Friday, November 24, 2023

TẠI SAO GẤU TRÚC CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG MẶC DÙ KHÔNG CÓ KẺ THÙ TỰ NHIÊN?

Theo cơn sốt thời gian gần đây, gấu trúc có thể được xem là “đỉnh lưu” trong lòng người hâm mộ. Luôn được mọi người yêu thương chăm sóc lại không có kẻ thù, vậy tại sao gấu trúc có nguy cơ tuyệt chủng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!


Nguồn gốc của gấu trúc

Gấu trúc có nguồn gốc từ Trung Quốc, là một loài động vật thuộc họ Ursidae. Chúng phân bố chủ yếu ở các vùng núi như: Tứ Xuyên, Cam Túc và đôi khi cũng xuất hiện ở Thiểm Tây. Tên gọi “gấu trúc” bắt nguồn từ thức ăn chính của chúng: tre, trúc và các loài thực vật khác,…

Gấu trúc màu nâu (Nguồn: Internet)

Loài này rất dễ nhận biết chỉ với 2 màu trắng, đen cơ bản. Màu đen nằm ở vùng mắt, 2 tai và tứ chi, phần còn lại của cơ thể có màu trắng. Tuy nhiên cũng có một số biến thể mang màu nâu hoặc trắng bạch tạng.

Có một điều thú vị là mặc dù chúng ta có thể tìm được gấu trúc ở các vườn thú các quốc gia khác, nhưng tất cả số đó đều thuộc sở hữu của Trung Quốc. Nước này thường cho các nước khác mượn hoặc thuê gấu trúc nhằm tăng cường mối quan hệ song phương. Chính vì thế những chú panda được xem như là bảo vật ngoại giao của Trung Quốc.

Gấu trúc Fu Bao được sinh ra tại Hàn Quốc bởi cặp bố mẹ được Trung Quốc cho mượn (Nguồn: Internet)

Gấu trúc là động vật ăn thịt và không có thiên địch

Với vẻ ngoài mũm mĩm, dễ thương, mắt sáng của mình, gấu trúc dễ dàng đánh lừa chúng ta rằng chúng là loài động vật vô hại, hiền lành. Thực tế là gấu trúc thuộc nhóm động vật ăn thịt, là loài ăn tạp và rất hung dữ khi sống trong tự nhiên, răng của chúng sắc nhọn không kém gấu Bắc Cực là bao.

Gấu trúc sở hữu ngoại hình rất đáng yêu (Nguồn: internet)

Tuy nhiên dưới sự nuôi nhốt của con người, gấu trúc gần như chỉ ăn các loài thực vật. Mỗi ngày, một chú gấu trưởng thành có thể ăn tổng cộng 38kg tre, trúc và ngủ từ 10 đến 12 tiếng. Nghe có vẻ rất lười nhưng thật ra là do hệ tiêu hóa của loài này tiêu hóa rất nhanh nên chúng phải liên tục nạp thức ăn để cung cấp năng lượng.

Gấu trúc ăn nhiều, ngủ nhiều (Nguồn: Internet)

Có bao giờ bạn tự hỏi những chú gấu trúc ngoài tự nhiên có bị hổ, sư tử tấn công không? Câu trả lời là rất ít khi. Một trong những lý do là khu vực sống ngoài tự nhiên của chúng không trùng nhau. Được biết Trung Quốc hầu như không có sư tử sống trong tự nhiên, còn hổ thường sống ở những vùng có môi trường lạnh giá hơn môi trường sống của gấu trúc.

Vậy tại sao từ xa xưa hổ Hỏa Nam (đã tuyệt chủng) có khu vực sống gần gấu trúc, nhưng chúng vẫn không tấn công những chú gấu của chúng ta? Lùi về xa hơn vào thời cổ đại, gấu trúc là một loại thú hiếm và kỳ lạ. Thậm chí sử sách cũng ghi lại gấu trúc còn được dùng trong chiếu đấu, điều đó chứng tỏ chúng không dễ thương, hiền lành như những gì chúng ta đã thấy và nghĩ.

Gấu trúc và hổ (Nguồn: Internet)

Tóm lại hổ, sư tử sẽ không tấn công gấu trúc nếu không quá đói bởi các lý do sau:

  • Gấu trúc có bộ lông, lớp da dày. Chính vì những đặc điểm này khiến gấu trúc dù không có khả năng tấn công vượt trội như hổ và sư tử nhưng bù lại chúng sẽ có khả năng phòng thủ tuyệt vời. Nếu chẳng may bị hổ hay sư tử cắn thì những chú quốc bảo của chúng ta cũng không chết ngay được.

  • Sức cắn mạnh khủng khiếp vì thức ăn chính của gấu trúc là tre, trúc đều là những loại cây có độ cứng rất lớn. Nhiều cây tre già đủ tuổi thậm chí có thể cứng hơn 50% so với cây sồi đỏ Bắc Mỹ. Nhờ lớp da cùng sức cắn này nên khi bị thú dữ tấn công gấu trúc hoàn toàn có thể quay lại cắn chúng. Thậm chí nếu sư tử hoặc hổ bị gấu trúc cắn vào cổ sẽ gây ra những vết thương nghiêm trọng.

Gấu trúc leo cây rất giỏi (Nguồn: Internet)

  • Một kỹ năng thoát thân lợi hại khác của gấu trúc là khả năng trèo cây. Đừng nhìn thân hình to lớn của chúng mà nghĩ chúng chậm chạp, thực ra tốc độ trèo cây của gấu trúc rất nhanh nên khi cảm nhận được nguy hiểm chúng có thể dễ dàng bỏ trốn lên cây khiến kẻ thù khó khăn trong việc bắt giữ.

  • Lý do cuối cùng là do việc mở rộng đất đai, khai hoang của con người ngày càng phát triển khiến cho khu vực sống của các loài động vật hoang dã không còn chồng chéo nhau, khiến khả năng gặp nhau của chúng ngoài tự nhiên ngày càng ít đi.

Vậy lý do gì khiến số lượng gấu trúc rất ít?

Khả năng sinh sản

Gấu trúc hoang dã rất hiếm khi sinh sản, còn những chú panda được nuôi nhốt thì gặp nhiều khó khăn trong việc nhân giống. Thêm vào đó gấu trúc là loài sống đơn độc, có tính lãnh thổ cao nên rất khó để cho chúng tiếp cận với nhau. Hằng năm, mùa sinh sản của gấu trúc chỉ có khoảng một vài ngày, và nếu bỏ lỡ thì phải đợi thêm một năm nữa.

Gấu trúc con được con người chăm sóc (Nguồn: Internet)

Nếu gấu trúc cái may mắn mang thai, thì một lứa cũng chỉ có khoảng 1-2 cá thể con. Ngoài ra, những chú quốc bảo tí hon này tỉ lệ sống sót sẽ không cao do gấu mẹ khá vụng về trong việc chăm sóc. Vì vậy, đối với những chú gấu con được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt đều có bàn tay của con người phụ giúp nuôi dưỡng.

Sức khỏe

Sức khỏe cũng là một trong những vấn đề khiến gấu trúc có số lượng ít. Do tre, trúc là thức ăn chính, nhưng tre, trúc có hàm lượng chất xơ cao và khả năng tiêu hóa kém, dễ khiến gấu trúc mắc chứng khó tiêu, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Gấu trúc dễ gặp các bệnh về ve, rận (Nguồn: Internet)

Mất đi môi trường sống tự nhiên, sự ô nhiễm, ồn ào gây ra các mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của gấu trúc. Loài vật 2 màu này cũng rất dễ bị các bệnh về ký sinh trùng, ve, rận.

tvzz1003 / Theo: bloganchoi



No comments: