Một nhân viên pha chế sử dụng loại vodka Stoli để pha chế cocktail tại New York, Hoa Kỳ, ngày 19/07/2017. Invision for Stoli Vodka - Andrew Kelly
Ý tưởng của doanh nhân người Mỹ thực ra không có gì mới, vì từ nhiều thập niên trước, cộng đồng người Ai Len từng cho ra đời ''Ngày quốc tế Whiskey'' vào ngày 03/03 hàng năm để phân biệt loại rượu mạnh chưng cất tại Ai Len với đa số các loại whisky khác (phân biệt qua cách viết không có chữ ''e'') được sản xuất tại Scotland, Canada hay Nhật Bản và gần đây hơn nữa có thêm các nhiều quốc gia châu Âu, kể cả nước Pháp.
Ban đầu là một ngày ''lễ'' quốc gia (National Day), sự kiện này giờ đây đã trở thành một ngày quốc tế ''International Vodka Day''. Nhân dịp này, các chuyên viên pha rượu, bartender hay mixologist, thường lập ra một thực đơn thức uống đặc biệt, chủ yếu dùng vodka làm rượu nền để pha chế các loại cocktail. Bên cạnh đó, còn có một số sự kiện nhằm quảng bá các thương hiệu, các hội chợ triển lãm tổ chức các cuộc tranh tài để bình chọn các tay pha chế rượu độc đáo nhất. Đối với các quán bar, khách sạn hay nhà hàng, những sự kiện như vậy là "cơ hội" để thu hút thêm khách đến thưởng thức các loại rượu pha.
Cách pha rượu vodka, từ đơn giản đến cầu kỳ
Theo truyền thống, rượu vodka được chưng cất từ các nguyên liệu có chứa nhiều tinh bột cao chủ yếu là các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, khoai tây, bắp ngô hoặc khoai tây đã được lên men. Hiện giờ, một số thương hiệu vodka đẳng cấp quốc tế đã cập nhật cách chế biến qua việc đưa trái cây, gia vị hay thảo mộc vào quá trình lên men, để tạo thêm mùi cho rượu mạnh. Theo tạp chí ẩm thực Food & Wine của Mỹ, nhờ vào các đợt quảng cáo tiếp thị tài tình, vodka đã trở thành một trong những loại rượu mạnh phổ biến nhất ở Hoa Kỳ kể từ năm 1976 trở đi.
Sở dĩ vodka trở nên phổ biến là vì so với các loại rượu mạnh khác, vodka dễ kết hợp để pha chế thành nhiều loại thức uống. Ngoài ra, vodka không có màu (trong suốt như nước), gần như không hương vị, hay ít ra mùi nhẹ hơn nhiều so với tequila, rum hoặc gin. Do vậy, giới chuyên ngành nhắc tới tính mềm mại ''linh hoạt'' của vodka, sau khi được kết hợp, rượu pha sẽ có thêm màu sắc và mùi vị tùy theo các thành phần chế biến chủ đạo, kể cả cam quýt, thảo mộc và thậm chí là loại ớt xanh jalapeño của các xứ nhiệt đới vùng Trung Mỹ, như Mehicô hay Costa Rica.
Hẳn chắc, khá nhiều người học cách chế biến cocktail ở nhà, đều bắt đầu với vodka Smirnoff, được xem là hiệu lâu đời và phổ biến nhất thế giới. Hiệu này có cách viết ban đầu là Smirnov, do công ty được ông Pyotr Arsenieyevich "Smirnov" thành lập tại Nga vào những năm 1860. Xưởng chưng cất vodka này cũng là nhà máy đầu tiên trên thế giới sử dụng phương pháp chiết xuất ''hoàn chỉnh", mà cho tới giờ vẫn còn được sử dụng. Vào năm 1886, ông Smirnov trở thành nhà cung cấp vodka chính thức cho hoàng gia Nga. Sau khi ông qua đời vào năm 1910, con ông Vladimir Smirnov lên nắm quyền điều hành. Vào đầu thế kỷ XX, công ty gia đình này làm ăn phát đạt, sản xuất hơn 4 triệu thùng vodka mỗi năm.
Smirnoff, hiệu vodka phổ biến nhất thế giới
Đà thành công này bị khựng lại vào năm 1917 sau cuộc Cách mạng tháng Mười. Nhà máy chưng cất cũng như toàn bộ tài sản bị tịch thu, buộc gia đình Smirnov phải chạy trốn khỏi nước Nga. Khi gây dựng lại cơ nghiệp từ đầu, ông Vladimir Smirnov xây nhà máy tại Istanbul năm 1920 (Thổ Nhĩ Kỳ) và sau đó nữa là tại Paris vào năm 1925, thương hiệu vodka này lúc bấy giờ mới đổi cách viết thành ''Smirnoff''. Sản phẩm đổi tên thành công lớn cho đến giữa những năm 1930 và được xuất khẩu sang nhiều nước Châu Âu. Cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng vào năm 1929 đã khiến gia đình Smirnov bán lại thương hiệu này vào năm 1934 cho ông Rudolph Kunett. Doanh nhân người Mỹ này dời toàn bộ cơ sở sản xuất sang Hoa Kỳ. Nhờ các chiến dịch tiếp thị hiệu quả, Smirnoff với thời gian đã trở thành một trong những loại vodka bán chạy nhất, có mặt tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Thương hiệu này hiện do tập đoàn Anh Mỹ Diageo khai thác, Sminoff cùng với whisky Black Label là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đem về gần 40% doanh thu cho tập đoàn Diageo, tức 3,8 tỷ euro trên số 9,6 tỷ euro hàng năm. Điều đó giải thích vì sao trong số các sản phẩm được mua nhiều nhất, loại Smirnoff Red, rượu vodka có nút chai màu đỏ luôn đứng đầu.
Sau Smirnoff, còn có nhiều hiệu vodka ăn khách khác, có uy tín và đảm bảo chất lượng hơn so với các loại vodka của Nga, thường vướng phải tai tiếng của các loại rượu giả. Trong số các hiệu Tây Âu nổi tiếng, có rượu vodka Absolut nguyên chất, chai thủy tinh màu trắng đục mờ. Hiệu rượu này có nguồn gốc tại miền nam Thụy Điển và hiện được phân phối tại 125 quốc gia trên thế giới. Nét đặc thù của Absolut là loại rượu này mang sẵn hương vị đậm đà do được chưng cất với nhiều loại thảo mộc. Quá trình chế biến rượu không sử dụng thêm đường bột hầu giữ nguyên hương vị tự nhiên. Loại rượu này càng ngon hơn khi được uống đặc nguyên chất, nên cất giữ trong ngăn đá tủ lạnh, bảo đảm rượu không bao giờ bị đông đá.
Cuối cùng trong thời gian gần đây, giới sành điệu thường nhắc tới hiệu vodka Grey Goose, còn được gọi là hiệu ''ngỗng xám''. Được sản xuất tại Pháp, rượu này kết hợp lúa mì thượng hạng với nguồn nước suối thuần khiết, lọc qua đá vôi. Từ lối đóng chai cho đến cách thiết kế, hiệu vodka của Pháp khai thác phân khúc thị trường cao cấp thay vì sản phẩm đại trà. Điều đó gải thích vì sao hiệu vodka Grey Goose đắt hơn nhiều so vói các loại vodka khác. Hiện nay trên thị trường, rượu mạnh có nhiều mức giá khác nhau do tùy thuộc vào các yếu tố như thương hiệu, xuất xứ cũng như thành phần chế biến. Về điểm này, một chai Grey Goose của Pháp lên tới 42 euro, tức cao gấp đôi so vói giá trung bình của một chai Smirnoff nút đỏ.
Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment