Theo lời của chính Warren Buffet trong cuộc họp cổ đông thường niên vừa diễn ra ngày thứ bảy vừa qua, lý do ông không mua cổ phiếu Microsoft trong những năm đầu rất đơn giản: "Chỉ vì ngu ngốc". Có lẽ, Buffet cũng mang cùng một niềm nuối tiếc của nhiều nhà đầu tư trong thập niên 80: nếu biết trước phần mềm sẽ vươn lên trở thành cột sống của thế giới, ông đã đầu tư vào Microsoft từ trước khi công ty này đưa Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới.
Nhưng đằng sau hai chữ "ngu ngốc" của Buffet cũng còn một lý do khác mà chắc chắn nhiều người đã nghĩ đến: Buffet nổi danh là một người chán ghét các công ty hi-tech. Đã có lần ông khẳng định lý do cho sự chán ghét này là vì "không hiểu cách kinh doanh của ngành công nghệ". Trong thời đại khủng hoảng dot-com, Buffet đã từng chỉ ra vấn đề lớn nhất của Thung lũng Silicon: ngay cả những người khổng lồ tỷ đô cũng có thể sụp đổ trong chớp nhoáng.
Ngoại lệ Apple
Warren Buffet/Berkshire Hathaway đang là một trong những cổ đông lớn nhất tại Apple.
Ấy vậy mà đến gần đây "nhà tiên tri xứ Omaha" đây đã thay đổi thái độ hoàn toàn với công nghệ. Năm 2014, Berkshire Hathaway thâu tóm 8% thị phần của IBM. Đáng chú ý hơn, xuất phát từ khoản đầu tư chỉ 1,5 tỷ USD vào Apple năm 2016, đến nay Warren Buffet đã có tới 240,3 triệu cổ phiếu tại Apple. Với đà tăng trưởng khủng khiếp của Apple nhờ vào iPhone X, Warren Buffet giờ đang nắm giữ 42,5 tỷ USD trong khoản trị giá gần 900 tỷ USD của Táo – một con số ông muốn tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Lý do cho sự thay đổi này? Khác với phần đông các công ty công nghệ, Apple đang là một trong những cỗ máy sinh tiền ổn định nhất của thế giới hi-tech. Không "đốt tiền" như Uber, Xiaomi hay Spotify, cũng không chịu sự biến động của các thị trường cung ứng như Samsung, Apple đã liên tục đạp đổ các cột mốc 700, 800 và 900 tỷ USD chỉ nhờ vào nhu cầu dành cho iPhone.
Nói cách khác, Apple hoàn toàn phù hợp với triết lý đầu tư của Buffet: trong lúc các đối thủ đi tìm cơ hội trong rủi ro, Apple chỉ cần tiếp tục sinh lời ổn định và gia tăng thị phần với các đối thủ cạnh tranh. Trong lúc cả thị trường đang suy thoái, nhu cầu của iPhone vẫn chưa hề suy giảm.
Microsoft thì sao
Warren Buffet trở thành bạn của Bill Gates từ khi Microsoft vẫn chưa là gã khổng lồ thống trị thế giới.
Microsoft đáp ứng khá đủ yêu cầu của Buffet. Ngay cả trong những năm trước khủng hoảng di động, Microsoft cũng đã là một cỗ máy sinh tiền nhờ vào Windows và Office. Gần đây, gã khổng lồ phần mềm đã trở lại với đà tăng trưởng ổn định trên đám mây – mảng dịch vụ được hứa hẹn có tiềm năng doanh thu "trường tồn" hơn cả hệ điều hành và phần mềm văn phòng.
Nhưng Buffet vẫn không hề đầu tư vào Microsoft. Quyết định này tỏ ra đặc biệt khó hiểu khi tỷ phú xứ Omaha và nhà sáng lập Microsoft là bạn thân: họ chia sẻ sách, họ cùng nhau mở chiến dịch kêu gọi quyên góp, họ thậm chí còn đi mua... đệm cùng nhau. Buffet đã quyên góp tới 2,1 tỷ USD vào tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation và chắc chắn sẽ gia tăng con số này trong tương lai.
Lý do Buffet từ chối Microsoft? Hóa ra là để bảo vệ tình bạn với Bill Gates. Trong ngày thứ bảy vừa qua, ông chia sẻ:
"Một phân nguyên nhân là do tôi sợ nếu một thương vụ mua bán hoặc một thông tin bất lợi nào đó xuất hiện sau khi tôi mua cổ phần tại Microsoft, Bill và tôi sẽ là đối tượng bị ám chỉ và chỉ trích, rằng anh ấy đã hé lộ điều gì đó với tôi, hoặc ngược lại".
Hai người bạn thân thường xuyên nắm giữ hai ngôi vị đầu tiên trên bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới.
Nói cách khác, Buffet sợ rằng tình bạn giữa ông và Bill Gates sẽ đem đến các cáo buộc về giao dịch nội gián: " Sẽ có rất nhiều người không tin lời chúng tôi nói nếu như có thứ gì đó tốt đẹp xảy ra sau khi tôi mua cổ phần tại Microsoft".
Hiện tại, Microsoft vẫn đang nằm trong một danh sách đặc biệt của Buffet: danh sách các công ty mà ông sẽ không bao giờ đầu tư vì lo ngại vi phạm (hoặc bị cáo buộc) vi phạm đạo đức kinh doanh. Quả là một điều đáng tiếc, bởi "Chính điều đó và cả sự ngu ngốc của tôi đã khiến Berkshire mất rất nhiều tiền".
Lê Hoàng
Trí Thức Trẻ