Monday, December 12, 2022

MỘT ÚC CHÂU VỚI NHIỀU ĐIỂM NHẤN ĐẶC SẮC

Từ nhà hát Opera tại Sydney, Tảng đá Uluru đậm chất văn hóa thổ dân, đến nhiều tảng đá khổng lồ hình đầu người đỏ ối nằm rải rác giữa các khe nứt và hẻm núi, từ thành phố Adelaide xinh đẹp và sạch sẽ đến Melbourne hiện đại nhưng vẫn còn giữ được một chút cổ kính và duyên dáng – những điểm nhấn đặc sắc ấy đã khiến cho vị cựu đại sứ Hoa Kỳ phải thốt lên, “Tôi yêu đất nước Australia này – cũng như người dân nơi này. Luôn luôn là một sự thỏa mãn mỗi khi được quay trở lại nơi đây.”

Tập hợp các tảng đá vôi nằm gần nhau bên đường Great Ocean Road ở Victoria là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng với tên gọi là The Twelve Apostles [ Mười Hai Sứ Đồ]. Chưa bao giờ có nhiều hơn chín sứ đồ ở đây và cái thứ chín đã sụp đổ vào năm 2005. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Mọi người dường như đều cùng đồng ý rằng khung cảnh đẹp nhất ở thành phố Sydney là từ, hoặc là nơi ở gần một địa điểm nổi tiếng là Ghế của Bà Macquarie [Mrs. Macquarie’s Chair].

Phóng tầm mắt ngang qua một vịnh nhỏ ở bến cảng tráng lệ của thành phố lớn nhất nước Úc, bạn sẽ thấy một bức tranh toàn cảnh ấn tượng.

Ở ngay phía trước, là những cánh buồm được điêu khắc toàn màu trắng của Nhà Hát Opera nổi tiếng nhất Sydney nhô ra khỏi bến cảng ở tại Bennelong Point, ba mặt xung quanh nhà hát đều được bao phủ bởi một màu xanh của biển cả. 

Nhà Hát Opera Sydney [Nhà Hát Con Sò], với những cánh buồm điêu khắc màu trắng, nằm trên một đảo nhỏ nhô ra từ bến cảng xinh đẹp của thành phố. (Ảnh: Shutterstock)

Chỉ ngay phía sau Nhà Hát Opera, lệch sang bên phải một chút, hướng lên cao một chút, là cây cầu thép hình vòng cung lớn nhất thế giới, người dân bản địa thường gọi là “Chiếc Móc Áo”.

Còn ở phía bên trái là một đường chân trời hoàn hảo mà rất nhiều người đều nói rằng đây là thành phố hấp dẫn và xinh đẹp nhất trên thế giới.

Đường chân trời tuyệt đẹp của Sydney, được nhiều người cho là thành phố lớn hấp dẫn và lôi cuốn nhất thế giới. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Chúng tôi đang đi bộ đến vị trí ngắm cảnh ấy, đi đường tắt băng qua Vườn Bách Thảo Hoàng Gia [Royal Botanic Gardens] nằm trong khu trung tâm của thành phố, ở đó có một tấm biển bên cạnh con đường đã thu hút sự chú ý của tôi.

“Vui lòng bước đi trên cỏ” là nội dung của tấm bảng đó. Còn thêm nhiều nội dung được in với cỡ chữ nhỏ hơn như sau: “Chúng tôi cũng mời bạn ngửi mùi hương của những đóa hồng, ôm những cái cây, trò chuyện với những chú chim, ngồi trên những chiếc ghế băng dài và cắm trại dã ngoại ngay trên những bãi cỏ.”

Tôi đã ở Sydney khi kết thúc chuyến du lịch tham quan những điểm nổi bật của đất nước Úc. Điểm đến đầu tiên là thành phố Cairns, có dân số 98,000 người, ở xa về phía Bắc của tiểu bang Queensland, nằm trên – tùy theo vị trí của bạn – Vịnh Trinity, Biển Coral, hoặc là Thái Bình Dương.

Đây là một nước Úc nhiệt đới.

Du khách đến nơi đây để thư giãn và nghỉ ngơi tại Rạn San Hô Great Barrier (The Great Barrier Reef) và những khu rừng mưa nhiệt đới.

Chúng tôi đã dành một ngày để ngắm rạn san hô ở cách bờ biển không quá xa, một phần thời gian là ngắm từ trên thuyền đáy kính.

Ngày hôm sau, chúng tôi di chuyển trên một chuyến tàu hỏa xinh đẹp hướng về phương Bắc, nơi đó chúng tôi đã đi bộ vào bên trong rừng mưa nhiệt đới và đi cáp treo Skyrail Rainforest Cableway chỉ cao hơn ngọn cây khoảng vài mét.

Đoàn du lịch Đội Quân Vịt Trời [A Land – and – Water Army Duck Tour] đưa chúng tôi băng rừng trên xe lội nước để đến được một hồ nước.

Chúng tôi đã tham quan khu bảo tồn các loài bướm, được xem kangaroos và gấu koala cũng như những loài động vật hoang dã bản địa của đất nước Úc, được tham dự một buổi diễn văn hóa thổ dân, tại đây chúng tôi đã có cơ hội để trải nghiệm kỹ năng ném boomerang của mình.

Tảng đá Uluru

Đoạn giới thiệu về văn hóa thổ dân là đặc biệt phù hợp bởi vì điểm dừng chân kế tiếp của chúng tôi là một địa phương thần thánh đối với thổ dân bản xứ và cũng là một biểu tượng của nước Úc: Uluru, cũng từng được gọi là Đá Ayers. Đó là một trung tâm gần như đã chết của đất nước trong khu vực Lãnh thổ phía Bắc mà người dân Úc gọi là Trung tâm Đỏ.

Uluru, còn được gọi là Tảng Đá Ayers, được cho là khối đá đơn lớn nhất thế giới và đồng thời cũng là một địa điểm thiêng liêng đối với thổ dân bản địa của ÚC. Vào thời điểm hoàng hôn, tảng đá dường như là đang phát sáng. (Ảnh: Shutterstock)

Phải bay cả một nửa chiều ngang của nước Úc – tương đương với kích thước của cả lục địa Hoa Kỳ – chỉ để xem một tảng đá khổng lồ? Tảng đá bị cô lập ở một vùng hẻo lánh, khắp xung quanh đều là sa mạc rộng lớn và bụi rậm gai góc? Thị trấn gần nhất là Alice Springs nằm cách đó khoảng 280 dặm? Chà, Gibraltar là một tảng đá, và Đảo Phục sinh là nơi có người ở xa nhất trên Trái đất, tuy nhiên chúng tôi lại rất thích được ghé thăm cả hai nơi như vậy.

Tại một buổi biểu diễn văn hóa gần thành phố Cairns, một thổ dân Úc minh họa một cách thức chuẩn xác nhất để ném chiếc boomerang. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Bên cạnh đó, Uluru nổi tiếng là một tảng đá nguyên khối lớn nhất trên thế giới với kích thước lên đến 21,5 dặm chiều dài và 11,2 dặm chiều ngang, có hình dáng tương tự như một trái xoan.

Đỉnh cao nhất của nó cao hơn 1,100m so với các vùng đồng bằng sa mạc xung quanh. Nhiều du khách đã leo lên đến đỉnh theo một con đường mòn vừa gồ ghê, dốc đứng và chật hẹp; hầu hết bọn họ đều sống sót, tuy nhiên cũng có một số thì không may mắn như vậy.

Hành động này là bất kính đối với tín ngưỡng của những thổ dân bản địa sở hữu tảng đá, tuy nhiên họ vẫn dung thứ cho việc này vì một số điều khoản trong hợp đồng thuê của chính phủ.

Kangaroo là loài động vật to lớn duy nhất mà di chuyển bằng cách nhảy. Mỗi bước nhảy của chúng có thể lên đến 15 feet, chúng có thể nhảy xa như thế với tốc độ lên đến 30 dặm một giờ và di chuyển với tốc độ 20 dặm một giờ. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Có rất nhiều câu chuyện về những sai lầm của du khách khi cố gắng chạy thật nhanh để nhặt lại chiếc nón bị bay mất – gió ở trên đây rất mạnh – và lao đầu xuống đất tử vong. Trong một số câu chuyện khác, có một người đàn ông tưởng rằng chiếc xe bus của đoàn du lịch đang rời đi và anh ấy cố gắng đuổi theo, rồi bị trượt chân, ngã xuống và mất mạng; và hóa ra đó không phải là xe buýt của đoàn anh ấy.

Bình minh và Hoàng hôn

Điều làm cho chuyến đi đến Uluru trở nên vô cùng đáng giá chính là trải nghiệm nhìn ngắm cận cảnh khi mặt trời lặn xuống ở nơi đây. Màu sắc thay đổi một cách chậm rãi, rồi sau đó, rất đột ngột và gần như ngay lập tức, nó trở nên mãnh liệt. Tảng đá đang tỏa sáng, và chỉ trong một vài phút ngắn ngủi, bạn gần như nghĩ rằng tảng đá khổng lồ này đang bốc cháy từ bên trong, khi những tia nắng mặt trời dường như phun lên nó một màu đỏ cam rực rỡ.

Chúng tôi đã đi bộ vòng quanh một phần của Uluru, lắng nghe những truyền thuyết của người dân bản xứ kể về nó, ngắm nhìn những bức bích họa và điêu khắc của thổ dân trong một số hang động ở đây. Chúng tôi cũng lái xe máy vòng quanh (khoảng từ ba đến bốn giờ đi bộ) và ghé thăm lại vào lúc bình minh. Trải nghiệm ngắm bình minh ở Uluru cũng gần như tương tự với hoàng hôn – chỉ khác nhau về màu và sắc, nhiều sắc cam hơn là đỏ, kiểu như đảo ngược của màu sắc hoàng hôn.

Kata Tjuta, trước đây gọi là Olgas, một hệ địa tầng vật lý khổng lồ khác gần Uluru và cũng ấn tượng gần như vậy. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Với một vài người, một hệ địa tầng vật lý khổng lồ ở gần đó cũng ấn tượng như Uluru là Kata Tjuta, trước đây gọi là Olgas, có ý nghĩa là “nhiều chiếc đầu” theo ngôn ngữ thổ dân địa phương, và đó cũng là hình dáng thật của khu vực này: Có rất nhiều tảng đá khổng lồ hình đầu người nằm rải rác giữa các khe nứt và hẻm núi.

Cũng tương tự như Uluru và các khu vực đất đai lân cận, chúng đều mang một màu đỏ rực. Điểm khác biệt với Uluru là một tảng đá đơn nguyên khối, còn với Kata Tjuta thì bạn có thể bước đi vòng quanh giữa các tảng đá to lớn riêng biệt, nhưng cũng không quá khổng lồ. Màu đỏ là màu chủ đạo ở vùng đất hẻo lánh này, vì vậy chúng tôi chỉ thấy toàn đất đỏ và những bụi rậm nhỏ trên chuyến hành trình đến với thị trấn Alice Spring.

Một trong những trạm dừng hoặc là trại chăn nuôi mà chúng tôi đã băng qua có diện tích lên đến 1,25 triệu mẫu Anh, và nó không phải là cái lớn nhất ở đất nước Úc này.

“Alice” là tên gọi mà người dân Úc đặt cho nơi này, đã trở nên bất tử trong những quyển sách hay các bộ phim như là một ví dụ hoàn hảo về một thị trấn ở vùng đất hoang vu hẻo lánh, nhưng phần lớn nó chỉ là một tiền đồn hẻo lánh, nơi từng có một trạm điện báo và là nơi mà những người thám hiểm đến để có thể bắt xe lửa hoặc máy bay mà thôi.

Gấu Koala – không có nhiều thứ có thể giống loài gấu Koala này – loài thú có túi, lông xù, mũm mĩm và đáng yêu này là một một biểu tượng của nước Úc tương tự như Kangaroo. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là thành phố Adelaide tại miền Nam nước Úc. Chúng tôi đã bay đến đó từ thị trấn Alice. Chúng tôi đã có kế hoạch sẽ lên chuyến tàu Ghan, nhưng một toa xe chở hàng đã bị trật đường ray ở ngoài thị trấn Alice, vì vậy chúng tôi phải hủy kế hoạch di chuyển bằng tàu lửa Ghan và dành thêm một ngày nửa ở thành phố Adelaide.

Thành phố Adelaide, một trong những thành phố xinh đẹp và có quy hoạch tốt nhất ở bất kỳ chỗ nào, đứng bên cạnh Dãy Núi Lofty, gần thung lũng Sông Murray, trong một khu vực màu mỡ nổi tiếng với các loại rượu vang. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Thành phố Adelaide

Thành phố Adelaide vượt ngoài mong đợi của chúng tôi.

Nơi này cũng nhấn mạnh thêm cảm giác của tôi về các thành phố lớn của nước Úc luôn luôn hấp dẫn – và sạch sẽ, hiện đại và thỏa mãn. Tôi chưa từng gặp một thành phố lớn nào của nước Úc mà chúng tôi không ưa thích. Thành phố Adelaide không phải là một địa phương mà có nhiều du khách Hoa Kỳ ghé thăm.

Đây là một trong những thành phố xinh đẹp nhất, có quy hoạch tốt nhất ở bất kỳ khu vực nào. Thành phố này nằm bên cạnh Dãy Núi Lofty Ranges đã được lựa chọn và bố trí bởi một William Light, một nhà khảo sát có tư tưởng rộng lớn ở thế kỷ 19.

Đây là một khu vực màu mỡ nổi tiếng với các loại rượu nho, nằm gần thung lũng Sông Murray và cách bờ biển miền Nam nước Úc chưa đến 10 dặm hướng vào đất liền., đem đến cho khu vực một kiểu khí hậu tương tự như ở Địa Trung Hải.

Thành phố Adelaide cũng rất thuận tiện để đi dạo vòng quanh. Bạn có thể đi bộ từ khu vực trung tâm của thành phố đến các khu công viên xinh đẹp một cách nhanh chóng.

Dân số khu vực đô thị có khoảng hơn một triệu người, nhưng khu trung tâm có vẻ thịnh vượng của nó lại không hề cảm thấy đông đúc. Đó là bởi vì dân số khu trung tâm thành phố là rất nhỏ, chỉ khoảng 2% dân số của cả khu vực đô thị, đồng thời khu vực thương mại rộng một dặm vuông và các vùng ngoại ô xung quanh nó được đệm bởi một vòng các công viên.

Điều này làm cho việc sinh sống và du lịch ở Adelaide thậm chí còn tuyệt vời hơn. Thành phố Lễ Hội là một trung tâm nghệ thuật ngày càng trở nên hoàn thiện.

Tương tự như hầu hết các thành phố khác của nước Úc, Melbourne có một dáng vẻ vô cùng hiện đại và sạch sẽ, tuy nhiên ở một số khu vực vẫn còn giữ được một chút cổ kính và duyên dáng. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Các thành phố cạnh tranh

Khi nói đến lĩnh vực nghệ thuật và các lễ hội trên thế giới, thì thành phố Melbourne và Sydney là được xếp vào hàng đỉnh cấp. Melbourne, thành phố với 3.1 triệu dân, là thành phố lớn thứ hai của nước Úc; Còn Sydney, với 3.5 triệu dân là thành phố lớn nhất.

Gợi nhớ đến sự cạnh tranh giữa Aussie và Kiwi [Người Úc và Người Tân Tây Lan], cuộc cạnh tranh giữa hai thành phố Sydney và Melbourne là tràn đầy những liên kết tích cực. Cư dân của cả hai đều thề rằng họ sẽ không bao giờ đến hoặc sinh sống ở bên còn lại. Sự thật thì cả hai thành phố này đều là những nơi rất đáng để sinh sống – hoặc là ghé thăm.

Thành phố Melbourne thì vẫn còn một chút cổ kính và duyên dáng vì một số lý do. Liên quan đến kiến trúc của thành phố, có rất nhiều dân nhập cư từ Âu Châu đến đây sau Thế Chiến Thứ Hai, và xe điện ở đây gần như là biểu tượng của thành phố này. Tương tự như hầu hết các thành phố lớn khác ở đất nước Úc, nơi đây có rất nhiều các công viên, và cũng giống các nơi khác, đều có một dòng sông chảy ngang qua bên trong. Chuyến tham quan của chúng tôi gần như đã chứng kiến toàn bộ những điểm đặc sắc nhất của thành phố này.

Một khung cảnh ở Cảng Sydney (Ảnh: Fred J. Eckert)

Và địa điểm nổi tiếng nhất – Sydney

Thật quá dễ để có thể hiểu được vì sao người Hoa Kỳ lại yêu thích Sydney, đó là một địa điểm rất tốt để bắt đầu hoặc kết thúc chuyến hành trình.Trong một số cuộc thăm dò ý kiến đọc giả trong những năm gần đây, Sydney thường thường là đứng đầu trong số các thành phố được yêu thích nhất bởi các du khách Hoa Kỳ. Đón một chuyến phà địa phương hoặc một chuyến tham quan ngắm cảnh bằng tàu và hãy chiêu đãi thị giác của bạn bằng phong cảnh tuyệt vời của bến cảng vô cùng xinh đẹp. Và hãy tự hỏi rằng liệu bạn có thể nghĩ ra bất kỳ nơi nào có thể để só sánh.

Hãy nhìn ngắm thật kỹ Nhà hát Opera Sydney trên khung cảnh đường chân trời của thành phố từ trên thuyền đang đi ngang qua hoặc có thể là từ Vịnh Farm ở đối diện tại một điểm gần Mrs Macquarie’s Chair — và sau đó hãy thử suy nghĩ về một thành phố nào có thể hấp dẫn hơn.

Hãy tản bộ quanh khu vực Rocks, một địa phương mang tính lịch sử nơi mà từ đó đã hình thành nên thành phố Sydney này, và hiện nay là một khu phức hợp hấp dẫn bởi các kiến trúc lịch sử, quán café, khu triển lãm nghệ thuật cũng như các cửa hàng mua sắm.

Hãy khám phá Bến Cảng Darling, cùng với một khu mua sắm khổng lồ, một công viên thủy cung nổi tiếng, một khu trung tâm về động vật hoang dã mới mở cửa gần đây, và cũng có rất nhiều quán cafe xinh đẹp nằm ngay trên bến cảng này.

Còn bãi biển ư? Có đến hơn ba tá bãi biển tuyệt vời chỉ ngay bên ngoài thành phố Sydney này.

Nếu bạn muốn tham quan nhiều hơn về động vật hoang dã Úc Châu, hãy đến Circular Quay và đón một chuyến phà để đến Vườn Thú Taronga xinh đẹp của thành phố. Bạn sẽ được tận hưởng cảnh quan bến cảng tuyệt vời trong suốt chuyến đi cũng như là tại điểm đến là Vườn Thú Taronga.

Hãy đi dạo trong Vườn Bách Thảo Hoàng Gia và ngắm nhìn chân trời lung linh của thành phố tuyệt vời này. Và đừng quên là hãy bước đi ngay trên cỏ nhé.

Tham quan Rạn San Hô Great Barrier từ trên thuyền đáy kính là một hoạt động phổ biến dành cho du khách. (Ảnh: Fred J. Eckert)

Kinh nghiệm dành cho bạn

Thời điểm phù hợp nhất để đến: Hãy nhớ rằng các mùa ở Nam Bán Cầu là đảo ngược với các quốc gia ở Bắc bán cầu. Tuy nhiên để đến tham quan quốc gia được đề cập đến trong bài viết này, thì hầu như thời điểm nào trong năm đều rất phù hợp để đến tham quan.

Thông tin: Hầu hết các công ty lữ hành nổi tiếng đều đến nước Úc. Công ty du lịch mà tôi đề cập đến trong bài viết là Goway. Họ rất tuyệt vời.

An toàn: Về tổng thể thì Úc là một trong các quốc gia du lịch an toàn nhất thế giới, và người Úc cũng được công nhận là một trong số các dân tộc thân thiện và hiếu khách nhất trên thế giới.

Mẹo du lịch yên bình và an tĩnh: Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc bay, đặc biệt là với các chuyến bay dài mà không có chiếc tai nghe cách âm thương hiệu Bose của mình. Chúng thật sự có thể lọc bỏ rất nhiều những âm thanh khó chịu và phiền phức, đồng thời bạn cũng có thể tận hưởng trải nghiệm âm thanh tốt hơn với các bộ phim, đĩa CD, DVD hoặc là MP3 được phục vụ trên chuyến bay.

Mẹo du lịch để an tâm: Nếu bạn chưa trải qua việc sơ tán ý tế khi đi du lịch, việc này có thể làm bạn tiêu tốn hàng chục ngàn USD. Nhiều người cho biết họ dự trù rất ít cho việc này. Tôi và vợ mình tự mình trang trải cho việc này bằng cách mua thẻ thành viên của Medjet Assist.

Sách hướng dẫn: Các sách hướng dẫn của Fodor luôn luôn rất tuyệt vời và quyển hướng dẫn đến nước Úc của họ cũng vậy – rất toàn diện và đáng tin cậy. Hãy luôn mang theo quyển DK Eyewitness Travel Guide khi đến bất kỳ nơi đâu. Các ghi chú về điểm nổi bật cần lưu ý và chỉ riêng bản đồ thôi cũng đã đáng để mua – và các bức ảnh tuyệt vời của họ làm cho chuyến đi của bạn trở nên vô cùng đáng để ghi nhớ.

Thủ tục nhập cảnh: Người Hoa Kỳ cần có visa để nhập cảnh vào nước Úc. Công ty lữ hành của bạn có thể hỗ trợ bạn thực hiện việc này.

Ông Fred J. Eckert là một đại sứ Hoa Kỳ đã về hưu và là một cựu thành viên Quốc hội Hoa Kỳ. Các bài viết của ông đã được xuất bản trên nhiều ấn phẩm nổi tiếng, gồm cả Reader’s Digest và The Wall Street Journal. Ông cũng là một nhiếp ảnh gia từng đạt giải thưởng với bộ sưu tập hình ảnh trải dài khắp bảy lục địa. Quý vị có thể chiêm ngưỡng tác phẩm của Fred J. Eckert tại EckertGallery.com

Bài viết của Fred J. Eckert
Hoàng Long biên dịch




No comments: