Trong "Gia huấn", Bao Chửng đặc biệt nhấn mạnh việc "chống tham". (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Bao Công họ Bao, tên Chửng, tự Hy Nhân, người Hợp Phì tỉnh An Huy, là vị quan thanh liêm nổi danh thời Bắc Tống. Ông bình sinh chính trực vô tư, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình, vì dân trừ hại, là nhân vật được dân chúng thời bấy giờ và đời sau yêu mến.
Bao Công là danh xưng mà mọi người tôn xưng đối với ông. Nhà văn đời Tống Âu Dương Tu đã dành cho Bao Chửng những lời bình luận: “Thuở nhỏ hiếu thuận, tiếng thơm khắp xóm làng, cuối đời chính trực, lưu danh khắp triều đình”.
Theo văn bia của dòng họ Bao khai quật được, Bao Chửng “vang danh khắp thiên hạ, dù ngoại di cũng kính phục. Từ sĩ phu triều đình, cho đến học giả phương xa, đều không gọi ông bằng chức quan, mà gọi là Công". Ông từng đảm nhiệm chức Đãi chế của Thiên Chương các, sau lại nhậm chức Học sĩ ở Long Đồ các, Phủ Doãn phủ Khai Phong, Giám sát Ngự sử, Khu mật Phó sứ.... Vậy nên, dân gian thường gọi ông là Bao Đãi Chế, Bao Long Đồ, Bao Thanh Thiên. Ông nổi tiếng vì sự chính trực, liêm khiết và tài xử án công chính được dân gian lưu truyền qua nhiều giai thoại.
Bao Công năm 28 tuổi đậu tiến sĩ, cha mẹ đã già, ông không muốn vì làm quan mà phải đi xa, tình nguyện ở nhà phụng dưỡng cha mẹ. Cho đến khi cha mẹ đều đã qua đời, ông mới đến huyện Thiên Trường, Dương Châu làm tri huyện một nhiệm kỳ. Sau khi hết nhiệm kỳ, ông được thăng nhiệm làm tri châu của quận Đoan Châu (nay là Triệu Khánh, Quảng Đông).
Ở Đoan Châu ước chừng hơn ba năm, ông đã làm nhiều được rất nhiều việc thiết thực. Ví dụ, kiểm soát lũ lụt ở Tây Giang, đào giếng, tích trữ ngũ cốc, mở trường học, v.v. Đặc biệt là trong việc chỉnh đốn kiện tụng và ngục tù, ông đã có rất nhiều cố gắng. Sau khi được ông chỉnh đốn, trong nha môn không còn tồn đọng bản án, trong ngục giam không có phạm nhân kêu oan, có thể nói là trong sạch, được dân chúng ca tụng khen ngợi. Mỹ danh 'Bao Thanh Thiên' này được đặt nền móng trong nhiệm kỳ của ông ở Đoan Châu.
Hình vẽ Bao Công trong sách Tam tài đồ hội (1609). (Ảnh: Wikipedia)
Tương truyền sau khi Bao Chửng mãn nhiệm, hàng vạn người già trẻ trai gái Đoan Châu đều ra bến cảng đưa tiễn, khắp các ngõ phố không một bóng người. Họ đem theo đồ tặng, Bao Chửng đều cảm ơn và từ chối. Có người đem một chiếc nghiên mực Đoan Châu thượng đẳng nhất, dùng vải vàng gói lại rồi lặng lẽ để ở trong khoang thuyền, nghĩ rằng đến khi Bao Chửng đến nơi phát hiện ra thì cũng sẽ nhận.
Không lâu sau, thuyền của Bao Chửng đến Linh Dương Hiệp, thời tiết vốn gió nhẹ nắng đẹp, lúc này lại có mây đen nổi lên, sóng lớn không ngừng, dường như con thuyền sắp bị sóng đánh chìm đến nơi rồi. Bao Chửng hạ lệnh dừng thuyền, tự thấy làm lạ: “Bao Chửng ta ở Đoan Châu thanh đạm như nước, làm sao khiến ông Trời nổi giận như thế này?”
Thế là Bao Chửng lệnh cho người kiểm tra hành lý. Quả nhiên phát hiện ra một chiếc nghiên Đoan Châu. Bao Chửng ném chiếc nghiên xuống sông, nghiên vừa chìm thì lập tức gió lặng sóng yên, mây tan mặt trời lại ló ra. Sau đó, ở chỗ nghiên mực chìm nổi lên một gò cát. Tấm vải vàng gói nghiên mực thuận theo dòng nước chảy, sau này trở thành bãi cát. Đây chính là “Nghiễn Châu”, “Bãi cát Vải vàng” hoặc “Bãi cát Nghiên mực” trong truyền thuyết.
