Ooku ra đời khi nào
“Ooku - 大奥” (Đại Áo) hay được biết đến với tên tiếng Việt là hậu cung, nơi ở dành cho mẹ, thê thiếp, con gái của Shogun cùng những tỳ nữ của họ trong gần 300 năm (từ khoảng 1600 - 1868). Người điều hành nơi này là phụ nữ, thế giới bên trong hậu cung thường bí ẩn đối với công chúng bởi sự canh giữ nghiêm ngặt cùng những luật lệ khắt khe.
Ooku – nơi sinh sống của những “nữ nhân” của Shogun. Ảnh: Fuji TV
Thuật ngữ Ooku được phổ biến vào thời đại Shogun thứ tư - Tokugawa Ietsuna, nhưng trước đó nó đã được thành lập dưới thời Shogun thứ hai - Hidetada và được công nhận chính thức dưới thời trị vì của Iemitsu - Shogun thứ ba.
Khi Hidetada lên ngôi, ông đã có những đợt tu bổ lớn tại lâu đài Edo, trong đó phân chia rõ ràng giữa “Omote – 表” (nơi triều chính của Shogun) và “Oku/ Okugata – 奥/奥方” (nơi gia đình hoàng gia sinh sống) và được cai quản bởi “Midaidokoro - 御台所” (vợ chính thức của Shogun). Người đầu tiên đảm nhiệm vai trò này là Oeyo – vợ của Tokugawa Hidetada.
Cuốn sách về cuộc sống ở Ooku của tác giả Sayako Nagai. Ảnh: Amazon
Vào thời điểm đó, khái niệm về Ooku vẫn chưa ra đời. Nhưng điều này thay đổi bởi ảnh hưởng của Ofuku, nhũ mẫu của Iemitsu, người được lịch sử ghi nhớ với cái tên Kasuga no Tsubone - một trong những chính trị gia xuất sắc nhất thời Edo.
Bà là người thành lập Ooku, khu dành cho phụ nữ tại lâu đài Edo, và được Oeyo bổ nhiệm vào vị trí “Joro Otoshiyori - 上臈御年寄” (chức tước cao cấp, người có quyền quyết định tất cả các công việc chính thức liên quan đến Ooku).
Sức ảnh hưởng của Kasuga
Kasuga no Tsubone tên khai sinh là Saito Fuku, bà là nữ quý tộc và chính trị gia, xuất thân từ một gia đình Samurai nổi tiếng. Sau biến cố của gia đình, bà được người họ hàng bên ngoại – quý tộc Sanjonishi Kinkuni nhận nuôi và nhận được sự giáo dục cao nhất của tầng lớp đặc quyền. Bà được học các bộ môn dành riêng cho quý tộc triều đình: nghệ thuật thư pháp, thơ văn, pha trộn mùi hương.
Tạo hình của Kasuga no Tsubone trong bản phim “Lady Kasuga” (1990). Ảnh: Alchetron
Sau khi kết hôn và có con, bà rời gia đình, vào cung và trở thành nhũ mẫu trong gia đình Mạc phủ. Năm 1604, Kasuga được chỉ định là nhũ mẫu cho Iemitsu, người sau này trở thành Shogun đời thứ ba. Có nhiều giả thuyết cho việc này, người nói rằng bà được tiến cử nhưng cũng có thông tin rằng bà được chọn trở thành nhũ mẫu vì xuất thân từ gia đình cao quý, hưởng nền giáo dục hàng đầu và chiến công trong quá khứ của chồng bà, những điều hoàn hảo để bà trở thành người chăm sóc cho Iemitsu.
Không chỉ chịu trách nhiệm trong nhiều cuộc đàm phán với triều đình Hoàng gia, duy trì nội các Mạc phủ, bà còn thể hiện mình là một nhà chính trị lỗi lạc khi cùng Matsudaira Nobutsuna và Yagyu Muneyori, cố vấn cho Iemitsu.
Shogun Tokugawa Iemitsu. Ảnh: Viện Sử học, đại học Tokyo
Khi Iemitsu thành hôn với tiểu thư dòng dõi thế gia đến từ Kyoto là Takatsukasa Takako, con gái của quan Chấp chính Takatsukasa Nobufusa. Mối quan hệ giữa hai người tốt đẹp, tuy nhiên Takako đã ba lần sảy thai và không thể sinh ra bất kỳ người thừa kế nào cho nhà Tokugawa.
Để đảm bảo rằng Mạc phủ sẽ tiếp tục, Iemitsu cần phải có một đứa con. Đây là một vấn đề chính trị nghiêm trọng, và đây là lúc Kasuga thể hiện chức trách của mình. Bà đóng vai trò là người lựa chọn thê thiếp cho Iemitsu, đưa những phụ nữ như Ofuri, Oraku và Otama vào lâu đài Edo. Ofuri là người đầu tiên mang thai, sinh ra một cô con gái vào năm 1637. Iemitsu cũng thể hiện sự quan tâm đến những phụ nữ đã ở trong lâu đài.
Đến năm 1943, Kasuga no Tsubone qua đời vì bệnh tật. Mộ của bà được đặt ở Rinsho-in, một ngôi chùa ở Bunkyo, Tokyo.
Trò chơi dân gian của Nhật, mỗi ô vuông thể hiện chức vị khác nhau của những người phụ nữ trong hậu cung. Ảnh: library.metro.tokyo
Hậu cung: nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”?
Ooku được xem là khu vực tách biệt với thế giới bên ngoài, phụ nữ sống tại đây không được rời khỏi nếu không được cho phép, nam giới trưởng thành cũng không được vào Ooku nếu không được lệnh của Shogun. Và những người phụ nữ sống tại hậu cung không được phép có quan hệ tình cảm với đàn ông.
Những người hầu gái tại Ooku do Mạc phủ trực tiếp lựa chọn sẽ được phép diện kiến các tướng quân, còn những hầu gái cấp thấp hơn thì không được phép nhìn thấy. Đây là một luật lệ tồn tại gần 200 năm.
Bức tranh “Nội cung Chiyoda” của Yoshu Chikanobu miêu tả cuộc sống của những cô gái chốn Ooku. Ảnh: library.metro.tokyo
Tuy vậy, trên thực tế, các quan chức nam cũng có mặt tại Ooku để tham gia vào một số công việc của hậu cung.
Hình minh họa Nội cung trong thời kỳ Kanei. Ảnh: library.metro.tokyo
Chính vì thế, kiến trúc của Ooku cũng bao gồm nhiều lớp, nơi duy nhất kết nối Ooku với phần còn lại của lâu đài Edo là hành lang “Osuzu Roka - 御鈴廊下” (tạm dịch: hành lang chuông lớn), bắt nguồn từ phong tục rung chuông để thông báo sự xuất hiện của Shogun. Tuy nhiên, những lúc bình thường thì nơi này thường bị khóa. Một số khu vực chính tại hậu cung:
- Phần trung tâm của Ooku là “Honmaru - 本丸”: nơi sinh sống của chính thất của Shogun cùng những người con, nhưng những người thừa kế nam sẽ được yêu cần chuyển đi sau khi trưởng thành.
- “Ninomaru - ニの丸”: là nơi thê thiếp của Shogun và con cái của họ sinh sống.
- “Sannomaru - 三の丸”: nơi ở của “Oomidaidokoro - 大御台所” (góa phụ chính thức của Shogun trong quá khứ) và những thê thiếp góa vợ của Shogun trước đây không có con trong hoàng tộc.
- “Nagatsubone - 長局”: là nơi cư trú của các hầu gái cấp cao và những người hầu.
- “Nakanomaru - 中之丸”: khu vực biểu diễn các vở kịch Noh.
Tuy nhiên, sau một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi Honmaru và cuộc Cải cách Minh Trị dẫn đến sự kết thúc của Mạc phủ, thì Ooku cũng không còn tồn tại.
Ooku: ước mơ của mọi cô gái thời Edo
Dù luật lệ nghiêm ngặt và cuộc sống không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhưng trở thành người hầu tại các dinh thự của Samurai, đặc biệt là tại Ooku lại là ước mơ của hầu hết những cô gái và các bà mẹ của họ vào thời Edo. Nguyên nhân chính là nếu một cô gái được trở thành hầu gái trong Ooku, gia đình họ sẽ được nhận một khoản tiền lớn, đủ để giúp cho chi tiêu gia đình trở nên thoải mái hơn.
Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan
Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái phải tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt để học thư pháp, thơ ca, cắm hoa, trà đạo... những điều kiện cần thiết để có cơ hội được tuyển vào hậu cung.
Những câu chuyện kì bí chốn hậu cung
Nhiều tài liệu nói rằng trong thời kỳ Edo, có khoảng 3.000 phụ nữ ở Ooku. Tại một nơi khép kín, tập trung nhiều người thì chắc hẳn có những sự kiện bí ẩn được lan truyền.
Mitamura Engyo, một nhà nghiên cứu văn hóa Edo, người sinh ra vào thời Minh Trị, đã viết về câu chuyện này trong cuốn sách "Goten jochu" của mình. "Goten jochu" là cuốn sách do Engyo biên soạn từ những câu chuyện kể của những người giúp việc từng làm việc ở Ooku. Vào thời điểm ông viết sách, những người giúp việc trong Ooku vẫn còn sống nên việc sưu tầm truyện rất dễ dàng.
Cô gái dính lời nguyền
Vào thời Bunsei, có một nữ tì làm việc trong hậu cung đột nhiên mất tích. Ban đầu mọi người không chú ý đến sự hiện diện của cô ấy. Tuy nhiên thời gian dài trôi qua mà cô gái này vẫn không xuất hiện, đây là điều kì lạ bởi hậu cung là nơi khó ai có thể ra ngoài nếu không có sự cho phép.
Ảnh: excite.co.jp
Lo lắng, mọi người bắt đầu đi tìm trong đêm. Đến khoảng 2h sáng, một tiếng nói như vang vọng trong tai của những người ở quanh tòa tháp bên trong lâu đài. Lúc này mọi người chứng kiến người nữ tì nằm trên vũng máu và đã chết, có khoảng 10 lính canh chứng kiến việc này và đều kinh hoàng trước cảnh tượng ấy.
Trước đó, nữ tì này từng nói rằng mình muốn leo lên tòa tháp của lâu đài. Những người lúc ấy cho rằng cái chết của cô gái là sự trừng phạt vì dám thực hiện điều ấy, vì theo quy định, những người hầu không được bước chân vào tòa tháp.
Một cảnh trong phim “Ooku” của đài Fuji. Ảnh: Fuji Television
Đứa trẻ bị bỏ rơi
Vào một ngày của thời Bunsei, khi những người hầu đang dọn dẹp như thường lệ thì họ phát hiện ra một em bé và nhanh chóng báo cáo việc này cho “Otoshiyori - 御年寄” (người cai quản hậu cung). Vụ việc một đứa bé được sinh ra tại nơi hạn chế đàn ông là một điều gây chấn động và điều quan trọng là tìm được mẹ đứa trẻ.
Cuối cùng một nữ tì đã thừa nhận điều này. Cô đã có thai trước khi vào hậu cung mà không biết, sau đó vì không dám thổ lộ điều này với ai, cô đã chờ đến khi sinh con. Những người làm chung với cô gái cho biết vì cô vẫn làm việc bình thường trước và sau khi sinh, thời điểm đứa bé được phát hiện cũng có mặt người mẹ, nhưng cảm xúc của cô hoàn toàn thờ ơ, nên không ai để ý đến sự bất thường của cô ấy.
Năm 2003, đài Fuji Television Network ra mắt series phim truyền hình có tên là “Hậu cung” (Ooku) gồm 3 phần chính ra mắt lần lượt vào năm 2003, 2004, 2005, bộ phim lẻ năm 2006 với tựa đề: “Oh!Oku”, 2 bản phim Ooku 2016 và Ooku 2019. Câu chuyện trong phim lấy bối cảnh thời kỳ Edo, kể về cuộc đời những người phụ nữ trong chốn hậu cung.
Natsume / Theo: Kilala Magazine