Monday, November 13, 2023

VÌ SAO ĐƯỜNG TĂNG LẠI ĐI LẤY KINH?

Theo “Tây Du Ký”, chuyện Đường Tăng lấy kinh là Như Lai khởi ý, bồ tát Quan Âm thi hành, vua Đường Thái Tông được bề trên dẫn động mà đưa ra chỉ dụ, còn Đường Tăng chỉ là vì báo ân quân vương mà đi. Còn trong lịch sử thực tế, tại sao Trần Huyền Trang lại đi lấy kinh?


Khi đọc “Tây Du Ký”, Đường Tam Tạng có ba vị đệ tử đều có thần thông. Trong đó có cả kẻ xuất thân từ tướng nhà trời có tội bị giáng xuống nhân gian làm yêu quái ăn thịt người. Chi tiết này được người đời cho rằng, đó chỉ là chuyện bịa đặt. Tuy nhiên, những gì sử sách còn ghi chép cho thấy, chuyến đi Tây Thiên thỉnh kinh kéo dài hơn chục năm của Đường Tam Tạng được miêu tả trong “Tây Du Ký” lại hoàn toàn có thực.

Lai lịch Huyền Trang

Trong cuốn “Tây Vực Đại Đường ký” ký có ghi chép: “Ngài lên đường đi khỏi Trung Quốc vào năm Trinh Quán thứ 3 đời nhà Đường tức năm 628, lúc ấy ngài đã 33 tuổi. Như vậy, ngài sinh vào năm 595 và thị tịch vào ngày mồng 5 tháng 2 năm 664, tại Ngọc Hoa Cung, hưởng thọ 69 tuổi”.

Vào thời bấy giờ, việc xuất gia đều do triều đình quản lý. Những người muốn xuất gia phải tham gia một kỳ thi, gọi là kỳ thị “Độ tăng”. Ai đủ tiêu chuẩn mới được công nhận. Khi 10 tuổi, Trần Vỹ (tên tục của Đường Tăng) theo gót anh trai đăng ký tham gia kỳ thi độ tăng này. Trong danh sách 27 người đứng đầu kỳ thi ở Lạc Dương, Trần Vỹ nhỏ tuổi nhất. Vì vậy, quan chủ khảo mới cho gọi Trần Vỹ tới hỏi: “Còn nhỏ tuổi vậy mà đã xuất gia, mục đích xuất gia của ngươi là gì?”. Trần Vỹ bình tĩnh đáp: “Tôi muốn xa thì nối gót Như lai, gần thì làm rạng rỡ những gì mà ngài để lại”. Nghe câu trả lời, quan chủ khảo đặc cách cho Trần Vỹ ‘đỗ’.

Từ đó ngài vào đạo tràng Từ Ân làm sa di. Đến năm 13 tuổi thì được thọ giới hiệu là Huyền Trang. Vào năm 24 tuổi, ông được thăng làm pháp sư Tam Tạng. Trong “Cựu Đường thư” viết: “Ông nhanh chóng đạt được cảnh giới cao thâm và vân du tìm hiểu nghiên cứu Phật pháp. Ông được ca ngợi là Thích môn thiên lý chi câu” (Ngựa ngàn dặm của Phật môn).

(ảnh: Phatgiao).

Vì sao Đường Tăng lại sang Tây phương lấy kinh?

Sau một thời gian dài tu học, Huyền Trang có cảm giác kinh thư lúc đó truyền sang Trung Quốc bị sai lệch. Hơn nữa kinh thư thật giả khó phân biệt, trải qua phiên dịch không biết đúng hay sai. Cho nên ông bất chấp đường khoảng cách địa lý, một thân một mình, bôn ba ngàn núi vạn sông, đến Thiên Trúc – nơi Phật giáo sinh ra để lấy kinh điển gốc.

Trong lời nói đầu của cuốn ‘Tây Vực Đại Đường ký’ có ghi lại lời của Đường Thái Tông như sau: …“Phật pháp vốn khó tin, được mấy kẻ nhất tâm tu hành chân chính, liệu có người đủ trí tuệ để phân biệt chính tà? Các tông phái khác nhau cứ tranh luận đúng sai. Nay pháp sư Huyền Trang là bậc chân tu chốn thiền môn. Ngài từ nhỏ đã linh mẫn, tu đủ tam không (tức là ba môn giải thoát) sớm tỉnh ngộ. Khi lớn lên hành đủ hạnh tứ nhẫn của bồ tát, tư chất sáng hơn ngọc.

Vì tâm sáng suốt nên pháp sư không bị điều gì hệ lụy. Ngài biết cả những việc chưa thành, vượt sáu trần, thiên cổ không ai sánh kịp. Thương chính pháp suy vi, muốn chia bày lý lẽ, mở rộng chỗ học xưa, bỏ ngụy thêm chân, khai thông cho kẻ hậu thế, vậy nên không ngại mạo hiểm nghìn trùng, một mình xông pha tìm chân kinh. Vào năm Trinh Quán thứ ba, pháp sư tay cầm tích trượng dò đường, đi Tây Thiên thỉnh kinh để báo ơn hoàng đế bao đời trong cõi trần tục…

Pháp sư về Trường An khi 50 tuổi với 657 bộ kinh chữ Phạn. Sau đó ngài tiếp tục chủ trì phiên dịch kinh trong suốt 19 năm ròng rã.

Thượng thư tả bộc xạ Yến Quốc Công viết: “Thầy Huyền Trang đã tận tâm nghiên cứu kinh Phật từ khi còn nhỏ. Những người danh tiếng trong Phật giáo và các bậc trưởng lão giữ quan điểm riêng của mình. Họ theo đuổi tiểu tiết mà quên mất cốt lõi, hái hoa mà bỏ quả. Nhiều trường phái tư tưởng khác nhau dần hình thành: như Nam tông, Bắc tông, những sự đúng sai vướng mắc vô tận.

Trong cuộc tranh luận kéo dài này, thầy Huyền Trang vô cùng lo sợ vì không hiểu được chân tướng do dịch sai nên muốn đọc nguyên bản kinh Phật. Khi ấy, đất nước trên đà thịnh vượng, ngài với lòng kiên trì vô song, cầm cây trượng thiếc, vén áo, đi về phía Ấn Độ”.

(ảnh: Aboluowang).

Tình hình Phật giáo Trung Quốc lúc bấy giờ

Kể từ thời Đông Hán, có ngựa chở kinh, kinh Phật đã liên tục du nhập vào Trung Quốc. Vào thời nhà Hán, ảnh hưởng của Phật giáo bị hạn chế. Trong các triều đại nhà Ngụy, Tấn, Nam – Bắc triều, Phật giáo mới phát triển nhanh chóng. Một số lượng lớn kinh điển được dịch ra, nhiều chùa chiền được xây dựng. Có câu nói: “Trong bốn trăm tám mươi ngôi chùa của Nam triều, có biết bao ngọn tháp chìm trong sương mù.”

Tuy nhiên, do sự đối lập chính trị lâu dài gây ra sự cô lập về địa lý. Giữa Nam triều và Bắc triều hình thành nên phong cách giảng kinh Phật khác nhau. Điều này tạo ra hai đặc điểm “Nam nghĩa”“Bắc thiền”.

Phật giáo Nam triều kế thừa truyền thống Phật giáo thời Đông Tấn, chú trọng huyền học và luận đàm về “nghĩa lý”. Vào thời điểm đó, các lý thuyết như “niết bàn”, “thành thực” và “tam luận” rất phổ biến. Những cuộc tranh luận đã xảy ra về các vấn đề như: niết bàn và Phật tính, đốn ngộ (giác ngộ đột ngột) và tiệm ngộ (giác ngộ dần dần). Những cuộc tranh luận về “nhân quả báo ứng”, “thần diệt luận” (Phật có thật sự diệt độ hay không?) diễn ra gay gắt, hiếm thấy trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc cổ đại.

Phật giáo ở Bắc triều chú trọng hơn đến việc thực hành “tu thiền” và “trì giới”, chú trọng xây dựng chùa, tạc đúc tượng để tích lũy công đức.

Vào thời Nam – Bắc triều, do số lượng lớn các bản dịch của các nhà sư nổi tiếng từ Tây Vực và Ấn Độ được xuất bản nên số lượng kinh điển Phật giáo ở Trung Quốc ngày càng tăng lên.

Kinh điển Phật giáo ở Ấn Độ ban đầu có sự khác biệt do trường phái khác nhau, cho nên Phật giáo ở Trung Quốc có sự chia rẽ bè phái là điều không thể tránh khỏi.

Những trường phái Phật giáo phổ biến ở Bắc triều bao gồm:

  • Trường phái đại thừa có Tỳ đàm tông: Tông này được thành lập dựa theo lý luận của bộ “A tỳ đàm tâm luận” (bộ tỳ đàm).

  • Trường phái đại thừa có Thập địa tông dựa trên bộ “Thập địa luân” và Nhiếp luận tông dựa trên bộ “Nhiễu đại thừa luận”.

  • Ở Nam Triều trường phái đại thừa có Tam luận tông dựa trên ba bộ “Trung luận”, “Bá luận” và “Thập nhị môn luận”.

  • Tiểu thừa có Thành thực tông dựa trên bộ “Thành thực luận”. Đại thừa có Niết bàn tông dựa trên “Kinh niết bàn”.

  • Yến Quốc Công còn đề xuất trường phái “địa luận” gọi là “Địa luận tông”. Sở dĩ tông này được truyền lập là do bộ “Thập địa kinh luận” du nhập thêm vào và được quảng bá rộng rãi. Từ thời Bắc Ngụy đến đầu nhà Đường, do không có thuyết truyền tông lập tổ nên lúc đó chưa trở thành một tông phái. Kinh điển của các vị sư thuộc phái “Địa luận” là “Hoa nghiêm thập địa phẩm” và “Thế Thân bản luận”.

  • “Thập địa kinh luận” là một tác phẩm kinh điển quan trọng của trường phái đại thừa Du già của Ấn Độ. Tác giả Thế Thân là người xuất gia khai thủy dòng Thanh Văn thừa. Sau này khi nghe Vô Trước giảng “Thập địa kinh”, ông mới cải biến tông phái của mình và biên soạn thành “Thập địa kinh luận” nhằm ca ngợi Phật giáo đại thừa và củng cố lý thuyết của lý luận Du già.

  • Tại triều đại Bắc Ngụy đời Vĩnh Bình từ năm thứ nhất đến năm thứ tư(508~511), bộ “Thập địa kinh luận” này do Lặc Na Ma Đề và Bồ Đề Lưu Chi cùng dịch, tổng cộng 12 tập. Nhưng việc tu hành của Lặc Na Ma Đề và Bồ Đề Lưu Chi theo hai hướng không giống nhau nên “Địa luận” do họ giảng dạy cũng khác nhau, hình thành nên hai con đường Bắc và Nam.

  • Hai điểm tranh chấp tập trung vào các mệnh đề “Đương thường” và “Hiện thường” và chủ trương chia rẽ và giáo (giảng kinh) khác nhau của các tông phái, cũng như sự nhận thức khác biệt về bản chất A lại da thức.

  • Phía Nam chủ trương có tám thức, A lại da thức là thức thanh tịnh. Phía Bắc Đạo chủ trương có chín thức kết hợp giữa sự thật và giả thức, thức thứ tám là giả thức, và thức thứ chín là thật thức và ý thức thanh tịnh.

Ngày nay, sự tranh chấp giữa hai phe Bắc – Nam có vẻ không còn quan trọng nữa. Nhưng vào thời điểm đó, nó là một vấn đề nghiêm trọng quyết định phương hướng và lộ trình các tu sĩ phải hành trì theo.

Pháp sư Huyền Trang sống vào đầu thời nhà Đường, quyền lực chính trị được thống nhất, Phật giáo bước vào thời kỳ thịnh vượng và hoàng kim, nhưng sự chia rẽ giữa các tông phái ngày càng gay gắt.

Vào thời điểm đó, các trưởng lão Phật giáo Trung Quốc đã biết rằng ở Ấn Độ có nhiều tông phái Phật giáo, và các kinh điển Phật giáo hiện có về cơ bản là do các nhà sư lỗi lạc từ Ấn Độ và các nước phương Tây du nhập và dịch. Một số kinh điển được biết là có tồn tại nhưng không có. Hơn nữa, học kinh Phật không chỉ là có được cuốn kinh trong tay mà còn phải dịch chú thích. Việc đó yêu cầu người học phải thông thạo cả tiếng Phạn và tiếng Trung – điều mà các tu sĩ ở Ấn Độ và Tây phương rất khó làm được.

Thời thế kêu gọi một vị cao tăng của Trung Quốc sang Ấn Độ thỉnh kinh Phật nguyên bản và có khả năng dịch thuật chính xác. Hành trình sang Tây phương xa xôi khó khăn, vị sư này đòi hỏi phải tráng niên, sức khỏe tốt và tâm bồ đề kiên cố. Dưới tình huống như vậy, pháp sư Huyền Trang là ứng cử viên sáng giá nhất.

(ảnh: Chinahighlights).

Trải qua mười bảy năm ròng rã, cuối cùng pháp sư Huyền Trang cũng thỉnh được kinh Phật. Trên đường đi thỉnh kinh, pháp sư cũng đã học được tiếng Phạn, do đó tự thân có thể đọc hiểu. Đại nguyện của ông xem như đã hoàn thành một nửa quan trọng.

Phật giáo truyền xuất và phát triển ở Tây phương, sau đó pháp được truyền sang Đông phương. Vì văn hóa khác nhau, ngôn ngữ sai biệt và tiếng địa phương ở nhiều nơi cũng khác nhau. Nếu phát âm sai, nghĩa sẽ sai, ngôn ngữ sai, logic cũng bị phá vỡ… Các mâu thuẫn xảy ra, do đó kinh sách người ta dịch không tin cậy. Nói một cách dễ hiểu, Đường Tăng tin rằng, các bản dịch kinh điển biên dịch có vấn đề, ông phải tự mình đến Ấn Độ để nghiên cứu chúng.

Nguồn: Aboluowang.
Minh Nguyệt biên dịch

No comments: