Chữ Nhất nét bút giản đơn nhưng nội hàm sâu sắc. (Ảnh minh hoạ)
Chữ Nhất ngoài cách viết: (一) còn được viết kép là: (壹) hoặc 弌, giống như trong các chữ hệ Latin, ví dụ tiếng Việt có chữ số 1 và viết bằng chữ: "Một".
Người nghiên cứu chữ Hán, từ Hán Việt, hoặc từ gốc Hán của các ngôn ngữ khác như Hàn Quốc, Nhật Bản... không ai không biết đến bộ tự điển Thuyết văn giải tự của Hứa Thận, học giả Hán tự học đời Đông Hán (58 - 147). Bộ sách Thuyết văn giải tự của ông hoàn thành vào năm Vĩnh Nguyên thứ 12 đời Hán Hòa Đế (năm 100). Đây là trước tác chuyên sâu về Hán tự học đầu tiên, là một trước tác đồ sộ gồm 15 thiên, chia làm 540 bộ, thu lục 9.353 chữ tiểu triện, 1.163 chữ đại triện, chú giải 133.440 chữ Hán. Bộ tự điển này nghiên cứu nghĩa gốc và âm của chữ Hán, chia theo bộ, phân loại rất tinh tế chặt chẽ.
Quay trở lại với chữ Nhất, nó có ý nghĩa gì? Thuyết văn giải tự giải nghĩa chữ Nhất như thế này: "Nhất là cái duy nhất ban đầu trước khi sinh ra thái cực. Đạo sinh ra Nhất, tạo ra và phân chia trời, đất, biến hóa thành vạn vật".
(Nguyên văn: Nhất, duy sơ thái cực. Đạo lập ư nhất, tạo phân thiên địa, hòa thành vạn vật).
Như vậy có thể thấy, trước khi sinh ra thái cực, thì có một thứ duy nhất tồn tại, gọi là Đạo, gọi là Nhất. Khi đó chưa có âm dương, chưa có trời đất, chưa có lưỡng nghi, chưa có thái cực. Do đó cái "Nhất" này chính là "Vô cực". Cái "lờ mờ" đó, cái "hỗn độn" đó, cái "khí nguyên thủy" đó, cái "khí tiên thiên" đó chính là Nhất. Chính vì có cái Đạo này, có cái Nhất này, trong một điều kiện nhất định, từ trong nó sinh ra trời đất, sinh ra âm dương, sinh ra lưỡng nghi, sinh ra thái cực.
Nhất là cái duy nhất ban đầu trước khi sinh ra thái cực. Đạo sinh ra Nhất, tạo ra và phân chia trời, đất, biến hóa thành vạn vật. (Ảnh: Wikipedia)
Do đó nói "Đạo từ Nhất mà hình thành, tạo ra và phân chia trời, đất, biến hóa thành vạn vật".
Thuyết văn giải tự cũng viết rằng: "Đất là do nguyên khí ban đầu phân chia ra, khí dương trong nhẹ thành trời, khí âm nặng đục thành đất. Vạn vật sinh sôi bày ra".
(Nguyên văn: Địa, nguyên khí sơ phân, khinh thanh dương vi thiên, trọng trạc vi địa. Vạn vật sở trần liệt dã).
Sách giáo dục trẻ em xưa là "Ấu học quỳnh lâm", ngay bài mở đầu cũng viết rằng: "Hỗn độn mới hình thành, càn khôn mới đặt định. Khí trong nhẹ nổi lên trên thành trời, khí nặng đục xuống dưới ngưng kết thành đất".
Đó chính là quá trình Nhất sinh thành Nhị (một sinh thành hai), cũng chính là quá trình từ "Vô cực" sinh thành "Thái cực".
Khi chúng ta đến thảo nguyên mênh mông, cánh đồng bát ngát, hay đến bên biển xanh nhìn ngút tầm mắt, chúng ta sẽ thấy đường chân trời chính là chữ Nhất (一), là ranh giới phân chia trời - đất.
Lão Tử cũng đã nói: “Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất, yên lặng, trống không, đứng một mình mà chẳng thay, đi khắp nơi mà không mỏi, có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên nó, đặt tên là Đạo”.
Về chữ Nhất và Đạo, Lão Tử nói:
"Đạo sinh từ Nhất, nhất sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Vạn vật mang hai khí âm và dương, xung đột và hài hòa lẫn nhau".
(Nguyên văn: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm bão dương, xung khí vi hòa).
Lão Tử cũng nói: "Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên".
(Nguyên văn: Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên).
Về chữ "Nhất", Lão Tử cũng nói: "Xưa khi đắc được Nhất, trời đắc được Nhất thì trong, đất đắc được Nhất thì yên, Thần đắc được Nhất thì linh, sông hồ đắc được Nhất thì đầy, vạn vật đắc được Nhất thì sinh, vương hầu đắc được Nhất thì đứng đầu thiên hạ".
(Nguyên văn: Tích chi đắc nhất giả, thiên đắc nhất dĩ thanh, địa đắc nhất dĩ ninh, Thần đắc nhất dĩ linh, cốc đắc nhất dĩ doanh, vạn vật đắc nhất dĩ sinh, hầu vương đắc nhất dĩ thiên hạ trinh).
Lão Tử cũng nói: "Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên". (Ảnh: Wikipedia)
Hết thảy mọi thứ trên thế giới đều từ Nhất sinh ra, mà Nhất lại từ Đạo mà sinh ra. Do đó chúng ta bất kể lúc nào, ở đâu cũng không được trái với cái Nhất này, như thế mới có thể tồn tại dài lâu. Trời cũng vậy, đất cũng vậy, Thần cùng vậy, sông hồ cũng vậy, vạn vật cũng vậy, nếu rời xa cái Nhất này thì sẽ kết thúc.
Lão Tử nói tiếp rằng: "Từ đó suy ra, nếu trời không trong thì sẽ nứt sụp. Đất không yên thì sẽ sụt lở. Thần không linh thì sẽ tuyệt diệt. Sông hồ không đầy thì sẽ cạn kiệt. Vạn vật không sinh thì sẽ tàn diệt. Vương hầu không cao quý thì sẽ bị lật đổ".
(Nguyên văn: Kỳ trí chi. Thiên vô dĩ thanh, tương khủng liệt. Địa vô dĩ ninh, tương khủng phế. Thần vô dĩ linh, tương khủng, yết. Cốc vô dĩ doanh, tương khủng kiệt. Vạn vật vô dĩ sinh, tương khủng diệt. Hầu vương vô dĩ quý cao, tương khủng quyết).
Chúng ta thấy, rời xa cái Nhất này thì chúng ta chẳng còn có thể sống tốt đẹp được nữa, chúng ta sẽ sống trong hoàn cảnh "nứt sụp, sụt lở, tuyệt diệt, cạn kiệt, tàn diệt, lật đổ", chúng ta sẽ bị tiêu hủy, bị tiêu diệt. Do đó Đạo gia thường giảng nào là "Tri Nhất", "Bão Nhất", "Thủ Nhất", "Đắc Nhất"...
Nhân loại chúng ta, xã hội chúng ta, đạo đức của chúng ta, tu dưỡng của chúng ta đều phải tiếp cận đến với Đạo, phải trở về với Đạo, đều phải trở về với Nhất, một mạch cho đến cuối cùng đồng hóa với Đạo, nếu không sẽ chỉ có một con đường chết mà thôi.
Có thể thấy, chữ Hán đơn giản nhất là chữ Nhất, nhưng lại có ý nghĩa mang nội hàm triết học, đạo lý nhân sinh và đạo lý tu luyện sâu sắc như vậy đó.
Thủy Nguyên biên dịch
Tác giả: Vũ Hán Nhân / Theo zhengjian
No comments:
Post a Comment