đã thấy anh hỏi han ân cần. Mẹ sếp bệnh anh cũng sốt sắng vào viện thăm hỏi, quà cáp chu đáo.
Đi ra ngoài thì các anh ăn nói sao mà duyên dáng, hài hước thế. Nhất là nói chuyện với chị em phụ nữ thì ngọt ngào cứ gọi là “lọt tới xương”, câu nào cũng anh anh em em ngọt xớt, nói chuyện sao mà thấu lí đạt tình, văn hoa, lịch thiệp. Các em cứ gọi là mắt long lanh, miệng chớp chớp, ngưỡng mộ “sao anh nói chuyện có duyên thế”.
Ấy vậy mà về đến nhà thì anh im thin thít, chả thèm nói với vợ dăm câu gọi là, có chăng thì cũng được vài câu “ừ, hử”, không đầu, không cuối, không chủ (ngữ), không vị (ngữ).
Ra đường thì anh luôn sẵn lòng lắng nghe người khác tâm sự, chuyện nhạt như nước ao của người dưng, thiên hạ, tận đẩu tận đâu anh cũng lắng nghe chăm chú rồi ý kiến ý cò kinh lắm. Thế mà về nhà, vợ mới mở miệng nói được vài câu thì các anh rên rĩ “giồi ôi, sao nói gì mà nói lắm thế”, hay lại “gớm, chuyện đàn bà, có thế mà cũng kể, thôi, yên lặng, trật tự cho tôi…chơi game cái nào!
Hôm nào lĩnh lương, vợ mua ít đồ ăn ngon về để cả nhà ăn tươi một bữa. Thế mà nấu xong, con cái chưa được miếng nào đã thấy bố “A lô, chú T hả, sang nhà anh làm ly rượu cái nhỉ, có ít mồi ngon đây này”. Thế là con cái thay vì được một bữa no nê, thoải mái, ngon lành thì lại phải ăn uống ý tứ, bóp mồm bóp miệng, để dành mồi cho bố mời bạn nhậu.
Lại có anh, ra ngoài với bạn bè thì rất thoáng nhưng về nhà thì tính toán chi ly từng đồng, từng hào với vợ con. Ở nhà thì các anh thậm thụt quỹ đen, quỹ đỏ. Lễ lạt cũng chẳng mua tặng vợ được cái gì. Vợ tủi thân trách thì anh bảo “Ôi giời, vợ chồng rồi lại cứ vẽ, phải tiết kiệm tiền chứ, còn bao nhiêu thứ phải tiêu”. Lâu lâu con nó mà mở miệng xin bố tiền mua sách vở hay đồ chơi gì là anh càu nhàu, anh mắng mỏ. Nhìn bộ dạng thằng bé tiu nghỉu đến là tội nghiệp.
Thế mà ra ngoài, đi cà phê, cà pháo hay tụ tập bạn bè ăn nhậu, đến lúc trả tiền thì anh đứng lên giành trả cho bằng được. Vợ ý kiến thì anh gắt gỏng “Sao cô ích kỉ thế, cô cấm tôi có bạn bè à?”
Ở nhà vợ nấu nướng cơm ngon canh ngọt ngày 3 bữa, giặt giũ, hầu hạ đến tận răng thì chả thấy anh mở miệng nói được 1 câu cảm ơn. Ngược lại anh coi đó như là nghĩa vụ, là việc đương nhiên phải làm của vợ. Còn ra đường thì, người ta đưa cho anh quyển số, cây bút anh cũng cám ơn rối rít.
Đấy chỉ mới là một vài ví dụ điển hình của một ông chồng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Bản tính của đàn ông là ưa sĩ diện, trọng danh dự. Bởi vậy nên lúc nào ra ngoài cũng thích thể hiện, thích chứng tỏ để được người khác ca ngợi, ngưỡng mộ. Nhưng về nhà với vợ con thì thay đổi chóng mặt, bởi lẽ trước mặt vợ con thì chả ông nào cần “làm màu” làm gì nữa. Những người đàn ông thuộc kiểu “khôn nhà dại chợ” thì thường đi kèm theo là tính vô tâm. Và những người như thế, dù có nhận bao lời khen ngợi, tìm được bao niềm vui bên ngoài, thì nguy cơ đánh mất mái ấm của mình là rất cao…
(Theo Webtretho)
Ghi chú: Đọc xong bài này, tôi thấy dường như tôi đang bị chửi đó. Xin lỗi vợ. (LKH)
No comments:
Post a Comment