Hai lần đánh bại quân nhà Đường
“Thần Thánh Văn Vũ đế Thái tổ” mà Nhất Đăng Đoàn Hưng Trí nói ở đây chính là Đoàn Tư Bình, người sáng lập vương triều Đại Lý. Cũng theo lời Nhất Đăng đại sư thì: “Họ Đoàn ta có nhân duyên tốt đẹp, chỉ là viên tiểu lại ở biên cương mà trộm được ngôi vua. Mỗi đời đều tự biết tài đức của mình quả thật không đủ để đảm đương việc lớn, nên trước sau run run sợ sợ, không dám có chỗ nào quá phận”. Sự thật thế nào?
Vùng Nhĩ Hải, Thương Sơn của Vân Nam xưa là nơi định cư của tiên dân các tộc người Di, Bạch (Bạch man, Ô man). Đến đầu đời Đường thì khu Đại Lý đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Vân Nam (đất Điền). Năm 738, Mông Bì La Các là thủ lĩnh của Mông Xá Chiếu (“chiếu” là bộ tộc, tiểu vương quốc) được nhà Đường giúp đỡ đã thâu tóm 5 chiếu còn lại, hình thành nhà nước Nam Chiếu. Trong quá trình phát triển của mình, Nam Chiếu không ngừng mở rộng lãnh thổ và họ Đoàn dần trở thành danh môn vọng tộc, đứng đầu các đại tộc Cao, Dương, Triệu, Lý, Đổng.
Tổ tiên của họ Đoàn ở Đại Lý có giả thiết là người tộc Khương hoặc dòng dõi của Cộng Thúc Đoàn của Trịnh Trang Công thời Xuân Thu chiến quốc. Theo GS Trương Tích Lộc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu kế thừa và phát triển văn hóa lịch sử Nam Chiếu - Đại Lý tỉnh Vân Nam, thủy tổ họ Đoàn ở Đại Lý là Đoàn Kiệm Ngụy, người Bạch man, gốc Vũ Oai, Cam Túc. Hậu duệ họ Đoàn cũng công nhận điều này. “Nam Chiếu dã sử” viết: Họ Đoàn, người Vũ Oai, ông tổ Đoàn Kiệm Ngụy là tướng dưới thời Các La Phụng, được phong làm Thanh Bình Quan (tể tướng) trong những năm Thiên Bảo, truyền đến đời thứ sáu thì sinh ra Đoàn Tư Bình.
Trung tâm Đại Lý hiện nay với những trà quán mang tên Nam Chiếu, Đại Lý Ảnh: INTERNET
Theo “Toàn Đường văn”, “Tân Đường thư”, “Nam Chiếu đức hóa bi”, “Man thư”, “Tư trị thông giám”, “Bạch cổ thông ký”, khi triều Đường và Nam Chiếu xảy ra xung đột do phu nhân của Các La Phụng bị quan người Hán là Trương Bân Đà làm nhục, Đoàn Kiệm Ngụy là đại tướng quân 2 lần đánh bại quân Đường. Lần thứ nhất phục binh ở Thương Sơn giết chết hơn 3 vạn, bắt sống 1 vạn quân Đường của tướng Tiên Vu Trọng Thông. Lần thứ hai tại Sa Bình, Đoàn Kiệm Ngụy và hoàng tử Phụng Già Dị đánh bại 10 vạn quân Đường, bức tướng Lý Mật phải nhảy xuống sông tự tử.
Qua thống kê, trong gần 300 năm lịch sử nước Nam Chiếu, họ Đoàn ở Đại Lý đã có 5 người làm tể tướng, 7 người làm đại tướng quân.
Thân phận kỳ bí
Đến đời Đoàn Tư Bình thì Nam Chiếu đã suy yếu do loạn quyền thần. Năm 902, sau khi Thuấn Hóa Trinh qua đời, Tể tướng Trịnh Mãi Tự phát động chính biến và thừa cơ giết hại hơn 800 người trong vương tộc họ Mông, tự lập làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Trường Hòa. Nam Chiếu chính thức diệt vong.
Họ Trịnh giữ ngôi được 3 đời, đến năm 929 thì Tiết độ sứ Dương Can Trinh nổi dậy, lập Tể tướng Triệu Thiện Chính lên làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Thiên Hưng. Được 1 năm thì Dương Can Trinh lại phế họ Triệu, tự mình lên ngôi, đổi quốc hiệu là Đại Nghĩa Ninh. Năm 930, Dương Can Trinh bị em trai là Dương Chiêu soán ngôi. Trong giai đoạn biến động này, Đoàn Tư Bình đang giữ chức Thông Hải Tiết độ sứ, vì tài nghệ xuất chúng nên bị Dương Can Trinh đố kỵ, nhiều lần tìm cách hãm hại. Được sự hỗ trợ của 2 đại tộc Đổng và Cao, Đoàn Tư Bình liên kết mượn quân của 37 bộ tộc (Man bộ) ở Điền Đông với lời thề chỉ thu thuế một nửa và giảm lao dịch trong 3 năm.
Hoàng gia Đại Lý
Đầu năm 937, Đoàn Tư Bình thống lĩnh quân binh tấn công thảo phạt họ Dương, giết Dương Chiêu. Dương Can Trinh trốn về Kê Túc Sơn đi tu với pháp danh “Đại Hối”, Đoàn Tư Bình xá tội cho. Năm 938, Đoàn Tư Bình chính thức lên ngôi, đổi tên nước là Đại Lý (“lý” là sửa, trị), tức Thần Thánh Văn Vũ hoàng đế. Trong khi đó, đến năm 960 ở Trung Nguyên, Triệu Khuông Dẫn mới làm binh biến Trần Kiều, diệt nhà Hậu Chu, lập ra triều Đại Tống.
Trong dân gian, cuộc đời Đoàn Tư Bình mang nhiều sắc thái huyền dị. Cho đến nay, nhiều địa phương ở Đại Lý trong các miếu thờ Bạch Vương và Bản chủ đều có phối tượng Đoàn Tư Bình thờ long trọng. Theo “Nam Chiếu dã sử”, phụ thân ông là quan đại thần Đoàn Bảo Long bị hiếm muộn, sau mẹ ông qua sông chạm phải gỗ hương trôi sông hóa rồng vàng chui vào tay áo mà có song thai sinh ra Đoàn Tư Bình và Đoàn Tư Lương.
Khi kéo binh đến Long Thủ Quan, Dương Can Trinh đã phòng bị trước nên cố thủ rất chặt, Đoàn Tư Bình phải dừng quân hạ trại. Đêm ấy ông mộng thấy 3 điều lạ: Một là thấy người mất đầu, hai là bình ngọc bị mất quai, ba là gương vỡ. Tư Bình cho là điềm không lành, lo sợ nên hội với chư tướng muốn lui binh. Quân sư Đổng Gia La bàn rằng: “Ngài là bậc trượng phu, người mất đầu là chữ “phu” biến thành chữ “thiên” là ứng với thiên tử vậy; bình ngọc mất quai là chữ “ngọc” mất dấu chấm biến thành chữ “vương” là vua; trong gương có ảnh như người có địch, nay gương vỡ là đối thủ tan tành. Đấy đều là điềm lành trời báo tướng quân sẽ thành công”. Đoàn Tư Bình nghe hữu lý bèn quyết định xuất binh, quả nhiên khi đến bờ sông, có người thiếu nữ chỉ cho đường tắt đưa binh mã qua sông rất nhanh, nhờ đó tiến quân thế như phá trúc, mau chóng thành công.
Lưu giữ bí kíp
Theo “Tam Di tùy bút” của quan Trấn phủ sứ Lý Hạo viết vào đầu đời Minh thì Đoàn Tư Bình được một vị đại sư tinh thông võ nghệ và trận pháp truyền lại cho bộ kỳ thư “Nam Chiếu binh điển”. Bộ kỳ thư này có 8 quyển, gồm các phần binh luận, trận pháp, địa thế, kỹ pháp (võ thuật). Sách này về sau trở thành giáo trình quan trọng bậc nhất về dụng binh luyện võ của hoàng tộc họ Đoàn, được lưu trong mật thất Vô Vi tự.
Thiên Tường / Theo: NLĐ