Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1906, là con gái thứ trong một gia đình người Việt giàu có mang quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ.
Mẹ bà Henriette là Vương Thị Y, thuộc một gia đình giàu có người gốc Hoa. Cha của bà là Nghị viên Bùi Quang Chiêu, một chính khách có tiếng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc, sau này bị thủ tiêu bởi Việt Minh.
Tuy nguyên quán ở trong Nam, bà Henriette Bùi lại được sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Thưở nhỏ, bà học Trường St. Paul de Chartres, tức Trường Nhà Trắng tại Sài Gòn. Năm 1915, bà thi vượt cấp và đậu bằng Certificat d’Études sớm 2 năm. Sau đó, bà vào học trường Collège des Jeunes Filles, trước năm 1975 là Trung học Gia Long Sài-gòn, nay là Trung học Nguyễn Thị Minh Khai.
Bà sang Pháp du học năm 15 tuổi. Một năm sau đó, mẹ bà qua đời vì bệnh lao phổi. Có lẽ việc này đã tăng thêm nguyện vọng của bà theo ngành y. Một trong 5 anh chị của bà, ông Louis cũng đã trở thành bác sĩ chuyên về bệnh ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn. Bà học rất giỏi, ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và Trung Hoa, bà còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ba Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp. Việc học của bà bị gián đoạn một năm vì bệnh đau mắt (trachoma), tuy nhiên đến năm 1926, bà cũng tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris.
Bà Henriette Bùi, thời sinh viên y khoa tại Bordeaux.
Bà đậu vào Trường đại học Y khoa năm 1926. Năm 1927, bà theo học Đại học Y khoa Paris (Faculté de Médecine de Paris) thuộc Đại học Paris. Là phụ nữ người Việt, sự hiện diện của bà trong trường chuyên môn ở Pháp là một bước đột phá trong hệ thống giáo dục chính quốc tại Pháp thời bấy giờ. Cũng trong thời gian học tại Đại học Paris, bà được giới thiệu rồi trở thành thân thiết với nhà bác học Marie Curie và nhà sử học Charles Seignobos, và nhiều người Việt đang học tại đây, đặc biệt là một sinh viên trẻ đang theo học ngành cầu đường là Nguyễn Ngọc Bích, con trai Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Tương.
Bà cũng quen biết nhiều người Việt nổi tiếng và có quyền lực khác, điển hình là vua Bảo Đại đang theo học tại Pháp; ông Nguyễn Văn Xuân, sinh viên trường École Polytechnique, sau này là Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng Chính phủ Quốc Gia Việt Nam đầu tiên vào năm 1948; Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, sinh viên Polytechnique, sau này là Bộ Trưởng Giáo Dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim; ông Ngô Đình Nhu, sinh viên École de Chartres, sau này là Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm; bà Hoàng Thị Nga, em gái của Giáo sư Hoàng Cơ Nghị, vị nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam; bà Nguyễn Thị Bính, vợ của Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, vị nữ dược sĩ đầu tiên của Việt Nam v.v.
Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau hai năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên lấy bằng bác sĩ y khoa ở Pháp. Khi tốt nghiệp, bà dự định viết một luận án về đề tài “thụ tinh nhân tạo cho những người bị hiếm muộn,” tuy nhiên vào thời đó thì đề tài này quá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi cho một người phụ nữ trẻ tuổi, do đó bà đã nghe lời khuyên của các vị giáo sư mà đổi sang một đề tài “truyền thống” (traditional) hơn: “The Phlebitis of Gestation.” Bài luận án của bà đã được hội đồng giám khảo khen ngợi và tưởng thưởng huy chương trong kỳ thi tốt nghiệp vào năm 1934. Khi trở về Việt Nam năm 1935 bà nhậm chức trưởng khoa hộ sinh ở Chợ Lớn.
Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8.9.1906, là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam.
Khoảng một năm sau ngày trở về Việt Nam, thân phụ của bà muốn bà kết hôn với Luật sư Vương Quang Nhường, vị tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của người Việt Nam, là luật sư nổi tiếng của Tòa Án Sài Gòn, cũng là một đảng viên Đảng Lập hiến Đông Dương (Đảng lập nên bởi cha bà Henriette như đã nói).
Chồng bà vốn xuất thân trong một gia đình trí thức, giàu có, là cháu ruột của Thái hậu Từ Dũ. Đây là một cuộc hôn nhân có thể nói là “môn đăng hộ đối” nhất thời đó. Tuy nhiên bà Henriette Bùi lại không hài lòng mà còn chống đối vì bà không thích và không muốn chấp nhận một cuộc hôn nhân được xếp đặt, dù rằng người đứng ra xếp đặt lại chính là thân phụ của bà. Tuy nhiên khi thân phụ của bà nói rằng, “Mày là một bác sĩ ăn học ở bên Tây nhưng cũng là con gái của tao, một người Việt Nam, mà theo phong tục Việt Nam thì người con gái khi lập gia đình phải do ‘cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó’. Cha của mày muốn mày phải lấy Luật sư Vương Quang Nhường.” Không dám cãi lại lệnh của thân phụ, bà trả lời, “Bẩm Ba, con xin tuân lệnh” và kết hôn với Luật sư Vương Quang Nhường vào năm 1935.
Chồng bà chỉ muốn bà ở nhà, lo chuyện nội trợ. Ông tuyên bố: “Tôi là trạng sư, lương đủ cho bà ở nhà, đi chơi”. Bà nói: “Tôi thích làm, không thích chơi”. Bất chấp sự phản đối của ông, bà vẫn đến nhà bảo sanh Từ Dũ hành nghề bác sĩ, chuyên khoa sản và nhi. Và không đầy 2 năm sau, vợ chồng bà ly hôn vì khác biệt trong cách sống. Bấy giờ, việc một người đàn bà ra tòa xin ly dị chồng được người Việt Nam xem như là một chuyện không thể nào tin được, nhất là một người trong gia đình danh giá như gia đình ông Bùi Quang Chiêu.
Luật sư Vương Quang Nhường về sau lấy một công chúa, con gái của Cựu Hoàng Thành Thái. Vào đầu thập niên 1950, ông đã tích cực vận động và tranh đấu với người Pháp đòi hỏi họ phải trả tự do cho Cựu Hoàng Thành Thái đang bị đày ở đảo Réunion từ năm 1916. Người Pháp sau đó đã cho phép cựu hoàng Thành Thái được trở về Việt Nam sau 35 năm bị lưu đày, tuy nhiên họ vẫn cấm không cho nhà vua sống tại cố đô Huế mà chỉ được sống tại Vũng Tàu cho đền khi từ trần vào khoảng năm 1953.
Về sau, khi nói về cuộc hôn nhân này, BS Henriette Bùi cho biết, “Hồi đó, ngay cả ở Pháp, phụ nữ học ngành y cũng rất ít. Ra trường, cũng không ít nữ bác sĩ bỏ nghề vì phải lấy chồng, sinh con. Tôi cũng không thoát khỏi định kiến xem thường phụ nữ thời ấy. Vừa tốt nghiệp bác sĩ, tôi đã bị cha triệu về Việt Nam để gả chồng…” Với bà, đó là mối hôn nhân không hạnh phúc, cho dù gia đình hai bên rất “môn đăng hộ đối.
BS Henriette Bùi Quang Chiêu về già
“Người chồng mà cha tôi chọn cho tôi là một người đàn ông rất tốt, rất có tài, rất dễ thương và bao giờ cũng dành cho tôi một sự săn sóc tận tình. Tôi không có điều gì chống lại ông ta cả. Ông ta là một luật sư, tôi là một bác sĩ… Nhưng mà ông ta luôn luôn than phiền rằng ông ta ít khi thấy tôi ở nhà, ông ta không thể nào chịu đựng được việc tôi phải làm việc tối ngày ở bệnh viện, nhất là những khi phải vào bệnh viện để chữa trị những trường hợp cấp cứu vào ban đêm… Còn phần tôi thì tôi đã quyết tâm phục vụ cho y học, phục vụ cho đồng bào của tôi, tôi không thể bỏ mấy chục năm theo đuổi việc học để ngồi nhà hầu hạ cho chồng. Chúng tôi ly dị, đó là chuyện rất đơn giản và sau đó thì chúng tôi vẫn coi nhau như bạn bè. Nhưng nói cho ngay thì hồi đó (năm 1937) quả thật vụ ly dị của tôi đã gây ra một chuyện xì-căng-đan rất lớn tại Sài Gòn.”
Sau cái chết bi thảm của người cha yêu quý và các anh em của bà năm 1945, bác sỹ Henriette Bùi nén đau thương và vẫn tiếp tục phục vụ xã hội. Với những thương binh, bệnh binh trong thời chiến, bà đều chăm sóc chu đáo, không hề phân biệt bạn hay thù. Ở bệnh viện tại Chợ Lớn nơi bà làm việc, bà chứng kiến quá nhiều sự bất công và bị các y sĩ người Pháp gây khó dễ. Cùng là bác sĩ, nhưng vì là người Việt dù mang quốc tịch Pháp, bà chỉ được trả lương 100 đồng mỗi tháng, trong khi bác sĩ Pháp được trả 1.000 đồng. Ban giám đốc bệnh viện bắt bà mặc áo đầm đi làm. Bà từ chối, kiên quyết mặc áo dài để khẳng định mình là người Việt Nam.
Cách cư xử của bà biểu hiện quan niệm bình đẳng, bình quyền giữa nam và nữ, cũng như bình quyền chủng tộc giữa người Việt và người Pháp. Bà đã tranh đấu với Thống Đốc Pagès là giới chức cao cấp nhất tại Nam Kỳ lúc bấy giờ để chỉ trích sự kỳ thị giữa người Pháp với các bác sĩ, y tá, và bệnh nhân Việt. Sau khi nghe lời phản đối hợp lý của bà, Pagès đã ra lệnh cho giới bác sĩ người Pháp phải xóa bỏ mọi sự phân biệt đối với bệnh nhân cũng như là phải thay đổi cách đối xử với người Việt Nam.
