Sunday, February 3, 2019

CÂY ĐÀN GREAT STALACPINE ORGAN

Ấn tượng với cây đàn organ trong hang động dưới mặt đất

Nằm dưới hang động khổng lồ sâu dưới mặt đất, cây đàn Great Stalacpipe Organ có thể tạo ra âm thanh từ chính những khối nhũ đá tự nhiên có trong động.


Một trong những nhạc cụ kỳ lạ nhất thế giới hiện đang nằm sâu dưới lòng đất, trong khu hang động có tên Luray thuộc bang Virginia, Mỹ. Được đặt trên một bệ gỗ nhỏ, cây đàn organ nằm giữa hàng trăm khối nhũ đá lớn nhỏ cũng chính là nguồn âm thanh tạo nên các nốt nhạc cho cây đàn. Với cái tên Great Stalacpipe Organ, cây đàn được gắn dây nối từ bàn phím đến những khối nhũ đá cổ.

Cây đàn ấn tượng nằm trong hang động rộng lớn dưới mặt đất

Những chiếc vỏ bọc cao su gắn ở các khối nhũ đá sẽ gõ nhẹ vào bề mặt đá khi bàn phím chuyển động, nhờ đó mà tạo nên âm thanh cho chiếc đàn. Với chiều dài và độ dày đa dạng, các khối nhũ đá đã tạo nên nhiều âm thanh khác nhau giống như một cây đàn mộc cầm thực sự. Cây đàn được kết nối với 37 khối đá trải đều khắp hang động có diện tích hơn 1.4 hecta. Điều này đã giúp Great Stalacpipe Organ trở thành món nhạc cụ lớn nhất trên thế giới.


Đàn có thể phát ra âm thanh từ những khối nhũ đá trong động

Kể từ khi được tìm thấy vào năm 1878, động Luray đã thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. Cây đàn organ đặc biệt đã được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1880, khi một trong hai người khám phá động có tên Andrew Campell trình diễn một bản nhạc bất ngờ ngay trong tour dẫn khách đi thăm động. Trước thế kỷ 20, những tiết mục biểu diễn dân ca, thánh ca và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác đã trở thành một phần trong những chuyến tham quan động.

Những sợi dây kim loại bọc cao su được gắn với các khối đá để tạo ra âm thanh

Tuy nhiên, phải đến năm 1954, cây đàn mới thực sự được cải tiến lên một “tầm cao” mới. Trong một chuyến đi thăm động vào ngày sinh nhật của con trai, một nhà khoa học có tên LeIand W. Sprinkle đã rất ấn tượng với những bản trình diễn từ cây đàn trong động. Ông đã dành 3 năm sau đó để tìm những khối nhũ đá phù hợp, tạo thêm nguồn âm thanh phong phú cho cây đàn. Nhờ vậy mà tiếng nhạc đã có thể ngân vang trong phạm vi 25 hecta mặc dù hang động chỉ có diện tích hơn 1.4 hecta.

LeIand W. Sprinkle đã có nhiều cải tiến mới cho cây đàn

Sáng chế của LeIand W. Sprinkle đã thực sự thu hút các du khách ghé thăm động. Ông thậm chí còn cho xây dựng một hệ thống cơ có thể tự động phát ra âm nhạc khi được tác động. Tuy vậy, điều kiện ẩm ướt bên trong động đã khiến cho các khung kim loại của cây đàn bị ảnh hưởng nặng nề. Cây đàn đã từng được tu sửa lại vào những năm 1990, và cho đến nay, âm thanh du dương của đàn vẫn không hề khác biệt so với thời điểm 60 năm về trước.


Giờ đây đàn có thể ngân vang trong phạm vi 25 hecta mặc dù hang động chỉ có diện tích hơn 1.4 hecta


No comments: