Hơn 30 năm trước, bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Nguyễn Văn Thủy ra đời, lập tức bị liệt vào danh sách đen cấm chiếu chỉ vì có những câu thoại chua chát thế này: “Tất nhiên chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo cho riêng bộ da của mình”. Hơn 30 năm sau, hàng triệu người Việt vẫn lục tục đào bới lại những cuốn băng cũ để xem cho kì được “Chuyện tử tế” một lần. Ai cũng muốn biết làm người tử tế ra sao. Nhưng chẳng ai thực sự biết cả…
Vài ngày trước, cô bạn gửi cho tôi xem lại mấy trích đoạn phim hài hước. Xem xong quả thực cười lăn, cười bò. Nhưng sau những tràng cười khoái trá kia là một dư vị chẳng dễ chịu gì. Xin kể ra đây để quý vị và các bạn cùng chia sẻ.
Câu chuyện thứ nhất: Giúp đỡ người khác mà gọi là điên à?
Chiếc ô tô đang phóng vun vút trên đường phố bỗng nhiên phanh kít lại. Một chàng trai trẻ, vẻ mặt thư sinh bước ra ngoài tươi cười: “Mời cô lên xe, trông cô đi bộ khổ sở quá”.
Cô gái trẻ tay xách nách mang nào là túi xách, nào là ba lô thoáng nét ngạc nhiên: “Gì cơ ạ? Anh mời tôi lên xe à?”.
Chàng trai vẫn tươi cười: “Đúng thế, tôi biết cô đợi ở đây đã lâu rồi. Nào lên xe đi!”.
Cô gái vẫn dè dặt: “Xe anh có chạy về Hà Nội không ạ?”.
Anh chàng vẫn vồn vã mời, tay đã nhanh chóng xách ba lô, hành lý của cô để vào cốp xe, đoạn mở cửa như ấn cô gái vào bên trong xe. Anh chàng lên xe, chốt tất cả các cửa lại, nói: “Phải chốt cửa cẩn thận, cánh cửa mà bật ra thì nguy hiểm lắm”. Cô gái đã thoáng lo lắng. Chàng trai nhìn nét mặt lo âu của cô thì cất tiếng cười to có phần hơi khả ố.
Cô gái hoảng hốt: “Tôi không đi nữa đâu, tôi thừa biết âm mưu đen tối của anh. Chả ai điên mà quay xe đón 1 người lạ! Anh đưa tôi xuống chỗ có người qua lại, tôi không để anh đưa tôi đến chỗ cánh đồng hoang vắng kia nữa đâu. Nào anh dừng lại ngay, dừng lại ngay!”.
Vừa nói, cô gái vừa đập tay mạnh liên hồi vào vai, vào người chàng trai. Chàng trai đành phải dừng xe lại, xuống xe bực bội hỏi: “Tôi muốn giúp đỡ cô trong lúc khó khăn thì sao?”. Cô gái tiếp tục mắng xối xả: “Thời buổi này, chỉ có người điên mới làm thế mà thôi! Anh mở thùng xe ra cho tôi lấy đồ đi”.
Chàng trai cau mày, lẩm bẩm: “Giúp đỡ người khác mà gọi là điên à? Lạ thật đấy!”.
Câu chuyện thứ hai: Từ giờ còn làm người tốt thì đừng trách chúng tao!
Cũng vẫn là anh lái xe trong câu chuyện trên. Một buổi sáng nọ, khi anh chàng đang lúi húi lát nền, có một toán người đi ngang, hất hàm hỏi: “Thằng Dưỡng điên! Mày đang làm cái gì đấy?”.
Chàng trai thật thà: “Dạ, em sửa lại cái nền nhà để xe ạ. Hỏng hết rồi anh ạ”.
Một người đàn ông trong hội bước ra chỉ vào mặt cậu, nói: “Tao hỏi thật, mày bị bệnh tâm thần thật sự hay giở trò láu cá, thích chơi trội hả?”.
“Tại sao lại là chơi trội ạ?”, chàng trai hỏi vặn lại.
“Á à, mày đừng có giở ngô giả ngọng ra nữa! Biết bao nhiêu ông lái xe, bao nhiêu nhân viên tạp dịch hành chính, có mỗi mình mày bỏ ngày nghỉ ra để sửa nhà xe? Lại còn cãi gì?”, người đàn ông mắng ngay.
“Tôi làm gì kệ tôi, liên quan gì đến các anh?”, chàng trai không giữ được bình tĩnh nữa.
“Tao cảnh báo mày, từ giờ còn giở trò này ra nữa thì đừng trách chúng tao! Rõ chửa!”, người đàn ông nọ lại túm cổ áo anh chàng và đe dọa.
Câu chuyện thứ ba: Giống người khác thì có mà điên à?
Cuối cùng cậu Dưỡng lái xe của chúng ta cũng bị tống vào trại tâm thần vì trót làm quá nhiều việc tốt. Vào trại rồi thì cũng sinh hoạt cạnh những người điên khác. Một hôm, đang đi dạo dưới sân, đám bạn “điên” kéo cậu vào một góc, nói: “Này! Đằng ấy có biết hát không, ra hát với tụi mình cho vui đi!”.
Dưỡng đang ngơ ngác: “Sao lại hát?”.
Đám bạn nói: “Sắp đến hội diễn toàn ngành rồi đấy!”.
Dưỡng ngơ ngác tiếp: “Ngành gì?”.
Đám bạn nói: “Ngành tâm thần chứ còn ngành gì nữa! Tụi mình sẽ đi thi văn nghệ với những thằng điên ở bệnh viện khác!”.
Dưỡng hỏi: “Thế mọi người vào đây đã lâu chưa?”.
Một người nói: “Tớ vào đây 2 năm rồi!”.
Dưỡng hỏi: “Thế vì sao mà cậu vào đây?”.
Người kia nói: “Tớ cũng chả biết. Người ta bảo tớ có vài điểm chả giống người khác!”.
Dưỡng lại hỏi: “Thế sao lại phải giống người khác?”.
Người kia nói: “Đúng đấy! Giống người khác thì có mà điên à!”.
Cả bọn cùng bật cười khành khạch…
Trong phim “Chuyện tử tế”, người dẫn truyện đặt ra một câu hỏi thật đơn giản: “Theo anh/chị thế nào là sự tử tế?”. Nhưng những câu trả lời thì chẳng đơn giản chút nào:
“Để tôi nghĩ đã, hỏi làm gì đấy”.
“Chịu, bây giờ thì khó lắm đấy”.
Rồi lại có người dè dặt hỏi: “Có được phép nói thật không ạ” và chốt lại “chuyện tử tế là chuyện xa xôi”, thậm chí còn là “chuyện vớ vẩn”.
Vì sao người ta không muốn và không dám làm người tử tế quá?Người xưa dạy: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải kẻ dũng). Biết bao người anh hùng, kẻ kiếm khách phiêu lưu, bôn tẩu cũng lấy đạo nghĩa “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” để hành hiệp trên giang hồ. Mấy nghìn năm qua, tư duy người Á Đông luôn là như vậy. Mẫu hình người ta hướng đến là “quân tử”, “đại nhân” cũng chính là những người nghĩa khí, “tử tế” nhất.
Xã hội ngày càng phát triển, guồng quay hiện đại đã nhào nặn ra những quan niệm biến dị kiểu “làm phúc phải tội”, “làm ơn mắc oán”. Điều đó ngày càng khiến nhiều người không còn muốn làm người tốt, người tử tế hoặc ít nhất là không muốn làm chuyện tốt, chuyện tử tế nữa. Đó thực sự là một điều đáng buồn.
Lại có một thực tế vẫn diễn ra trong đời là người tốt thường chịu thiệt thòi. Bởi người tốt, người tử tế có cách hành xử ngay chính, không tranh giành lợi ích, lại luôn nhường phần tốt cho người. Họ đương nhiên dễ chịu thiệt thòi hơn trong một xã hội kẻ tranh người đoạt không từ thủ đoạn. Bởi thế, họ bị tất cả gọi là “người điên”.
Nhưng cái thiệt thòi ấy phải chăng sẽ khiến người tốt không dám làm người tốt nữa? Một người tử tế đích thực sẽ không chỉ vì chịu thiệt một vài phân mà đánh mất mình, đánh mất sự chân chính của mình. Đó là điều chắc chắn.
Tôi đã kể tất cả những gì mình biết cho quý bạn đọc. Và tôi vẫn đang tự hỏi mình rốt cuộc ai mới là người điên trong đời đây?
Tiểu Lý / Theo: ĐKN