Một ngày trước Tết Trung thu, ông lão Vương sống một mình đơn độc hơn mười mấy năm đã qua đời. Bốn người tự xưng là con cái của ông Vương không biết từ đâu xuất hiện. Những người hàng xóm ngạc nhiên, hóa ra lão Vương có nhiều con như vậy, nhưng bao năm qua chưa từng thấy bóng dáng, kể cả các ngày lễ Tết. Giờ đây lão Vương ra đi để lại một ngôi nhà cũ, bốn người con mới chịu về lo tang lễ.
Lão Vương là một người chu đáo, trước khi nhắm mắt xuôi tay đã chuẩn bị mặc sẵn chiếc quần tây cũ và cái áo khoác bông cũ kỹ, ngay cả mái tóc cũng như vừa mới được cắt tỉa. Kể cả trước nhắm mắt, ông cũng tự lo liệu cho bản thân để giảm bớt được nhiều chuyện phiền hà con cái.
Bốn người con của lão Vương đã liên lạc với nhà tang lễ và chỉ trong vòng nửa điếu thuốc tàn, thi thể lão Vương được rời từ ngôi nhà cũ ông đã sống nửa đời người đến nhà tang lễ. Ngay sau đó, họ bắt đầu tranh luận về vấn đề thừa kế gia sản của lão Vương.
Người con trai cả nói: “Anh là con trai trưởng, vì thế nhà cũ nên để một mình anh thừa kế. Hơn nữa, giờ anh cũng đã bị sa thải, cuộc sống khó khăn hơn các anh chị em khác”.
Người con trai thứ hai lên tiếng: “Cha bỏ em ở quê từ khi em còn nhỏ, em không được đọc nhiều sách, không được học nhiều thứ. Không phải là cuộc sống của em khó khăn hơn sao? Chỉ vì cái nhà của cha mà anh tranh giành không biết xấu hổ sao?, gã vừa nói vừa đập bàn.
Ông Vương tự lo liệu cho sự ra đi của bản thân để bớt phiền hà con cái...
Cô con gái thứ ba nói: “Em luôn sống ở nước ngoài. Về quê một lần thì bất tiện, nhưng năm nào em cũng gửi một lượng đồ lớn về cho cha. Những ngày lễ em đều gọi về không dưới một cuộc điện thoại. Nếu các anh không tin em, hãy kiểm tra điện thoại của em đây này”, vừa nói cô gái vừa rút điện thoại ra.
Cô con gái thứ tư kể: “Lúc chưa lấy chồng, ở nhà chỉ có một mình em chăm sóc cha. Ai trong số mấy người về thăm bố lấy một lần? Chỉ là khi có gia đình em rất bận. Em phải chăm sóc gia đình, nhưng thỉnh thoảng em cũng gửi thuốc bổ về cho cha. Hãy nhìn đi, em đã từng gửi cho cha cái này”. Nói xong, cô gái chỉ vào đống hộp giấy đầy bụi.
Bốn anh em không ai chịu ai, cũng không có thuyết phục được những người còn lại, cho nên căn nhà cũ kỹ bỗng chốc trở nên xôn xao ồn ào. Chẳng mấy chốc, những người hàng xóm đã ùn ùn kéo đến xem. Hàng xóm láng giềng ngán ngẩm nhìn bốn người con cãi vã, rồi họ im lặng bỏ đi.
Đúng lúc họ đang ồn ào tranh cãi thì một người phụ nữ từ ủy ban khu phố đến mang theo lá thư tuyệt mệnh của lão Vương. Bà mở phong bì trước mặt họ và lấy ra một lá thư:
“Gửi những người con hiếu thảo của cha.
Cảm ơn các con đã đến tiễn đưa cha trong chuyến đi này, thật cảm động biết bao. Các con thường bận bịu với cuộc sống của mình, cha không trách các con đâu. Sống một mình, mỗi khi nhìn vào bức chân dung của gia đình ta cha lại cảm thấy hạnh phúc.
Để sau khi cha mất đi, các con vẫn giữ được tình anh em thuận hòa, cha đã bán căn nhà cũ với giá 200.000 đồng. Không nhiều nhặn gì, mỗi người sẽ nhận được 50.000 đồng. Cuối cùng, cha mong các con có thể thay cho cha một chiếc áo mới, để cha có thể về gặp bà nội các con”.
Ông Vương chỉ mong mình được mặc một chiếc áo mới... (Ảnh minh hoạ)
“Bỏ tiền ra chỉ để mua một chiếc áo mới rồi nó sẽ cháy ngay khi cha mặc vào, thật không đáng”, người anh cả lắc đầu.
“Tiền mua áo khoác mới phải tính toán rõ ràng, không để ai bị thiệt”, người anh hai nói.
“Lấy tiền được cha chia ra mua, thế là bình hòa nhất, không ai nợ ai”. Cô con gái thứ ba chắp tay nói.
“Cũng may, thứ mà ông già muốn là một chiếc áo khoác chứ không phải vải liệm. Cũng không tốn kém là bao”. Cô con gái thứ tư vui vẻ nói.
Sau vô số tranh cãi, cuối cùng họ cũng đã thống nhất được khoản tiền mua áo khoác mới được khấu trừ vào khoản tiền bán nhà do lão Vương để lại. Nhưng cuối cùng họ sực nhớ ra, hình như cha không nói tiền để ở đâu?
Họ cuống cuồng tìm kiếm, lục tung đồ đạc trong ngôi nhà cũ. Tiếc thay, ngoài việc tìm thấy một khung ảnh chân dung gia đình, họ chẳng thấy bất cứ thứ gì có giá trị.
Nhà tang lễ gọi điện giục vì đã quá hạn trông coi, muốn kéo dài thời gian phải trả thêm phí. Bốn anh em liền quyết định hỏa táng ngay lập tức.
Vài tháng sau đó, sau khi bốn người con lật tung ngôi nhà cũ, họ đã nhìn thấy một dòng chữ ở mặt sau của khung ảnh chân dung gia đình mà lão Vương vẫn giữ: “Cha tự mình mặc vải liệm, tiền ở trong chiếc áo khoác bông cũ của cha”.
Bốn người con chết lặng. Chỉ có mong ước cuối cùng của người cha già tội nghiệp đã trở thành nỗi ân hận cuối cùng.
VC / Theo: Visiontimes
No comments:
Post a Comment