Người địa phương đã mời thợ thủ công đến điêu khắc câu đối kỷ niệm rằng:
“Đá Sao rực rỡ sáng sơn hải
Bến Nghiên gió sạch khắp cổ kim”
Một bài thơ 'phản tham xướng liêm" xưa nay hiếm
Bao Chửng không phải là một nhà văn, cũng không phải nhà thơ. Trong cuốn "Bao Chửng tập" do người đời sau biên tập cho ông, chỉ thu thập được tất cả 171 bài dâng sớ, một bài gia huấn, một bài thơ ngũ ngôn. Trong số 171 bài dâng sớ, có liên quan đến việc chỉnh đốn, vạch tội tham quan là chiếm nhiều nhất, với tổng số 25 bài; Tiến cử nhân tài, nghiên cứu thảo luận về vấn đề dùng người, chiếm vị thứ hai, tổng 24 bài; Các bài còn lại là những kiến nghị về các chính sách kinh tế, các vấn đề quốc phòng, giáo dục văn hóa.
Trong "Gia huấn", Bao Chửng đặc biệt nhấn mạnh việc "chống tham". Trong đó có viết: "Con cháu đời sau làm quan, nếu có kẻ tham ô thì không được phép trở về nhà, sau khi chết cũng không được chôn trong khu mộ (của gia tộc). Không theo chí của ta thì không phải con cháu của ta!".
Mộ của Bao Công. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 3.0)
Về phần một bài thơ ngũ ngôn, có tên là "Thư Đoan Châu quận trai bích", nội dung là "phản tham xướng liêm" - chống tham nhũng và ủng hộ sự liêm chính, vừa có thể răn dạy con cháu, lại có thể khuyên nhủ chúng dân.
Bài thơ viết:
Thư Đoan Châu quận trai bích
(Đề lên tường thư trai ở quận Đoan Châu)
Thanh tâm vi trị bản,
Trực đạo thị thân mưu.
Tú cán chung thành đống,
Tinh cương bất tác câu.
Thương sung yến tước hỉ,
Thảo tận thố hồ sầu.
Vãng triết hữu di huấn,
Vô di lai giả tu.
書端州郡齋壁
清心為治本,
直道是身謀.
秀幹終成棟,
精鋼不作鉤.
倉充燕雀喜,
草盡兔狐愁.
往哲有遺訓,
毋貽來者羞.
Lòng trong sạch là cái gốc của việc trị nước
Đạo ngay thẳng là điều mưu cầu của việc tu thân
Thân cây đẹp tốt rốt cuộc sẽ thành rường cột
Gang thuần chất không thể uốn thành móc cong
Kho đầy hẳn lũ chuột và sẻ vui mừng
Cỏ hết thì bọn thỏ và chồn rầu rĩ
Sử sách có lời di huấn:
Chớ để lại điều xấu hổ cho con cháu mai sau!
Tạm dịch thơ (Bản dịch của Nguyễn Khắc Phi)
Thanh liêm: gốc “trị quốc”
Cương trực: “tu thân” cầu
Cây thẳng ắt làm cột
Thép ròng chẳng uốn câu
Kho đầy: chuột, sẻ khoái
Cỏ hết: thỏ, chồn sầu
Sử sách nêu di huấn:
Chớ để nhục về sau!
Ý thơ khuyên răn mọi người hãy làm một con người chính trực, chỉ có làm người chính trực, mới có thể trở thành rường cột của quốc gia. Không làm những chuyện trộm cắp như chó như chuột, kẻo làm xấu mặt muôn đời sau.
Thiết diện vô tư, danh truyền thiên cổ
Trong lịch sử có một số đại thi nhân, đã lưu lại cho chúng ta rất nhiều những áng thơ mỹ lệ. Có người là ca ngợi non sông hùng vĩ của quê hương, có người ca tụng những con người chí sĩ, anh hùng hào kiệt. Nhưng mà, kiểu thơ có nội dung 'giới tham xướng liêm' giống như Bao Công như vậy, có thể làm lời răn cho đám quan chức đang 'cưỡi ngựa nhậm chức', thì từ cổ chí kim, rất khó tìm được bài thứ hai.
Quỳnh Chi / Theo: NTDTV
No comments:
Post a Comment