Hai bên đường vào trung tâm xã Diễn Tháp là những dãy nhà biệt thự liền kề nhau.
Nhà nhà, làng làng đi lao động nước ngoài
Mới đây, sự việc 39 người tử vong trong xe container tại Anh đã gây chấn động dư luận, nhất là khi xuất hiện thông tin trong số người tử vong có cả người Việt Nam. Giới chức Anh cho rằng số người trên là lao động nhập cư trái phép vào nước này và đây không phải là lần đầu.
Tìm về huyện Yên Thành và Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), chính quyền nơi đây xác nhận đã nhận được đơn trình báo của một số gia đình về việc con đi nước ngoài lao động và bị mất tích. Đại diện chính quyền hai huyện trên cũng cho biết, tình trạng người dân một số xã trên địa bàn huyện đi lao động nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu rất phổ biến.
Mới đây, sự việc 39 người tử vong trong xe container tại Anh đã gây chấn động dư luận, nhất là khi xuất hiện thông tin trong số người tử vong có cả người Việt Nam. Giới chức Anh cho rằng số người trên là lao động nhập cư trái phép vào nước này và đây không phải là lần đầu.
Tìm về huyện Yên Thành và Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), chính quyền nơi đây xác nhận đã nhận được đơn trình báo của một số gia đình về việc con đi nước ngoài lao động và bị mất tích. Đại diện chính quyền hai huyện trên cũng cho biết, tình trạng người dân một số xã trên địa bàn huyện đi lao động nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu rất phổ biến.
Người thân những người bị nghi tử vong trong chuyến xe container đang rất lo lắng
Điển hình như xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu), xã Thọ Thành, xã Đô Thành huyện Yên Thanh (huyện Yên Thành)... có số người đi lao động nước ngoài rất nhiều. Tính riêng tại xóm 11, xã Diễn Thịnh (nơi có 2 anh em họ nghi là nạn nhân trong chuyến xe có 39 người tử vong), có tới 40% số người đi lao động nước ngoài.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng xóm 11 cho biết cả xóm có 450 hộ với 1720 khẩu (người), thì có tới 750 người (chiếm 43.6% tổng số) di cư lao động ở tất cả các nước trên thế giới. Trong đó tính riêng ở các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức,...) chiếm gần một nửa.
Ông Trường cho biết có xóm tới 43.6% người di cư lao động
Lý do khiến nhiều người bất chấp để đi lao động nước ngoài
Lao động chui không hồ sơ, giấy tờ hay việc vượt biên từ nước nọ đến nước kia để lao động là vi phạm pháp luật và cần phải ngăn chặn ngay từ trong trứng nước. Ngay cả những người đi lao động nước ngoài, dù biết việc bản thân làm như vậy là trái luật, là tự nhận nguy hiểm về cho bản thân nhưng họ bất chấp để ra đi. Lý do phổ biến nhất là muốn kiếm thật nhiều tiền mong được đổi đời.
Cổng vào làng biệt thự tiền tỷ ở xã Đô Nghĩa, Yên Thành, Nghệ An
Cũng giống như bao người khác, khi người làng và các bạn cùng trang lứa đi lao động ở trời Tây mang được nhiều tiền về mua đất đai, xây biệt thự... nên anh M. cũng thấy hậm hực vì “con gà tức nhau tiếng gáy”.
Cũng chính vì suy nghĩ đó mà nhiều người làng anh M. đua nhau đi Tây, trước là để đổi đời, sau là để lên đời với bàn dân thiên hạ. Ban đầu anh M. sang Nga, sau đó cùng một nhóm người ngày đêm vượt biên qua đường rừng, qua Ba Lan, Rumani.... rồi sang Pháp.
Tại Pháp, anh ở lại làm một thời gian để làm việc kiếm tiền nuôi ý định sang Anh. “Chỉ sang Anh là kiếm được tiền thôi. Nếu ở Pháp, Đức kiếm được 20-30 triệu, thì sang Anh 1 tháng ít cũng được 70 triệu, thậm chí 120 triệu nên ai cũng hám”, anh M. nói.
Thế nhưng ý định chưa thành thì anh bị bắt vì nhập cư trái phép rồi bị trục xuất về nước. Đến giờ khi sự việc 39 người tử vong xảy ra, anh M. mới rùng mình nói: “Đó là cách để đi sang Anh nhiều người lựa chọn. Để kiếm được tiền phải sẵn sàng đánh cược tính mạng”.
Mùa bóng đá – mùa của những chuyến đi đổi đời
Hàng năm, luôn có những người bằng cách này cách kia, tìm đường đi lao động ở nước ngoài. Nhưng có những thời điểm đặc biệt trở thành "mùa ra đi" của những người dân quê ôm giấc mộng đổi đời.
Trưởng thôn 11 (xã Diễn Thịnh) Nguyễn Xuân Trường cho biết, năm nào đến mùa Euro, hay World Cup được tổ chức tại các nước châu Âu là năm đó số người đi "lao động" ở các nước tăng lên chóng mặt. “Họ bỏ tiền mua vé xem bóng đá, tới nơi họ ở lại luôn để lao động và không về nữa”, ông Trường nói.
