Cuộc sống riêng của NSND Phùng Há đầy trắc trở.
Phùng Há, tên thật là Trương Phụng Hảo (30 tháng 4 năm 1911 – 5 tháng 7 năm 2009), là nghệ sĩ nổi tiếng người Việt gốc Hoa. Bà được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam cùng với nghệ sĩ Bảy Nam. Hầu hết cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc. Một trong những ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ là điệu hát của vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình.
Bà sinh tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang). Cha của bà là ông Trương Nhân Trưởng, người làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, còn thân mẫu bà là Lê Thị Mai, người làng Ðiều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Hai ông bà chung sống với nhau có được bảy người con, ba trai bốn gái: Trương Tích Kỳ (con trai), Trương Ngân Hảo (nữ), Trương Liên Hảo (nữ), Trương Tích Hoa (nam, mất lúc còn nhỏ), Trương Tích Trung (nam), Trương Phụng Hảo (nữ), Trương Nguyệt Hảo (nữ).
Thời xuân sắc của bà Phùng Há.
Bà là người con thứ 6, và cái tên Phụng Hảo được phát âm theo âm Quảng Đông là Phùng Há, vì vậy bà còn được gọi là Bảy Phùng Há (theo thứ bậc gia đình của người miền Nam).
Năm bà lên 9 tuổi thì cha bà qua đời. Cả gia đình bà đưa ông về Hạc Sơn để chôn cất. Khi gia đình bà trở về Việt Nam thì gia sản đã bị người khác chiếm đoạt. Tuy có đi học tiểu học một thời ngắn, vì hoàn cảnh gia đình nên bà sớm nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Năm 13 tuổi, bà đã phải đi làm công trong một lò gạch để kiếm tiền. Tuy nhiên, giọng ca thiên phú của bà khi đó lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban cũ và đó là bước ngoặt cuộc đời bà để đi theo con đường nghệ thuật .
Vở diễn của bà Phùng Há (ngồi) cùng NS Năm Châu.
Một trong những vị của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam
Từ rất sớm bà đã đến với cải lương. Cùng với kép chính Năm Châu, năm 13 tuổi bà được ông bầu gánh Hai Cu mời tham gia gánh hát Tái Đồng Ban với vai trò đào chính. Vì diễn quá hay, hát quá ngọt dù không phải là con nhà nòi nhưng ngay từ lần đầu đứng trên sân khấu bà đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả.
Trong vở cải lương “Hoàng Phi Hổ quy Châu” của soạn giả Nguyễn Công Mạnh, vai Giả Thị là vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của bà. Nhiều vở tuồng bà đóng cặp với Năm Châu tiếp theo sau rất được công chúng hoan nghênh và tán thưởng. Họ trở thành cặp đào – kép rất được công chúng hoan nghênh và tán thưởng.
NSND Phùng Há và Bạch công tử.
Bạch công tử quyết tâm đầu tư sau khi gặp được bà Phùng Há. Để thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ, sau khi kết hôn với bà, Bạch công tử đã tách ra khỏi gánh hát Phước Cương và giao cho vợ là bà Phùng Há làm bầu. Chẳng bao lâu gánh hát Huỳnh Kỳ trở thành tâm điểm thu hút rất nhiều khán giả dưới sự điều hành của bà Phùng Há, vốn liếng tiền bạc dồi dào cùng với kiến thức có được từ những năm du học của Bạch công tử. Gánh Huỳnh Kỳ có vở tuồng ăn khách nhất là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Cuộc đời của ca nương thanh sắc lừng danh những tưởng sẽ mãi hạnh phúc nhưng đời đâu biết được chữ ngờ!
Hàng loạt nỗi đau trời giáng dội xuống người phụ nữ tài hoa mà khốn khổ
Cuộc hôn nhân của Bạch công tử và cô bảy Phùng Há hạnh phúc được nhiều năm. Sự ra đời của 2 mụn con kháu khỉnh: con trai Paul Lộc và con gái Suzane là kết tinh từ niềm hạnh phúc đó. Thế nhưng dường như đó chỉ là giai đoạn tạm dừng của những cuộc ăn chơi. Bạch công tử nhanh chóng trở về với những cờ bạc, rượu chè, gái gú không quan tâm chăm chút gánh hát như trước nữa sau 7 năm với những thành công có được từ sự miệt mài lao động.
Gánh Huỳnh Kỳ rơi vào tình trạng không người cai quản. Công việc điều hành đoàn hát của Bạch công tử bị bỏ ngỏ, trong khi bà Phùng Há một nách 2 con còn phải lo về phần nghệ thuật biểu diễn. Gánh hát càng ngày càng suy sụp như rắn mất đầu, mạnh ai nấy làm, đào kép bỏ đi.
Cố NSND Phùng Há và con gái Bửu Chánh.
Trên những chiếc ghe mà gánh hát neo gần cầu Ông Lãnh, bà Phùng Há ôm con nằm chơ vơ. Lúc này bà chỉ còn biết cách đi tìm chồng, đã vậy hai con nhỏ còn ốm, tiền bạc không còn nhưng rồi phải ngậm đắng nuốt cay, thất vọng tràn trề khi chứng kiến Bạch công tử đang ôm ấp một cô gái đẹp. Chẳng những không hối lỗi, Bạch công tử còn quát mắng bà. Vì không có thuốc men nên cậu con trai đầu Paul Lộc bị bệnh rồi mất. Thế nhưng Bạch công tử vẫn trong u mê, ăn chơi sa đọa dù con mất, vợ quay quắt.
Bà Phùng Há quyết định ly hôn vì không thể chịu đựng được hoàn cảnh trái ngang ấy. Cú sốc ấy chưa kịp qua đi thì bà lại hứng chịu nỗi đau không thể nguôi ngoai đó là cô con gái nhỏ Suzane cũng ra đi sau đó ít lâu. Bà Phùng Há bị đẩy đến tận cùng của sự đau khổ khi chồng hắt hủi, hai con đều ra đi. Cuối cùng bà quyết định đứng lên gây dựng lại sự nghiệp sau một thời gian vùi mình trong nước mắt.
Nghệ sĩ Phùng Há đi đến cuộc hôn nhân thứ 3 với kỹ sư Nguyễn Bửu vào năm 1940, sau khi cuộc tình thăng hoa lẫn bi kịch với Bạch công tử Lê Công Phước kết thúc 4 năm. Nguyễn Bửu đã lập gánh hát Phụng Hảo ở Sài Gòn giao cho bà quản lý, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng vì vốn là một đại điền chủ giàu có ở Trà Vinh. Nhưng do tình hình rối ren, đoàn Phụng Hảo gặp nhiều khó khăn phải lưu diễn dưới Bà Rịa – Vũng Tàu trước khi thuê ghe về Mỹ Tho và tự giải tán.
Nghệ sĩ Phùng Há
Cuộc hôn nhân của bà Phùng Há và ông Nguyễn Bửu cũng tan vỡ theo sự tan rã của gánh hát Phụng Hảo. Và rồi một chủ trang trại nuôi bò giàu có đầu thập niên 1950 têm Châu Văn Sáu đã kết hôn với bà Phùng Há và tạo cơ hội gầy dựng lại đoàn hát Phụng Hảo đi lưu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc gây tiếng vang lớn. Thế nhưng cuộc hôn nhân với đại gia nuôi bò cũng chẳng tồn tại được lâu và tan rã cùng đoàn hát.
Giai đoạn cuối đời
Năm 1958, bà đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Bà cũng tự xuất tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho vài nghệ sĩ nghèo.
NSND Phùng Há lúc “xế chiều”.
Bà không chỉ là nghệ sĩ với giọng hát xuất sắc, diễn xuất tinh tế, mà bà còn có công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhiều người đạt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Thời Việt Nam Cộng hòa, bà là giảng viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn. Với những đóng góp cho nghệ thuật, năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân
Bà còn từng là Ủy viên Hội đồng Các nghệ sĩ – Cơ quan có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú cho những người hoạt động nghệ thuật có nhiều sáng tạo nghệ thuật và nhiều cống hiến phục vụ nhân dân (Theo Quyết định số 118/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 11 tháng 5 năm 1982).
Mộ phần NSND Phùng Há ở nghĩa trang nghệ sĩ.
Duy Phan / Theo: hoainiem