Friday, December 30, 2022

ĐẶC SẢN MIỆT THẤT SƠN: KHÔ CÁ PHỒNG

Cuộc sống người dân miền Tây dân dã, bình dị đã gắn liền với sông nước từ bao đời nay, các loài thủy hải sản trù phú là "lộc" trời ban cho vùng đất phải chịu nhiều mùa nước lũ. Cũng vì thế mà bà con nơi đây đã chế biến ra nhiều món ăn đặc biệt như khô cá phồng để dành ăn trong những ngày sa mưa.

Các loại cá đều có thể đem làm khô (Ảnh: Internet)

Từ thuở khẩn hoang, người dân quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đón nhận được sự dồi dào từ các sản vật trên đồng, dưới sông, tôm cá, rau trái như có sẵn chờ người tới lấy. Con khô, con mắm là những món ăn đã gắn bó với người dân miền Tây từ bao đời, đến nay còn trở thành nét đặc trưng độc đáo trong văn hóa ẩm thực của miền quê hương xứ sở. Chính vì nhiều quá ăn tươi không hết nên bà con đã chế biến thành các loại khô thành phẩm để dành ăn trong những ngày mưa gió không ra đồng được.

Bữa ăn dân dã với cá khô của người dân miền Tây (Ảnh: Internet)

Không phải cao lương mỹ vị nhưng hầu hết người con miền Tây nào cũng mê mẩn, con khô như chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ của bao thế hệ. Nghe đến món cơm nguội chan nước dừa tươi hoặc nước đá lạnh ăn cùng khô chiên, đối với người miền Tây có thể nói chẳng đặc sản nào qua cửa được. Có nhiều khi bữa ăn đủ thứ món ngon vật lạ lại chẳng hao cơm như bữa có dĩa khô chiên giấm đường ăn cùng xoài sống chua bào sợi.

Người dân miền biền sẽ có các loại khô cá nước mặn (Ảnh: Internet)

Cả tôm và cá đều được bà con đem làm khô, hầu hết các loại cá đều có thể chế biến ra những món khô ngon, từ cá biển đến cá sông, từ khô một nắng đến khô giòn với nhiều vị mặn, ngọt, cay. Ờ mạn trên này sẽ chủ yếu làm ra các loại khô từ cá nước ngọt, đi dài về phía khu vực giáp biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ là khô cá nước mặn như cá cơm, cá đù, cá nục,...

Khô cá phồng là đặc sản miệt thất sơn (Ảnh: Internet)

Tại miệt thất sơn An Giang, dường như cái danh “xứ sở của các món mắm” không có địa phương nào có thể giành lại được. Bên cạnh đó, các loại khô ở đất này cũng phổ biến không kém như khô cá lóc, khô cá sửu, vũ nữ chân dài khô nhái,... và đặc biệt là khô cá phồng.

Cá tra phồng Biển Hồ gắn với người An Giang (Ảnh: Internet)

Khô phồng hay khô cá phồng đều chỉ chung một loại, khô này được làm từ cá tra Biển Hồ, những đàn cá theo con nước từ Biển Hồ Campuchia về với vùng 7 núi. Khi nhắc đến cá tra người ta thường nghĩ rằng đây là là loài cá không mấy sạch sẽ vì những lời truyền tai trong dân gian, nhưng thực tế cá tra vừa mang giá trị dinh dưỡng vừa có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt loại cá tra An Giang, vùng đất tiếp giáp biên giới Campuchia thường có những đàn cá tra từ Biển Hồ theo con nước kéo về. Loại cá tra này vô cùng sạch sẽ, với đặc điểm nhiều thịt ít xương, thịt cá lại thơm béo đã dễ dàng chiếm được cảm tình của thực khách. Nhắc đến khô cá tra phồng phải đính kèm thêm 2 chữ An Giang mới đủ vì chỉ có nơi đây mới có loại khô đặc biệt này.

Cá tra phồng chiên lên cực kỳ hấp dẫn (Ảnh: Internet)

Cá tra sau khi làm sạch sẽ được tẩm ướp đầy đủ các loại gia vị rồi đem phơi từ 1-3 nắng để cho ra khô thành phẩm. Cá khô thành phẩm vẫn giữ được độ mềm và béo của phần thịt, lớp da khô mỏng khi chiên sẽ phồng lên có độ giòn nhất định nên còn được gọi là cá lăn phồng. Khô cá tra phồng có thể được chế biến nhiều cách như chiên thường, chiên giấm đường, mắm tỏi, chiên sả ớt hoặc đem trộn gỏi đều rất bắt miệng. Các món khô miền sông nước nói chung và khô cá phồng An Giang nói riêng đều hấp dẫn đối với các đoàn khách du lịch cả trong lẫn ngoài vùng, đây không chỉ là món ăn mà còn được đóng gói thành các sản phẩm quà biếu với nhiều kiểu bao bì, mẫu mã vô cùng thu hút.

Khô cá tra phồng còn thích hợp làm quà biếu (Ảnh: khoca.com.vn)

Việc làm ra các món khô không chỉ đơn giản vì ăn tươi không hết mà còn thể hiện tính cần kiệm, chịu thương chịu khó của người nông dân và là sự chắt chiu dành dụm của thế hệ trước dành cho những thế hệ sau. Không chỉ vậy, từ đây những thế hệ trước còn có thể răn dạy con cháu biết cách tiết kiệm, ăn bữa nay còn phải nghĩ đến bữa sau, đừng thấy nhiều rồi có bao nhiêu ăn bao nhiêu vì cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ông bà xưa không những cho con cháu được nhiều món ăn ngon, tạo dựng nên cái nghiệp, cái nghề mà còn truyền dạy lại những bài học quý báu nhân sinh.

Mộc An / Theo: Nhịp Sống Miền Tây



No comments: