Sunday, May 1, 2022

CHUYỆN ĐỜI ĐẾN SAU CÙNG MỚI BIẾT AI CƯỜI AI KHÓC

Trong cuộc sống, đôi khi người ta chỉ vì chút ưu thế nhất thời mà đắc ý, cho rằng bản thân có thể chiến thắng, có thể vui cười mà dương dương tự đắc. Tuy nhiên, kết quả sau cùng thì phải đi hết con đường mới thực sự có thể chiêm nghiệm được. Và nếu như cứ ngay thẳng, lạc quan, lương thiện mà sống thì chắc chắn sẽ có được sự vui vẻ, hệt như câu nói “Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất”.

Có những chuyện đến cuối con đường mới có thể biết được… (Ảnh qua pixdaus.com)

Câu nói “Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất” xuất phát từ bài thơ ngụ ngôn “Hai người nông dân và đám mây” của Jean-Pierre Claris de Florian, một nhà văn, nhà soạn kịch mà còn là nhà thơ ngụ ngôn có ảnh hưởng lớn nhất sau La Fontaine. Ông từng xuất bản năm quyển Thơ ngụ ngôn vào năm 1792.

Nội dung của bài thơ “Hai người nông dân và đám mây” kể về một câu chuyện như sau: Một ngày nọ, một người nông dân tên là Guyot nhìn thấy một đám mây trên trời, ông cho rằng sắp có mưa đá sẽ làm hỏng cây trồng, khiến mùa màng thất bát, còn có thể dẫn đến nạn đói. Vì thế ông vô cùng lo lắng. Còn Luke, một người nông dân khác lại cho rằng đám mây đó là điềm lành, mưa xuống có thể tưới nước cho cây trồng bị khô héo lâu ngày, và nhờ đó mà người nông dân sẽ có mùa màng bội thu.

Hai người mỗi người một ý, không ai chịu ai cả. Cuối cùng Luke nói: “Nếu vậy thì cứ đợi xem! Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất!” Không lâu sau, một trận gió lớn thổi đến, đám mây tan đi, không có mưa đá, cũng không có mưa. Rốt cuộc thì trong số hai người cùng khăng khăng với ý kiến của mình đó, không có ai là đúng.

Hai người nông dân. (Ảnh minh họa qua Pinterest)

Sau này người ta dùng câu nói “Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất” để nói về việc không nên quá đắc ý vì thành công hoặc chiếm được ưu thế nhất thời, chỉ có đi đến cuối cùng mới có thể biết được ai cười ai khóc. Nhưng lẽ đời, trời không phụ kẻ ngay thẳng thiện lương, ví như trong vở kịch “Người thương gia Venice” của đại văn hào Shakespeare chẳng hạn.

Vở kịch kể về người thương gia Antonio ở Venice. Để giúp đỡ người bạn Bassanio cưới được Portia, Antonio đã đến vay tiền ở chỗ kẻ thù của mình là người cho vay nặng lãi Sherlock. Antonio đồng ý nếu không thể trả được tiền thì sẽ cắt một miếng thịt của mình để bồi thường. Không ngờ là thuyền buôn của ông gặp nạn trên biển, vì thế ông không thể trả tiền đúng hạn và bị Sherlock đắc ý kiện lên tòa án.

Trên tòa, Sherlock từ chối hòa giải, kiên quyết cắt một miếng thịt trên người của Antonio theo đúng điều khoản trên giấy nợ. Antonio không còn cách nào khác.

Để cứu Antonio, Portia đã giả làm luật sư đến tòa án. Cô nói với Sherlock rằng trên giấy nợ chỉ nói ông ta được lấy một miếng thịt của Antonio, nhưng không hề nói rằng ông ta được lấy một giọt máu của ông này. “Nếu ông để một tín đồ Cơ đốc giáo rơi một giọt máu thì đất đai và tài sản của ông sẽ bị xung công cho chính phủ Venice theo quy định của pháp luật.”

Tất nhiên Sherlock không thể chỉ cắt thịt của Antonio mà không làm ông này chảy máu nên đành chán nản nói rằng ông ta đồng ý nhận tiền. Vào lúc mà mọi người đều vô cùng vui vẻ thì Portia lại nói: “Đừng gấp, từ từ đã! Người Do Thái này không thể nhận tiền, chỉ được cắt thịt. Thế nên, ông Sherlock, hãy chuẩn bị cắt miếng thịt đó đi. Nhưng ông phải chú ý đừng làm ông ấy chảy máu. Ông không được cắt quá 450 gam, cũng không được ít hơn; nếu như nhiều hơn hoặc ít hơn một chút thì phải phán ông tội chết theo luật Venice, toàn bộ tài sản của ông phải sung công cho Nghị viện.”

Portia còn nói: “Theo luật của Venice, bởi vì ông gài bẫy muốn mưu hại đến tính mạng của người dân, tài sản của ông đã bị sung công cho chính phủ rồi. Việc ông sống hay chết phải xem Công tước quyết định ra sao. Vì thế, hãy quỳ xuống xin ông ấy tha thứ đi.”

Ai cười ai khóc? Antonio lương thiện hay Sherlock (Ảnh qua mercedshakespearefest.org)

Sherlock rất không cam lòng, nhưng không có cách nào đành chấp nhận sự trừng phạt của Công tước: Bồi thường một nửa tài sản cho Antonio, nửa còn lại thuộc về chính phủ. Nhưng tốt cuộc thì Antonio cũng từ bỏ một nửa tài sản mà Sherlock phải trả cho ông.

Kế hoạch trả thù của Sherlock đã thất bại, đồng thời ông ta còn mất không ít tài sản. Về Antonio lương thiện, ông không chỉ không bị cắt thịt, mà chiếc tàu ông vốn nghĩ là đã mất cũng thuận lợi cập cảng.

“Cuối cùng ai có thể cười, ai mới là người cười vui vẻ nhất”, bởi vì chiêm nghiệm ra, tiếng cười đắc ý hơn thua sẽ chẳng thể nào hàm chứa được sự vui vẻ chân chính.

Theo: Trithucvn

No comments: