"Sa mưa giông" là cụm từ chính xác nhất để có thể diễn tả mùa mưa đang bắt đầu. Bởi, những cơn mưa đầu mùa thường đi kèm nhiều mưa giông và sấm chớp. Hồi anh em tôi còn nhỏ, mỗi khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống-dấu hiệu của mùa mưa dai dẳng kéo dài suốt sáu tháng ròng, mà dân gian hay gọi là mưa sòng, khi cha mẹ tôi còn dở việc đồng áng, mưa trút xuống kèm bầu không gian đen kịt, đì đùng sấm chớp, bốn anh em tôi co cụm lại, nép vào góc bồ lúa trong sợ sệt, lâu lâu mấy anh em cứ thay phiên nhau lần lượt từng đứa chạy vội ra chái bếp, xem phía dưới cầu ao sau nhà, cha mẹ tôi đã vào tới chưa…
Thiệt tình, với cụm từ "sa mưa giông", tôi đoan chắc rằng, người đọc sẽ nghĩ ngay đến nhạc sĩ Bắc Sơn với những tuyệt phẩm trữ tình quê hương nổi tiếng như: Sa mưa giông; Còn thương rau đắng mọc sau hè; Bông bí vàng; Em đi trên cỏ non… Nhưng, bạn đọc chớ vội vàng, chậm cho tôi chút xíu. Âm hưởng của những giai điệu tình quê đó, tôi sẽ nói với bạn đọc trong một bài viết khác. Ở đây, tôi chỉ thuần túy nói về những cơn mưa đầu mùa vừa chớm và cảm xúc thuở ấu thơ tắm mưa đầu mùa của anh em tôi mà thôi.
Minh họa: LÊ ANH
Cùng với mùa mưa bắt đầu, đó là những cánh đồng phơi mình trong nắng tháng 3 khô ran, nằm thiếp giấc, vừa kịp uống nước mưa đầu mùa, no căng, ngập tràn sức sống mới. Cánh đồng như đang vươn vai thức dậy sau giấc ngủ dài suốt mùa hạn cằn khô. Và miệt đồng bằng này, sau vài cơn mưa đầu mùa trút xuống, mọi thứ như đang trở dậy, tươi bừng, sẵn sàng cho những vụ mùa kế tiếp.
Bây giờ, sau hơn hai mươi năm “tá túc” phố chợ, nhưng mỗi mùa sa mưa về, trong tôi lại đầy hình ảnh đầu mùa mưa năm cũ. Sau những đợt trút nước kèm những cơn “thịnh nộ” lôi đình, bầu trời như dịu dàng hơn. Lộc non của ruộng đồng cũng đang bắt đầu hé nụ, tươi rói, chuẩn bị cho mùa vụ sản sinh mới. Một kiểu rất khác non tươi của mùa xuân vừa kịp già ngoài đầu ngõ, nhường chỗ cho mùa mưa sòng đang ầm ào lấn át. Khi mặt ruộng vừa xăm xắp nước, đó là lúc những cọng rau muống giũ lá xanh mướt bò dài ngoằn ngoèo; nhưng qua “kinh nghiệm” thuở ấu thơ nơi đồng quê của tôi, dù rau muống đang rất non, rất mượt mà, nhưng đây cũng là lúc đất ruộng “xì” phèn nhiều nhất, rau muống hoặc chưa vội ăn, hoặc phải luộc cho cọng rau chín mềm, nếu không, sẽ rất dễ bị “chọt bụng”.
Đó mới chỉ là phần rau. Còn cá thì ôi thôi; khi mưa vài trận ngập ruộng, gọi đúng từ theo nghĩa đen là “bắt cá lên”; vì khi mưa xuống, nước mưa rửa trôi lớp phèn trên mặt ruộng và đọng lại những ao tù từ hồi nắng hạn, khi nước vừa “ngấp nghé” bờ hồ, cá bắt đầu tìm đường thoát thân sau những tháng ngày bị ứ nghẹt trong sình lầy. Nhưng cá mùa sa mưa thì ốm nhách, dài nhằng và đầy nhớt. Các bà mẹ quê cũng rất hay, với những con cá mùa sa mưa này, các mẹ hay kho sả ớt sền sệt nước để cho cá đượm hương thơm nồng, bán hết mùi tanh.
Nếu ai đã từng được quê bùn, ao lúa dưỡng nuôi ấu thơ mình thì nằm lòng điều này rất rõ, không cần phải giải thích thêm cho thật cặn kẽ cả, có khi lại hóa thừa.
Sau vài trận mưa đầu mùa mà có thể gọi với những cái tên hết sức thanh lịch, mĩ miều như Mùa sa mưa hay Sa mưa giông như đã tựa đề cũng như đã kể từ đầu bài viết; ngoài chuyện cá, chuyện rau, thì đến “tập đoàn ếch, nhái, ễnh ương" xuất hiện. Ôi thôi! Ban đêm chúng hòa tấu vang rền cả xóm, chúng giống như giàn giao hưởng không nhạc trưởng vậy.
Ký ức về mùa sa mưa thì kể làm sao cho hết được? Bài viết nhỏ này kiểu như tôi cắt manh mún từng mảng vụn; nhưng đố ai lớn lên mà không có từng mảng vụn ký ức như thế này để hoài niệm?
Mùa sa mưa đang bắt đầu về với miền Tây quê tôi. Nếu bất chợt bị cơn mưa ào đến, bạn nhớ ghé vào bất kỳ nhà dân nào cũng được, chỉ để tránh trú, dùng đúng từ Nam Bộ là “đụt mưa”. Mà bạn cũng nhớ cho, tránh những chỗ có vật dụng bằng sắt hay sóng từ trường, vì dễ gây ra nguy hiểm.
Nói thiệt, người dân miệt này hiền lành và chân chất lắm, bất kể bạn là ai, từ đâu đến, họ đều đối đãi hết lòng bằng sự thân tình, mến khách; dù chỉ một lần lỡ đường, chỉ nhờ chỗ có mái che hoặc hiên nhà để trú mưa.
Nếu muốn tận mắt chứng kiến và cảm nhận một mùa sa mưa ở miền Tây, tôi và châu thổ sông Cửu Long sẵn lòng đón bạn!
Tùy bút của HUỲNH THÚY KIỀU
No comments:
Post a Comment