Lăng Tần Thuỷ Hoàng, Cố Cung, hang Long Môn… là những di sản nổi tiếng thế giới của Trung Quốc. Trong hàng triệu lượt du khách từng đến, liệu có ai từng thắc mắc tại sao các đế vương Trung Hoa xưa kia lại lựa chọn tọa lạc nơi này?
Các triều đại Trung Hoa đều đặc biệt xem trọng phong thuỷ. Vậy chúng ta cùng khám phá những long mạch phong thuỷ của các cố đô lớn này nhé!
Các công trình tiêu biểu của 4 đô thị Tây An, Bắc Kinh, Nam Kinh, Lạc Dương (kknews)
Lạc Dương
Lạc Dương là kinh đô của 9 triều đại Trung Hoa, đây được xem là cái nôi của văn minh người Hán. Nơi này có núi đồi ôm bốn phía; những dãy núi “xương sống” của Trung Nguyên như Hùng Nhĩ, Tần Lĩnh, Phục Ngưu, Ngoại Phương, Thiều Sơn nối tiếp nhau tạo thành bức màn quanh đô thị. Sông Lạc Thuỷ chảy lượn uốn quanh, đi giữa những dãy núi cao tạo cho Lạc Dương thế “dễ thủ khó công”.
Ở trung tâm thành phố Lạc Dương có khu di tích Minh Đường – Thiên Đường.
Thế phong thuỷ độc đáo của Lạc Dương đã được cổ nhân Trung Hoa tổng kết như sau: “Thành Lạc Dương, Bắc dựa Mang Sơn, Nam trông Y Khuyết, Lạc Thuỷ chảy quanh, Đông tựa Hổ Lao, Tây trông Hàm Cốc; là nơi núi sông triều bái, hình thế đứng đầu thiên hạ”.
Nam Kinh
Nam Kinh, thời cổ có tên Kim Lăng, là cố đô của 6 triều đại của Trung Hoa. Nam Kinh có Trường Giang cùng hai hồ Huyền Vũ và Mạc Sầu ở phía Bắc, xung quanh có núi non trùng điệp hùng vĩ.
Phía Tây Nam Kinh là thành Thạch Đầu có thế đất “hổ ngồi”, ở phía Đông Bắc lại có Chung Sơn với thế “rồng cuộn”.
Hai vị trí phong thuỷ này khiến Nam Kinh được mệnh danh là nơi “Rồng cuộn hổ ngồi”. Các dãy núi Chung Sơn, Thạch Đầu, Thanh Long, Phương Sơn… ở xung quanh bốn phía tạo cho Nam Kinh một địa thế mà phong thuỷ học gọi là “Tứ Tượng: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ”.
Bức tường thành nhà Minh – Bức tường thành lớn nhất thế giới.
Trường Giang là con sông lớn nhất Trung Quốc nên vị trí hạ du Trường Giang khiến Nam Kinh có thêm ưu thế “nắm lấy Trường Giang mà thành nơi đô hội của thiên hạ”.
Bắc Kinh
Bắc Kinh có lịch sử kinh đô tvới chiều dài lịch sử khoảng 3.000 năm. Ở phía Tây, dãy núi Thái Hành chạy hướng Nam – Bắc. Ở phía Bắc, Yên Sơn trùng điệp là bình phong che chắn Bắc Kinh. Hai dãy núi hội tụ lại tạo thành thế “hai rồng chầu Kinh Sư”, đồng thời trở thành hai tay tựa của địa thế “ngai vàng”.
Tử Cấm Thành nằm bên trong tường thành hình chữ nhật với hào sâu bao quanh và tháp canh ở 4 góc.
Sông Vĩnh Định bắt nguồn trên núi cao, xuống đến đồng bằng mở rộng dòng chảy. Hình thế núi sông tạo cho Bắc Kinh thế “tựa núi trông sông”, tụ linh khí vào một điểm, thành bố cục phong thuỷ hoàn hảo.
Tây An
Tây An là tên hiện đại của Trường An, là cố đô 13 triều đại. Vị trí Tây An ở trung tâm bình nguyên Quan Trung, mà Quan Trung bốn phía đều là núi, hệ thống sông ở giữa tạo thành hào nước thiên nhiên. Phía Nam có các núi Chung Nam, Thủ Dương, Thái Bạch và dãy Tần Lĩnh đồ sộ.
Phía Tây có các núi Lục Bàn, Lũng Sơn, Kỳ Sơn che chắn. Phía Bắc có cao nguyên Thiểm Bắc án ngữ. Phía Đông có Ly Sơn và Hoa Sơn tạo thành bức bình phong tự nhiên.
Thành lũy bao quanh thành cổ Tây An xưa.
Ở vòng ngoài, Hoàng Hà tạo thành một hào nước tự nhiên bao bọc phía Tây Bắc, Đông Bắc, Chính Bắc của Quan Trung.
Ở trung tâm của bình nguyên, các sông Vị, Kinh, Lạc, Bá, Phong, Sản, Hào, Linh Chiếu chảy xuôi hướng Tây – Đông tạo thành địa thế “bát thuỷ nhiễu Trường An”. Các thư tịch Trung Hoa tổng kết rằng: “Đất Trường An, ấy là xương sống của thiên hạ, đầu rồng của Trung Nguyên”.
Mộng Đình biên tập / Theo: soha
No comments:
Post a Comment