Tuesday, May 31, 2022

TẠI SAO CÓ MỘT SỐ NƯỚC NGHÈO, TRONG KHI CÁC NƯỚC KHÁC GIÀU CÓ?

Xét một cách tương đối về tài nguyên thiên nhiên, thể chế xã hội, và chính sách điều hành kinh tế, mỗi quốc gia đều có những tỷ lệ ảnh hưởng khác nhau. Nhân tố nào đã quyết định mức độ giàu có của một quốc gia? Có sự khác biệt cơ bản nào giữa các quốc gia giàu có và quốc gia nghèo nàn? Cùng chúng tôi tìm kiếm đáp án bên dưới qua một nghiên cứu của kênh The School of Life.

Tại sao có nước giàu, nước nghèo? (Ảnh: wahbian/Flickr)

Có tất cả 196 quốc gia trên thế giới. 25 trong số đó rất giàu, có thu nhập bình quân đầu người hơn 100.000 USD/năm (tương đương gần 2,3 tỷ đồng/năm). Các quốc gia đó là: Úc, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Iceland, Ý, Nhật, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Barbados,…

Đa phần còn lại là các quốc gia khá nghèo và một số thì rất, rất nghèo.

Theo khảo sát năm 2014, 20 nước nghèo nhất thế giới có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD/năm (hơn 22 triệu đồng/năm), nghĩa là dưới 3 USD/ngày (dưới 68.000 đồng/ngày). Có thể kể đến như: Venezuela, Triều Tiên, Cộng hòa Congo, Mozambique, Zimbabwe, Ethiopia, Afghanistan, Myanmar, Gambia…

Tất cả các quốc gia, dù ít hay nhiều đều đang trên con đường phát triển. Nhưng tại các quốc gia nghèo thì việc này diễn ra vô cùng chậm chạp.

Nếu Zimbabwe tiếp tục duy trì tốc độ phát triển như hiện nay, quốc gia này sẽ đủ tiêu chuẩn là một nước giàu trong 2.722 năm nữa.

Điều chúng ta muốn tìm hiểu là tại sao một số quốc gia phát triển, trong khi số khác thì lạc hậu.

Tham nhũng là nguồn gốc của quốc gia nghèo nàn

Theo The School of Life Chanel, nhân tố ảnh hưởng quan trọng và chi phối lớn nhất đến mức độ giàu có của một quốc gia là “thể chế”. Những nước giàu thường có một thể chế tốt, trong khi các nước nghèo có một thể chế tồi.

Đáng chú ý, sự nghèo nàn và tham nhũng có tương quan và ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Những nước giàu nhất trên thế giới cũng là những nước tham nhũng ít nhất, và những nước tham nhũng nhất cũng là những quốc gia nghèo nàn nhất.

Khi các quốc gia có tham nhũng, họ không thể thu đủ thuế để xây dựng một thể chế vững mạnh nhằm thoát khỏi cái bẫy của sự nghèo nàn.

Theo thống kê, một nửa của cải tại 20 quốc gia nghèo nhất thế giới đều nằm ở các tài khoản ngân hàng tại nước ngoài. Tổng thu nhập bị hao hụt ở các nước này lên đến 10 – 20 tỷ USD một năm. Người dân ở nước nghèo không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, hệ thống giáo dục hiện đại và cơ sở hạ tầng phát triển.

Một cách hiểu đơn giản hơn về tham nhũng chính là tư duy bè phái. Giả sử bạn thuê một người nào đó để làm việc. Ở các đất nước giàu có, điều bạn cần làm đơn giản là dựa trên phẩm chất và năng lực, các cuộc phỏng vấn với nhiều ứng viên và sau đó chọn ra người giỏi nhất mà không lưu tâm đến bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào.

Nhưng ở các nước nghèo, dưới sự ảnh hưởng của tư duy bè phái, cách tiếp cận bị sai lạc đi.

Nhiệm vụ của bạn là phải loại đi những ứng viên giỏi nhất để chọn những người cùng phe như chú bác bạn, anh em, họ hàng bạn và những người có mối quen biết hay cùng lý tưởng với bạn. Kết quả là, các nước nghèo không chọn ra được những người thông minh và tài giỏi.

Tham nhũng là nguồn gốc của quốc gia nghèo nàn. (Ảnh: Shutterstock)

Giàu tài nguyên thiên nhiên chưa hẳn đã giàu có

Một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng thể chế tồi cũng không khiến nó thịnh vượng.

Những tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, kim loại quý có thể là vấn đề thực sự. Các nước nghèo thường có xu hướng xem chúng là quân át chủ bài. Những tài nguyên thiên nhiên này được các nhà kinh tế gọi là “hiệu ứng khuếch đại”. Chúng sẽ giúp một quốc gia với thể chế tốt giàu có hơn, nhưng với một thể chế tồi thì thậm chí nó làm quốc gia đó nghèo hơn. Điều này được gọi là “bẫy tài nguyên”.

Điển hình, nước Cộng hòa dân chủ Congo là một trong những nước có trữ lượng quặng lớn nhất thế giới và nắm giữ hầu hết trữ lượng quặng Coltan của thế giới, một kim loại quan trọng dùng trong ngành sản xuất điện thoại di động. Nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên này chỉ giúp tầng lớp chóp bu kiếm tiền mà không cần sự cộng tác của toàn xã hội.

Ví dụ, nếu cách duy nhất để trở nên giàu có là kết hợp cả công nghệ và máy móc, bạn sẽ cần sự góp sức của toàn xã hội. Nhưng nếu bạn chỉ cần tách quặng, bạn có thể làm với một lực lượng lao động ít ỏi, súng ống và một đường băng đủ dài để vận chuyển tài nguyên ra nước ngoài. Sự giàu có từ quặng Coltan giúp phiến quân Congo trang bị súng ống và khiến tham nhũng xảy ra tại mọi tầng lớp xã hội.

Có nhiều giả thuyết cho rằng mức độ giàu có của một quốc gia phụ thuộc vào vị trí địa lý hay tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Đơn cử, trữ lượng dầu của Venezuela cao gấp 12 lần Qatar, nhưng Qatar lại rất giàu có trong khi người dân Venezuela đói nghèo và phải vật lộn để kiếm sống hàng ngày.

Hay Triều Tiên và Hàn Quốc, hai quốc gia tương đồng về văn hóa, địa lý và tài nguyên thiên nhiên. Nhưng thu nhập người dân Hàn Quốc cao gấp 10 lần thu nhập người dân Triều Tiên. Hay sự khác biệt lớn về mức sống và dân trí giữa người Trung Hoa Đại Lục và người Hoa tại Singapore.

Một ví dụ khác dễ nhận thấy hơn, người Việt Nam có nhiều cơ hội thành công hơn khi ra nước ngoài, chứ không phải ngay tại Việt Nam.

Điểm chung của những khác biệt ở các quốc gia nói trên là gì? Đó chính là thể chế đằng sau của quốc gia đó. Chìa khóa của sự thịnh vượng không nằm ở tài nguyên thiên nhiên hay địa lý thuận lợi, mà là ở các chính sách từ chính phủ, và mức độ tự do kinh tế của người dân. Hầu hết của cải của một quốc gia giàu có đều tỷ lệ thuận với mức độ tự do kinh tế của nó.

Theo nhà kinh tế học Adam Smith, mấu chốt của sự khác biệt giữa quốc gia giàu có và quốc gia nghèo nàn rất đơn giản. Đó là tự do kinh tế.

“Điều kiện tiên quyết để đưa một quốc gia từ mức độ man rợ thấp nhất đến phồn thịnh cao nhất là không gì khác ngoài hòa bình, thuế khóa vừa phải, và một chính quyền tôn trọng công lý: mọi điều còn lại là do quá trình tự nhiên của sự vật đem tới”, theo Adam Smith.

Và một quốc gia có tự do kinh tế chỉ khi nó được vận hành bởi một thể chế tốt, tôn trọng quyền công dân, biết lắng nghe và sửa sai khi cần thiết. Trong trường hợp này, Mỹ là một ví dụ điển hình.

Trước khi tin tưởng vào thị trường tự do, người dân Mỹ đã đặt niềm tin vào chính phủ để đưa ra những quyết định thương mại quan trọng. Hay nói cách khác, chỉ sau khi chính phủ liên tục thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và những doanh nghiệp tư nhân lại thành công, lúc đó nước Mỹ mới bắt đầu phát triển một đế chế kinh tế không thể lật đổ và trở thành quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng bậc nhất thế giới như ngày nay.

Tổng hợp từ theschoolof life.com,…
Theo: Trithucvn

CẢ ĐỜI LÀ NỮ ĐẾ CAO NGẠO NHƯNG VÕ TẮC THIÊN LẠI KIÊNG NỂ 3 NGƯỜI NÀY: HỌ LÀ NHỮNG AI?

Ba người khiến nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên phải kiêng nể là những ai?


Nhắc đến Võ Tắc Thiên người ta thường nghĩ ngay đến một nữ hoàng đế quyền lực trong lịch sử Trung Quốc. Bà nổi tiếng là một nữ hoàng đế chuyên quyền, tàn độc và nghiêm khắc.

Bởi ngay cả đối với người thân, bà cũng không tha, khiến nhiều người khiếp sợ. Cả đời luôn sống cao ngạo, quyền lực là thế nhưng lại có những người khiến nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên phải kiêng nể. Họ là những ai?

Người đầu tiên là Tiết Tiệp Dư

Tiết Tiệp Dư là phi tần của Đường Cao Tổ Lý Uyên, là con gái của Tiết Đạo Hành, thống đốc Tương Châu dưới triều đại nhà Tùy. Tiết Đạo Hành là một vị quan tài giỏi, liêm chính. Vì vậy, con gái ông là Tiết Tiệp Dư cũng là người vô cùng xuất sắc và được Đường Cao Tông Lý Trị hết lòng tôn trọng.

Tiết Tiệp Dư là một nữ nhân vô cùng xuất chúng.

Lúc đầu, khi Võ Tắc Thiên tranh giành quyền lực, trong hậu cung, bà sợ nhất là Tiết Tiệp Dư. Bởi vì Tiết Tiệp Dư cũng được coi là một người từng trải qua ba triều đại, Lý Trị rất nghe lời của bà.

Vì vậy, Võ Tắc Thiên cũng rất đề phòng và kiêng nể Tiết Tiệp Dư. Bởi nếu để Tiết Tiệp Dư nói cho Lý Trị biết được hết những hành động và việc mà Võ Tắc Thiên làm thì chắc chắn mọi chuyện sẽ hỏng.

Cho nên, để đề phòng, Võ Tắc Thiên đã lấy cháu trai của Tiết Tiệp Dư là Tiết Nguyên Siêu để đe dọa, uy hiếp bà khiến bà giữ kín những bí mật của mình. Kết quả thì Tiết Tiệp Dư cũng thỏa hiệp. Sau khi giành được quyền lực về tay mình, Võ Tắc Thiên đã ép Tiết Tiệp Dư xuất gia.

Nếu theo tính cách của Võ Tắc Thiên thì chắc chắn Tiết Tiệp Dư sẽ bị giết. Nhưng vì Tiết Tiệp Dư là phi tần của Đường Cao Tổ, nên nếu giết bà, Võ Tắc Thiên sẽ vướng phải sự phản đối của hoàng gia. Nhờ đó mà vị phi tần này bảo toàn được tính mạng.

Người thứ hai là Viên Thiên Cương

Người thứ hai không hai khác chính là Viên Thiên Cương. Ông là một bậc thầy phong thủy và là nhà tiên tri nổi tiếng. Ông và Lý Thuần Phong đều là quân thần làm việc cho nhà Đường. Tương truyền ông có thể tiên tri được những sự việc xảy ra trong tương lai, có thể lên tới hàng nghìn năm.

Như việc ông tiên đoán cho Võ Tắc Thiên từ nhỏ rằng sau này sẽ trở thành nữ hoàng đế. Và ông cũng tiên tri cho Lý Thế Dân rằng sau này, Võ Tắc Thiên sẽ lên ngôi hoàng đế và cướp đi ngôi vị của nhà Đường.

Viên Thiên Cương đã nhiều lần tiên tri cho Võ Tắc Thiên.

Ngay sau khi Võ Tắc Thiên giành được ngôi vị đã ngỏ ý muốn Viên Thiên Cương làm việc cho bà. Thế nhưng, dù Viên Thiên Cương tôn trọng Võ Tắc Thiên nhưng không muốn làm quân thần dưới trướng của bà. Vì vậy, khi Võ Tắc Thiên ngỏ ý muốn ông là quân thần đắc lực cho mình thì Viên Thiên Cương đã từ chối.

Điều đó khiến Võ Tắc Thiên vô cùng tức giận và muốn giết ông. Thế nhưng với tài tiên tri của mình, ông đã giúp Võ Tắc Thiên tiên tri về sứ mệnh đất nước mà bà trị vì. Do đó, Võ Tắc Thiên không dám giết Viên Thiên Cương.

Người thứ ba là Địch Nhân Kiệt

Người cuối cùng khiến nữ hoàng đế quyền lực Võ Tắc Thiên phải kiêng nể đó chính là Địch Nhân Kiệt. Ông là một vị quan nổi tiếng dưới triều đại nhà Đường và cả triều Võ Chu mà Võ Tắc Thiên lập ra. Ông từng giữ chức tể tướng trong thời Võ Chu và là một vị quan liêm minh.

Võ Tắc Thiên rất kiêng nể Địch Nhân Kiệt.

Chỉ có ông là người có thể khiến Võ Tắc Thiên yên tâm nhưng cũng có phần kiêng nể. Với sự tài giỏi và liêm chính của mình, ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong triều. Vì vậy, Võ Tắc Thiên cũng rất kiêng nể ông.

Thế nhưng quyền lực của Võ Tắc Thiên không phải dễ mà có được, nên bà rất đề phòng việc các quân thần ở dưới chia bè kết phái tạo phản. Do đó, với một quân thần tài giỏi như Địch Nhân Kiệt thì bà không chỉ nể phục mà còn phải rất đề phòng.

Với tính tình thẳng thắn, thanh liêm, Địch Nhân Kiệt còn dám trực tiếp ý kiến với Võ Tắc Thiên rằng bà cần tránh xa những người đàn ông hầu hạ bên cạnh. Với sự kiên quyết của mình, ông cũng khiến Võ Tắc Thiên phải nhượng bộ mà hạn chế số lượng những người đàn ông hầu hạ bà.

Theo: Pháp Luật & Bạn Đọc

NỮ CÔNG TƯỚC MARIA VÀ NỤ HÔN ĐI VÀO LỊCH SỬ NƯỚC NGA

Nhắc đến phụ nữ, người ta thường nghĩ đến sự dịu dàng, đôn hậu… nhưng không phải vì vậy mà họ trở nên yếu đuối. Đôi khi chính sự dịu dàng đó lại khởi một tác dụng có thể mạnh hơn binh đao gấp nhiều lần.


Dưới đây là một câu chuyện cảm động về những người phụ nữ đã đi vào lịch sử nước Nga.

Tháng 12/1825, tại Nga nổ ra một cuộc nổi dậy chống lại chế độ chuyên chế của Sa hoàng Nicholas I. Hôm đó khoảng 3.000 cấm vệ quân tiến vào Quảng trường Senate của thành phố Saint Petersburg, yêu cầu nhà nước cải cách hiến pháp, bãi bỏ chế độ nông nô.

Nhưng sau đó, cuộc khởi nghĩa thất bại và bị đàn áp. Những người đứng đầu bị xử tử, số còn lại bị đày đến tận Siberia lao động khổ sai. Vì sự kiện xảy ra trong tháng 12, nên những người khởi nghĩa ấy được gọi là “các chiến sĩ tháng Chạp”.

Những người nổi dậy tại quảng trường Thượng nghị viện năm 1825. (Ảnh qua Wikipedia)
Và câu chuyện về những người phụ nữ của “các chiến sĩ tháng Chạp” bắt đầu từ đây.

Những cấm vệ binh nói trên – họ đều là những vệ binh xuất thân từ quý tộc, hoàng tộc. Nhưng vì vận mệnh đất nước, vì tự do của người dân, họ đã vứt bỏ địa vị, cuộc sống sung túc của mình để chống lại chế độ mà họ từng bảo vệ, chống lại gia tộc của chính mình. Người dân gọi họ là “lương tâm của nước Nga”.

Để trừng phạt những vệ binh này, Nicholas I đã ra lệnh cho phu nhân của các binh sĩ cắt đứt quan hệ với họ. Nhưng thật bất ngờ, hầu hết những người phụ nữ đó đều kiên quyết từ chối ly hôn, hơn nữa còn muốn theo chồng đi lưu đày đến Siberia.

Sa hoàng thấy vậy lập tức ban hành một sắc lệnh khắc nghiệt khác như sau: Những ai muốn đi lưu vong cùng chồng thì sẽ bị tước bỏ đặc quyền quý tộc vĩnh viễn, không được về quê, cũng không được mang theo con cái. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải bỏ lại tất cả, trong phút chốc trắng tay mà còn phải vĩnh viễn làm lao động khổ sai. Đối với một người phụ nữ sống trong nhung lụa mà nói, điều này là quá khắc nghiệt.

Nhưng không ai ngờ rằng, họ không chút do dự sẵn sàng từ bỏ tất cả. Dù biết rõ những cực khổ sẽ phải đối mặt, nhưng họ vẫn một mực kề vai sát cánh với chồng.

Lúc này nhiều người chợt nhận ra, phụ nữ cao quý chính là người có một tấm lòng kiên trinh, một niềm tin chân chính, chứ không phải ở địa vị và tiền bạc.

Nụ hôn đi vào lịch sử

Nói về những người phụ nữ nổi tiếng thời ấy không thể không nhắc đến nữ công tước Maria Nikolaevna Volkonskaya, bà vốn xuất thân trong một gia đình có danh vọng, cha là cựu tướng quân của nước Nga. Nhưng bà lại là người đầu tiên đi theo chồng đến Siberia khi mới vừa hạ sinh một bé trai, lúc ấy bà cũng chỉ mới 20 tuổi.

Chân dung Nữ bá tước Maria Nikolayevna Volkonskaya (1805-1863) và con trai. (Ảnh: Getty Images)
Quyết định này của Maria khiến cả nước Nga bàng hoàng. Khi bà đi qua Mát-xcơ-va, những người dân nơi đó đã tổ chức tiệc linh đình để tiễn bà một vị anh hùng của đất nước.

Đến Siberia, lòng bà thắt lại khi thấy chồng mình đeo xiềng xích đang làm việc trong mỏ quặng, ngay lập tức Maria bước đến hôn lên sợi xích sắt đang trói tay người chồng – một nụ hôn đầy lòng trắc ẩn.

Tại sao bà ấy lại hôn lên sợi xích sắt? Vì hình ảnh đó chính là đại diện cho chế độ chuyên chế độc tài, và nó cũng là nguyên nhân gây ra đau khổ cho nhiều gia đình khác.

Bà hôn xiềng xích vì hy vọng rằng tình yêu và sự dịu dàng của người phụ nữ có thể hóa giải nỗi đau của chồng, hy vọng lòng trắc ẩn của mình có thể thức tỉnh đất nước đang chìm trong đau khổ, và người dân sẽ sớm thoát khỏi xiềng xích để được tự do. Giây phút đó, tất cả mọi người đều trầm mặc, cả hầm mỏ cũng không có bất kỳ tiếng động nào, ai nấy đều rưng rưng, cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc đau buồn, và cảm nhận tình cảm thiêng liêng – một khoảnh khắc mãi đi vào lịch sử.

Hiện nay nếu đi du lịch đến Nga, và bước vào một phòng trưng bày nghệ thuật, có thể bạn vẫn sẽ thấy bức tranh một người phụ nữ quý tộc quỳ trên mặt đất, hôn lên xiềng xích trên tay chồng – đó chính là nữ công tước Maria.

Bức tranh nụ hôn của nữ công tước Maria. (Ảnh qua i2.kknews.cc)
Sự kiên trinh ấy cũng có thể là những dòng thư vừa tha thiết vừa xót xa của phu nhân Muravyova xinh đẹp, khi ấy cũng chỉ mới 21 tuổi và đang mang thai đứa con thứ 3: “Anh yêu quý, đừng lo cho em, em có thể chịu đựng được tất cả… Xin hãy đợi em. Em có quyền được chia sẻ nước mắt và nụ cười cùng anh”.

Năm đó, cuộc cách mạng của “các chiến sĩ tháng Chạp” đã khiến nhà độc tài phải rùng mình, nhưng sự thức tỉnh về lương tâm, tình yêu, tình người của những người phụ nữ tháng Chạp còn làm những nhà độc tài sợ hãi hơn. Sự cao quý của họ đã khơi dậy tinh thần chính nghĩa khắp đất nước.

Mặc dù cuộc nổi dậy thất bại, nhưng nó đã buộc Sa hoàng Nicholas I phải thực hiện một số thay đổi để giải quyết các vấn đề của đất nước, làm tiền đề cho việc giải phóng nông nô và cải cách hiến pháp sau này.

Có thể nói sự dịu dàng và thánh thiện của phụ nữ có một sức mạnh thật phi thường. Và chúng ta mong rằng sức mạnh ấy sẽ được tái hiện, lan tỏa và tạo ra điều kỳ diệu cho cuộc chiến hiện nay.

Khi Nga và Ukraine đang trong tình cảnh khốc liệt, hình ảnh vợ mất chồng, mẹ mất con đã lấy đi nước mắt của hàng triệu con người trên thế giới. Những người phụ nữ ấy hẳn cũng đang cầu nguyện cho gia đình và những người lính ngoài chiến trận.

Đại sứ Ukraine giơ cao ảnh chụp màn hình tin nhắn điện thoại của binh sĩ Nga với mẹ trước lúc hy sinh. (Ảnh: SKY NEWS)
Vào ngày 28/2 trong cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Sergiy Kyslytsya mang theo văn bản được cho là đoạn hội thoại cuối cùng giữa một người lính Nga và mẹ như sau:

“Leo, sao lâu quá con không trả lời tin nhắn mẹ? Các con có phải đang huấn luyện không?”

Người lính trả lời: “Mẹ ơi, con không ở Crimea nữa, cũng không huấn luyện nữa….

Chúng con đang ở Ukraine. Đây là cuộc chiến thực sự. Con sợ quá…


Họ nói với chúng con rằng, người dân ở đó sẽ chào đón chúng con nhưng thực tế là họ đã chặn các phương tiện và không cho phép chúng con tiến quân, họ gọi chúng con là lũ phát xít. Mẹ ơi, con cảm thấy rất nguy kịch”.

Sau đó, Đại sứ Kyslytsya chậm rãi nói trước Liên Hiệp Quốc rằng: “Chỉ ít lâu sau đó anh ta đã bị giết”.

Đọc đến đây, chúng ta hẳn là ít nhiều cũng sẽ tưởng tượng được, bà mẹ kia sẽ rơi vào tình cảnh như thế nào khi đọc được những dòng tin nhắn tuyệt vọng của con trai – một nỗi đau không ai có thể bù đắp được.

Giống như cựu Tổng thống Mỹ Lincoln từng nói: “Khi viên đạn xuyên vào một người lính, dù thuộc bên nào đi nữa thực ra nó đã xuyên vào trái tim một người mẹ”.

Mong rằng câu chuyện về lòng trắc ẩn của nữ công tước Maria có thể một lần nữa khơi lại thiện tâm trong lòng các chính trị gia, mau sớm chấm dứt chiến tranh để những người lính có thể trở về nhà trong yên bình, để người phụ nữ nơi hậu phương không còn phải sống trong những ngày ‘lau nước mắt’.

Việt Anh (t/h) / Theo: Tinh Hoa



TẾT ĐOAN NGỌ 2022

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, đây là một ngày Tết truyền thống tại Trung Quốc cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên và Việt Nam.


Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ mang một ý nghĩa khác với còn cái tên dân dã là "Tết giết sâu bọ", đây là một cái Tết quan trọng thứ hai, chỉ sau Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm của người xưa, trong ngày này mọi người cùng nhau phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt những loại côn trùng gây hại cho cây trồng ở quanh nơi mình sinh sống.

Tết Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tết Đoan Ngọ 2022 sẽ rơi vào thứ sáu ngày 3 tháng 6 năm 2022.


Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ - tết giết sâu bọ ở Việt Nam

Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dài ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Người chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.


Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ

Cũng như những ngày lễ khác trong năm ở Việt Nam, mỗi ngày lễ lại có một ý nghĩa riêng, cũng như một tên gọi dân dã. Đối với Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ. Ngày này được "Việt hóa" thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên.

Tết Đoan Ngọ được diễn ra vào 5/5 âm lịch, lúc này thời tiết bắt đầu chuyển mùa, chuyển tiết đây là điều kiện thuận lợi cho những loại sâu bệnh dễ phát sinh gây hại cho mùa màng cũng như sức khỏe con người. Chính vì vậy trong ngày này, mọi người đã nghĩ ra những cách để phòng bệnh, tiêu diệt những loại sâu bọ phá hoại này.

Theo quan niệm của người xưa cho rằng, sau Tết Nguyên Đán, có lẽ "Tết giết sâu bọ" là Tết mà tất cả mọi thành viên trong gia đình có dịp sum họp đầm ấm bên nhau. Chính vì vậy những người con có đi làm ăn xa xôi đến mấy cũng luôn thu xếp công việc để trở về nhà quây quần bên gia đình mình.

Ngoài ra, ngày Đoan Ngọ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng, đồng thời để cầu bình an.

Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ "sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...


Những món ăn không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ

Trong "Tết giết sâu bọ" mọi người sẽ cùng nhau chuẩn bị những món ăn quen thuộc, đặc trưng trong mùa này để dâng lên ông bà tổ tiên với mong muốn được mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam cũng thường quan niệm rằng, cứ vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, các loại kí sinh này thường ngoi lên, do đó con người sẽ ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Cơm rượu nếp

Cơm rượu nếp là một món ăn khá phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ ở hầu hết các địa phương. Theo quan niệm dân gian cho rằng: để diệt sâu bọ hiệu nghiệm thì chúng ta nên ăn cơm rượu vào sáng sớm ngày 5/5 khi chúng ta vừa ngủ dậy bởi cơm rượu có vị cay nồng của rượu nếp sẽ khiến cho các loại sâu bọ sẽ được tiêu diệt.


Bánh tro

Bên cạnh cơm rượu, bánh tro cũng là một món ăn không thể thiếu của người dân ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và một số nơi của Miền Bắc. Chiếc bánh nhỏ xíu, thuôn dài hoặc hình chóp tam giác (tùy nơi gói), bánh có cả 3 loại nhân ngọt hoặc mặn hoặc không nhân. Nhiều người cũng cho rằng ăn bánh tro, hoa quả cũng như cơm rượu vào ngày này sẽ giúp bệnh tật trong người tiêu tan hết. Và đây cũng là một món ăn rất phù hợp vào thời tiết nóng bức.


Trái cây

Mỗi mùa có một loại trái cây đặc trưng, và vào tháng 5 này thì chúng ta sẽ có một số loại hoa quả như mận, vải, đào,... Những loại này có vị tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức sẽ rất phù hợp cho Tết Đoan Ngọ.


Thịt vịt

Có lẽ ít ai biết rằng trong ngày lễ tết giết sâu bọ ở nhiều địa phương của miền Trung, thịt vịt cũng là một món ăn truyền thống của người dân miền Trung trong ngày này. Theo quan niệm xưa, ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người.


Trên đây là những thông tin mình đã tổng hợp được về ngày Tết Đoan Ngọ: Tết Đoan Ngọ là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam? cũng như đề xuất cho bạn những món ăn không thể thiếu trong ngày tết diệt sâu bọ này. Mong rằng những thông tin, chia sẻ này sẽ hữu ích cho bạn. Chúc bạn có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ bên gia đình!

Theo: chanh tuoi

NHỮNG MÓN MÌ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI NHẤT ĐỊNH PHẢI THỬ

Phở của Việt Nam cũng là một trong những món sợi được rất nhiều người trên thế giới yêu thích.

Mì (hay các món sợi) là một trong những món ăn phổ biến trên thế giới. Mỗi nước lại có một cách chế biến món mì khác nhau. Dưới đây là 11 món mì, sợi trứ danh đến từ các quốc gia. Nếu có cơ hội, bạn nên thử ít nhất một lần trong đời để không phải hối tiếc.

Mì udon là một loại mì được làm từ bột lúa mì, sợi khá dày, dày nhất trong các loại mì ở Nhật và rất trơn láng. Món mì Udon truyền thống và cơ bản nhất của người Nhật là món Kake-udon. Nước dùng của mì udon được nấu bằng dashi ăn kèm cùng với hải sản, thịt và rau và tempura (đồ chiên giòn nổi tiếng của Nhật).
Pad see ew hay còn gọi là mì xào đậu nành là một món mì xào rất quen thuộc của Thái Lan. Thành phần của món ăn gồm có: mì gạo xào với trứng, rau, tẩm thêm một chút ớt đỏ, bột me, nước mắm và đường thốt nốt.
Mì Ý sốt phô mai (Cacio e Pepe) được làm bằng mì tonnarelli, một loại mì ống giống như mì spaghetti làm từ trứng. Nước sốt của món mì này có ba thành phần chính: phô mai cacio, nước mì ống và hạt tiêu đen thô.
Chow mein là một món mì xào rất phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc. Sợi mì được làm từ bột mì, bột gạo hoặc tinh bột đậu xanh. Món mì này có thể được chế biến với nhiều loại thịt và rau khác nhau hoặc ăn chay.
Phở là một món ăn truyền thống, nổi tiếng ở Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Phần nước dùng cho nồi phở thường là nước dùng trong được ninh từ xương bò.
Japchae là món miến xào nổi tiếng của Hàn Quốc. Nguyên liệu chính để làm món ăn này là miến và các loại rau theo mùa (thường là cà rốt thái lát mỏng, hành tây, rau bina, và nấm) và thịt bò. Người Hàn Quốc dùng dầu mè (dầu vừng) để xào. Gia vị chính là xì dầu và ớt cùng hạt vừng. Japchae có thể ăn nóng hoặc nguội.
Laksa là một món mì nước cay của người Peranakan (bộ phận nhỏ người Hoa định cư tại eo biển Malacca). Món ăn này gồm có các nguyên liệu vô cùng đa dạng như mì gạo, tôm, mực, chả cá, sò huyết và giá thái nhỏ. Đây là món mì rất phổ biến ở Malaysia, Singapore và Indonesia.
Mì Saimin là món ăn đặc sản của Hawaii, với công thức chế biến pha trộn từ nhiều nền văn hóa trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Bồ Đào Nha và Polynesia. Sợi Saimin dai và dày được nấu trong phần nước dùng trong vắt. Khi thưởng thức mì sẽ được dùng kèm cải thìa, nấm, gừng và đương nhiên là không thể thiếu Spam – món thịt hộp đặc sản Hawaii.
Filipino spaghetti là một loại mì spaghetti được chế biến theo kiểu của người Philippines, món ăn này có vị ngọt lạ miệng với nước sốt được làm từ cà chua, chuối hoặc sữa đặc. Đĩa mì còn được cho thêm xúc xích thái lát lên trên trông rất ngon mắt.
Kushari được coi là món ăn dân tộc của Ai Cập và cũng là món ăn khởi nguồn của nền văn hoá ăn chay. Nó bao gồm mì ống, gạo, đậu lăng, hành tây caramel, tỏi và đậu chickpeas. Ngày nay, Kushari được biến tấu thêm các nguyên liệu khác như cơm, đậu lăng, đậu xanh, caramel hành và nước sốt cà chua tỏi.
Verdes Tallarines là món mì đặc trưng của Peru. Nó còn được gọi là "mì xanh" bởi phần nước sốt màu xanh đặc biệt ở phía trên. Verder Tallarines sử dụng mì spaghetti, fettuccine, hoặc linguine, rưới lên trên là sốt rau bina cùng với sữa tạo nên độ béo ngậy.

Thu Vân (theo Insider)

Monday, May 30, 2022

MUỐN THĂNG TIẾN TRONG CÔNG VIỆC?

Có thể bạn không biết nhưng những thói quen thường nhật của bạn có thể khiến cấp trên khó chịu và ngần ngại thăng chức cho bạn.


Ở công ty, bạn có thể là một cá nhân mẫn cán, hòa đồng, nhưng tại sao đã quá lâu bạn vẫn chưa được cất nhắc lên một vị trí cao hơn?

Nếu đã từng tự hỏi câu đó ít nhất 1 lần, hãy thử xem liệu mình có mắc phải 1 trong 5 thói quen nguy hiểm chốn văn phòng dưới đây không nhé. Biết đâu bạn lại tìm được lời giải đáp cho nỗi băn khoăn đó thì sao?


Muốn thăng tiến trong công việc? Hãy bỏ ngay 5 thói quen dưới đây

1. Liên tục xin lỗi dù không làm gì sai


Liệu câu nói cửa miệng của bạn ở văn phòng có phải: “Tôi xin lỗi”? Nghe có vẻ khá lịch sự nhưng việc luôn cố gắng tỏ ra nhún nhường và mềm mỏng như vậy thực chất sẽ chẳng đem lại cho bạn hoặc người khác bất cứ lợi ích gì.

Trong một bài viết trên tạp chí The Muse, tác giả Angeline Evans cho rằng xin lỗi luôn miệng có thể làm giảm sự chuyên nghiệp của bạn trong mắt đồng nghiệp khi tạo cho họ cảm giác nghi hoặc và thiếu tự nhiên.

Nếu sắp buột miệng xin lỗi dù bạn chẳng làm gì sai, hãy thử thay thế chúng bằng những cách đáp lại thông minh hơn.

Ví như khi có người đề nghị bạn trình bày lại ý chính của bài phát biểu bởi bạn nói quá nhanh khiến họ không theo kịp, đừng chăm chăm xin lỗi vì bạn thực chất chẳng hề có lỗi. Hãy bình tĩnh gật đầu, mỉm cười và nói:

“Được chứ, không thành vấn đề”. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, đồng thời đối phương cũng sẽ có cảm giác thân thiện và được chào đón hơn.

2. Biến mọi nơi thành "sân khấu" độc diễn



Bạn có hàng đống ý tưởng xuất sắc trong đầu cần được nói ra cho người khác biết? Bạn thích trò chuyện và cười đùa với nhiều người?

Chẳng có gì sai, nhưng nếu bạn thường xuyên… nói hết phần người khác thì có lẽ ai đó nên thay đổi. Là một người năng nổ phát biểu liên tục trong một cuộc họp, bạn cứ ngỡ sẽ để lại ấn tượng tốt với mọi người.

Thực chất, việc bạn nói không ngơi nghỉ từ đầu chí cuối mà không để ai chen vào sẽ khiến không ít người ức chế và khó chịu.

Nếu bạn là người hướng ngoại, hẳn bạn sẽ có nhu cầu nói rất cao, và không nghi ngờ gì khi bạn là người nói nhiều nhất nhóm.

Tuy nhiên, đừng vì thế mà quên đi rằng xung quanh bạn còn có rất nhiều người cần được bày tỏ quan điểm.

Có thể vài người trong số họ cũng hướng ngoại, họ cũng thích được nói thật nhiều, chẳng qua là họ đang tỏ ra lịch sự khi không ngắt lời bạn mà thôi!

Hãy để ý tới thái độ của người đối diện để biết tiết chế bản thân: Họ cắm mặt vào điện thoại hoặc nhìn vu vơ thay vì nhìn vào mắt bạn khi bạn nói?

Họ đột xuất có việc bận phải đi khi bạn từ đâu gia nhập nhóm tám chuyện? Nếu đúng thì hãy mau chóng thay đổi đi nhé.

3. Liên tục họp hành chẳng vì lý do gì



Một số liệu đáng sợ: Các vị quản lý thường bỏ ra trung bình 4 tiếng/tuần để chuẩn bị cho các cuộc họp giao ban định kỳ. Và chắc hẳn 90% trong số đó sẽ kết thúc trong ngán ngẩm sau vài câu báo cáo chẳng cần nghe cũng biết.

Chính vì thế, cho dù bạn có phải chức to hay không, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng cuộc họp này có mục đích chính đáng, rõ ràng.

Hãy chứng minh rằng lý do cho cuộc họp này là bởi nội dung của nó không thể chỉ cần diễn đạt qua email là xong.

Và khi phải đứng ra tổ chức cuộc họp, hãy chắc chắn rằng nó sẽ diễn ra thật nhanh chóng, gọn ghẽ và hiệu quả.

Hoặc một cuộc họp đứng thì sao? Bạn sẽ ngạc nhiên nhưng khoa học đã chứng minh, đứng sẽ giúp não bộ của bạn hoạt động trôi chảy và suy luận logic hơn.

4. Điển hình gương mẫu



Bạn là một cá nhân coi trọng hiệu quả công việc hơn hết thảy? Bạn thích là người đến văn phòng sớm nhất và là người cuối cùng về nhà? Ăn trưa?

Ai có thời gian cơ chứ! Bàn chuyện phiếm với đồng nghiệp? Ai mà quan tâm cuối tuần họ đi những đâu!

Tuy nhiên, trở thành "tượng đài sống" của cả phòng thực chất chẳng đem lại lợi ích gì cho bạn.

Ngoài việc tập trung đến mức không cần thiết vào công việc, bạn sẽ đánh mất cơ hội được hiểu hơn về đồng nghiệp, những người sẽ "đồng cam cộng khổ" với bạn trong những tháng ngày dài sắp tới.

Chưa kể, việc cắm rễ bên bàn làm việc cũng là nguy cơ dẫn đến vô số căn bệnh nguy hiểm. Béo phì, tiểu đường, thấp khớp hay căng thẳng kéo dài sẽ chờ được "tiếp đón" bạn vào cuối ngày nếu bạn quá lười vận động trong nhiều ngày liên tục.

5. "Hồ than thở"


Thừa nhận đi, bạn có thường quen miệng "bán than" bất cứ khi nào ở cạnh bạn bè, người thân? Có thể công việc hiện tại của bạn rất vất vả, hay việc than vãn sẽ giúp bạn giải tỏa bức bối và khó chịu sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Thế nhưng, thói quen tưởng như hết sức lành mạnh này rất có thể sẽ gây tác dụng ngược.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn liên tục than vãn trong khi công việc vẫn giậm chân tại chỗ? Rõ ràng sẽ chẳng có gì tiến triển cả.

Hãy tự đặt ra một thói quen mới cho chính mình: Chỉ được than thở trong tối đa 5 phút, và từ phút thứ 6 trở đi, trong đầu bạn sẽ chỉ được xuất hiện các kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện tình hình.

Đồng nghiệp liên tục chỉ trích bạn? Hãy tỉnh táo đối mặt với họ và chấm dứt sự phân biệt bằng chính hiệu quả công việc.

Ông sếp cứ hứng lên là lại thay đổi kế hoạch mà không nói với bạn một lời? Hãy gửi mail đề nghị một phương hướng hoạt động cụ thể từ chính tay sếp.

Ai đó quen miệng... ăn sạch hộp cơm trưa của bạn? Hãy mua một hộp cơm thật to để cạnh bàn làm việc và ghi rõ tên mình lên đó.


Tham khảo BusinessInsider
Theo: GenK/TTVN

NGỌT THƠM NGÀY GIÓ VỀ

Mùi thơm lựng cùng vị ngọt thanh của món ăn nhà quê này hòa vào những cơn gió se lạnh cuối năm khiến tâm hồn người thưởng thức khoan khoái, dễ chịu, như được vỗ về trong một giấc ngủ bình yên.

Ảnh: Thành Lâm

Ăn chơi nhưng ghiền thiệt

Mùa gió heo may cuối năm như gột rửa đất trời phương Nam sau mấy tháng nắng cháy rát thịt. Về miền quê trong mấy ngày này, tiết trời như vuốt ve tâm hồn con người sau những ngày dài mỏi mệt nơi thị thành xô bồ.

Hòa vào đó là mùi thơm nhè nhẹ của cây cỏ, của phù sa đang chảy theo dòng kênh trước nhà. Có cả mùi của mấy đồng lúa nếp vàng ươm đang cúi đầu chờ được gặt. Mùa cuối năm ở miền tây không có lá vàng lãng mạn, cũng chẳng có mùi thơm nồng nàn của hoa sữa trắng tinh... nhưng có sự bình dị, mộc mạc trong từng ngõ ngách mà ai cũng mong một lần được đắm mình.

Má đã đi chợ về tự bao giờ với chiếc giỏ đầy ắp thức ăn. Ai rồi cũng lớn, nhưng vẫn giữ lại một chút hồn nhiên, trẻ con trong tâm hồn, mà có lẽ rõ ràng nhất vẫn là thói quen lục giỏ mẹ đi chợ về. Lẫn trong đó, mùi của nếp mới, hương thơm nhè nhẹ của mớ cốm dẹp chợt khiến lòng mình khoan khoái.

Cốm dẹp không có màu xanh vàng bắt mắt như cốm làng Vòng ở Hà Nội, cũng chẳng đi vào thơ văn lãng mạn, nhưng với người miền tây qua bao thế hệ, chúng đã có một vị trí rất vững chãi trong lòng bởi vị ngọt thơm như gom cả đất trời ngày giao mùa.

Anh tôi chọc mấy trái dừa rám lủng lẳng trên cây mang vào lột vỏ. Nước dừa trộn với cốm khô một lúc lâu để hạt cốm thấm nước, bung đều lên. Cơm dừa nạo nhuyễn hoặc bào mỏng cho vào sau cùng. Vị ngọt của cốm được tạo nên từ đường cát trắng tinh hoặc mấy viên đường thốt nốt vàng sẫm thơm dịu.

Về thao tác, ngó qua thì đơn giản nhưng để có được mẻ cốm ngon không phải dễ dàng. Bởi để cốm bông đều, mềm xốp, khi trộn phải đều tay, dừa phải chọn loại dừa rám, không quá khô vì dễ ra dầu hoặc dừa non thì nước có vị chua, khi trộn không lên đúng mùi vị. Nhưng có lẽ sự kỳ công trong món ăn tưởng chừng đơn giản này lại không phải ở công đoạn trên, mà chính là lúc tạo ra được những hạt cốm khô ban đầu. Lúa nếp vừa chín tới được gặt về, tước sạch, phơi qua một nắng, cho vào nồi đất rang. Công đoạn rang thường được các bà, các mẹ đảm nhận bởi cần độ khéo. Rang lâu quá hạt nếp sẽ khô cứng, còn khi rang chưa đến thì nếp sẽ nhão, mất ngon.

Ảnh: Thành Lâm

Công đoạn quết rất quan trọng và cũng là bí quyết làm nên chất lượng. Thường cần đến hai người đàn ông cầm chày quết, một người theo dõi túi nếp. Khi quết phải nhanh tay, đều. Việc này chỉ diễn ra trong vài phút bởi nếu quết chậm, hạt nếp rang sẽ nguội, chày nện xuống không còn tác dụng.

Công đoạn kế tiếp là sàng, sảy cho sạch cám, chỉ giữ lại những hạt cốm thơm tho, trắng tuyền. Cắn một miếng cốm, vị nếp mới dẻo thơm hòa với vị ngọt của đường kèm mùi thanh dịu của nước dừa, vị béo của cơm dừa rám dễ dàng chiều lòng những ai hảo ngọt, đặc biệt là mấy đứa con nít nhà quê. Ăn cốm thú vị nhất là gói vào lá chuối hay lá sen tươi, thêm hương thêm vị của đất trời, rồi bốc bằng tay cho vào miệng từng nhúm nhỏ.

Cốm dẹp theo chân lũ học trò ngày xưa đến trường buổi sớm mai, là món ăn chơi của tụi nhỏ sau giấc ngủ trưa nơi đồng ruộng hay cũng có thể dùng thay xôi nếp để ăn kèm mấy món chè như trôi nước, đậu trắng... Bình dị, mộc mạc là vậy chứ lâu lâu lại thèm bởi suy cho cùng, với người giàu sang hay kẻ nghèo khó thì gạo nếp vẫn ấm bụng, no lâu.

Đâu chỉ là một món ăn

Cốm dẹp phổ biến ở miền tây, hầu như ở khu chợ quê nào cũng có thể tìm thấy, khi được đặt trên chiếc mâm màu bàng bạc, khi lại nằm gọn trên chiếc xề tre con con. Thế nhưng khởi nguồn của chúng vốn chỉ quanh quẩn trong cộng đồng người Khmer. Về Trà Vinh, Sóc Trăng hay một số huyện của An Giang trong những ngày này, đi vào các phum, sóc, không khó để bắt gặp sự hiện hiện của cốm dẹp, như một phần không thể thiếu.

Với người Khmer, cốm dẹp không chỉ là một món ăn đơn thuần để no bụng mà còn gắn liền với văn hóa tâm linh. Thông thường, rằm tháng Mười cũng là lúc diễn ra lễ hội Ok-om-bok, người dân sẽ thu hoạch lúa nếp, mang về nhà và tiến hành các công đoạn làm cốm.

Tiếng chày, cối nện vào nhau thình thịch suốt đêm ngày, nghe vui tai như mở hội. Ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, nào giã, nào sàng, nào sảy… nhưng nụ cười không bao giờ tắt.

Ảnh: Internet

Mẻ cốm dẹp đầu tiên sẽ được dâng cúng nữ thần mặt trăng, vị thần mà người Khmer cho rằng điều tiết mùa màng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người. Bày cùng trên đó là hoa quả gắn liền với công việc đồng áng hằng ngày của họ. Người ta có thể dọn mâm cúng tại nhà hoặc tập trung trước sân chùa. Chùa chiền của người Khmer trong những ngày này đông vui như hội, đâu đâu cũng có thể ngửi thấy mùi nếp mới thơm lừng hòa trong mùi củi cháy đượm giữa cơn gió heo may lành lạnh cuối năm.

Sau khi tiến hành các nghi lễ, những đứa trẻ sẽ được các vị sư sãi hoặc chủ lễ gọi đến và đút cho một vắt cốm dẹp ăn kèm một loại trái cây nào đó với lời cầu mong sức khỏe, sự no đủ, dồi dào, hạnh phúc. Cứ như thế, chúng lớn dần với thanh âm của chày cối, của mùi cốm mới, của sắc vàng ôm trọn cả một vùng trời tuổi thơ.

Những làng cốm ở miền Tây “thay áo”

Chẳng biết cốm dẹp xuất hiện tự bao giờ nhưng món ăn này đã được nhắc đến hơn trăm năm qua. Cùng với chiều dài thời gian ấy, những làng nghề cốm dẹp cũng được hình thành ngay trên mảnh đất miền Tây hiền hòa. Có dịp về miền tây, muốn thưởng thức vị thơm ngọt của cốm dẹp hay mua về làm quà, bạn có thể ghé thăm làng cốm Phú Tân (H.Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), làng cốm Phù Ly (H.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) hay làng cốm Ba So (H.Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh).

Cốm dẹp Ba So, Trà Vinh

Làng nghề được giữ gìn theo hình thức cha truyền con nối qua năm tháng cũng có nhiều biến động nhưng mùi vị và chất lượng không thay đổi. Những hạt cốm vẫn dẻo thơm, nồng đượm như thuở nào. Tuy nhiên, nếu ngày trước người làm cốm phải thức từ 1, 2 giờ sáng thì nay giấc ngủ đã dài hơn. Việc rang, nện cốm từng dùng sức người thì nay đã được thay thế dần bằng máy móc. Thế nhưng tiếng chày giã cùng những đêm thức trắng để kịp mẻ cốm mới ra lò vẫn chưa thể phôi pha trong lòng những ông già bà cả nơi đây.

Xưa, muốn thưởng thức cốm dẹp phải chờ mùa cuối năm, nay thì chúng đã có mặt quanh năm. Cốm rời phum sóc lên chợ, lên thị thành trở thành món ăn vặt đường phố quen thuộc. Tại Sài Gòn, bạn có thể tìm ăn cốm dẹp tại chợ Hồ Thị Kỷ hay một số hàng quán trên đường Nguyễn Đình Chiểu... Thậm chí chúng còn được đóng gói với hạn dùng khoảng ba tháng để vận chuyển đi xa cho người tha hương có thể tìm chút hương vị quê nhà.

Nhưng có lẽ, khi thả hồn trên ruộng đồng hay đứng giữa một miền quê yên ả lúc trời trở gió cuối năm, cốm dẹp mới trọn vẹn cái tình mà nó vốn dĩ mang trong mình bởi sự bình dị, mộc mạc.

Thành Lâm / Theo: PNO