Ông Trường chia sẻ với phóng viên
Điều làm ông Trường xót xa nhất, đó là có những trường hợp chưa đến tuổi trưởng thành cũng đi, hay có người học đại học về có việc làm nhưng chê thu nhập thấp nên cũng ra đi. “Có trường hợp tôi biết là cháu bé mới 16 tuổi đã đi sang châu Âu rồi. Tất nhiên họ có người nhà bên đó, nhưng sang đó có được nhận vào làm luôn đâu, làm nhà hàng cũng không nhận. Vậy là phải ở đó đợi đủ tuổi để đi xin việc hoặc lại từ Pháp sang Anh để kiếm tiền”, ông Trường cho biết.Cũng giống như anh M., ông Trường cho rằng nguyên nhân mọi người đi Tây lao động nhiều là vì người nọ đi trước, kéo người kia đi sau. Rồi thấy nhà hàng xóm đi về lắm tiền nên cũng tìm mọi cách để ra đi.
“Gia đình tôi ở nhà làm ruộng, nuôi bò 1 năm chỉ được mấy chục triệu thôi. Con tôi không đứa nào đi tây, đi ta cả. Tôi bảo con rằng phải cố học, sau này có nghề đi làm dần dần sẽ tăng thu nhập. Đó là cách bền vững nhất, chứ tôi không dám đánh đổi”, ông Trường nói.
Biệt thự làng quê được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tính mạng
Có mặt tại xã Đô Nghĩa (Yên Thành, Nghệ An) chúng tôi choáng ngợp bởi những ngôi nhà bề thế xây theo kiểu biệt thự nhà vườn mọc san sát nhau. Đây cũng là địa phương được nhắc tới là 1 trong 10 xã giàu nhất tỉnh Nghệ An hay được nhiều người gọi với cái tên “thân mật” là: Làng tỉ phú.
Những ngôi nhà bạc tỷ ở làng biệt thự
Hỏi ra mới biết đại đa số những ngôi nhà sang trọng ở đây được xây dựng từ nguồn tiền đi xuất khẩu lao động gửi về. Bà Liên ở làng Phú Mỹ, có ngôi biệt thự 2 tầng rộng vài trăm mét vuông cho biết, hiện có 4 người con và 1 người cháu đang đi xuất khẩu lao động, hàng tháng các con gửi tiền về cho bà để sinh hoạt, đổi lại bà đang phải trông tất cả 4 đứa cháu nội ngoại để các con ra nước ngoài làm việc.Trước đây, người dân ở xã Đô Nghĩa luôn tự hào vì những danh xưng mọi người đặt cho mình. Nhưng từ khi xảy ra sự việc 39 người tử vong ở Anh, nhất là xã Đô Nghĩa cũng có ít nhất 3 trường hợp nghi có mặt trên chiếc container đó thì không khí u ám bao quanh khắp làng xã. Các căn biệt thự không rộn vang tiếng cười như trước, bởi nhiều gia đình đang có con em ở trời Tây, không biết ngày mai sẽ ra sao.
Theo chia sẻ của những người đã đi lao động nước ngoài trở về, để có được đồng tiền, họ bỏ biết bao mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu và đánh cược cả tính mạng mới có được. Bởi sang Anh, Pháp, Đức... cũng chỉ là đi làm thuê mà thôi. Công việc của họ chủ yếu là làm nông ở các trang trại, rửa bát thuê, bồi bếp, phụ bàn...thậm chí là đi phụ hồ.
Với những người nhập cư trái phép, họ có thể bị bắt và trục xuất bất cứ lúc nào. Thậm chí, họ còn bị đánh đập bởi người bản địa, chủ thuê vì bị những người này nắm thóp điểm yếu.
Anh M. (người đã chia sẻ ở trên) cho biết, nhiều người bị bắt phải cố trốn ra để kiếm tiền, vì khi mới bắt đầu đi ai cũng phải cắm sổ vay ngân hàng hoặc vay tín dụng. “Nếu bị trục xuất về thì... chết còn hơn vì số nợ quá lớn. Vì thế nhiều người chấp nhận đánh đổi cả tính mạng mình, nếu trót lọt họ sẽ giàu nhanh”, anh M. nói.
Riêng đối với việc sang Anh, anh M. cho biết những người “dắt mối” cũng rất sòng phẳng, bao giờ dẫn sang đến nơi họ mới lấy tiền từ phía gia đình. Bởi vậy, nhiều người ham vì không phải bỏ tiền ra trước, mà khi đã sang được Anh thì cuộc đời coi như bước sang trang mới.
Lao động đi nước ngoài bằng con đường “không chính ngạch” đang được nhiều người lựa chọn. Sức hút từ "tiền tươi" rất hấp dẫn, tuy nhiên, cái giá phải trả quá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng.
Nhưng hơn hết, những người đi lao động nước ngoài kiếm được tiền về cho gia đình cần nói rõ những rủi ro, nguy hiểm đang chờ đón trước mắt để cảnh tỉnh người thân, giúp họ biết rõ những nguy cơ sắp tới trước mỗi lựa chọn. Đó là những đồng tiền được đánh đổi bằng việc mất hết danh tính, nhân quyền, trường hợp xấu nhất có thể mất luôn tính mạng, chưa kể các nguy cơ bị bán, bị ép buộc làm việc phi pháp ở nước sở tại…
Theo Lê Phương (Khám phá)