Nếu người Yamato sinh sống ở hầu hết các khu vực tại Nhật Bản với số dân lên đến hơn 120 triệu người, thì người dân tộc thiểu số Ainu phân bố rải rác ở khu vực Hokkaido, quần đảo Kuril và đảo Sakhalin với dân số được ghi nhận chỉ ở khoảng 25.000 người. So với tỉnh Tottori – địa phương có dân số thấp nhất tại Nhật Bản với khoảng 600.000 người – số lượng người Ainu thấp hơn đến 24 lần. Vì vậy, mặc dù cả Ryukyu và Ainu đều là 2 dân tộc thuộc nhóm thiểu số, nhưng so với người Ryukyu vốn sinh sống tập trung ở đảo Okinawa với dân số trên 1 triệu người, thì người Ainu với dân số ít ỏi và khu vực sinh sống tản mác đã chính thức được xem là “dân tộc thiểu số” của Nhật Bản.
Nguồn gốc bí ẩn của dân tộc Ainu
Nguồn gốc chính xác của dân tộc Ainu đến nay vẫn được xem là một bí ẩn lớn. Trong lịch sử Nhật Bản, khoảng thời gian từ năm 10.000 đến năm 400 (TCN) được gọi là thời kỳ Jomon. Đây là thời kì được xem là nền văn hóa lớn đầu tiên của Nhật Bản. Nhiều học giả tin rằng người Jomon chính là người Ainu, hoặc ít nhất người Ainu có nguồn gốc từ người Jomon. Theo nghiên cứu cho thấy, người Jomon và người Ainu có cấu trúc hộp sọ và khuôn mặt tương tự nhau. Các mẫu DNA được lấy từ các mẫu xương cổ xưa cũng chỉ ra rằng người Jomon có nhiều điểm tương đồng về mặt di truyền với người Ainu, tuy nhiên lại rất khác với người Nhật hiện đại.
Vậy người Ainu có đặc điểm như thế nào?
Hình dáng
Người Ainu có màu da sáng, cơ thể có nhiều lông, đôi mắt tròn và sâu, tóc hơi quăn kiểu lượn sóng. Không giống như người Nhật hiện tại, đàn ông Ainu có râu dày, dáng người cao to. Do đó mà cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, người Ainu có nguồn gốc từ phương Tây.
Hình xăm ở phụ nữ Ainu
Những người phụ nữ Ainu thời xưa có hình xăm trên môi, trông như nụ cười của những chú hề. Mục đích của hình xăm này mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có tài liệu cho rằng hình xăm này sẽ giúp những người phụ nữ chưa có gia đình trở nên thu hút hơn đồng thời đây cũng là một biểu hiện của đức hạnh. Bên cạnh đó, một số tài liệu khác lại cho rằng, hình xăm này mang ý nghĩa là “nụ cười trên môi” với hàm ý ở những nơi lạnh lẽo như Hokkaido, việc nở một nụ cười là rất khó khăn nên hình xăm sẽ giúp người phụ nữ trông như luôn nở nụ cười.
Để tạo ra những hình xăm này, người Ainu rạch từng phần nhỏ trên môi theo hình bán nguyệt bằng một con dao hành lễ, sau đó sẽ dùng than từ cây bạch dương để nhuộm màu cho vết xăm và cuối cùng là rửa lại bằng nước tro. Vết rạch đầu tiên sẽ được thực hiện khi những bé gái khoảng 6 - 7 tuổi. Các vết cắt này sẽ được rạch thêm mỗi năm cho đến khi đứa trẻ lớn lên và kết hôn. Chú rể chính là người thực hiện những vết rạch cuối cùng để biến hình xăm thành nụ cười. Mặc dù tập tục này đã bị chính phủ Nhật Bản cấm vào khoảng đầu thế kỉ 19 nhưng nó vẫn tồn tại cho đến thế kỉ 20.
Trang phục truyền thống
Trang phục truyền thống của người Ainu là loại áo choàng gọi là Attsushi (hay Attush), có chất liệu chủ yếu được dệt từ sợi cây và trang trí với nhiều họa tiết hình học. Những họa tiết hình học này không chỉ dùng để phân biệt giới tính, tình trạng hôn nhân, bộ tộc,... mà còn giúp người mặc xua đuổi tà ma. Attsushi có dáng áo tương tự với bộ kimono của Nhật Bản, với những hoa văn truyền thống của người Ainu được thêu trên những đường viền xanh thẫm. Người Ainu mặc một loại quần bó bên trong chiếc áo choàng này. Các công đoạn tạo ra bộ y phục Attushi, từ xe chỉ, dệt cho đến thêu được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công bởi bàn tay tài hoa của người phụ nữ Ainu. Một chiếc áo tốt có thể mất đến 1 năm để thực hiện.
Ngoài áo choàng Attushi, nam giới người Ainu còn đội một loại phụ kiện trông giống chiếc vương miện gọi là Sapanse trong những dịp trọng đại. Trong khi đó, phụ nữ Ainu sẽ đeo một chiếc băng đô bằng vải có thêu họa tiết gọi là Matanpushi và thỉnh thoảng, họ cũng sẽ diện thêm cả hoa tai và vòng cổ.
Đời sống sinh hoạt của người Ainu
Ăn đồ chín
Khác với người Nhật bản địa, người dân Ainu không ăn đồ sống mà với nền văn hóa săn bắn và hái lượm của mình, họ chỉ sử dụng những thực phẩm thu hoạch được từ việc săn bắt, hái lượm và sẽ nấu chín trước khi ăn. Theo dòng thời gian, một số bộ phận người Ainu đã chuyển sang hình thức sinh sống bằng nông nghiệp, đây cũng là một trong những phương pháp nhằm thu hoạch hoa màu và không phải bỏ hoang đất.
Khác với người Nhật bản địa, người dân Ainu không ăn đồ sống mà với nền văn hóa săn bắn và hái lượm của mình, họ chỉ sử dụng những thực phẩm thu hoạch được từ việc săn bắt, hái lượm và sẽ nấu chín trước khi ăn. Theo dòng thời gian, một số bộ phận người Ainu đã chuyển sang hình thức sinh sống bằng nông nghiệp, đây cũng là một trong những phương pháp nhằm thu hoạch hoa màu và không phải bỏ hoang đất.
Đàn ông săn bắt - đàn bà hái lượm
Vào thời xưa, người Ainu thường đánh bắt cá hồi, săn gấu, thu hoạch gỗ và các loại hoa quả để cung cấp cho đời sống sinh hoạt hằng ngày. Theo truyền thống, vai trò của người đàn ông là đánh bắt cá hồi bằng lưới, săn gấu và hươu bằng cung, mũi tên hoặc giáo. Trong khi đó, phụ nữ sẽ thu nhặt các loại thực vật. Đầu mũi tên và mũi giáo thường được tẩm độc của cá đuối gai độc để đảm bảo rằng những con vật bị thương không thể chạy đi quá xa. Thực phẩm truyền thống của người Ainu chủ yếu là cá hồi, hươu ezoshika, thực vật hoang dã và cỏ.
Nghề thủ công là hoạt động sản xuất chính
Nghề thủ công dường như là hoạt động sản xuất chính của người Ainu. Người đàn ông sẽ làm mộc, như chạm khắc gỗ và người phụ nữ sẽ tạo ra các sản phẩm dệt, may thủ công. Ngày nay, khi đi đến các ngôi làng của người Ainu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công mang đầy tính nghệ thuật truyền thống này.
Tín ngưỡng của người Ainu: vạn vật hữu linh
Người Ainu tin vào thuyết vạn vật hữu linh, nghĩa là mọi vật trên thế gian này đều có linh hồn. Vì vậy, người Ainu tôn trọng tất cả mọi vật, từ các loài động vật, thực vật cho đến các vật thể vô tri như sông, núi,... Đối với người Ainu, gấu là linh vật của dân tộc. Bởi lẽ, họ cho rằng, gấu chính là hiện thân của Thần Núi. Họ nuôi gấu như một thành viên trong gia đình, cho gấu ăn món người ăn và gấu sẽ sống ở trong một cũi gỗ lớn. Nếu gấu còn quá nhỏ, họ cũng cho gấu uống sữa của người. Đến khi gấu được 2 hoặc 3 tuổi, gấu sẽ được hiến tế trong nghi lễ "Iyomante". Nghi lễ Iyomante thường diễn ra vào mùa xuân vì đây là thời điểm mà lông gấu dày nhất và thịt gấu béo nhất. Gấu được hiến tế bắt buộc phải là gấu đực. Trong quan niệm của người Ainu, việc hiến tế gấu chính là giúp gấu thoát xác để sớm trở về với thế giới của các vị thần. Trong buổi lễ, người Ainu sẽ mặc những bộ trang phục đẹp nhất để tham gia vào một bữa tiệc linh đình với rất nhiều đồ uống, sau đó sẽ cùng nhau nhảy múa.
Dân tộc Ainu và các vấn đề chính trị
Trong lịch sử, người Ainu đã từng phải chịu sự phân biệt đối xử về kinh tế và xã hội trên khắp Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng như phần lớn người dân đều xem họ là một tộc người bẩn thỉu, lạc hậu và nguyên thủy.
Trong thời kỳ Minh Trị, khoảng thời gian mà Nhật Bản tiếp nhận những tư tưởng mới từ phương Tây cùng với sự hồi phục uy quyền của Thiên Hoàng, người Ainu bị buộc phải làm những người lao động thấp cổ bé họng. Vùng đất Hokkaido quê hương khi xưa cũng bị chính quyền tư nhân hóa.
Từ thế kỉ 19 đến 20, chính phủ Nhật Bản đã từ chối quyền tự do của người Ainu đối với các hoạt động văn hóa truyền thống của họ, đáng chú ý nhất là quyền nói ngôn ngữ của họ cũng như quyền săn bắn và sống thành cộng đồng của họ. Những chính sách này được thiết kế nhằm tiếp nhận hoàn toàn Ainu vào xã hội Nhật Bản, cũng như xóa bỏ văn hóa và bản sắc Ainu.
Vào cuối thế kỷ 20, các phong trào phục hưng và hồi sinh văn hóa Ainu ngày càng trở nên mạnh mẽ. Vào năm 1994, Kayano Shigeru – người Ainu đầu tiên trở thành thành viên của Quốc hội Nhật Bản đã tạo ra một số cải cách pháp lý để bảo vệ văn hóa Ainu. Những đề xuất này đã được thông qua trong những năm sau đó. Năm 2008, Nhật Bản chính thức công nhận người Ainu là người bản địa, thay thế cho tuyên bố họ là thổ dân cũ vào năm 1899.
Người Ainu ngày nay
Người Ainu ngày nay kết hôn với người Nhật Bản nên số lượng người Ainu thuần chủng đã giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, vì những tổn thương trong quá khứ mà những người Ainu dường như không dám thừa nhận gốc gác của mình để tránh sự phân biệt đối xử.
Một lớp học làm đồ thủ công với người Ainu trong khu bảo tàng Akanko Aini Kotan ở tỉnh Hokkaido
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản ngày nay vẫn đang có những nỗ lực thiết thực nhằm mang đến sự bình đẳng cho cộng đồng dân tộc thiểu số Ainu. Điển hình là việc xây dựng khu bảo tàng về người Ainu ở Shiraoi, tỉnh Hokkaido và một số công trình giới thiệu văn hóa Ainu đến với du khách quốc tế ngay trước thềm Olympic Tokyo 2020. Những bộ manga, anime và các tựa game đình đám cũng có sự xuất hiện của những nhân vật người Ainu, như nhân vật nữ Nakoruru, Rimururu và Rera trong loạt game SNK game series Samurai Shodown; hay anh chàng Fredzilla trong phim Big Hero 6.
Khu bảo tàng Akanko Aini Kotan ở tỉnh Hokkaido
Hòa cùng với xu hướng bảo tồn những văn hóa bản địa đặc sắc, người Ainu ngày nay không chỉ nhận được sự quan tâm tại chính đất nước của mình mà còn từ bè bạn thế giới. Hi vọng rằng trong tương lai, Nhật Bản sẽ lại đón nhận những người Ainu không còn e dè về nguồn gốc của mình để có thể tự tin bước ra xã hội.
Thảo Trần / Theo: Kilala Magazine
No comments:
Post a Comment