Mặt khác, lúc bấy giờ, có một số bác sĩ trong giới y khoa người Pháp ở Đông Dương thường hay chê bai, chỉ trích nền y học cổ truyền của người Việt Nam trước khi người Pháp đến đô hộ vùng đất này. Những lời chỉ trích này không những chỉ xuất hiện trên báo chí mà ngay cả trong các phúc trình y khoa cũng như là một số luận án tốt nghiệp của các sinh viên y khoa người Pháp. Bác sĩ Henriette Bùi đã viết nhiều bài báo cũng như đọc nhiều bài diễn văn ca ngợi sự tiến bộ của nền y học Tây phương do người Pháp mang đến cho các nước Đông Dương, nhưng đồng thời bà cũng đề cao vai trò của nền y khoa truyền thống trong xã hội Việt Nam từ ngàn năm trước khi người Pháp đặt chân đến nước ta. Cuối năm 1950 bà sang Nhật Bản học nghề châm cứu, với nhiều áp dụng có hiệu quả cho ngành sản khoa.
Ảnh gia đình chụp năm 1921 tại Phú Nhuận. Từ trái: Madeleine, Henriette, ông Bùi Quang Chiêu, Louis, Camille, Helene.
Ngoài chuyện ly dị chồng, vào thời đó bà Henriette Bùi còn làm nhiều điều mà người Việt Nam coi như là chuyện “động trời” vì chưa có người đàn bà Việt Nam nào dám làm như vậy: bà dám đi giày cao gót y như các phụ nữ người Pháp – người Việt Nam gọi là các “bà đầm” – bà dám mặc áo tắm như đầm khi đi tắm piscine, dám chơi thể thao và dám lái xe hơi… Bà chỉ bỏ dở việc học lái máy bay. Bà cho biết bà đã đi học lái máy bay vì nghĩ rằng trong thời chiến tranh mà một vị bác sĩ như bà biết lái phi cơ thì có thể đi đến được những nơi xa xôi hẻo lánh để chữa trị cho bệnh nhân, tuy nhiên vì dư luận lúc đó chỉ trích việc một người đàn bà mà dám đi học lái máy bay nên sau một thời gian thì bà đành phải bỏ học.
Năm 1961, bà lập gia đình lần thứ 2 với ông Nguyễn Ngọc Bích, kỹ sư và là bạn cũ của bà khi gặp lại ở Pháp và ông bà sống với nhau cho đến khi ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1965.
Bác sĩ Henriette Bùi sau đó tình nguyện trở về Việt Nam tham gia vào một chương trình y tế do Hội Church World Service, một cơ quan bất vụ lợi do nhiều giáo hội Tin Lành có trụ sở tại New York tài trợ, cũng tương tự như Hội Médecins San Frontières (Bác Sĩ Không Biên Giới, Doctors without Borders) sau này. Trong suốt 5 năm trời, dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn hoạt động với tư cách là trưởng nhóm và tích cực xông pha vào tận những nơi người dân cần sự săn sóc về y tế dù rằng tình hình chiến sự ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Bà phục vụ cho tất cả mọi người, bất kể là họ sống trong vùng do chính phủ VNCH kiểm soát hay là trong những vùng do MTDTGPMNVN kiểm soát. Bà cũng cứu chữa cho tất cả những người bị thương không kể họ thuộc phe nào, vì theo bà nguyên tắc của Hội Hồng Thập Tự là chữa trị đồng đều cho tất cả mọi người bị thương tích bất kể họ là bạn hay là thù nghịch. Vào năm 1970, bà tình nguyện vào phục vụ không lương về ngành hộ sản và nhi khoa tại Bệnh viện Phú Thọ ở vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn.
Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, ở tuổi 105. Hình chụp tại Paris nhân chuyến viếng thăm của đoàn bác sĩ từ Hoa Kỳ.(Ảnh: Internet)
Năm 1971 bà trở về Pháp, vẫn phục vụ trong ngành y khoa, cho đến năm 1976, khi 71 tuổi bà mới nghỉ hưu. Bà hiến tặng biệt thự tư gia của bà ở số 28 đường Testard làm cơ sở cho Trường Đại học Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Ngày nay nơi này là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM.
Năm 2011, đã 105 tuổi, bà vẫn còn khoẻ và minh mẫn. Bà mất ngày 27 tháng 4 năm 2012 tại Paris và được an táng tại Tòa Thánh Cao Đài tỉnh Bến Tre, thọ 105 tuổi bên cạnh mộ phần của chồng. Ông bà không có con song có một con nuôi rất hiếu đễ trông nom bà tới khi mất.
(Tư liệu và bài soạn lại theo nguồn của VH và NT VN)
NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU