Cat’s in the cradle được Harry Chapin lấy ý tưởng sau khi đọc bài thơ của vợ dành cho con trai đầu lòng của họ. Bài hát trở thành bản nhạc được yêu thích và được nhiều người hát lại do thông điệp chân thành của nó.
Cat’s in the cradle bắt đầu bằng sự ra đời của một bé trai nhưng người cha lại chỉ nặng trĩu nỗi lo cơm áo gạo tiền, ngay cả với những cột mốc đầu đời của cậu bé: tập đi, tập nói... Chứng kiến sự thờ ơ của cha, đứa trẻ đã bi bô “Con sẽ giống cha. Cha biết rằng con sẽ giống cha mà!”. Người cha hứa hẹn với con trai mình rằng một ngày nào đó họ sẽ bên nhau nhưng lời hứa ấy mãi không thể thành hiện thực.
Album Cat’s in the cradle - Nguồn ảnh: Tunebat
Cậu con trai lên mười tuổi và muốn học chơi bóng nhưng vì quá bận, người cha đã khước từ. Cậu bé bỏ đi, nhoẻn miệng cười và lặp lại câu cậu từng nói với cha. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đứa bé trai ngày nào còn vòi vĩnh bố đã trở thành sinh viên đại học. Người cha cũng bắt đầu thảnh thơi và sắp nghỉ hưu. Thế nhưng lần này, cậu gặp cha chỉ để mượn chìa khóa xe hơi, lắc đầu khi ông đề nghị có một khoảng thời gian riêng cho 2 cha con. Công việc, dọn ra ở riêng, con cái ốm đau… khiến cậu không dành được 1 phút cho người cha già. Lúc này, người cha từng khước từ những lần vui chơi với con khi xưa đã thở dài tiếc nuối khi thấy lại hình ảnh của chính mình nơi con.
Ra đời vào năm 1974, suốt thời gian dài, Cat’s in the cradle đã trở thành ca khúc “quốc dân” mà bao người làm cha mẹ và những đứa trẻ trưởng thành tìm kiếm lắng nghe. Lời khuyên về việc dành thời gian cho con cái được triển khai khéo léo trong câu chuyện về vòng đời đã chạm đến trái tim nhiều người nghe thời đó và không hề cũ ở hiện tại.
Harry Chapin và con trai Joshua - Ảnh: Savvy Dad, Greg Hague
Sáng tác cũng là cách tự răn đe mình
Harry Chapin và Sandra có với nhau 2 người con - Jennifer và Joshua. Nam nhạc sĩ thường nói về ý tưởng của bài hát xuất phát từ bài thơ cùng tên của vợ. Khi Joshua mới chào đời, Sandra để ý chồng mình không về nhà thường xuyên để bên cạnh con...
Tuy nhiên, thật ra, bài thơ Cat’s in the cradle lấy cảm hứng từ cuộc hôn nhân trước đó của Sandra. Đó là sự hồi tưởng về mối quan hệ phức tạp giữa 2 cha con người chồng đầu tiên của bà, cũng như ấn tượng từ một ca khúc đồng quê trên đài phát thanh.
Người chồng đầu của Sandra, James Cashmore, là con trai duy nhất của John Cashmore - Thống đốc lâu năm của quận Brooklyn, New York. John Cashmore lớn lên trong một gia đình đông con, với trình độ học vấn chưa đến lớp Năm nhưng thành công trong việc khởi nghiệp công ty nội thất văn phòng. Danh tiếng trong kinh doanh giúp John bước chân vào chính trị và làm Thống đốc quận Brooklyn trong 25 năm. Ám ảnh vì quá khứ thiếu điều kiện học hành đàng hoàng, John mong muốn con trai mình sẽ trở thành thẩm phán. Vì thế, sự nghiệp của James từ khi còn nhỏ đã được ông lên kế hoạch rất kỹ lưỡng, thậm chí ông còn sắp xếp với một thượng nghị sĩ để con được vào trường luật.
Harry Chapin bên người vợ Sandra - Nguồn ảnh: Newsday
Nhưng chính điều này khiến James cảm thấy chán nản, vô định với cuộc đời mình - một cuộc đời đã được sắp đặt theo kế hoạch của người cha. Vào thời điểm gặp Sandra, James “là một người thông minh và đạt được thành tựu ở nhiều thứ nhưng mất định hướng bản thân”. Sandra nhìn thấy rõ mối quan hệ ngượng ngùng giữa cha con James.
Trong một bữa tối, thay vì nói chuyện trực tiếp với con trai mình, ông John đã nhờ Sandra chuyển một lời yêu cầu đến James, về việc có mặt ở câu lạc bộ vào ngày thứ Ba. Chỉ qua một đề nghị đơn giản, Sandra cảm thấy bất ngờ khi nhận ra giữa cha con họ không hề có bất kỳ sự giao tiếp nào.
Sau khi kết hôn với Harry Chapin, trong lúc hỗ trợ ông viết ca khúc cho chương trình truyền hình Make A Wish, ý tưởng chợt lóe lên khi Sandra nghe được một ca khúc đồng quê. Nội dung ca khúc nói về một cặp đôi đang ngồi ăn và nhìn ra khoảnh sân sau có chiếc xích đu, bộ chậu chơi cát và chiếc xe đạp. Họ tiếc nuối khi thời gian trôi quá nhanh và ước trong quá khứ, mình đã chơi đùa cùng các con nhiều hơn. Sandra lập tức lấy giấy ra soạn 3 đoạn lời chính về câu chuyện trưởng thành của một đứa trẻ. Lần đầu tiên Sandra đưa bài thơ cho chồng mình, Harry Chapin đã… ngó lơ.
Chỉ đến khi Joshua chào đời, ông mới để ý lại bài thơ của bà và bắt đầu biến tấu cho ca khúc. Ở phần điệp khúc, Harry biến tấu lời từ những câu thơ vần dành cho trẻ em, đặc biệt là bài The cat and the fiddle (Chú mèo và chiếc vĩ cầm). “Harry viết lại bằng một giai điệu vui tươi trên lời bài hát vốn dĩ buồn bã. Nhờ đó, ca khúc trở nên bắt tai và mang tính lặp lại để dễ nghe, dễ hát”.
Ca khúc Cats In The Cradle
Cat’s in the cradle có tiết tấu dễ nghe như một bài đồng dao. Việc lặp lại tiết tấu và 2 câu đắt giá trong bài hát của Harry Chapin - “Cat’s in the cradle and the silver spoon/ Little boy blue and the man in the moon” (tạm dịch: Chú mèo nhỏ trong nôi và chiếc thìa bạc/Chú bé buồn bã và người cha mãi mơ về xa xăm) xuất hiện đầy ấn tượng. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “cat’s in the cradle” dùng để chỉ những lời cam kết liên tục bị phá vỡ, một mối quan hệ mà một người hoàn toàn thờ ơ trước sự tồn tại của người còn lại hay một sự rạn nứt hoàn toàn trong việc giao tiếp của cả hai. “Cat’s in the cradle” cũng là cụm từ biến thể từ một trò chơi nổi tiếng của trẻ em nước Mỹ (Cat’s cradle) - người chơi đan dây thành chiếc lồng cho chú mèo và “chuyền chiếc lồng” cho người chơi khác, đến khi “chiếc lồng” bị tháo tung.
Silver spoon - thìa bạc - là ẩn dụ cho hoàn cảnh sống sung sướng của cậu bé trong bài hát. Cả câu hát mang nghĩa cuộc sống đầy đủ của cậu bé phải trả giá bằng việc người cha làm việc cật lực, công tác triền miên đến mức không thể dành ra khoảng thời gian rảnh rỗi nào cho con.
“Little boy blue” - đứa bé trai buồn bã đối lập với “the man in the moon” - người đàn ông có tham vọng lớn. Đứa bé càng lớn, càng được sống trong môi trường sung túc thì người cha càng xa cách, lạnh nhạt với con mình. Và hệ quả tất yếu là khi ông về già, nghỉ hưu, cậu con trai lặp lại chính hình mẫu của ông khi còn trẻ. Cả ca khúc là sự giằng xé nội tâm và tiếc nuối của người cha về những hạnh phúc bị bỏ lỡ từ thuở ấu thơ của con trai mình.
Chinh phục người làm cha mẹ
Khi album Verities and balderdash (tạm dịch: Những sự thật và điều vô lý) của Harry chuẩn bị ra mắt, David Geffen, trưởng hãng Geffen Records tạm thời, lựa chọn Cat’s in the cradle là đĩa đơn phát hành đầu tiên. Tháng 12/1974, Cat’s in the cradle vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Billboard. Harry đã bán được hàng triệu bản và đạt được đề cử giải Grammy cho ca khúc hay nhất. Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của ông.
Dù ra đi ở tuổi 38 do tai nạn, Harry Chapin đã để lại một di sản lớn cho người yêu âm nhạc qua bài hát Cat’s in the cradle - Nguồn ảnh: Newsday
Khi ca khúc trở thành một hiện tượng, Harry rất bất ngờ vì không nghĩ mình có thể đạt được thành công như vậy. Ông đã nghĩ Cat’s in the cradle chỉ thu hút khán thính giả nam từ 45 tuổi trở lên, thậm chí không tin rằng sẽ có người mua đĩa nhạc của mình.
Tom - anh trai của Harry - nhận định đây là ca khúc “khiến nhiều người cha cảm thấy hổ thẹn hơn bao giờ hết. Những đứa con trưởng thành đã đổ xô mua bản thu âm tặng cha mẹ và vợ mình. Những lãnh đạo doanh nghiệp, giáo viên và nhà báo trích dẫn lời bài hát vào dịp Ngày của cha. Thậm chí những biểu tượng truyền hình đại chúng như The Simpsons (Gia đình Simpsons) và Saturday Night Live (Chương trình hài kịch tối thứ Bảy) cũng đưa Cat’s in the cradle vào chương trình phát sóng. Ca khúc còn được thu âm bởi những tên tuổi nổi tiếng như Judy Collins, Johnny Cash, ban nhạc rock Ugly Kid Joe, ca sĩ đồng quê Ricky Skaggs, Yusuf Cat Stevens... Nổi bật trong số đó là bản năm 1992 của Ugly Kid Joe.
Nhìn lại cột mốc thành công rực rỡ của chồng mình, Sandra nhận định: “Tôi nghĩ công chúng liên tục đón nhận ca khúc này vì đó là câu chuyện đời thực và mỗi người đều có phần trải nghiệm ở đây. Đến nay, chúng tôi vẫn nhận được những lá thư về bài hát, trong đó các bậc cha mẹ nói về quyết tâm trở thành những phụ huynh tốt hơn và dành nhiều thời gian hơn cho con.
Vĩnh Anh / Theo: PLO
No comments:
Post a Comment