Saturday, January 21, 2017

NGOẠN THẠCH (玩石)

Tôi đã đi qua nhiều thành phố ở Trung Quốc, đến những nơi này người dẫn đoàn thường đưa chúng tôi vào thăm chùa chiền, công viên, cảnh quan, viện bảo tàng,...Thường khi vào công viên hay những cảnh điểm nổi tiếng..., cái thường thấy nhất là hoa lá, cây cỏ và đá. Những tảng đá có hình thù kỳ lạ, lớn có nhỏ có, có khi được khắc chữ trên nó...rồi khi ra về là quên hết. 


Có một tảng đá ong đầy lỗ thật lớn ấn tượng cho đến bây giờ vẫn còn nhớ đến nó là tảng đá có cái tên là Ngọc Linh Long (The Exquisite Jade Rock 玉玲珑), được đặt trong Dự Viên (Yu Garden, 豫園, yuyuan) ở Thượng Hải. Lần đó theo người dẫn đoàn cho biết đây là một tảng đá làm của hồi môn khi con trai của vị đai quan chủ Dự Viên cưới vợ, nó có xuất xứ từ Vô Tích, cao 3.3m và nặng hơn 5 tấn (được cho là đã được vớt lên sau khi con thuyền vận chuyển nó đến Bắc Kinh cho Tử Cấm Thành bị đắm gần Thượng Hải). Đặc điễm của tảng đá là khi đổ nước vào cái lỗ cao nhất trên cùng, toàn cục đá sẽ phun ra những tia nước cho nên được đánh giá là rất quý hiếm.


Hôm nay đọc được một bài viết mới biết người ta đã lâu chơi đá như là một nghệ thuật và có phong cách riêng của nó. Một nghệ thuật có bài bản lâu đời, đầy nghiên cứu và sáng tạo. Mời các bạn cùng đọc. (LKH)

Tản mạn cùng thú chơi đá: Ngoạn Thạch (玩石)

Trong văn chương Việt có hai danh sĩ tỏ lòng ngưỡng mộ sự vật gây ấn tượng lớn là cụ Cao Bá Quát từng cúi đầu bái lạy trước vẻ đẹp của hoa Mai (Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa) và cụ Phan Bội Châu với bài phú Bái Thạch vi Huynh (Thạch vất năng ngôn tín khả nhân).

Về hoa - Sắc hương và chủng loại đa dạng, quyến rũ và làm rung cảm lòng người là lẽ tự nhiên. Còn đá? Ta không luận bàn về tâm trạng, tư tưởng cụ Phan khi lạy đá làm anh mà nhìn theo hướng khác. Có gì trong vẻ sần sùi, rắn chắc trơ trụi ấy làm mềm lòng kẻ sĩ?


Đất nước phát triển, kinh tế phồn vinh, nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật ngày càng cao. Những năm gần đây tại Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng rộ lên phong trào chơi đá cảnh.

Thoạt đầu đá chỉ là một loại phụ liệu cho các bồn cảnh, tiểu cảnh, về sau được kết hợp với các bộ môn khác trở thành những dạng thức văn - hóa phong phú như Thạch Thư (Viết chữ và đề thơ trên đá) của Hồ Công Khanh, Phạm Tấn Dũng, Đồng Ngộ v.v... Thạch Ảnh (in hình ảnh người, vật, cây cỏ trên đá) của Lê Nguyên Vỹ.

Nhưng những người nầy chỉ mới thể hiện được vẻ đẹp trên bề mặt của đá, còn cái thần vận nội hàm ẩn tàng trong đá thì chưa.

Thú chơi đá (Ngoạn Thạch) là thứ thưởng ngoạn nghệ thuật được ghi chép trong thư tịch cổ ở Trung Quốc khoảng 2000 năm trước công nguyên.


Vào đời Tống một kỳ nhân tên là Mễ Phí tác giả sách Thạch Tướng Pháp đã đưa ra bốn chuẩn gọi là thứ tự quyết cho thú chơi nầy đó là: - SẤU - THUÂN - LẬU - THẤU.

SẤU: gầy, dáng vẻ gầy guộc, góc cạnh nhiều đường ngang dọc ứng biến cùng nhau tạo sự sinh động trong cảm nhận.

THUÂN: Đá nổi hằn gân sớ nhăn nheo nhiều vết xói mòn do mưa nắng, nứt nẻ do nóng lạnh biểu lộ tính cổ lão già nua.

LẬU: lồi lõm không đều, nhiều lỗ cạn sâu tạo cảm nhận ẩn tàng trong chiều sâu tâm cảm.

THẤU: (Triệt không) Nhiều lổ hang thủng xuyên từ mặt này qua mặt kia của đá tạo khoảng không hun hút mênh mông trong tâm tình.

Sau thứ tự quyết do Mễ Phí đưa ra thì Tô Đông Pha (cũng thuộc đời Tống )có đưa thêm một chuẩn nữa gọi là: SỬU

SỬU: Xú, có nghĩa là xấu xí đá hình dạng cổ quái xấu xí, lựa chọn nầy cho thấy trong cái xấu to lớn của đá ẩn tàng nhiều cái đẹp, chi tiết phong phú là kết quả tự tầm nhìn.

Điều cốt lõi của thú chơi đá là tuyệt đối tôn trọng tính tự nhiên của đá, cắt tỉa, mài dũa, đẽo gọt là biến đá thành sản phẩm nhân tạo, đánh mất nhiên tính đá không còn giá trị.

Về màu sắc:

Kết tầng đa dạng và phân bố khu vực khác nhau nên đá có nhiều màu sắc khác nhau dù cùng chủng loại, qua các tác phẩm, sản phẩm thường thấy của thú chơi nầy tại Quảng Nam và Đà Nẵng ta có thể phân được nhiều thứ, nhiều màu như sau:

- Đá kính: Màu trắng, tím, hồng, vàng có nhiều ở Hòa Bắc Hòa Vang Đà Nẵng, Tịnh Giang Sơn Tịnh Quảng Ngãi
- Đá trắng: đá hoa Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, đá hoa cương núi Sập An Giang, đá vôi Lạng Sơn.
- Đá vàng: Đá mỡ gà (vàng nhạt) đá sáp (vàng sẫm) ở Thanh Hóa.
- Đá nâu: Đá Hòa Sơn Hòa Minh Đà Nẵng, đá nước Duy Trung Duy Xuyên Quảng Nam.
- Đá xanh: Đá Biên Hòa, đá Phước Sơn Quảng Nam.
- Đá đỏ: Màu máu gà, gan gà, loại nầy tương đối hiếm.

Nghệ nhân Hồ Công Khanh 
Về hình dáng:

Chưa kể đến màu sắc, việc đầu tiên của người chơi đá là chọn đá căn cứ theo hình dạng của đá. Có 6 dạng thức tổng quát cho việc lựa chọn này:

1- CÔ THUÂN THẠCH: đá gầy guộc nhăn nheo
2- THẦN LẬU THẠCH: đá nhiều lỗ hang, lồi lõm
3- TƯỢNG HÌNH THẠCH: đá có hình nhân vật, con vật, đồ vật
4- VIÊN HƯỢC THẠCH: đá tròn lẳn
5- THANH TÚ THẠCH: đá có vân sớ nổi rõ, mạch lạc, màu sắc nhu hòa
6- QUÁI THẠCH: đá có hình dạng xấu xí, kỳ quái

Chơi đá là một kỳ thú, ngoài lòng đam mê cần có mắt nhìn và cảm nhận tốt, người chơi còn phải có tính quyết đoán để có cơ hội sở hữu một viên đá vừa ý. Thú chơi nầy đang thịnh hành và thu lại lợi nhuận kinh tế cao.
Nếu quan niệm triết lý là đường vân trong kẻ đá, mạch nước ngầm dưới đất, nhựa sống trong thân cây, thì nhìn ngắm và phát hiện vẻ đẹp ẩn tàng trong đá từ lổ sâu hun hút thủng xuyên mặt đá tương cảm với thẳm sâu nội tại, hang lổ thài lài, lồi lõm, gân sớ gầy guộc nhăn nheo làm liên tưởng biết bao triết lý đời người...


Trong sự cuồng quay của đời sống cơ chế thị trường, có giờ phút ngồi lại an nhiên, tự tại trước một thế giới đá ẩn tàng biết bao triết lý đời người để quân bình sinh hoạt tinh thần.

Làm bạn cùng đá, cũng nên đấy chứ!

Phạm Nguyên Hưng
Theo: Tạp chí Non Nước


No comments: