“Cả đêm nghĩ mãi không ra,
Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ”
Tác giả của câu thơ: “Cả đêm nghĩ mãi không ra/ Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ” là của nhà thơ dân gian Bảo Sinh - một trong những ông “nghiện thơ” lục bát tên tuổi khá trứ danh của làng thơ hài Hà Thành hôm nay.
Ông Nguyễn Bảo Sinh (với bút danh Huyền Thi) hiện ngụ ở “Khách sạn chó-mèo” (ông Sinh chuyên kinh doanh chó cảnh, mèo cảnh) tại Hà Thành tỉnh, Hai Bà quận, Trương Định phố.Cho đến thời điểm này, ngoài Bút Tre tiên sinh đã đi vào dĩ vãng thì chỉ còn ông Bảo Sinh là một trong số hiếm hoi vài nhà thơ dân gian “bẩm sinh” thứ thiệt còn sống tới hôm nay.
Trong một buổi giao lưu thơ ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi đã “mục sở thị” ông Bảo Sinh “mần thơ” bài nào ra bài nấy.Mọi người dự buổi giao lưu thơ hôm ấy cứ ôm bụng cười phớ lớ, nghiêng ngả. Phải công nhận là ông Bảo Sinh có duyên đọc thơ hài khi ông tằng tằng “nổ” liền một mạch đến hai chục bài thơ, mà bài nào cũng khiến người ta phải khoái cái nhĩ - tai - thơ.
Thơ ông làm vốn đã tức cười, lại được đọc bởi cái bộ điệu khôi hài đến mức thản nhiên và đầy tự tin đã tạo nên một sức hấp dẫn lạ thường. Tôi cứ nhớ mãi cái dáng hăm hở đến chết cười đi được khi ông “vặn người, vẹo mắt” trước cử tọa khi thủng thẳng đọc cả loạt những bài thơ sau:
Muốn cho trộm chẳng đến nhà
Đề vào trước cửa đây là nhà thơ
Muốn đuổi khách ra khỏi nhà
Đọc thơ được giải họ ra tức thì.
Làm thơ chẳng dám nổi danh
Sợ trùm khủng bố bắt thành con tin
Ngu si được hưởng thái bình
Làm thơ con cóc mong mình yên thân.
Đến:
Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm.
Ai ai cũng sống khỏa thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người.
Này:
Hiện đại mà không thiên nhiên
Loài người sẽ tới chỗ điên chỗ khùng
Thiên nhiên hoang dã tận cùng
Loài người cũng đến chỗ khùng chỗ điên.
Sau khi nghe nhà thơ dân gian Bảo Sinh “nổ” liên tục bốn bài thơ lục bát hài hước, khiến khán trường cười ngả cười nghiêng, cười sôi lên ùng ục, tôi bèn hỏi ông một câu theo kiểu “chọc ngoáy”: “Bác nói chuyện ái tình của bàn dân thiên hạ nghe cứ như “dạy đĩ vén váy” mà không thấy ngượng ngùng chút nào cả, vậy chuyện ái tình nhà bác ra sao? Bác có dám bắt nạt cái ái tình của người “đầu gối tay ấp” với bác không, thưa tiên sinh?”. Đệ nhất dị nhân Bảo Sinh cười toe toét đọc tiếp mấy bài thơ sau:
Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái thằng cha láng giềng
Thiên tài cùng với thằng điên
Cách nhau chỉ một đường biên mơ hồ.
Rồi:
Tôi tu với vợ tại gia
Vợ dài dằng dặc đâu là bến mơ
Khi tình khi ý cùng thơ
Đường trơn gánh thực, gánh hư trĩu đầy
Nằm mơ trên tấm thân gầy
Gánh vàng đi đổ lấp đầy sông mê.
Người ghi bia đá để đời
Còn tôi tìm chỗ tôi ngồi để quên
Nhìn trời nước dưới, mây trên
Cúi xem lại thấy nước trên mây trời
Ngồi quên, quên hết mây trời
Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì.
Ông Bảo Sinh chơi khá thân với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhận xét về bạn một cách khá rạch ròi về tài năng và nhân cách thơ, ông Thiệp cho biết: “Nguyễn Bảo Sinh, sinh năm 1940, sống trong một gia đình đã định cư nhiều đời ở Hà Nội. Thời trẻ, ông từng đi lính, từng là võ sư Judo.Từ trẻ đến già, Nguyễn Bảo Sinh chỉ ở số 30, ngõ 167 Trương Định (ngõ Bảo Sinh). Gần như suốt đời không hề chuyển dịch đi đâu, luôn ở cùng gia đình, xung quanh có vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn nhưng ông luôn tự nhận mình là một tay sống trong giang hồ(!), một người tu tại gia(!).
Nguyễn Bảo Sinh từng có hỗn danh là Sinh chó. Việc này duyên do từ chuyện có thật: Hồi bé, vốn tính ngỗ ngược, thân phụ ông là cụ Nguyễn Hữu Mão (năm nay 95 tuổi, cũng là người rất hay thơ) có lần tức giận bảo rằng:
- Lớn lên thì chó nuôi mày!
Một lời là một vận vào! Lời nguyền của người cha tự nhiên vận vào số phận đứa con.Từ nhiều năm nay Nguyễn Bảo Sinh vẫn sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, cũng có khi làm hậu cần cho các xới chọi gà khắp một vùng nội ngoại thành Hà Nội.
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng: “Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống.
Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống.Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này”. Và bài thơ “Mê-Ngộ” của Bảo Sinh dưới đây là một dẫn chứng sinh động:
Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ ra mới biết trong tình có dâm
Khi yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần Tự do
Nhại dòng thơ dân dã của Nguyễn Bính, khi gặp thi hữu, ông Bảo Sinh thường ngâm nga:
Hôm xưa lên tỉnh về làng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Bây giờ quần trễ rốn lồi
Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền
Có lúc ông hứng lên theo kiểu tả thực:
Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Có đôi trai gái ngồi hơ quần đùi
Có chàng thi sĩ dở hơi
Sông Cầu không ngắm, ngắm đùi cô em
Rồi ông khoái khẩu “bốc thơm” chuyện ái tình:
Yêu nhau đến đứt cả khuy
Đội mũ, mặc áo, giầy đi trên giường
Anh hùng đo bởi huân chương
Đắm say đo bởi trên giường khuy rơi
Không gì vượt được thiên nhiên
Cách nhau lớp kính hôn tiên chẳng màng
Ly thân mà vẫn đồng sang
Âm dương cách biệt một màng cao su.
Nghe mấy đoạn thơ trên của Bảo Sinh, tôi cứ ngờ ngợ như đã được nghe thấy ở đâu đó rồi.Tôi chợt nghĩ, phải chăng thơ dân gian rồi thơ Bút Tre và Hậu Bút Tre… là thứ thơ của mọi người, mỗi người góp vào một câu, mỗi ngày nhặt được một câu… thế là góp thành Bảo Sinh.Nhưng nếu không có Bảo Sinh thì việc “truyền khẩu” một cách có hệ thống cho dòng thơ này có nguy cơ bị mai một, bị thất truyền… bởi thế ông mới trở thành một nhà thơ dân gian trứ danh.
Nguyễn Việt Chiến