Thursday, October 31, 2024

EQ CÀNG THẤP CÀNG THÍCH DÙNG 5 CÂU, TƯỞNG KHÉO LÉO NHƯNG NGHE RẤT GIẢ TẠO

Nếu không đủ chân thành, những câu nói sau đây sẽ khiến người ta nhanh chóng nhận ra sự giả tạo.


Chuyên gia tâm lý Tamaryn de Kock từ trang tư vấn Jonar nhấn mạnh rằng để xây dựng lòng tin, bạn phải thực sự quan tâm đến người khác. "Nếu bạn không chân thành, người ta sẽ nhanh chóng nhận ra sự giả tạo của bạn," De Kock cho biết.

Cô giải thích rằng nguyên tắc cơ bản của người có trí tuệ cảm xúc cao là không nói ra những điều mà bản thân không thực sự tin tưởng, và những lời nói đó cần đi kèm với hành động cụ thể. Cảm xúc của con người là yếu tố phức tạp, vì vậy, cách giao tiếp hiệu quả nhất của người có EQ cao là phải luôn dựa trên sự thấu hiểu đối phương cũng như hoàn cảnh và tình huống mà họ đang đối mặt.

Theo chuyên gia Kock, có một số cách nói mà chỉ những người có chỉ số EQ thấp mới sử dụng trong giao tiếp.

"Tôi thấy điều này bất khả thi": Ngôn ngữ mang hơi hướng hoài nghi

Người có trí tuệ cảm xúc cao thường thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng người khác qua cách sử dụng ngôn từ. Trái lại, những người thiếu kỹ năng này lại hay sử dụng các cụm từ mang tính kiểm soát hoặc giám sát, thể hiện rõ sự thiếu tin tưởng của họ. Các câu như "Tôi thấy khó mà tin được cách anh làm", "Tôi cứ thấy bất an thế nào ấy", hay "Tôi không lạc quan lắm" là ví dụ điển hình.

Theo chuyên gia De Kock, việc sử dụng những cụm từ như "Tôi tin tưởng bạn", "Tôi đánh giá cao anh", hay "Tôi quan tâm đến kết quả cuối cùng mà bạn sẽ đạt được" không chỉ giúp xây dựng tâm lý an toàn mà còn là minh chứng cho trí tuệ cảm xúc cao của người nói.

Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng những lời nói này chỉ thực sự có giá trị khi được xây dựng trên nền tảng của sự chân thành. "Lời nói suông không đủ. Những tuyên bố này cần phải được hỗ trợ bằng hành động để chứng minh rằng bạn thực sự tin tưởng và quan tâm đến đối phương. Nếu không, chúng có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích," De Kock khuyến cáo.


"Ừ xin lỗi, được chưa?": Phá hủy lòng tin

Việc sử dụng những câu như "Tôi xin lỗi nhưng tôi chả thấy mình sai" hay "Nếu bạn cần thì tôi xin lỗi" có thể làm giảm đáng kể lòng tin và gây tổn hại đến mối quan hệ giữa các bên. Theo chuyên gia Kock, thừa nhận sai lầm một cách chân thành không chỉ phản ánh nhận thức về hành vi của bản thân mà còn cho thấy sự khiêm tốn.

"Khi bạn thừa nhận lỗi lầm, bạn đang cho thấy mình hiểu được tác động của hành động mình đối với người khác," Kock cho biết. Điều này tạo nền tảng cho đối phương cũng có thể nhận lỗi một cách dễ dàng hơn và xây dựng lại niềm tin, đồng thời tăng cường sự tin tưởng từ phía đối tác.

"Biết rồi, không cần nói nữa": Ngôn ngữ thể hiện sự thờ ơ, vô tâm

Kock cũng chỉ ra rằng việc sử dụng các cụm từ như "Hãy kể cho tôi nghe thêm về..." hoặc "Bạn có thể giúp tôi hiểu rõ hơn về… không" là dấu hiệu của người có chỉ số EQ cao, những người luôn nỗ lực để hiểu rõ cảm xúc và quan điểm của người khác. Điều này giúp tránh hiểu lầm và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống một cách hiệu quả.

Ngược lại, những câu như "Tôi chả bận tâm đâu, đừng kể" hay "Tôi biết thừa rồi" cho thấy sự thiếu quan tâm đến cảm xúc của người khác, phản ánh chỉ số EQ thấp.

Mặt khác, Kock nhấn mạnh rằng sự thể hiện quan tâm phải đi đôi với hành động thực tế. Nếu bạn dùng những câu hỏi mở nhưng lại tỏ ra không chú ý, chẳng hạn như nhìn vào điện thoại trong khi đối thoại, thì dù lời nói có vẻ tích cực đến đâu, bạn vẫn được xem là người có trí tuệ cảm xúc thấp.

"Tôi không có thời gian để nghe đâu": Hay ngắt lời người khác

Câu như "Tôi không có thời gian cho việc này" hay "Vào thẳng vấn đề đi" là ví dụ điển hình. Những lời này cho thấy người nói không cố gắng hiểu hoàn cảnh hoặc tình huống của người khác. Khi không thể hiện sự quan tâm đến điều đối phương đang chú trọng, bạn đang ngầm gửi thông điệp rằng bạn không thực sự lắng nghe họ, Kock nhấn mạnh.


Những người có EQ thấp thường có xu hướng ngắt lời hoặc phủ nhận ý kiến của người khác một cách nhanh chóng.

"Tôi thấy cũng được, nhưng…": Đưa ra lời khen nhưng ẩn sau đó là sự chỉ trích

Một dạng phản hồi khác cũng phản ánh EQ thấp là phản hồi kiểu "bánh sandwich" - khi lời phản hồi tiêu cực được kẹp giữa hai lời phản hồi tích cực. Đây là cách phản hồi những tưởng sẽ mang tính xây dựng, nhưng lại ẩn chứa sự chỉ trích.

Nhiều người cho rằng, đây là cách nói khôn khéo, nhưng trên thực tế, cách này thường gây tác dụng ngược. Chẳng hạn, sau khi nghe câu nói: "Tôi thấy anh có cố gắng nhưng kết quả không tốt", hầu hết mọi người chỉ tập trung vào vế sau là "kết quả không tốt".

Theo Kock, điều này không thực sự hiệu quả vì mọi người thường mạnh mẽ hơn so với những gì bạn nghĩ. Họ không cần những lời khen để đệm cho những chỉ trích tiêu cực. Hơn nữa, những phản hồi kiểu "bánh sandwich" này thường thiếu sự rõ ràng và trực tiếp, khiến thông điệp chính bị mờ nhạt.

Qua những phân tích của Kock, rõ ràng rằng cách chúng ta giao tiếp và phản hồi không chỉ phản ánh chỉ số EQ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các mối quan hệ cá nhân và chuyên nghiệp. Việc nhận thức và cải thiện trí tuệ cảm xúc có thể góp phần xây dựng môi trường giao tiếp tích cực và bền vững hơn.

*Nguồn: CNBC
Phương Thùy / Theo: ĐSPL

LƯỢNG BÍ NGÔ KHỔNG LỒ BỊ LÃNG PHÍ MỖI DỊP HALLOWEEN

Bí ngô, không chỉ đóng vai trò như một loại thực phẩm hàng ngày mà còn là một biểu tượng trang trí không thể thiếu mỗi dịp Halloween. Tuy nhiên, tại Anh và Mỹ, đa phần những quả bí ngô đều bị đổ bỏ ngay sau dịp lễ này.

Hình minh họa. Nguồn:(Willowpix/iStock)

Theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, trong hơn 2 tỉ pound (tương đương hơn 900 triệu kilogram) bí ngô trồng tại Mỹ, có đến khoảng 1,3 tỉ pound bị vứt bỏ một cách lãng phí, thay vì giữ lại để ăn hay ủ phân bón. Dường như những chiếc đèn biểu tượng đã biến thành một loại rác thải đặc trưng cho mỗi dịp Halloween về.

Bên cạnh sự lãng phí về vật chất, Bộ Năng lượng cảnh báo rằng, một khi phân hủy, số bí ngô này sẽ giải phóng metan – một loại khí nhà kính mạnh, tác nhân góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Xét trên toàn cảnh, lượng khí tỏa ra từ củ quả phân hủy chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên tổng lượng khí phát thải toàn cầu. Song đây vẫn là trường hợp đáng quan tâm, đặc biệt là khi việc trồng bí ngô cũng tiêu tốn rất nhiều năng lượng mà phần lớn lại không được tiêu thụ.


Một nghiên cứu thực hiện tại Vương quốc Anh cho thấy trong năm 2018, người dân Anh này đã bỏ đi 8 triệu quả bí ngô – số lượng đủ để làm bánh cho cả quốc gia - sau dịp Halloween. Tuy nhiên, không như người Mỹ, người Anh không có truyền thống nấu ăn bằng ruột của loại quả họ dùng để trang trí. Chỉ một phần ba số người mua bí ngô ở Anh nghĩ đến việc nấu ăn với chúng, theo báo cáo của chiến dịch #PumpkinRescue (Giải cứu bí ngô).

Trên thực tế, hơn nửa số người mua vào dịp này chỉ sử dụng ruột những quả bí để ăn hoặc ủ phân mà chủ yếu lấy vỏ để làm đèn lồng. Điều này diễn ra kể cả khi một nghiên cứu bởi tổ chức từ thiện vì môi trường Hubbub chỉ ra đa phần người tiêu dùng đều hào hứng với những công thức chế biến món ăn với phần ruột bí còn thừa lại.


Mùa Halloween năm nay, theo báo cáo của The Guardian, người dân Vương quốc Anh đang trên đà thải ra số lượng bí ngô lớn kỷ lục. Bà Tessa Tricks, giám đốc điều hành chương trình thực phẩm của Hubbub phát biểu: “Rất dễ để người ta quên rằng những quả bí ngô dịp Halloween vẫn còn là đồ ăn. Việc chỉ khoét vỏ bí để trang trí đã làm lãng phí của các hộ gia đình tại Anh 15 tỉ euro mỗi năm.”

Các giải pháp cải thiện tình trạng lãng phí này rất đơn giản để thực hiện, bao gồm: mua những quả bí có hương vị thơm ngon hơn, sử dụng phần ruột để nấu các món ăn ngon miệng như salad, súp hay bánh bí ngô, hoặc đem số quả thừa đi ủ phân giúp tái chế chúng thành nguồn dinh dưỡng (cho đất) thay vì vứt bỏ vào thùng rác. Những quả bí ngô, tuy chỉ là một phần nhỏ trong tổng số rác do con người thải ra, nhưng lại là ví dụ cho việc những thay đổi nhỏ có thể tạo nên ảnh hưởng lớn trong cuộc sống.

Phạm Nhật / Theo: sciencealert
Link tham khảo:

VĨNH NGỘ LẠC-NGUYÊN TIÊU - LÝ THANH CHIẾU


Vĩnh ngộ lạc - Nguyên tiêu
Lý Thanh Chiếu

Lạc nhật dung kim,
Mộ vân hợp bích,
Nhân tại hà xứ?
Nhiễm liễu yên nùng,
Xuy mai địch oán,
Xuân ý tri kỷ hứa?
Nguyên tiêu giai tiết,
Dung hợp thiên khí,
Thứ đệ khởi vô phong vũ?
Lai tương triệu,
Hương xa bảo mã,
Tạ tha tửu bằng thi lữ.

Trung châu thịnh nhật,
Khuê môn đa hạ,
Ký đắc thiên trọng tam ngũ.
Phô thuý quan nhi,
Nhiên kim tuyết liễu,
Thốc đới tranh tế sở.
Như kim tiều tuỵ,
Phong hoàn vụ mấn,
Phạ kiến dạ gian xuất khứ.
Bất như hướng liêm nhi để hạ,
Thính nhân tiếu ngữ.

Bài này được tác giả làm vào những năm cuối đời, khi đã sống ở miền nam, thường nhớ về chuyện cũ ở Biện Kinh.


永遇樂-元宵
 李清照

落日熔金,
暮雲合璧,
人在何處?
染柳煙濃,
吹梅笛怨,
春意知幾許?
元宵佳節,
融合天氣,
次第豈無風雨?
來相召、
香車寶馬,
謝他酒朋詩侶。

中州盛日,
閨門多暇,
記得偏重三五。
鋪翠冠兒,
撚金雪柳,
簇帶爭濟楚。
如今憔悴,
風鬟霧鬢,
怕見夜間出去。
不如向簾兒底下,
聽人笑語。


Vĩnh ngộ lạc - Nguyên tiêu
(Dịch thơ: Lê Văn Đình, Ngô Như Sâm)

Trời rực đỏ lặn,
Mây chiều như ngọc,
Người ở nơi đâu?
Liễu đẫm khói nồng.
Tiêu cất điệu oán,
Ý xuân biết nhiều ít?
Nguyên tiêu tiết đẹp,
Trời đất trong lành,
Đâu hẳn không gió dồn mưa dập?
Khách đến mời,
Xe hương ngựa báu,
Gửi lời tạ bạn rượu thơ.

Kinh thành thuở đẹp,
Khuê phòng ngày rỗi,
Những ước thầm đếm nguyên tiêu.
Mũ ngọc lấp lánh,
Vàng treo liễu biếc.
Hoa vàng trâm biếc cài,
Mà nay tiều tuỵ,
Gió tung tóc trắng.
Sợ người thấy vẻ phong sương,
Chi bằng rèm rủ cửa cài kín,
Lắng tiếng nói cười.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lý Thanh Chiếu 李清照 (1084-1155) hiệu Dị An cư sĩ 易安居士, người Tế Nam, Sơn Đông. Bà chẳng những là một tác gia vĩ đại trong nữ thi nhân, mà còn là một tác gia vĩ đại trong Tống từ. Bà là con gái của học giả trứ danh Lý Cách Phi. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với con trai Tể tướng Triệu Đĩnh Chi, tức Hồ Châu thái thú Triệu Minh Thành, có thể nói là một mối nhân duyên tốt đẹp nhất thời Bắc Tống. Đôi tài tử cùng nhau xướng hoạ thơ từ, chỉnh lý văn chương, sống một đời thanh tao u nhã. Năm Tĩnh Khang 1126, quân Kim đánh Tống, bà theo chồng chạy xuống phương nam, không lâu sau trượng phu qua đời, thân gái dặm trường thực khiến người ta thương xót. Một mình phiêu bạc, vãn cảnh rất thê lương, đấy đã gây thành bối cảnh ảm đạm trong toàn bộ Sấu ngọc từ 漱玉詞 của bà.

Nguồn: Thi Viện



THOMAS MIDGLEY: TỘI ĐỒ HAY VĨ NHÂN?

Lúc còn sống, Thomas Midgley được tôn vinh và nhận nhiều giải thưởng danh tiếng khi tạo ra xăng pha chì và CFC để dùng trong xe hơi và tủ lạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong những thập kỷ gần đây cho thấy hai hợp chất này đã hủy hoại môi trường và đầu độc con người.

Thomas Midgley. Ảnh: History.

Sáng chế của các nhà khoa học thường giúp công việc hằng ngày của chúng ta trở nên dễ dàng hơn và cuộc sống tiện nghi hơn, chẳng hạn như xe lửa, máy tách sợi bông ra khỏi hạt, máy in, máy tính,…Tuy nhiên, nhiều sáng chế không mang lại kết quả như mong đợi và chúng được chứng minh là có hại trong thời gian dài. Trong số đó phải kể đến xăng pha chì và hợp chất chlorofluorocarbon (CFC) của nhà hóa học Thomas Midgley.

Midgley sinh ngày 18 tháng 5 năm 1889 ở Beaver Falls, bang Pennsylvania, Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí tại Đại học Cornell (Mỹ) vào năm 1911. Năm 1916, ông bắt đầu làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu Delco của tập đoàn General Motor (GM) dưới sự quản lý của Charles Kettering. Nhiệm vụ chính của ông là tìm cách cải tiến ôtô và xử lý tiếng ồn động cơ.

Tiếng ồn là vấn đề phổ biến của các động cơ vào đầu thế kỷ 20. Khi gần đạt mức tải trọng tối đa, động cơ tạo ra những tiếng ồn lớn. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Midgley phát hiện ra rằng khi pha chì tetraethyl (TEL) vào xăng như một chất phụ gia nhiên liệu, nó có thể chống kích nổ động cơ và làm tăng hiệu suất hoạt động của thiết bị.

Nhờ sự ủng hộ của General Motor, các công ty dầu mỏ và các nhà sản xuất ô tô, TEL lần đầu tiên được bán ra thị trường vào ngày 1/2/1923 với tên thương hiệu Ethyl. Sau đó không lâu, General Motor và công ty Standard Oil thành lập Tập đoàn Ethyl để quản lý việc sản xuất, bán hàng. Midgley trở thành Phó Chủ tịch tập đoàn, đồng thời là thành viên của hội đồng quản trị.


Tập đoàn Ethyl chưa bao giờ đề cập đến “chì” trong lúc tiếp thị sản phẩm TEL, bởi vì thời điểm đó các nguy cơ ngộ độc chì đã được biết đến. Tập đoàn nhấn mạnh rằng TEL là hợp chất an toàn, nhưng chính họ cũng trải qua nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan tới loại hóa chất này. Vào tháng 10/1924, năm công nhân tại một nhà máy ở New Jersey đã thiệt mạng và 35 người khác có triệu chứng nhiễm độc chì như run rẩy, ảo giác. Bản thân Midgely cũng bị nhiễm độc khi hít phải hơi TEL và rửa tay trong dung dịch có chì để chứng minh tính an toàn của hợp chất. Midgely buộc phải nghỉ phép để chữa bệnh, nhưng vụ tai nạn không khiến ông ngừng ủng hộ Ethyl. Khi Midgely quay trở lại làm việc, các công nhân do ông quản lý vẫn không được trang bị những biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Vụ bê bối tại nhà máy trên khiến một số bang ở Mỹ cấm sử dụng TEL. Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó đã thay đổi. Chịu ảnh hưởng nặng nề từ áp lực doanh nghiệp [tập đoàn Ethyl], Cục Khai mỏ liên bang công bố một nghiên cứu khẳng định rằng hợp chất TEL an toàn. Nghiên cứu này và một chiến dịch tiếp thị rầm rộ đã khiến xăng trộn lẫn TEL (xăng pha chì) trở thành nhiên liệu phổ biến. Trong những thập kỷ tiếp theo, phơi nhiễm chì gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em. Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Environmental Research, nhà khoa học Rick Nevin tại Trung tâm Quốc gia về Nhà ở Khỏe mạnh (NCHH) phát hiện sự gia tăng phơi nhiễm chì có thể đã góp phần vào sự gia tăng tội phạm giữa thế kỷ 20.

Bắt đầu từ thập niên 1970, xăng pha chì bị loại bỏ dần. Tính đến năm 2017, loại xăng này chỉ còn được sản xuất ở vài nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc chì vẫn còn tồn tại ở một số khu vực mà xe cộ vẫn dùng xăng pha chì.


Sáng chế gây rắc rối tiếp theo của Midgley là chlorofluorocarbon (CFC). Hợp chất này được phát triển để giải quyết một vấn đề tồn tại từ lâu với các tủ lạnh đời đầu: chúng cực kỳ không an toàn. “Các chất làm lạnh ban đầu tốt nhất là ete và amoniac. Cả hai đều rất dễ cháy”, Tom Jackson, tác giả cuốn sách Chilled: How Refrigeration Changed the World and Might Do So Again, cho biết. Trong tác phẩm của mình, Jackson mô tả về một chiếc tủ lạnh quy mô công nghiệp trưng bày tại Hội chợ Thế giới Chicago năm 1893 bốc cháy và cuối cùng phát nổ, giết chết 17 lính cứu hỏa. “Các tủ lạnh dùng trong gia đình sản xuất trong khoảng 30 năm sau đó đều dùng lưu huỳnh dioxide – hợp chất không dễ cháy nhưng rất độc. Một số vụ rò rỉ loại khí này đã giết cả gia đình khi họ đang ngủ”, Jackson nói.

Frigidaire, đơn vị sản xuất tủ lạnh của General Motor, làm ăn thua lỗ trong nhiều năm. Midgley cùng các đồng nghiệp đã tiến hành tìm kiếm một chất làm lạnh không độc hại, không bắt lửa. Năm 1930, họ tổng hợp thành công dichlorodifluoromethane – một hợp chất đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nói trên và nó được bán với tên thương hiệu freon-12. Đây là hợp chất CFC đầu tiên trên thế giới. Để chứng minh sự an toàn của nó, Midgley đã hít freon-12 và thổi tắt một ngọn nến.

Hợp chất CFC nhanh chóng trở nên phổ biến. Nó được dùng rộng rãi trong quá trình sản xuất tủ lạnh, các thiết bị làm mát và bình xịt. Điều Midgely không thể ngờ đến là CFC phá hủy tầng ozone của Trái đất. Tệ hơn nữa, CFC là một loại khí nhà kính, góp phần gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với carbon dioxide (CO2).

Mặc dù các loại khí CFC như freon-12 đã bị cấm hoặc bị hạn chế nghiêm ngặt từ Nghị định thư Montreal năm 1987, nhưng hiện nay chúng vẫn còn lơ lửng trong bầu khí quyển Trái đất. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), CFC có tuổi thọ trong khí quyển lên tới 140 năm.

Khi tìm ra các chất trên, Midgley đã được tôn vinh và giành hầu hết các giải thưởng danh giá trong sự nghiệp. Ông được trao Huân chương Willard Gibbs, Huân chương Nichols, Huân chương Priestly và Huân chương Perkin. Mãi đến những thập kỷ gần đây, hậu quả tai hại mà các phát minh của ông gây ra mới được biết tới. Ngoài xăng pha chì và freon, ông cũng sở hữu khoảng 170 bằng sáng chế khác.

Thomas Midgley nhận giải thưởng Willard Gibbs từ chi nhánh Chicago của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ năm 1942. Ảnh: Carl E. Linde/AP

Midgely không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề môi trường mà xăng pha chì và CFC gây ra. Các doanh nghiệp thời đó thường coi nhẹ tác động tiềm tàng của các chất ô nhiễm trong môi trường bằng cách đánh giá thấp tác động của chúng hoặc nghĩ rằng đó là một vấn đề không đáng kể.

Năm 1940, Midgley mắc bệnh bại liệt và cử động rất khó khăn. Với tư cách là nhà phát minh, ông nghĩ ra một hệ thống bằng dây thừng và ròng rọc để giúp mình vận động cũng như di chuyển ra khỏi giường. Trớ trêu thay, sáng kiến dây thừng và ròng rọc này đã khiến ông bị thít cổ tới chết vào ngày 2/11/1944.

Quốc Lê (Theo History, Smithsonianmag)
Link tham khảo:




Wednesday, October 30, 2024

ĐỊNH LUẬT "KHÔNG AI GIÀU 3 ĐỜI" BỊ PHÁ VỠ KHI GIA TỘC HỌ BỐI Ở TRUNG QUỐC ĐÃ PHỒN THỊNH SUỐT 17 ĐỜI

Người xưa thường nói “Không ai giàu ba đời”, có nghĩa là của cải thường khó có thể được truyền lại trong gia đình lâu dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đã có rất nhiều ví dụ cho “định luật” này, nhưng gia tộc họ Bối ở Trung Quốc là một ngoại lệ.

Bối Lan Đường - ông tổ của dòng họ

Gia tộc 17 thế hệ giàu có và thịnh vượng

Dòng họ Bối có lịch sử lâu đời hơn 500 năm. Quyền lực, sự giàu có và ảnh hưởng của gia tộc đã truyền 17 thế hệ và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Lịch sử của gia tộc họ Bối bắt đầu từ thời ông Bối Lan Đường, vốn là một thầy thuốc. Ban đầu, từ bắt mạch bốc thuốc, ông mở một y viện và đạt được thành công, danh tiếng rực rỡ. Công việc kinh doanh ngày càng mở rộng do gia đình biết nắm bắt nhu cầu của người dân, không ngừng mở thêm các dịch vụ mới. Dưới thời Vua Càn Long trị vì, gia đình Bối Lan Đường trở thành 1 trong 4 hộ giàu có nhất vùng Tô Châu lúc bấy giờ.

Chân dung Bối Lan Đường. Ảnh: Paper

Các thế hệ con và cháu của Bối Lan Đường tiếp tục kế thừa y viện và việc kinh doanh thuốc. Họ đều là những nhân tài xuất chúng, nhạy bén và rất có tầm nhìn trong kinh doanh. Tài sản và sự giàu có của nhà họ Bối cứ tiếp tục được nhân rộng qua các thế hệ, thay vì bị phân tán bớt như quy luật thường thấy.

Đến nay, các thành viên của nhà họ Bối đã tham gia và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, từ y khoa, tài chính đến kinh doanh đủ mọi ngành. Nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo ưu tú trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Điều đáng nói là dù theo đuổi bất kỳ lĩnh vực gì, hầu hết mọi người đều sở hữu học vấn rất cao, với số lượng lớn tốt nghiệp từ các trường như Harvard và trường top trên thế giới.

Nhân vật được coi là đại diện của dòng họ ngày nay là ông Bối Dật Minh (Ieoh Ming Pei) - một trong những kiến trúc sư thành công nhất của thế kỷ 20. Đây chính là "cha đẻ" của kim tự tháp kính tại bảo tàng Louvre, Paris và được trao tặng giải thưởng Pritzker (Giải thưởng được coi như Nobel trong giới kiến trúc) vào năm 1983. Bối Dật Minh tốt nghiệp từ Harvard, cả 3 con trai của ông đều học Harvard và các cháu hiện tại cũng vậy.

Bối Dật Minh

Theo truyền thông Trung Quốc, gia tộc họ Bối giờ đã sinh sống, định cư ở khắp mọi nơi trên thế giới. Khối tài sản của họ khổng lồ đến mức khó có thể ước tính. Được biết, gia tộc này hiện vẫn đang sở hữu hàng nghìn bất động sản ở Thượng Hải, nơi có giá nhà cao bậc nhất châu Á.

Bí quyết thành công không chỉ nhờ nền tảng giàu có

Thành công của gia đình này không phải ngẫu nhiên mà có được mà là nhờ sự làm việc chăm chỉ và những quyết định nhìn xa trông rộng của nhiều thế hệ.

Sự giàu có của dòng họ “bùng nổ” nhất vào thế hệ thứ 13. Bối Tai An đã mở ra một thế giới mới trong lĩnh vực tài chính và thành lập Ngân hàng Thượng Hải, là tổ chức tài chính đầu tiên tại Trung Quốc chấp nhận tiền gửi bằng ngoại tệ.

Bối Tai An lập ra Ngân hàng Thượng Hải

Trong khi đó, người anh em của ông là Bối Nhuận Sinh thì trở thành "Vua sơn". Bối Nhuận Sinh thành công là vì các quyết định bị đánh giá là quá mạo hiểm, ví dụ như bỏ ra số tiền khổng lồ để thu mua lại doanh nghiệp của nước ngoài hay đầu tư tiền mua hàng ngàn bất động sản ở Thượng Hải vào những năm 1950.

Những chiến lược và thành công này cho thấy người nhà họ Bối có tầm nhìn đầu tư độc đáo, biết nắm trước thời cuộc và quan trọng là đủ liều lĩnh để dấn thân. Họ là người đi tiên phong, thay vì chạy theo xu hướng thị trường thì họ tự tạo ra thị trường.

Gia tộc họ Bối tuân theo 2 phương châm là “thơ sách phải được truyền từ đời này sang đời khác” và “luôn làm từ thiện”. Coi trọng giáo dục chính là nền tảng thiết yếu để xây dựng nên sự thành công của mỗi cá nhân trong gia tộc, từ đó tạo nên sự phồn thịnh chung.

Không giống một số gia đình kinh doanh khác, “tài sản” người đời trước để lại cho con cháu là trí tuệ, sự chăm chỉ và những nguyên tắc làm người. Nhờ có tài chính vững vàng, mọi con cháu nhà họ Bối cũng được tạo điều kiện học hành tốt nhất có thể ngay từ khi còn bé. Sống trong môi trường mà cha mẹ, anh chị, họ hàng cũng đều rất giỏi giang và học thức, tự nhiên những đứa trẻ cũng có động lực để tiếp nối.


Điểm chung của những gia đình có thể giàu có, thịnh vượng truyền đời như thế này là con cháu của họ được giáo dục và đào tạo nghiêm ngặt. Truyền thống gia đình tốt có thể hình thành nên quy tắc ứng xử, môi trường giáo dục trong gia đình đạt trình độ cao sẽ kích thích khả năng trẻ phát triển bản thân thay vì chỉ dựa vào ảnh hưởng của cha ông.

Nguồn: Sohu
Chi Phan / Theo: Nhịp sống thị trường
Link tham khảo:


MẬT NGỌT CHẾT RUỒI, RƯỢU NGỌT CHẾT... NGƯỜI

Cocktail là đồ uống chứa rượu trộn với đủ loại (nước) trái cây. Một loại khác khá phổ biến là punch, được xem là thức uống khai vị trong các party ở phương Tây. Punch gồm trái cây thái miếng (không xay), thường là táo, cam, lê… với rượu (thường là rượu vang). Có thể thêm chút đường để quý bà dễ uống. Hương trái cây, vị ngòn ngọt, cảm giác lâng lâng, thì đúng là… “say đi em”. Vị ngọt bị cáo buộc là thủ phạm là mau say rượu.

Vũ Thế Thành


Điều này oan cho… ngọt. Đường ảnh hưởng không đáng kể đến việc say mau say chậm. Rượu ngọt dễ uống, nên cũng dễ tiện tay nâng ly. Uống nhiều nên say hồi nào không biết.

Tuy nhiên, đường làm chậm tốc độ chuyển hóa của rượu, lượng acetaldehyde chậm chuyển thành acetic. Hệ quả là acetaldehyde tồn dư nhiều trong cơ thể, nên các loại rượu ngọt như rượu mùi, champagne, rượu vang loại ngọt… uống dễ nhức đầu là vậy.

Tin đồn trên bàn nhậu

Càng uống đô rượu càng tăng, tửu lượng càng cao mới anh hùng. Chuyện anh hùng bàn nhậu đúng sai xin để quý bà “nội nhân” phán xét, nhưng càng uống, đô rượu càng tăng là có thật.

Tăng đô chỉ là do hệ thống thần kinh đã quen với lượng độc chất cao hơn. Nhưng một khi cồn đã hấp thu vào máu thì tốc độ chuyển hóa cồn hầu như vẫn thế, chứ không phải uống được bia rượu nhiều hơn thì chuyển hóa cồn nhanh lên hơn. Tốc độ chuyển hóa không thay đổi mà lại nạp rượu nhiều quá thì hệ quả là tồn dư acetaldehyde sau cơn say xỉn.

“Lên đô” là dấu hiệu cảnh báo cho biết, cơ thể đã bắt đầu bị ảnh hưởng do rượu. Acetaldehyde vẫn được tạo ra, gan vẫn bị tàn phá mà mình không hay.


Lại có tin đồn, uống cà phê trước khi vào đấu trường… rượu thì sẽ cạn ly ngọt xớt hơn, khó say hơn. Đúng là chất caffeine trong cà phê làm người ta tỉnh táo hơn, nhưng uống càng nhiều, nồng độ rượu trong máu càng tăng; rồi đã say mà cứ tưởng mình tỉnh. Đến lúc nào đó, không còn kiểm soát được hành vi.

Điều chắc chắn là, rượu tăng một, cà phê tăng hai thì có thể giúp tỉnh táo chút đỉnh, dù vẫn say như thế. Còn đi tiếp rượu tăng ba thì có khi về nhà bị say âm ỉ cả tháng cả năm chưa hết.

Thơ say…

Tập “Thơ say” là tác phẩm đầu tay của Vũ Hoàng Chương xuất bản năm 1940 tại Hà Nội. Bài thơ của ông được nói đến nhiều nhất là “Mời say”. Giới văn chương đồn rằng Vũ Hoàng Chương thất tình một tiểu thư Hà Nội nào đó, rồi vùi đầu vào men rượu, vũ trường và kỹ nữ.

… Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết!…

Vũ Hoàng Chương được xem là thi bá của thế kỷ 20. Ông học đại học Luật, rồi bỏ. Học toán cũng bỏ ngang. Ông là thầy giáo mẫu mực, nho nhã, đi xích lô đến trường dạy Việt văn nổi tiếng một thời ở Miền Nam. Thơ ông đầy mộng ảo. Ông say thơ, say thuốc (phiện) là điều có thật, nhưng tôi chưa nghe ai nói đã từng ngồi đối ẩm (rượu) với ông. Có lẽ rượu chỉ là phương tiện để ông say thơ.


Vâng, rượu chỉ là phương tiện để đi vào thế giới chiêm nghiệm của riêng mình, là phương tiện chuyện trò với bằng hữu cho đậm đà hơn, chứ không phải để thể hiện cái tôi, như anh binh nhì khi say tưởng mình là đại tướng.

Tôi không thể đưa ra lời khuyên nên uống (rượu) bao nhiêu là vừa. Xin dẫn lời của danh y Hải Thượng Lãn Ông, Bán dạ tam bôi tửu, Lương y bất đáo gia. Nghĩa là, tối ba ly rượu thì nghỉ chơi bác sĩ được rồi. Ly rượu hồi xưa nhỏ như chén tống uống trà. Uống xong ba ly tí tẹo này mà không đàm đạo cho phả hết hơi rượu thì liệu ra đường có thoát được máy test hơi cồn của cảnh sát không… Tôi không chắc!

Vũ Thế Thành
Theo: saigonthapcam

TÔ TIỂU TIỂU MỘ - LÝ HẠ


Tô Tiểu Tiểu mộ - Lý Hạ

U lan lộ như đề nhãn,
Vô vật kết đồng tâm.
Yên hoa bất kham tiễn,
Thảo như nhân, tùng như cái.
Phong vi thường, thuỷ vi bội,
Du bích xa, tịch tương đãi.
Lãnh thuý chúc, lao quang thái,
Tây lăng hạ, phong xuy vũ.

Tô Tiểu Tiểu: người Nam Tề đời Lục triều, một danh kỹ tài hoa đất Tiền Đường và có số phận rất bi thảm, mộ của nàng nay còn ở Tây Lăng. Xem thêm tác giả Tô Tiểu Tiểu trong Thi viện.


蘇小小墓 - 李賀

幽蘭露如啼眼
無物結同心
煙花不堪剪
草如茵松如蓋
風為裳水為佩
油壁車夕相待
冷翠燭勞光彩
西陵下風吹雨


Mộ Tô Tiểu Tiểu
(Dịch thơ: Ngô Hồ Anh Khôi)

Cánh lan sương đọng lệ tuôn,
Lấy chi mà kết sợi buồn đồng tâm.
Khói hoa lìa bỏ sao cam,
Cỏ xanh làm thảm, thông làm ô che.
Gió làm áo, nước điểm khoe,
Hẹn hò đêm tối, ngồi xe ngọc ngà.
Ma trơi lờ lững xa xa,
Tây Lăng chốn cũ, nhạt nhoà gió mưa...


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Thi quỷ Lý Hạ 李賀 (790-816) thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường, cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, khi mới lên bảy đã biết làm thơ. Danh sĩ đương thời là Hàn Dũ nghe tiếng Hạ bèn cùng Hoàng Phủ Thực đến nhà. Hai người muốn thử tài nên bắt Hạ làm thơ. Hạ thản nhiên cầm bút viết ngay bài Cao hiên quá trình lên, hai ông xem xong đều kinh hoảng. Bài thơ Cao hiên quá có những câu vô cùng kỳ dị, nếu đúng là do một cậu bé làm ra như giai thoại được kể trong Thái bình ngự lãm thì hai nhà thơ đương thời có kinh tâm động phách cũng là điều dễ hiểu: “Điện tiền tác phú thanh ma không, Bút bổ tạo hoá thiên vô công” (Trước nhà, làm thơ trình, thanh âm của bài thơ chạm vào bầu trời, Ngọn bút bổ sung những chỗ khiếm khuyết bất toàn của tạo hoá một cách dễ dàng, không tốn chút công sức).


Theo tiểu truyện về Lý Hạ do Lý Thương Ẩn - một nhà thơ lớn thời Vãn Đường - viết, thì khi Lý hạ bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con cù long màu đỏ, bay đến bên cửa, cầm một cuốn sách, chữ giống như chữ triện thời thái cổ, trao cho Lý Hạ và nói: “Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký” (Đế thành Bạch Ngọc lâu, lập quân chiêu vi ký). Lát sau Lý Hạ mất. Người nhà thấy hơi và khói thấp thoáng qua cửa sổ, và nghe tiếng xe đi trong tiếng sáo réo rắt. Trong lịch sử Đường thi, có lẽ chỉ có Thi Tiên Lý Bạch và Thi Quỷ Lý Hạ mới có huyền thoại chung quanh cái chết mà thôi. Một người nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi con kình ngư lên cõi thiên khung (tương truyền khi Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng thì có con kình ngư tới đón và chở lên trời), một người được Thượng đế cho tiên nhân đem xe nhạc đến mời lên viết bài ký cho lầu Bạch Ngọc chốn thiên đình. Ai dám khẳng định điều đó là hoang đường không thực, khi mà cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc không không?

Nguồn: Thi Viện



10 MÓN THỊT NƯỚNG NGON NHẤT THẾ GIỚI

Gogi của Hàn Quốc, asado của Argentina hay yakitori của Nhật là những kiểu thịt nướng đa dạng về nguyên liệu và phong cách nướng, được nhiều thực khách trên thế giới yêu thích, theo CNN.


Danh sách những món thịt nướng ngon nhất thế giới được CNN giới thiệu như một lời gợi ý dành cho du khách thích khám phá ẩm thực trong các chuyến đi sắp tới. Tiêu chí lựa chọn dựa trên độ nổi tiếng, là đặc trưng của địa phương, thành phẩm thơm ngon, có vị ngọt và độ tươi của thịt, được nhiều người khen ngợi.

Braai, Nam Phi

Cái tên đầu tiên được nhắc đến là Braai hay thịt nướng hun khói ở Nam Phi. Thị nướng là ẩm thực truyền thống của người dân địa phương. Khi mọi người cùng tụ tập với bạn bè, gia đình sẽ thưởng thức những miếng bít tết, xúc xích, gà xiên nướng. Ảnh: Beef Talk South Africa


Asado, Argentina

Nổi tiếng là quốc gia tiêu thụ thịt bò hàng đầu thế giới, Argentina còn được biết đến với niềm đam mê thịt nướng (asado). Không khí của một buổi asado luôn sôi nổi và diễn ra hàng tuần ở mỗi địa phương trên cả nước. Đầu bếp người Argentina, Guillermo Pernot, cho biết để có món asado ngon nhất, người dân thường dùng các nguyên liệu nướng là xúc xích lợn, thịt bò, bánh ngọt, xúc xích huyết. Họ cũng dùng muối thô để rắc lên thịt đem nướng và chấm với chimichurri, loại nước sốt gồm rau mùi tây, tỏi, giấm, ớt bột và lá oregano. Ảnh: Wine Enthusiast


Yakitori, Nhật Bản

Yakitori là món ăn được yêu thích ở Nhật Bản, gồm thịt gà thái nhỏ xiên vào que tre và nướng chín trên lớp than củi đang cháy âm ỉ. Ngoài thịt gà, yakitori còn chỉ các món nướng xiên bất kỳ như rau, hải sản, thịt lợn, bò. Có nhiều cách để thưởng thức món ăn này nhưng theo blogger du lịch Tanya Spaulding, các tốt nhất để ăn yakitori "chuẩn Nhật" là mua từ một người bán hàng rong hoặc nướng trên shichirin (bếp nướng than nhỏ) đặt giữa bàn. Ảnh: Recipe Critic


Churrasco, Brazil

Churrasco là cách gọi các loại thịt nướng. Hầu hết du khách đến Brazil sẽ thưởng thức món nướng tại các churrascaria - nơi phục vụ đủ loại thịt nướng. Churrasco ở Brazil được đánh giá "ngon hơn nhiều" tiệc nướng asado ở Argentina vì các nhà đều có quầy salad riêng với hàng chục loại rau tươi, salad mì ống, dưa chua, bánh mì, oliu và nhiều món ngon ăn kèm khác. Món ăn này còn phổ biến khắp châu Mỹ Latinh và châu Âu. Ảnh: Amigo Foods


Lechon, Philippiness

Lechon là món lợn sữa giòn bì được nướng trên than hoặc bếp lò. Nhiều người Philippinnes coi món ăn này là quốc thực. Lợn sữa Lechon trên đảo Cebu được nhiều người ca tụng "ngon nhất nước", thậm chí "ngon nhất thế giới". Ảnh: Tatler Asia


Tandoor, Ấn Độ

Gà nướng lò đất Tandoori của Ấn Độ có tên gọi như ngày nay bắt nguồn từ từ "tandoor", một lò nướng truyền thống hình dáng giống chiếc vạc, làm chín thức ăn bằng than củi. Nướng cùng thịt gà trong lò còn có bánh mì, hải sản, hoặc các loại thịt khác.

Manjit, đầu bếp nổi tiếng người Ấn, cho biết nghệ thuật nướng thịt tandoor xuất hiện vào cuối những năm 1940 khi người dân phát hiện thịt được làm chín theo cách này ngon hơn nướng trên xiên que. Ảnh: Tandoor Sarasota


BBQ Mông Cổ, Đài Loan, Trung Quốc

Có tên là BBQ Mông Cổ hay thịt nướng Mông Cổ nhưng đảo Đài Loan mới là nơi ra đời món ăn này. Erin Yang, một người dân địa phương, cho biết món là sự kết hợp của thịt thái lát, mì và rau được nấu chính trên bề mặt kim loại hình tròn phẳng.

Thịt nướng Mông Cổ là xu hướng ẩm thực nổi lên ở Đài Loan vào những năm 1950, chịu ảnh hưởng từ món teppanyaki của Nhật Bản và món xào Trung Quốc. Ảnh: Alamy


Lovo, Fiji

Không giống nhiều kiểu thịt nướng khác, thịt nướng của người dân trên đảo Fiji được làm chín trong lò đất "lovo". Lovo là một hố lớn đào dưới đất, đặt những viên đá nóng lên trên rồi để thức ăn lên đó làm chín từ từ. Các nguyên liệu như thịt lợn, gà, rau, khoai môn, hải sản được bọc trong lá khoai môn hoặc lá chuối rồi đặt lên đá. Sau 2-3 tiếng, đồ ăn đã chín và mọi người bắt đầu thưởng thức. Ảnh: Gaurmantic


Gogigui, Hàn Quốc

Thịt nướng gogi là món ăn được yêu thích của người Hàn Quốc gồm thịt bò, lợn, gà thái lát ăn cùng nhiều loại banchan (món ăn kèm) và cơm. Người từng vào chung kết Masterchef Korea, Diane Sooyeon Kang, chia sẻ nên đặt những lát thị mỏng lên vỉ nướng và lật sau vài giây. Những loại thịt khó chín hơn như sườn ngắn, thực khách nên nướng trong nhiệt độ cao để tạo ra sém cạnh bề mặt, ăn vừa thơm vừa ngọt. Ảnh: Asian in Spirations


Umu, Samoa

Umu là phiên bản thịt nướng Fiji của người Samoa. "Những chàng trai trẻ trong đại gia đình ở Samoa tập hợp lại để chuẩn bị umu, thường là vài tiếng trước khi bữa tiệc truyền thống vào chủ nhật bắt đầu", Avichai Ben Tzur, doanh nhân kiêm nhà văn du lịch đã dành nhiều thời gian ở Nam Thái Bình Dương, mô tả quy trình làm món nướng nổi tiếng này. Sau đó, mọi người sẽ bắt cá hoặc mổ lợn, dùng lá khoai môn gói lại và mang đến buổi tiệc cùng bánh mì. Ảnh: Samoa Tourism

Anh Minh (Theo CNN)
Theo: VnExpress
Link tham khảo:

Tuesday, October 29, 2024

MÓN CHÈ HÚT KHÁCH Ở TP.HCM VÌ TÊN GỌI XẤU XÍ

Món chè người Hoa có tên "cáy xỉa thằng" (鷄屎藤), nghĩa là "phân gà", được tiệm ở quận Tân Phú bán vào rằm và mồng một mỗi tháng với hơn 500 phần một ngày.

Chè "phân gà" trong quán ở quận Tân Phú. Ảnh: Khương Nguyễn

Chè "phân gà" có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc, theo người Hoa du nhập Việt Nam. Món được làm từ bột gạo nhào lá mơ, cắt thành sợi luộc chín, khi ăn chan nước đường gừng. Danh y Triệu Học Mẫn thời nhà Thanh viết trong bản thảo "Cương mục thập di", mùi của món ăn bắt nguồn từ mùi lá mơ được ví như phân gà, nên món được gọi chè "thối" hay "phân". Lá mơ thuộc loại cây thân leo dễ sống, thường mọc ở ven đường, bờ ruộng, có mùi nồng và được dùng làm vị thuốc.

Nhi Trương, 27 tuổi, người gốc Hoa tại quận 5, cho biết chè "phân gà" là món ăn đặc trưng của người Hoa Phòng Thành, gốc Quảng Đông vào tết Hàn thực. "Chè này không phổ biến trong cộng đồng người Hoa nên không phải ai cũng biết", Nhi nói.

Tuy nhiên, quán trên vỉa hè đường Trịnh Đình Thảo, quận Tân Phú, một trong số rất ít nơi bán chè "phân gà" lại nổi tiếng và được khách biết đến ngày càng nhiều. Quán mở bán hơn 20 năm, bên cạnh chùa Phật bà Quan Âm nên có lượng khách quen đi chùa ổn định. Gần đây, địa chỉ hút khách sau khi được mạng xã hội chia sẻ nhiều nhờ tên gọi lạ.

Kê thỉ đằng (鷄屎藤) - Cây mơ lông

Chủ quán Nhật Bình cho biết chè "phân gà" là món truyền thống được gia đình truyền lại. Quán chỉ bán vào ngày rằm và mồng một hằng tháng vì lượng khách đi chùa đông. Ngày thường, chị bán nguyên liệu nấu chè ở chợ Phú Bình, quận 11.

Chè được chị Bình nấu trên bếp than, giữ nóng thường xuyên, khi có khách gọi chị mới thả bột vào nồi nấu rồi chan nước đường gừng. Món ăn với sợi bột đen thẫm, dai, thơm mùi lá mơ và gừng. Khách ăn có thể yêu cầu chủ quán điều chỉnh độ ngọt theo khẩu vị.

Theo chủ quán, nấu chè "phân gà" không khó. Khâu quan trọng nhất là trộn lá mơ và bột theo tỷ lệ để vị không bị đắng, mùi thơm dịu. Lá mơ được rửa sạch rồi xay với gạo, sau đó trộn thêm bột năng và đem hấp, chờ nguội thì cắt thành sợi. Sợi bột làm xong có màu đen, được rắc thêm lớp bột khô bên ngoài để chống dính.

"Lá mơ với tỷ lệ vừa đủ, đã qua xử lý nên khi ăn chè không có mùi giống như tên", chị Bình nói.

Chủ quán chia sẻ lá mơ tốt cho đường ruột, giúp giảm đau bụng, đầy hơi và thải độc gan nên món không chỉ ăn chơi mà còn tốt cho sức khỏe. Chè nóng kết hợp với gừng làm ấm cơ thể, được nhiều khách chọn thưởng thức vào buổi sáng.

Chị Nhật Bình (trái) đang chuẩn bị chè cho khách. Ảnh: Khương Nguyễn

Khách ăn chè chủ yếu là khách quen, gọi món không cần nhìn thực đơn. Khu vực bán hàng trên vỉa hè hẹp nên nhiều người chọn mua về. Chị Bình cho hay mỗi lần bán hơn 500 phần, tương đương hơn 10 kg bột. Một phần chè có giá 16.000 đồng. Ngoài chè "phân gà", quán còn bán chè bắp, cháo bắp đồng giá.

Bà Dương Lan, 80 tuổi, sống tại quận 11, cùng con gái đi chùa ghé quán thưởng thức chè và gọi thêm 4 phần mang về. "Gia đình tôi ai cũng thích món này", bà Lan nói, cho biết đã ăn ở đây từ thời mẹ chị Bình bán.

Ghé quán thưởng thức hôm rằm tháng 9, Dương Sắc Minh, 23 tuổi, cho biết anh được mẹ mua chè ở quán cho ăn từ nhỏ. Theo Minh, chè "phân gà" ít nơi bán nên anh thường giới thiệu bạn bè đến đây thưởng thức.

Quán bán từ 8h đến 17h nhưng thường hết sớm. Khách đến ăn tại chỗ phải gửi xe ở khuôn viên chùa Phật bà Quan Âm, giá 5.000 đồng một lượt.

Tuấn Anh / Theo: VnExpress
Link tham khảo:



VÌ SAO ĐÔI LÚC TA QUÊN BÉNG MÌNH ĐỊNH NÓI GÌ?

Khi não phải thực hiện hai nhiệm vụ cùng lúc, thi thoảng ta sẽ quên mất những gì mình định nói.

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

“Ủa mình định nói gì ấy nhỉ?” - chắc bạn đã không ít lần rơi vào cảnh ngộ này, khi tự nhiên quên mất những gì bạn muốn nói ngay thời điểm chuẩn bị nói nó ra. Nhiều khi bạn còn gặp chuyện này dù đã chuẩn bị rất kỹ nội dung định nói, khiến cuộc hội thoại rơi vào một khoảng lặng đầy bối rối.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy điều này thường xảy ra khi chúng ta đang nghĩ đến nhiều việc một lúc, hoặc vừa nghĩ điều định nói trong khi đang làm việc khác. Nguyên nhân do não bộ đang cố gắng thực hiện “nhiệm vụ kép” (dual-tasking) với một mức năng lượng có hạn.

Năng lượng nhận thức của não bộ có hạn

Thực ra não bộ “làm việc đa nhiệm” khá thường xuyên mà chúng ta không để ý. Điển hình là những lúc ta vừa nói chuyện điện thoại vừa qua đường, hoặc vừa bấm điện thoại vừa đi lại quanh phòng.

Việc nói chuyện cũng là một “nhiệm vụ kép” tương tự. Chẳng hạn ta đang nói, nhưng đồng thời cũng suy nghĩ về những gì mình sẽ nói tiếp theo. Hoặc ta vừa nghe người khác nói, lại vừa chuẩn bị những gì mình muốn nói để đáp lại.

Tuy nhiên năng lượng nhận thức của não bộ có hạn, và đôi lúc nó không thể xử lý được hai nhiệm vụ cùng lúc. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng não bộ giống như một nhà máy phát điện cho nhiều thành phố khác nhau. Nếu một thành phố đang cần bật nhiều đèn điện, các thành phố khác sẽ có ít điện hơn và dễ bị mất điện.

Tương tự, khi năng lượng của não chảy tập trung về một nơi, thì những nơi khác sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Trong trường hợp bạn mải nghe người khác đến nỗi quên bản thân định nói gì, thì não bạn đang tập trung năng lượng cho hoạt động nghe. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở người có xu hướng thích giao tiếp bằng văn bản (như nhắn tin, email) hơn là giao tiếp nói. Vì giao tiếp văn bản có nhiều thời gian và ít áp lực để chuẩn bị nội dung hơn, nên khi phải giao tiếp nói, họ gặp nhiều khó khăn hơn do phải thực hiện “nhiệm vụ kép”.

Việc vừa nghe người khác nói, vừa chuẩn bị điều mình định nói tiêu tốn nhiều năng lượng nhận thức hơn bạn nghĩ.

Khi ngày một thành thạo các kỹ năng, ta sẽ không cần quá nhiều năng lượng nhận thức để hoàn thành nhiệm vụ kép. Đây cũng là lý do trẻ em thường không giỏi làm việc đa nhiệm như người lớn, vì dung lượng não của chúng nhỏ hơn nhiều so với người lớn.

Não bị “đóng băng” trước căng thẳng

Nếu bạn đang thuyết trình trước đám đông và quên mất những gì định nói, rất có thể não bạn đã “đóng băng” (brain freeze). Theo chuyên gia thần kinh Michael DeGeorgia, đây là phản ứng thường thấy của thùy trước trán (frontal lobe) - cơ quan chuyên sắp xếp trí nhớ, đồng thời nhạy cảm với sự lo âu.

Trong nhiều trường hợp, não bộ ghi nhận thuyết trình là tình huống khiến ta dễ bị phán xét và từ chối. Điều này khiến hormone gây căng thẳng cortisol tăng cao, làm thùy trước trán “tắt nguồn” và ngắt kết nối với phần còn lại của não. Hệ quả là chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm lại những ký ức đã “cất giữ” trong não trước đó, dẫn đến sự đãng trí nhất thời khi thuyết trình.

Ở các cuộc trò chuyện căng thẳng (chẳng hạn lúc cãi nhau), ta cũng thường quên những gì mình định nói. Nguyên nhân do hạch hạnh nhân não nhận diện đó là tình huống sống còn (dù thực tế không phải, nhưng não không phân biệt được điều này), từ đó kích hoạt phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight mode).

Đi kèm với đó là lượng adrenaline rất lớn giúp ta tăng cường dũng khí để cãi lại đối phương, nhưng cũng khiến ta mất tập trung và quên mất những gì đang làm. Vì vậy mà sau khi bình tĩnh nghiệm lại, ta lại vô tình nhớ ra những lý lẽ sắc bén mà đáng nhẽ ta có thể dùng để “vặn” đối phương khi đó.

Làm gì khi “đãng trí” lúc đang nói?

Việc chúng ta thi thoảng quên mất những gì định nói là hoàn toàn bình thường. Nhưng đôi khi do áp lực thời gian hoặc hoàn cảnh, sự đãng trí này có thể gây ra một chút căng thẳng.

Sự đãng trí khi đang nói có thể gây căng thẳng nếu có áp lực thời gian hoặc hoàn cảnh.

Trong những lúc như vậy, bạn thử hít một hơi thật sâu hoặc nói với người nghe cho bạn 1-2 phút để nhớ lại. Khi giải phóng được não bộ khỏi áp lực nhiệm vụ kép, nó sẽ có thời gian hồi tưởng và sắp xếp lại thông tin. Nếu đó là một cuộc hội thoại có nhiều người tham gia, bạn có thể hỏi những người khác xem cuộc trò chuyện đang đi đến đâu, từ đó nhớ ra những gì mình định nói.

Khi đang thuyết trình, bạn có thể áp dụng nhanh những biện pháp chống căng thẳng như tương tác mắt với ai có phản ứng tích cực, tạo ra một trò đùa hoặc tùy cơ ứng biến. Bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” nổi tiếng bậc nhất lịch sử của Martin Luther King Jr. hoàn toàn được ứng tác chứ không có trong bản thảo soạn sẵn.

Tuy nhiên khi hiện tượng đãng trí xảy ra thường xuyên và lặp lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, rất có thể đó là biểu hiện của bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ (dementia). Trong trường hợp này, bạn cần theo dõi triệu chứng để kịp thời đi khám và có biện pháp điều trị thích hợp.

Hiền Lê / Theo: vietcetera

TƯƠNG KIẾN HOAN KỲ 2 - LÝ DỤC


Tương kiến hoan kỳ 2 - Lý Dục

Vô ngôn độc thướng tây lâu,
Nguyệt như câu.
Tịch mịch ngô đồng thâm viện,
Toả thanh thâu.

Tiễn bất đoạn,
Lý hoàn loạn,
Thị ly sầu.
Biệt thị nhất ban tư vị,
Tại tâm đầu.


相見歡其二 - 李煜

無言獨上西樓
月如鉤
寂寞梧桐深院
鎖清秋

剪不斷
理還亂
是離愁
別是一般滋味
在心頭


Tương kiến hoan kỳ 2 
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Một mình lẻ bóng lầu Tây.
Soi vầng trăng khuyết, úa gầy hanh hao.
Ngô đồng tịch mịch lối vào.
Vườn thu đã khóa, chân nào ghé qua ?.
Đoạn sầu ly biệt cách xa.
Trăm tơ ngàn mối, gỡ ra được nào ?.
Niềm riêng còn đó xuyến xao
Con tim chẳng quản, gửi trao cho người.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lý Dục 李煜 (937-978) tự Trùng Quang 重光, tự hiệu là Chung sơn ẩn sĩ 鍾山隱士, Chung phong ẩn sĩ 鍾峰隠者, Bạch liên cư sĩ 白蓮居士, Liên phong cư sĩ 蓮峰居士, người đời quen gọi là Nam Đường Hậu Chủ 南唐後主 hay Lý Hậu Chủ 李後主. Ông là người nhân huệ minh mẫn, văn hay hoạ khéo, biết âm luật. Phủ khố Giang Nam có thu tàng tác phẩm thư hoạ của ông rất nhiều.

Nam Đường bị nhà Tống diệt, phong ông làm An Mệnh hầu, sau lại bị Tống Thái Tổ cho uống thuốc độc chết. Miền Giang Nam được tin Hậu Chủ chết, các phụ lão đều thương khóc.

Hậu Chủ lúc chưa mất nước sinh hoạt rất hào hoa nên từ cũng rất uỷ mị hoan lạc. Sau khi mất nước, bị đưa về nhà Tống, ngày ngày rửa mặt bằng nước mắt. Từ của ông lúc đó cũng rất thê thảm bi ai, đúng là vong quốc chi âm.

Nguồn: Thi Viện



SƠN MÀI THÀNH LỄ, QUÁ KHỨ VÀNG SON

Tác phẩm “Deer”, sáng tác 1950, sơn mài 4 tấm, xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Hong Kong với giá 279.400 HKD.

Trong một dịp tình cờ, chúng tôi xem được một trang trong bộ lịch in màu năm 1962 mang tên “Công nghệ Việt Nam” do một cơ quan nước ngoài bỏ vốn ra in. Tờ tháng Hai in hình nữ ca sĩ Kim Chi bên cạnh một chiếc chén, dĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng do nhà Thành Lễ sản xuất. Lòng tô và đĩa màu vàng nhũ. Họa tiết cành trúc đơn giản nhưng sang trọng trên nền trứng cẩn trắng ngà rất hài hòa. Những sản phẩm mỹ nghệ cách nay hơn nửa thế kỷ thật tinh tế và không thua kém bất cứ sản phẩm mỹ nghệ cao cấp hiện nay.

Đó là một sản phẩm nhỏ tiêu biểu của hãng Thành Lễ, một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ cao cấp khét tiếng của miền Nam trong suốt hơn 30 năm trước 1975. Đây chính là công ty thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ trang trí nội thất, được bày bán ở hai con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc đó là Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Hàn Thuyên. Tên tuổi của công ty vượt ra khỏi biên giới nước Việt thời chia cắt.

Theo Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số tháng 10 năm 1972 xuất bản tại Sài Gòn, đến thời điểm đó, hãng Thành Lễ đã có những thành tích như sau: Huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Munich 1964 – Huy chương Bạc do Bộ Kinh tế (Nam Việt Nam) trao năm 1968 – Bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969 – Huy chương và Bằng cấp Danh dự Hội chợ Paris 1970 – Huy chương vàng Hội chợ Kỹ nông công thương Sài Gòn 1970.

Bản vẽ mẫu sơn mài của họa sĩ Thái Văn Ngôn.

Quảng cáo trên báo cho hãng Thanh và Lễ của hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ khi chưa tách ra thành hai hãng

Chân dung ông Nguyễn Thành Lễ

Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền. Ảnh: Đức Trí

Một mẫu phổ biến của sơn mài Thành Lễ

Ngoài ra, sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956) và Hoa Kỳ (1959).

Đến nay, Việt kiều các nước, nhất là từ Pháp và những người thích nghệ thuật trong nước vẫn tìm mua các sản phẩm của Thành Lễ. Họ trưng bày trong nhà như để tìm lại một không khí êm đềm và thịnh vượng của đô thị Sài Gòn trước đây. Dân trung lưu trở lên của Sài Gòn và các tỉnh lỵ mua được bức tranh sơn mài Thành Lễ, đôn voi, bình gốm Thành Lễ hay thảm len Thành Lễ đã cảm thấy đủ để tạo nên vẻ sang trọng của ngôi biệt thự hay căn phố của mình.

Tuy nhiên, nói riêng về tranh sơn mài mỹ nghệ là sản phẩm chủ lực của Thành Lễ, cần phân biệt có hai loại. Một loại bán rộng rãi trong showroom với logo có chữ Thành Lễ và loại kia là tranh cao cấp, làm theo Hợp đồng đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Theo họa sĩ Phạm Cung (có thời gian phụ giúp họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ chính tạo mẫu tranh cho hãng Thành Lễ) loại tranh cao cấp được xác định bằng một logo vẽ phía sau tranh có hình con rồng, phía dưới là chữ Thành Lễ nằm vắt ngang và dát bằng vàng 4 carat. Các giải thưởng nói trên thuộc về loại tranh cao cấp này.

Một chiều cuối năm 2008, chúng tôi may mắn gặp lại lão họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền, thường gọi là bác Ba Tuyền tại Bình Dương, quê hương của công ty Thành Lễ. Sinh năm 1924, có lẽ bác là họa sĩ hiếm hoi làm việc lâu nhất cho Thành Lễ (từ 1943 đến năm 1975) còn sống. Những họa sĩ cùng làm việc cho công ty là ông Hai Sù, Châu Văn Trí, Ba Ai, Bảy Dậy, Năm Châu (điêu khắc), Nguyễn Tấn Tam, Nguyễn Văn Tám, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm, Trần Văn Nam, Trần Văn Sáu (sáng tác mẫu sơn mài), Ngô Từ Sâm (vẽ lụa), Văn Thọat, Lương Định Tánh (vẽ bàn ghế), các nghệ nhân Bảy Giáp, Sáu Miền, Hai Long (cẩn ốc), Sáu Sa (vẽ men gốm)… hầu hết đã quy tiên.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Vật dụng sơn mài Thành Lễ trong bộ lịch “Công nghệ Việt Nam” năm 1962.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Theo bác Ba Tuyền, tiền thân của Thành Lễ là xưởng “Thanh & Lễ” do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ hợp tác sáng lập năm 1940. Đến đầu những năm 60, ông Nguyễn Thành Lễ tách ra riêng, lập nên xưởng Thành Lễ. Từ đó, bắt đầu một quá trình sản xuất và kinh doanh đủ tạo dựng một tên tuổi không phai mờ.

Bác Tuyền nhớ họa sĩ Thành Lễ sinh năm 1919 tại Long Xuyên, học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940 (có tài liệu cho là năm 1938), trước bác Tuyền hai khóa. Khi tách ra, xưởng sơn mài Thành Lễ đặt tại Bình Dương có 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân vẽ kiểu, 20 người mộc, 60 người chuyên về sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Xưởng sản xuất Thành Lễ được xây dựng khá quy mô ở Bình Dương.

Bên cạnh xưởng chế tác là phòng trưng bày được trang trí rất đẹp. Ở đây trưng bày đa dạng sản phẩm từ các bức bình phong lớn, đề tài phong phú từ đề tài lịch sử như Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán, trận Đống Đa, Bạch Đằng Giang, các tích Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, cảnh đẹp Việt Nam như sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Tháp Chàm, cảnh sinh hoạt nông thôn và hình ảnh người nông dân, hình ảnh hoa lá chim muông… Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác như vật dụng gia đình phủ sơn mài mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, bàn ghế, tủ và các món đồ trang trí khác.

Các sản phẩm Thành Lễ và nhân viên ở cửa hàng.

Bức bình phong sơn mài của hãng Thành Lễ in trong cuốn sách Vietnam, where East & West meet. Tác giả: Do Van Minh-Edizione Quattro Venti, Rome xuất bản 1962
.
Trong xưởng sơn mài của hãng Thành Lễ. Người dưới mũi tên là họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ tạo mẫu nổi tiếng của hãng. Ảnh: Gia đình họa sĩ Duy Liêm.

Thái tử Sihanouk, vương quốc Cambodia thăm Công ty Thành Lễ vào đầu thập niên 1960 và xem họa sĩ Ba Tuyền vẽ tranh sơn mài. Góc trái là họa sĩ Lưu Đình Khải, hiệu trưởng trường Mỹ thuật Gia Định.

Logo công ty.

Năm 1962, Thành Lễ mở xưởng dệt thảm len và sát nhập các cơ sở thành xưởng sơn mài – lò gốm – thảm len Thành Lễ. Từ vài chục công nhân ban đầu, sau xưởng có đến 500 công nhân làm việc. Bác Tuyền cho biết từ thời đó, Thành Lễ đã tổ chức kinh doanh và tiếp thị rất có bài bản. Ông Thành Lễ giỏi tổ chức, có tài năng chuyên môn và biết thu hút nhiều người giỏi từ các nôi như trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ nghệ Biên Hòa và Mỹ nghệ Bình Dương. Các họa sĩ dưới trướng ông có nhiều người giỏi, từng đoạt các giải thưởng hội họa uy tín. Xưởng Thành Lễ đã sáng tạo nhiều mẫu đẹp, giàu giá trị nghệ thuật. Nhiều mẫu mã chỉ dùng một lần cho một tác phẩm nên giá trị nghệ thuật cao và là sản phẩm độc bản.

Theo các tài liệu, ông Thành Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập khuôn, luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng tạo cho tới khi đạt tới giá trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Bù lại, ông có chế độ lương và thưởng cao nên các họa sĩ làm cho ông sống thoải mái bằng đồng lương. Riêng môt mình họa sĩ Ba Tuyền trong suốt hơn ba mươi năm đi làm có thể ung dung nuôi bảy người thân gồm cha mẹ, vợ và bốn người con đang ăn học.

Ông Thành Lễ thường đi nước ngoài nghiên cứu sưu tầm mẫu mã đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng châu Âu. Trong quá trình định hướng phát triển, ông tập trung sản xuất tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phối hợp các nghệ thuật nắn tượng, trang trí, hội họa, điêu khắc. Màu sắc sản phẩm chú trọng giá trị thẩm mỹ, trang nhã và đẹp, nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt đến giá trị nghệ thuật cao.

THÀNH LỄ – Suối tóc. Sơn mài. 95x56cm. Sưu tập Phạm Hoàng Việt

Thành Lễ – Bên dòng Cửu Long. Khoảng 1950. Sơn mài. 61x126cm. Sưu tập Ngô Kim Khôi

TRƯƠNG VĂN THANH – Chùa Thầy. Khoảng 1950. Sơn mài. 50x80cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Nhờ tham gia nhiều hội chợ quốc tế và liên tục đọat giải, sản phẩm của ông tạo tiếng vang tốt. Dù vậy, ông không chạy theo lợi nhuận mà luôn đề cao chất lượng. Ở mặt hàng sơn mài chủ lực, ông dùng nguyên liệu tốt nhất như ván ép En Kounmé nhập ngoại, ván gỗ Teak (Giá tị) hoặc Gõ đỏ, Bời lời. Trong sơn mài, nguyên liệu chính là sơn Nam Vang có độ bóng và màu sắc có vẻ đẹp riêng.

Sản phẩm trưng bày tại hội chợ quốc tế nếu được đặt mua, ông không vội giao hàng mà đợi đến sáu tháng sau khi xuất xưởng mới giao, sau khi theo dõi chất lượng tranh hay món đồ có bị biến dạng bởi thời tiết của xứ người không. Nói chung, ông không coi trọng sản luợng mà chỉ quan tâm đến chất lượng, không hề khoán sản phẩm để đạt năng suất cao mà chỉ coi trọng sản phẩm đủ đẹp hay chưa. Có lẽ do vậy, sản phẩm ở đây luôn cao giá hơn cơ sở khác nhưng vẫn đắt khách.

Cũng theo bài báo trên tờ Nguyệt san Quản trị xí nghiệp, không tính đến doanh thu trong nước, đến năm 1972 Thành Lễ xuất cảng mỗi năm với doanh số 100.000 Mỹ kim, là con số đáng kể thời bấy giờ (giá một lượng vàng lúc đó là 200 USD), sản phẩm chủ yếu xuất qua Pháp và Tây Đức. Lúc đó, sản phẩm của Công ty giá vẫn cao hơn hàng cùng loại của Nhật hay Đài Loan vì chất lượng cao, hoàn toàn làm thủ công và dùng nguyên liệu tốt nhất từ nước ngoài. Tiềm năng xuất cảng rất tốt nhưng ông Thành Lễ phải từ chối nhiều đơn hàng vì vấn đề quan trọng nhất là thiếu nhân công do tình trạng bắt lính thời gian đó. Tuy vậy, ông đã hướng tới việc mở thị trường sang Hoa Kỳ, xây dựng xưởng tại khu công nghiệp Biên Hòa với 2000 nhân viên. Kế hoạch này bị đình trệ từ Tết Mậu Thân và đã không thành vì Thành Lễ ngừng hoạt động từ năm 1975.

Những công trình sang trọng nhất của Sài Gòn trước 1975 đều đặt tác phẩm Thành Lễ như phòng ăn dinh Gia Long với tranh sơn mài, khách sạn Caravelle cũng có tranh Thành Lễ. Theo trí nhớ của bác Ba Tuyền, năm 1966, dinh Độc Lập được khánh thành ngoài sự hiện diện của hai bức tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn là người của Thành Lễ, còn có một tấm Thảm len của xưởng Thành Lễ dài 40 mét phải hơn 40 người khiêng, khi đưa đến phải dùng xe rờ moọc dài mới tải nổi. Khách sạn nổi tiếng Majestic cũng đặt một bức cửa lùa chạm thủng mang tên “Đám cưới xưa”. Ngoài ra, nhiều khách quốc tế khi đến Sài Gòn đã được giới thiêu đến tham quan xưởng Thành Lễ. Bác Ba Tuyền còn giữ tấm ảnh thái tử Xihanúc (Campuchia) thăm xưởng và đăt hàng vào những năm 60, như một kỷ niệm quãng đời làm việc.

Theo họa sĩ Phạm Cung, làm việc tạo mẫu tại công ty Thành Lễ trước kia, có lần khoảng đầu thập niên 1960 bên Nhật đặt tới ba ngàn bức tranh sơn mài các kích cỡ về Phan Bội Châu, người phát động phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20. Làm xong một số lượng tranh rồi, họa sĩ Phạm Cung tìm được bức ảnh cụ Phan đang chống gậy trong thời kỳ “Ông già Bến Ngự” cuối đời ở Huế. Bức tranh đựợc làm thử một tấm và khi phía Nhật thấy được, họ quyết định thay đổi mẫu mã cũ, làm tiếp số tranh còn lại từ mẫu này. Ông Cung nhớ lại, tranh làm hoàn hoàn bằng gỗ dầu chứ không bằng ván ép như thông thường, khổ lớn nhất là 80x120cm. Qua đó, chúng ta hình dung được vai trò của cụ Phan trong tâm thức của người Nhật.

Brochure công ty bằng tiếng Pháp.

Bình hoa gốm và tượng sơn mài Thành Lễ trang trí trong nhà ông Trần Công Vàng ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Đức Trí

Catagoge

Sau 1975, ông Thành Lễ cùng gia đình sang sống ở Pháp, đất nước đã kết nạp ông vào Hội Mỹ thuật quốc gia. Trong một bài viết trên trang mạng Hồn quê, tác giả Bích Xuân cho biết “Tác phẩm sơn mài Thành Lễ đựợc treo tại những dinh thự như Tư dinh Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santé) tại Thụy Sỹ…”

Hơn ba mươi năm trôi qua, dù được khẳng định giá trị trong suốt hơn nửa thế kỷ, tên tuổi Thành Lễ dường như vẫn chưa vượt qua được cái nhìn coi nhẹ hàng mỹ nghệ dù cho nó đạt tới mức nghệ thuật nào. Năm 1960, Sài Gòn tổ chức Cuộc triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ nhất, bên cạnh tác phẩm của các tên tuổi nổi tiếng thì tác phẩm sơn mài của Công ty Thành Lễ cũng được mời trưng bày và sau đó, có ngay bài phê bình trên tạp chí Bách Khoa số 141 ra ngày 15 tháng 1 năm 1962. Tác giả cho rằng tác phẩm sơn mài Thành Lễ lạc lõng, “có lẽ nên dành cho những cuộc triển lãm riêng về đồ tiểu công nghệ”. Không thấy nêu lý do.

Năm 2009, trong cuốn Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam Hiện đại tổng kết quá trình mấy chục năm theo dõi mỹ thuật miền Nam trước và sau 1975, khi nói về nghệ thuật sơn mài Việt Nam, sau khi nêu thành tựu của các họa sĩ trẻ của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đưa sơn ta vào hội họa, nâng cao vai trò một chất liệu quý trước đây chỉ dừng ngang mức mỹ nghệ lên vị trí đáng nể trong đời sống mỹ thuật trong và ngoài nước ở giai đoạn 1930-1932, tác giả Huỳnh Hữu Ủy viết: “Vài người gốc miền Nam tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Hà Nội như họa sĩ Nguyễn Văn Long đã mang về phổ biến những kết quả mới này ở trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một…

… Ngành sơn mài phát triển rộng, nhân dân thị xã Thủ Dầu Một và các vùng lân cận hầu hết chuyên sống bằng nghề sơn mài. Từ những hàng mỹ nghệ gia dụng nhỏ đã phát triển ngày càng lớn hơn, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao như tủ, bàn, bình phong các loại tranh trang trí gây được sự hấp dẫn ở nhiều nơi, xuất khẩu qua các nước Tây Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ… chiếm được nhiều Huy chương vàng tại hội chợ quốc tế.

Thành công khá lớn của xưởng Mỹ nghệ Thành Lễ trước đây là một chứng cứ điển hình, tuy nằm ngay tại trung tâm Sài Gòn nhưng thực chất là đăt căn cứ trên vùng Thủ Dầu Một, các mặt hàng hầu hết đều do nghệ sĩ sơn mài của trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một đảm trách, hoặc nếu không thì cũng là những người thợ có ít nhiều có liên hệ hay nằm trong ảnh hưởng của trường này.

Với đà phát triển đó, thế hệ những nghệ sĩ sơn mài mới, tài hoa, đam mê, năng nổ, đã đưa nghệ thuật sơn mài đến những vinh quang cao nhất của một phong cách nghệ thuật riêng, rất bí ẩn, kỳ diệu, sâu thẳm, tưởng là phi hiện thực nhưng lại hoàn toàn gần gũi với đời sống con người, phản ánh hiện thực với quy luật chắt lọc tinh túy riêng của nó”.

Đó là sự khẳng định giá trị của sơn mài mỹ nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật mà Thành Lễ là cánh chim đầu đàn. Tuy vậy, hầu như đến bây giờ có rất ít tài liệu, bộ phim, triển lãm trong nước chính thức ghi nhận về giá trị mỹ thuật hay tài năng kinh doanh của Thành Lễ, một thương hiệu có tầm vóc vượt ra khỏi biên giới một đất nước đang trong thời chiến tranh.

Dù sao, trong lòng những người yêu nghệ thuật miền Nam, tên tuổi Thành Lễ vẫn còn vang vọng như một hoài niệm, một quá khứ vàng son. Và chắc chắn, một tình cảm trân trọng giữ gìn dành cho dòng đồ của một xưởng mỹ thuật danh tiếng đã quá vãng này vẫn âm thầm tồn tại.

Phạm Công Luận
(trích trong cuốn Sài Gòn – chuyện đời của phố tập I. Công ty văn hóa Phương Nam xuất bản 2014)