Thursday, November 23, 2023

4 BƯỚC ĐỂ "GÁC LẠI ÂU LO" NGAY TẠI ĐÂY VÀ NGAY BÂY GIỜ

Sống trong xã hội hiện đại, chúng ta có cả trăm nỗi lo âu: lo mình không được đánh giá cao, không có vị thế và tiếng nói, sợ mình không đủ tốt để được yêu thương chân thành, sợ nghèo, sợ thua kém người khác…


Thời kỳ khởi thuỷ sơ khai, con người chỉ lo lắng về sự sinh tồn. Sau rất nhiều sự tiến hoá và đổi thay, con người trong đời sống hiện đại có nhiều nỗi lo phức tạp hơn thế. Dù không còn sợ bị hổ báo đe doạ hay sư tử tấn công, giờ đây chúng ta sợ mình không được đánh giá cao, không có vị thế và tiếng nói, sợ mình không đủ tốt để được yêu thương chân thành, sợ nghèo, sợ thua kém người khác… Thực tế là lo âu và căng thẳng không giúp bạn có một cuộc sống tốt hơn, chỉ khi buông bỏ được lo âu bạn mới có thể sống hạnh phúc và bình an hơn ở hiện tại.

1. Điều gì xảy ra khi bạn lo âu?

“Hormone căng thẳng” tăng lên

Khi bạn quá lo lắng về một vấn đề nào đó, cơ thể tiết ra “hormone căng thẳng” khiến nhịp tim, nhịp thở và lượng đường trong máu đồng loạt tăng theo. Nếu trạng thái này kéo dài, bạn có thể dễ mắc các bệnh cao huyết áp, đau tim hoặc đột quỵ hơn... Các mạch máu có thể bị viêm dẫn đến thành động mạch cứng, mức cholesterol trong máu gây hại và nhiều ảnh hưởng khác.

Cơ bắp bị căng mỏi

Các cơ ở cổ vai gáy của bạn có thể căng lên, dẫn đến chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu khi bạn đang quá căng thẳng.


Hệ miễn dịch suy giảm

Không chỉ vậy, việc lo âu quá mức có thể ảnh hưởng tới cơ chế miễn dịch của cơ thể, khiến bạn trở nên yếu ớt hơn, dễ mắc phải các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh cúm, dễ nhiễm các loại virus, zona thần kinh,…

Hệ tiêu hoá cũng bị ảnh hưởng tiêu cực

Bạn dễ cảm thấy “cồn cào ruột gan” theo đúng nghĩa đen mỗi khi lo lắng, thậm chí nếu tình trạng này tệ hơn, nó còn kéo theo cảm giác buồn nôn. Lo âu triền miên có thể dẫn đến đau dạ dày và loét niêm mạc dạ dày. Cạnh đó, nếu bạn ăn nhiều món giàu chất béo và đường, dạ dày của bạn sẽ phải hoạt động “vất vả” hơn để tiêu hoá chúng, từ đó sinh ra nhiều axit hơn, dẫn đến trào ngược dạ dày.

2. 4 bước để giảm sự lo âu ngay tại đây và ngay bây giờ

Hít thở sâu

Hãy nhớ rằng điều đầu tiên bạn cần làm khi lo lắng đó là hít thở sâu. Phương pháp hít thở sâu bằng cơ hoành có tác dụng giảm lo âu hiệu quả bởi nó giúp cơ thể được thư giãn hơn. Hãy cố gắng hít vào từ từ, hít đầy bụng sau đó tới ngực, cố gắng giữ hơi thở trong vòng 4 giây, rồi từ từ thở ra cũng trong vòng 4 giây và cứ như thế, thở sâu nhiều lần.


Hãy chấp nhận những cảm xúc lo âu bạn đang có

Bạn thân mến, lo âu chỉ là một loại cảm xúc, cũng như bao cảm xúc khác. Bằng việc tự nhủ chính mình rằng lo lắng chỉ là một loại phản ứng cảm xúc, bạn có thể chấp nhận nó dễ dàng hơn. Chấp nhận cảm xúc chúng ta đang có không đồng nghĩa với việc chúng ta phải đau khổ vì nó. Khi bạn không bị cuốn theo dòng cảm xúc mà chỉ đơn giản là nhận biết và quan sát những điều hỗn độn đang diễn ra bên trong mình, cảm giác lo âu khó chịu sẽ rời đi nhanh hơn.

Hãy tỉnh táo, đừng để tâm trí “đánh lừa” bạn

Khi lo âu, tâm trí thường có xu hướng vẽ ra rất nhiều viễn cảnh tệ hại như một cách “dự phòng” và bảo vệ chúng ta trước cho mọi tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên điều này không hẳn là tốt. Hãy giữ cho mình sự bình tĩnh để hiểu đâu là điều chắc chắn sẽ xảy ra và đâu là điều do tâm trí “make up” – làm quá lên mà thôi. Bạn có thể lắng nghe tiếng nói của tâm trí nhưng không cần thiết phải tin vào nó. Quan sát mọi sự như nó vốn là, thay vì phán xét và suy diễn – sẽ giúp bạn đi qua trạng thái căng thẳng một cách dễ dàng hơn.


Tập trung vào hiện tại

Chúng ta lo âu nhiều khả năng bởi vì chúng ta ám ảnh và hoảng sợ bởi những điều có thể xảy ra trong tương lai. Nhưng thực tế là những điều chúng ta đang suy diễn có thể không xảy ra, hãy dừng lại và hít thở sâu, tập trung vào hiện tại – ngay ở đây và ngay bây giờ. Đừng quên rằng bạn không thể giải quyết thứ gì ở tương lai hay quá khứ, mọi thứ bạn có thể kiểm soát đều nằm ở hiện tại mà thôi.

V.C/Theo Psychcentral và Webmd

No comments: