Tuesday, November 28, 2023

"PIANO SONATA 14", MỘT TRUYỆN NGẮN CỦA TUỆ SỸ

Tuệ Sỹ là nhà thơ, nhà văn và là nhà biên khảo. Thầy viết nhiều tác phẩm biên khảo, nhiều bài tham luận, cũng như làm nhiều thơ, nhưng không sáng tác nhiều truyện ngắn.

Thầy Tuệ Sỹ đánh đàn. (Hình: Facebook Thư Viện Phật Việt)

Ba truyện ngắn mà tôi được đọc, “Piano Sonata 14,” “Gốc Tùng” và “Sư Thiện Chiếu” (1) đều là những sáng tác hay, kết hợp cả lối viết truyền thống lẫn hiện đại.

Cũng như thơ, văn Tuệ Sỹ, trước hết, là văn chương của con người, về con người và về cuộc đời. Cả ba truyện đều có nhân vật, cốt truyện, đối thoại, độc thoại; đặc biệt, cả ba đều có cấu trúc lỏng lẻo với kết thúc mở. Đọc xong truyện rồi, độc giả vẫn còn bâng khuâng, không tìm thấy ngay câu trả lời.

Trong ba truyện ngắn, “Piano Sonata 14,” theo tôi, là một truyện ngắn hoàn hảo, cả về kỹ thuật, cấu trúc, nội dung lẫn nhân vật. Nhân vật chính là một chú tiểu.

Trước hết, hãy khoan nói chuyện hư cấu, mà nói về hình ảnh cụ thể về một chú tiểu có thật ở ngoài đời. Hồi nhỏ, tôi hay theo mẹ đi nhiều chùa ở Huế, do đó, quen với khá nhiều chú tiểu cùng lứa tuổi, có chú đã từng là bạn học ở trong trường. Một chú, sau này là Đại Đức Thích Thanh Tuệ, để lại trong tôi một dấu ấn không thể phai mờ: chú đã tự thiêu tại chùa Phước Duyên vào Tháng Tám, 1963, để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nói chung, tôi rất thương các chú, vì trong lúc ở độ tuổi 6, 8, 9, 10, bọn trẻ con chúng tôi được ăn thịt, ăn cá, đánh bi, đánh đáo, câu cá bắn chim thỏa thích, thì các chú phải khép mình vào khuôn khổ, mặc áo nâu sồng, thức khuya dậy sớm, ăn chay, tụng kinh gõ mõ. Bởi vậy, mỗi khi đi chùa, tôi thường mang theo ít kẹo, có khi là đồ ăn mặn, dấm dúi vào trong túi áo mấy chú hay lợi dụng lúc mấy “ôn” bận bịu, rủ mấy chú ra vườn sau chạy nhảy, hái hoa, đuổi bướm. Các chú vừa thích vừa sợ. Riêng tôi, mỗi lần nhìn mấy chú, tôi cứ băn khoăn trong lòng không hiểu thực sự, trong thâm tâm, mấy chú nghĩ gì, mơ ước gì.

Chính vì thế, đưa nhân vật chú tiểu vào truyện là một điều không đơn giản. Nếu “đạo” quá, truyện sẽ khô, cứng; nếu “đời” quá, rất dễ đi quá đà, phóng túng. Ấy thế mà, qua “Piano Sonata 14,” Tuệ Sỹ xây dựng một chú tiểu hết sức sống động, vừa có nét hồn nhiên của một chú bé lên 12 vừa có phong thái nề nếp của một chú tiểu nằm trong khuôn phép. Đồng thời, nếu tinh ý, ta sẽ thấy tác giả khôn khéo rắc vào một chút gia vị thế tục, tuy rất nhẹ nhàng, nhưng thấm thía.

Chú tiểu tên Nghi, 12 tuổi đang học lớp Đệ Lục trường công lập. Mẹ chú, không rõ vì lý do gì, mang chú lên giao cho chùa rồi đi mất; về sau, bà chết, được tu viện lập bàn thờ, thờ trong chùa.

Chú chăm chỉ làm việc chùa, “châm trà, lau bàn ghế và quét dọn trong phòng của sư trưởng. Không ai biết tuổi thơ trôi qua như vậy đang ấp ủ sự gì. Sự thành kính khi bưng ấm trà để vào khay.”

Hằng ngày, chú lại phải học về “ý nghĩa của sự vô thường, khổ đau và giả tạo đang đè nặng kiếp người.”

Ấy thế mà chú tiểu cũng là một cậu bé nghịch ngợm: thường xuyên trốn chùa ra ngoài đi chơi, qua cổng chính, bằng cách “làm cho một chấn song cửa sắt gãy hết một đầu, chỉ cần kéo nhẹ qua là lách mình vào lọt. Rồi sau đó nắn lại,” mà sư trưởng tu viện không hề biết.

Thầy Tuệ Sỹ. (Hình: Facebook Thư Viện Phật Việt)

Ghét cái miễu thờ bà ở trong khuôn viên chùa, có lúc, chú hứng thú “leo lên đống ngói đứng đái, xoay người tứ phía y hệt như tưới rau.” Hay “Ăn cắp chuối trên bàn Phật, hay lẻn qua vườn rau nhổ bậy vài bụi cải cho những cuộc kiết tập kín đáo, với bánh tráng mỏng và nước tương dầm ớt thiệt cay.”

Một hôm, ra vườn sau, chú khám phá ra một điều mới mẻ: ban đêm, giữa “luồng trăng bạc như sương khuya lấp lánh đang nhảy múa chập chờn trên các luống cải,” chú bỗng nghe một thứ âm thanh “ngọt ngào và quyến rũ” vọng lại từ bên kia con đường.

Tò mò, chú không ngần ngại “chui qua hàng rào kẽm gai, băng qua vườn, sang tuốt con đường đất,” tìm đến “một ngôi nhà ẩn sau nhiều bóng cây rậm rạp,” nơi “đang có người chơi đàn.”

Ở đó, “Xuyên qua khung cửa sổ, chú thấy một mái tóc chảy dài, nghiêng nghiêng theo âm điệu to nhỏ và tiết điệu buông lơi của tiếng đàn.”

À, người đánh đàn là một cô người Huế. Cô mở cửa cho chú tiểu vào. Dưới cái nhìn của cô, chú điệu với “Chỏm tóc lệch qua một bên, phủ mép trán. Đôi mắt sáng ngây thơ dưới hàng mi dài và cong.”

Khi cười, chú “chớp hai hàng mi tinh nghịch. Nụ cười của trẻ thơ, trong trắng và hồn nhiên, nhưng quá nhỏ nhoi và khiêm tốn giữa một thế giới đòi hỏi quá nhiều sự trang nghiêm và kính cẩn. Tuổi thơ hiếm hoi cho một tâm hồn tập sự săn đuổi những ước mơ ngoài tầm với bắt của con người.”

Cô mời chú vào. Và lần đầu tiên chú thích thú nhìn thấy “cây đàn kê sát vách tường nhìn nghiêng ra khung cửa sổ.” Chú đi thẳng lại đó, níu hai tay lên thùng đàn, đôi mắt thích thú cúi nhìn chăm chú những phím đen trắng chen nhau sắp thành một hàng thẳng. Được chủ nhân cho phép, chú “đặt cả bàn tay lên phím đàn và ấn xuống. Âm thanh so le nhau cùng tấu lên. Khi cất tay, chú nghe chúng ngân dài, lẫn vào thùng đàn như đang chìm sâu vào trong bóng tối hun hút phía sau.”

Thấy chú thích đàn, cô gái hứa sẽ dạy cho chú học. Chú tiểu hoàn toàn là một đứa trẻ vô tư hồn nhiên, thấy lạ thì thích. Thay vì đợi cô gái chỉ dẫn, chú đập tay lên các phím đàn, bị cô gái la, nhưng rồi chú cũng lại đập tay lên các phím đàn một lần nữa.

Cái hồn nhiên, tinh nghịch của một chú bé đi tu tạo nên trong lòng cô gái, Như Khuê, những cảm giác lạ, phức tạp: “Nghi lúc nào cũng cao hứng, Như Khuê tự nhiên thấy mình đã thân thiết với chú vô cùng. Cô muốn hôn lên đôi mắt thần tiên của chú. Cửa chùa không biết có vĩnh viễn khép kín nổi con người có cái phong vận như thế. Nhưng chắc cũng có mấy ai có thể nhìn suốt qua đôi mắt kia mà thấy được bóng dáng của huyễn mộng phù sinh. Cô đâu biết, và chưa bao giờ thấy sự thành kính của chú và đôi mắt mông lung như khói trầm. Dù vậy, ngay lúc này, cô thấy rõ hơn ai hết, có lẽ vậy, sự nóng cháy đam mê trong đôi mắt thần tiên đó. Thế mà cô cũng chưa bao giờ thấy được sự nóng cháy của một ngọn nến lẻ loi giữa đêm khuya tịch mịch. Cô bỗng thấy trong thâm tâm mình bây giờ y hệt như một họa sĩ vẽ trúc đã mọc đầy trúc trong bụng. Cô mong cho sự nóng cháy kia không sớm bị dập tắt dưới những kỷ luật lạnh lùng nơi tu viện. Cô có cảm giác mười đầu ngón tay của mình đang vuốt nhẹ lên mặt hồ với những lượn sóng nhỏ.” (…) “Như Khuê nghe cánh tay chú đụng vào người. Cô nhìn lại. Chú đang kéo chỏm tóc sang một bên.” (2)

Cảm giác đó khiến cô gái đâm ra bồn chồn. Tâm trạng này chỉ được phác qua vài nét lửng lơ, nhưng bao hàm nhiều gợi ý: “Cô thích được nắm chỏm tóc của chú mà vuốt dài xuống. Cô đứng tựa mình lên khung cửa và nhìn lên bầu trời. Trăng khuya, lác đác vài ngôi sao. Một ngôi sao… xa quá…”

Khi chú đi rồi, “Như Khuê đứng nhìn bóng trắng khuất ngoài hàng rào bông bụp.”

Trong phần kết thúc, truyện bỗng dưng chuyển sang vị sư trưởng: “Ngang qua thiền thất, Nghi thấy sư trưởng bắc ghế ngồi nhìn ra phía trước cổng. Cổng sắt đã khép kín. Con đường kéo dài bất tận. Tiếng đàn buông lơi và chạy suốt, mất hút ngoài kia. Nghi lén nhìn sau lưng sư trưởng và sư trưởng thì nhìn vào bóng tối của con đường vì sư biết đó là Piano Sonata 14 với tiến nhịp của sustenuto, chậm nhưng vĩnh viễn chìm sâu trong bóng tối như những làn sóng nhỏ ôm bóng trăng mà ngủ vùi trên bến cát.” (3)

Chân dung Thích Tuệ Sỹ. (Tranh: Đinh Cường)

Lúc đầu, truyện tập trung vào nhân vật chú tiểu Nghi, rồi đột ngột chuyển qua nhân vật Như Khuê, và cuối cùng, đột ngột chuyển một lần nữa qua vị sư trưởng. Dù chỉ bằng một dòng ngắn ngủi ở cuối truyện, vị sư trưởng trở thành một phần “chưa nói ra hết” của câu chuyện.

Chả là vì, hằng đêm, khi tiếng đàn dương cầm vang lên tấu khúc “Khúc Nhạc Dưới Trăng” (Piano Sonata 14 hay Moonlight Sonata) của Ludwig van Beethoven chỉ gợi trí tò mò của chú tiểu thì lại lắng đọng sâu xa trong tâm hồn vị sư trưởng đang chịu trách nhiệm dìu dắt cả một lứa đệ tử tóc đang còn để chỏm, nhưng là tương lai của giáo hội sau này.

Hai nhân vật cô gái và vị sư trưởng thì tôi không rõ, nhưng có lẽ có một phần của chú tiểu Nghi trong Tuệ Sỹ!

Tôi được nghe Tuệ Sỹ chơi tấu khúc “Piano Sonata 14” nhiều lần ở trong phòng của thầy tại Đại Học Vạn Hạnh cùng với nhiều ca khúc thời thượng khác thuở đó: “Diễm Xưa,” “Gọi Tên Bốn Mùa,” “Nắng Thủy Tinh,” “Mùa Thu Chết”… Thầy đàn rất hay, nhuần nhuyễn và đam mê. Những ngón tay dài, nhỏ nhắn của thầy chạy thoăn thoắt trên phím đàn piano trông rất điệu nghệ, đến nỗi nhiều sinh viên cứ đến phòng thầy yêu cầu thầy đàn cho các em nghe.

Hiện thầy đang nằm dưỡng bệnh tại Sài Gòn.

Kính cầu chúc thầy thân tâm thường an lạc. 

Trần Doãn Nho / Người Việt

Chú thích:

(1) Piano Sonata 14, tr. 238, “Sư Thiện Chiếu,” trang 247, “Gốc Tùng,” trang 251, tập 1.
(2) Piano Sonata 14, trang 244, 245.
(3) Piano Sonata 14, trang 246.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, tục danh Phạm Văn Thương, quê Quảng Bình, Việt Nam, nhưng sinh tại Paksé, Lào, vào năm 1943.

Từ năm 6 tuổi, thầy đã thọ giới Sa Di, tu học tại chùa Từ Đàm, Huế rồi tại Phật Học Viện ở Nha Trang, và Thiền Viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn.

Thầy tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn năm 1964. Năm 1970, thầy được đặc cách bổ nhiệm là giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh đồng thời là chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại Học Vạn Hạnh phát hành, nhờ nhiều công trình nghiên cứu và khảo luận triết học nổi tiếng của thầy.

Thầy có nhiều thơ và truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi Hành và Thời Tập vào những năm từ 1973 đến 1975.

Sau 1975, thầy bị nhà cầm quyền Cộng Sản bỏ tù hai lần: lần đầu vào năm 1981, lần sau vào năm 1984. Thầy bị kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân và được phóng thích vào năm 1998.

Ngoài hàng chục tác phẩm biên khảo và dịch thuật về Phật Giáo, thầy có hai tập thơ: “Ngục Trung Mị Ngữ,” hầu hết bằng chữ Hán; và “Giấc Mơ Trường Sơn.”



No comments: