Tuesday, January 17, 2017

BI - TRÍ - DŨNG

Dạo nọ, con gái nói với ba “Cơ quan con có một anh vẫn hay đọc bài của ba bàn về chữ nghĩa trên blog. Anh ấy ở Sài Gòn nhưng quê trên Tây Ninh. Trong nhà ông bà nội có treo bức hoành phi chữ Hán mà có lần anh nghe ông nội đọc là BI -TRÍ - DŨNG. Anh ấy chưa có dịp về Tây Ninh để chụp lại hình, nay muốn nhờ ba giải thich cho BI - TRÍ - Dũng nghĩa là gì. Thế sao con không bảo anh ấy hỏi luôn ông nội? Dạ, ông nội anh ấy mất khi anh mới học lớp 2, bà nội thì chữ quốc ngữ còn chưa rành… Ba anh ấy đi bộ đội và đã nằm trong nghĩa trang liệt sĩ.
Dưới đây là bài viết Bu gửi cho người hỏi …


BI - TRÍ - DŨNG.

1- BI TRÍ DŨNG là ba từ Hán Việt, muốn giải thích được nghĩa của chúng thì phải nhìn thấy mặt chữ, vì người Hán có khoảng:
–7 chữ Bi: . 埤,悲,碑,羆,邳,襬,陂.
–7 chữ Trí: 遲,致,置,緻,智,躓,知.
– 11 chữ Dũng: 俑,踊,蛹,甬,涌,桶,慂,勇,踴,傭,臾.
2- Phải chọn ba chữ BI -TRÍ - DŨNG nào trong số các chữ trên cho có nghĩa với một bức hoành phi trong gia đình người Việt. Rõ ràng không thể chọn chữ bi 羆với nghĩa một giống gấu to, lông vàng phớt, cổ dài. Không thể chọn chữ trí 致 với nghĩa suy nhược đến cùng cực. Cũng như không thể chọn chữ dũng 蛹 với nghĩa con nhộng.
3- Sau khi cân nhắc bu tui chọn ra ba chữ sau:

悲 智 勇
BI TRÍ DŨNG
悲 ( BI ): Đau, khóc không có nước mắt, thương xót.
Nhà Phật không chỉ xót thương giống hữu tình mà cả với giống vô tình như cây cỏ, loài vật.
智 (TRÍ): Hiểu thấu sự lý, nhiều mưu kế, tài khéo léo.
勇 (DŨNG): Mạnh mẽ, gan góc hơn người
4- Với nghĩa BI - TRÍ - DŨNG như đã chọn thì ai cũng có thể hiểu nội dung bức hoành là lời răn dạy người đời phải biết yêu thương đồng loại, thông minh tài trí, và dũng cảm ngoan cường.
Tuy nhiên, trong hành trình văn hóa Việt có hiện tượng tam giáo đồng nguyên tức là Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo tương tác và cùng tồn tại. Chưa rõ tác giả bức hoành phi thiên về khuynh hướng nào trong tam giáo trên. Dưới đây bu tui thử phân tích để để tạm rút ra kết luận.
4.1 Tư tưởng Lão giáo?
Toàn bộ Lão giáo thể hiện trong bộ sách “Đạo đức kinh” gồm 5000 từ do Lão tử khởi thảo. Trong học thuyết “vô vi nhi trị” (trị bằng cách không làm gì cả). Lão tử có đề cập đến nội dung BI - TRÍ - DŨNG theo một cách riêng của mình chứ không có một chương mục nào viết về ba chữ đó:
– Lão tử thể hiện lòng BI, xót thương người dân nghèo khổ và khiển trách nhà cầm quyền “Dân chi cơ, kỳ thượng thực thuế chi đa thị dĩ cơ (Sở dĩ dân chúng đói khổ là bởi vì người cầm chính quyền biếm đoạt thu thuế quá nhiều, do đó dân chúng mới sa vào cảnh đói khổ)
– Về chữ TRÍ ông quan niệm khác thường “Trí tuệ xuất, hữu đại nguỵ” (thông minh khôn khéo xuất hiện mới có thể sản sinh ra sự giả dối hư hỏng nghiêm trọng), hoặc “tuyệt thánh trí khí, dân lợi bách bội” (vứt bỏ sự thông minh khôn khéo, nhân dân có thể giành được lợi ích gấp trăm lần). Có lẽ ông phản đối cái trí của những kẻ bất lương, chớ không phản đối trí giúp ích cho người đời. Vô vi ( không làm gì), ý ông là không làm những gì trái quy luật, trái đạo lý, chớ không phải vô vi là khoanh tay ngồi yên.
– Về chữ DŨNG Lão Tử cho rằng “Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên hạ khê” (Hiểu sâu sắc thế nào là hùng cường rắn chắc thì sẽ yên tâm với địa vị nhu mì khiêm nhường, cam tâm làm khe suối của thiên hạ), hoặc “Dũng ư cảm tắc sát, Dũng ư bất cảm tắc hoạt” (Dũng cảm với dáng vẻ kiên cường thì sẽ chết, dũng cảm với vẻ nhu nhược thì có thể sống). Ý ông, tuy dũng nhưng phải mềm mỏng khéo léo, một cách nói khác của lấy nhu thắng cương.
4.2 Tư tưởng Phật giáo?
Một trong những điều cốt yếu của của Phật giáo là thuyết “tứ diệu đế” (4 luận đề ) trong đó diệu đề thứ nhất nói đời là khổ. Giải thoát khỏi khổ thì con người không còn luẩn quẩn trong sinh lão bệnh tử nữa.
– BI: Với nhà Phật là lòng thương xót, thông cảm với chúng sinh hữu tình và những loài vô tình như cỏ cây, động vật. BI là một trong bốn phạm trú (khác trù) TỪ, BI, HỈ, XẢ. Quán Thế âm Bồ tát là hiện thân của lòng BI và vì vậy ngài cũng mang danh hiệu ĐẠI BI.
– TRÍ: Các Luận sư Phật giáo phân ra hai loại TRÍ. Loại 1, TRÍ là hiểu biết, một thứ hiểu biết bị giới hạn trong các hiện tượng và mối liên hệ của chúng trong các quy luật, TRÍ là một phần của TRÍ HUỆ. Loại 2 là TRÍ HUỆ - một thứ trí xuất thế đưa đến bờ giác.
– DŨNG: Đạo phật chủ trương bất bạo động, luôn khuyến cáo chúng sinh tu tập để giải thoát nên không bàn đễn chữ Dũng 勇 .Thực ra, kinh Pháp Hoa có nói đến DŨNG trong câu : Nhĩ thì Xá Lợi Phất dũng dược hoan hỉ, tức khởi, hợp chưởng (爾時舍利 弗 踴 躍 歡 喜, 即 起, 合掌) nghĩa là: Lúc ấy tôn giả Xá Lợi Phất vui mừng hăng hái, liền đứng dậy, chắp tay. DŨNG (踴) trong câu này DŨNG bộ túc, nghĩa là hăng hái, khác với DŨNG 勇 bộ lực là mạnh mẽ, dũng cảm.
4.3 Tư tưởng Nho giáo?
Khổng tử là người khởi xướng Nho giáo. Về chính trị, Nho giáo đề cao thuyết chính danh, về luân lý Nho giáo đề cao ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Sách Luận ngữ - Thánh kinh của nhà nho - không có chương mục nào bàn riêng về BI - TRÍ - DŨNG, nhưng ý nghĩa của ba chữ này vẫn thấp thoáng trong các lời bàn của Khổng tử với các ông vua, lời dạy của ông với học trò, hoặc lời trao đổi giữa các môn sinh với nhau. Chữ Nhân được nho giáo đặt lên hàng đầu và khi đã Nhân thì trong đó có BI và Dũng. Ở chương Lý Nhân, Khổng tử nói “Duy nhân giả năng háo nhơn, năng ố nhơn” (Duy có bực nhân từ mới biết thương người và ghét người một cách chánh đáng mà thôi. Chữ TRÍ cũng có trong nhân qua câu nói của Khổng tử “Lý nhân vi mỹ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí” (Xóm nhỏ có nhân hậu là xóm tốt. Người nào chọn chỗ ở mà chẳng ở xóm có nhân hậu thì sao gọi là người trí cho được).
5- Như vậy BI - TRÍ - DŨNG trong bức hoành phi của nhà bạn là sự kết hợp của tư tưởng Phật giáo và Nho giáo nhằm răn dạy người đời. Đã là con người thì phải biết thương xót đồng loại, bảo vệ môi trường sống trong đó có động vật hoang dã, học tập rèn luyện trí tuệ, dũng cảm chống lại cái xấu, cái ác, trong đó có kẻ thù xâm lược chủ quyền quốc gia.
BULUKHIN NGUYỄN (19/09/2015)

No comments: