Sunday, April 30, 2017

TẠI SAO CÁC CON SÔNG ĐỀU UỐN KHÚC?

Cứ mỗi lần đi ra bờ sông hóng mát, mình thấy con sông thẳng tắp. Hồi đó ra bến Ninh Kiều nhìn khúc rẽ nhánh từ sông Hậu chảy vào Cái Răng, khúc sông cũng thẳng, qua bắc Cần Thơ, đứng trên bắc giữa sông Hậu mà nhìn con sông cũng thẳng chỉ vì mình chỉ thấy một đoạn ngắn của con sông. Đứng trên vùng cao nhìn xuống, con sông nào cũng ngoằn ngoèo, trừ khi là con kinh đào nhân tạo mới có thể nói là thẳng được.
Có khi nào bạn tự hòi tại sao không? Cả một triết lý đó bạn:


TẠI SAO CÁC CON SÔNG ĐỀU UỐN KHÚC ?

Trong giờ học, một vị thiền sư chỉ vào một bản đồ và hỏi: “Các dòng sông trên hình ảnh này có đặc điểm gì?”. Các môn đồ trả lời: “Chúng luôn lượn vòng thay vì chảy theo một đường thẳng”.
Vị thiền sư lại tiếp tục hỏi: “Tại sao như vậy? Nói cách khác, tại sao những con sông này không đi thẳng mà cứ phải đi đường vòng?”.


Mọi người bắt đầu thảo luận: “Vì khi đi đường vòng, sông sẽ được kéo dài nên chứa được nhiều nước hơn. Hoặc nhờ thế mà khi lũ mùa hè kéo đến, nước sông sẽ không bị dâng quá cao và tràn ra ngoài”.
Một người khác lại nói: “Bởi vì con sông trải dài nên lưu lượng nước trên mỗi khúc sông tương đối thấp, áp lực dưới đáy sông cũng giảm đi. Điều này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ bờ sông,…”


“Tất cả mọi người nói đều đúng”, vị thiền sư nói, “còn bản thân tôi thì cho rằng sông không đi đường thẳng mà phải đi đường vòng, đơn giản chỉ vì đi đường vòng là chuyện bình thường, đi đường thẳng mới là chuyện khác thường. Bởi trên hành trình của mình, các con sông sẽ phải gặp nhiều và đa dạng trở ngại, có cái vượt qua được, có cái không. Nên con sông chỉ có thể đi vòng để tránh các chướng ngại. Mục đích cuối cùng là hòa vào biển khơi”.


Ông thiền sư đột nhiên trầm mặc hơn: “Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy. Khó khăn, trắc trở trong cuộc sống là chuyện bình thường. Không bi quan, tuyệt vọng, không thở dài, buồn phiền hay bỏ cuộc mới là thái độ sống đúng đắn. Như dòng sông kia không khuất phục trước gian nan, thử thách, luôn kiên trì tiến về phía trước, tiến về biển khơi bao la”.
Không có con đường dễ dàng trong mọi hành trình, gian nan và thử thách chính là thước đo ý nghĩa của điểm đến, chỉ cần kiên trì vượt qua, chúng ta sẽ đến được nơi cần phải đến.
Phương Quế – Theo Sound of Hope

CHUYỆN VỀ LOẠI THỰC VẬT MANG TÊN BÌNH BÁT

Phải nói ngay rằng trong đời sống người bình dân miền Tây Nam bộ có hai loài thực vật rất quen thuộc có cùng tên là bình bát.


Loại bình bát thân gỗ cao khoảng năm, ba thước tây. Lá đơn, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng. Vùng đất thấp ven sông, có nhiều phèn, cùng với khí hậu nóng ẩm là điều kiện để cây bình bát – một loại cây hoang mọc đầy, tạo nên một màu xanh ngát cả vùng.

Bình bát sống trên dưới chục năm. Cây bình bát thường được làm củi đốt. Người bình dân thường đốn bình bát về ngâm, bỏ lớp da ngoài, lấy lớp da trong làm dây bện thắt thành những chiếc võng đưa, vừa dai, vừa chắc. Bình bát trổ bông màu trắng, cánh hình trái tim. Bông cho qua non màu xanh, da sần sùi, đến khi bình bát chín trái ngả sang màu vàng tươi. Trái chín gặp cơn gió nhẹ là rụng xuống đất.

Ngày trước, người bình dân miền quê Tây Nam bộ sống chủ yếu bằng kinh tế tự túc tự cấp. Đặc trưng cơ bản của cuộc sống ấy đó là kiếm được gì ăn nấy. Trẻ con lâu lắm mới được vài miếng bánh hay vài viên kẹo mẹ đi chợ về mua cho. Còn lại, cứ mỗi sáng ngày các em chạy ra vườn, dọc theo bờ kênh, mé rạch lượm bình bát chín bẻ ra ăn ngay vừa ngọt vừa có mùi hôi hôi đặc biệt.


Người tha hương, có lúc bồi hồi nhớ tiếng võng kẽo kẹt với lời ru ngọt ngào của mẹ:

À … ơi! Xa quê vẫn nhớ quê nhà
Nhớ trái bình bát … à .. ơ … nhớ trái bình bát đậm đà ngọt ngon.

Cầu kì hơn thì đem những trái bình bát ấy về, dùng tay bẻ ra, gợt bỏ vỏ rồ bỏ vô ly dầm với đường, thêm ít viên nước đá là thứ giải khát tuyệt diệu lúc trưa hè. Có người làm sạch vỏ, ướp ít đường cát hay đường phèn trộn đều đợt đêm xuống phơi ngoài trời để hứng sướng. Sáng hôm sau được ly bình bát ngọt lịm và mát lạnh. Người ta cho rằng ăn như vậy sẽ chữa được bênh nhức đầu đông.


Do cùng họ với với mãng cầu xiêm, nên dân gian miền Tây còn sáng tạo bằng việc ghép chồi non của mãng càu vào bình bát. Sau đó thân mãng cầu sống trên gốc cây bình bát. Trái mãng cầu tháp cho nhiều nước, vị ngọt lẫn chua mềm, thơm và có vị ngon đặc trưng khác đi ít nhiều so với mãng cầu chính gốc của nó.

Bình bát chín rụng đầy, lượm ăn không hết thì cho cá ăn. Ở miền Tây Nam bộ có tập quán nuôi cá dồ cầu. Thời gian sau cá lớn, người ta chuyển từ hầm này sang hầm rọng để cá sạch mình và sẽ ăn dần. Đây chính là lúc người ta lượm những trái bình bát chín rụng về nuôi cá. Cá ăn bình bát vừa sạch, vừa béo, chừng nửa tháng sau lấy lưới kéo lên tả pín lù hay kho tương đều ngon miệng.


Loại thứ hai là bình bát dây. Dân gian ở miệt đất này hay ngâm nga rằng:

Chiều chiều bắt cá nấu canh
Sao mà ngon lạ lá bình bát dây.

Những buổi chiều hè, sau công việc đồng ruộng, người lao động miền Tây Nam bộ thường phải tất bật lo cho bữa cơm chiều. Bữa cơm nhà quê thường không thể thiếu món canh. Đây là món ăn rất đa dạng và phong phú. Nét độc đáo vừa lạ mà vừa quen trong số đó phải kể đến nồi canh đọt bình bát dây nấu với cá trê vàng hoặc tép bạc, tép trấu, …


Khác với cây bình bát, loài gỗ tạp cho trái màu vàng mọc ven các bờ kênh, mé rạch, bình bát dây là loại dây leo mọc hoang, bò phủ um tùm trên các tán cây lớn với lá xanh mướt. Lá bình bát dây mọc so le, hình trái tim, hoa màu trắng, có năm cánh. Trái bình bát dây lúc còn non có màu xanh giống như dưa leo, to bằng ngón tay cái, vị đắng, lúc chín có màu đỏ rực, vị trở nên ngọt. Con nít thường hay hái trái hoang này lúc chín vừa ăn vừa đùa nghịch, để rồi sau này dù tha phương vẫn luôn hoài niệm về ngày xưa ấy!


Người ta thường hái những chiếc lá bình bát dây xanh tươi kèm với những đọt non đem về để nấu canh. Cá trê vàng chạy lộp hay cắm câu còn tươi rói được đem đập cho chết rồi vùi vô tro bếp để làm sạch nhớt. Làm sạch râu, mang và bụng cá, để nguyên con hoặc khứa hai, ba tùy ý. Sau đó, thả cá vào nồi nước sôi nấu thêm vài dạo, hớt sạch bọt, nêm nếm cho vừa ăn. Cuối cùng cho lá bình bát vào. Nồi canh vừa sôi lại thì nhắc xuống, cho lên phía trên ít gừng xắt chỉ, nhuyễn. Hương vị đặc trưng này không thể thiếu trong nồi canh cá trê nấu lá bình bát dây. Vị nồng cay của gừng tăng thêm hương vị quyến rũ của món ăn.


Bên nồi cơm gạo mới nóng hổi, chan miếng canh bình bát dây húp mấy cái đã hết chén. Mồ hôi vả ra, bao miệt nhọc dường như tan biến.

Thịt cá trê vàng ươm chấm với nước mắm gừng, hoặc nước mắm ớt để lắng lòng nghe tiếng vọng của hồn quê dân dã.

Nấu tô canh nóng mời anh
Thủy chung vẫn vẹn mối tình thôn quê – Ca dao.


Út Tẻo



TÂY HỌC TIẾNG TA

Chuyện kể về một anh sinh viên người nước ngoài sang Việt Nam làm nghiên cưú sinh môn tiếng Việt.


Cuối đợt nghiên cứu trường ĐHQG Hà Nội tổ chức một kỳ thi gọi là khảo sát trình độ của từng nghiên cứu sinh. Đề văn ra như sau:

'Anh (chị) hãy giải thích câu ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.'

Đọc xong đề, anh chàng sinh viên khoái chí lắm vì nghĩ rằng không có gì là khó, nhất là khi anh có mang theo cả từ điển. Sau một hồi tra cứu chảy nước mắt, xem ra anh ta đã tường tận nhiều điều:

'Gió đưa (được) cành trúc' thì ắt hẳn phải là gió to, ý hẳn là có bão.

Với từ 'la' anh phân vân giữa hai cách hiểu:

+'la' là sự kết hợp giữ lừa và ngựa.

+'la' anh đoán rằng đề đã in sai, phải là lao mới đúng. Và anh đã chọn cách hiểu này.

'Đà' là thanh tà vẹt để tàu có thể chuyển động trên đó.

'Thiên mụ': đàn bà trời - ý hẳn là vợ trời.|

'Thọ': nhiều lần (lâu)

Và cuối cùng anh ta đã cho ra đời một sản phẩm bất hủ:


Trời nổi cơn bão lớn
Lao xuống tà vẹt đường
Vợ trời đánh một tiếng chuông
Canh gà húp vội, hóc xương mấy lần...


(Sưu tầm trên mạng)

NÚI BÀ ĐEN

Núi Bà Đen

Ngày xưa, núi Bà Đen có tên gọi là Núi Một. Trên đó có một tượng Phật bằng đá, rất linh thiêng. Dân chúng rủ nhau chặt cây lá dọn đường lên núi cúng Phật. Người lên núi thường phải đi từng đoàn, vì dọc đường có rất nhiều beo cọp. Có một người con gái tên là Lý Thị Thiên Hương, văn hay võ giỏi, gốc ở Trảng Bàng. Vào mỗi ngày rằm trăng sáng, cô hay lên núi lễ Phật. Trong làng, có chàng trai tên là Lê Sĩ Triệt để ý cô, đem lòng thương mến.

Vì thấy cô có nhan sắc, một ông quan nọ định dùng võ lực bắt cô đem về làm thiếp. Ông ra lệnh cho một thầy võ thi hành kế gian. Khi cô Lý bị thầy võ kia đánh bại, sắp gặp nạn, thì Lê Sĩ Triệt xông ra cứu thoát. Về nhà, cô thuật truyện lại, được cha mẹ đồng ý gả cô cho chàng trai cứu mạng. Vào lúc ấy, Võ Tánh đang chiêu binh giúp Gia Long đánh nhà Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt ra tòng quân. Một hôm, giữa lúc đang chờ chồng trở về đoàn tụ, cô đang cầu khẩn trên núi thì có một bọn cướp đến vây bắt. Cô chạy thoát vào rừng trốn, rồi mất tích luôn.

Linh Sơn Tiên Thạch Tự
Sang đời vua Minh Mạng, có một vị hoà thượng trụ trì trên núi Tây Ninh ngày kia đang niệm Phật, bỗng thấy một người con gái mặt đen nhưng xinh đẹp hiện ra nói văng vẳng: "Ta đây họ Lý, khi 18 tuổi bị rượt bắt nên té xuống hố chết. Nay ta đã đắc quả, xin Hòa Thượng xuống triền núi phía Đông Nam tìm thi hài ta mà chôn cất dùm". Vị hoà thượng này y lời, đi tìm xác cô, đem về chôn cất.

Điện thờ Linh Sơn thánh Mẫu
Câu chuyện đồn đãi ra tới tai Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt. Ông bèn lên núi tìm hiểu hư thực, và hứa dâng sớ về triều phong chức cho cô gái họ Lý này, nếu cô linh hiển cho ông thấy tận mắt sự thật. Cô bèn nhập vào xác một đứa con gái, nói rằng: "Hồn của thượng quan sau này sẽ được chức thần kỳ vinh hiển, nhưng xác của thượng quan sẽ bị hành hạ". Lê Văn Duyệt nói: "Bổn chức không cầu xin cho biết tương lai mình, mà chỉ muốn biết rõ căn nguyên của nàng". Xác cô gái rơi nước mắt, kể lại câu chuyện chết oan ức của mình, và nhắc lại duyên nợ tiền định với chàng Lê Sĩ Triệt.

Điện thờ Linh Sơn thánh Mẫu
Theo lời kể, sau khi Võ Tánh tự hoả thiêu ngày thành Bình Định thất thủ, Lê Sĩ Triệt được phong chức chỉ huy 2 tỉnh Khánh Hoà và Bình Thuận. Hai người vì chưa sống chung chạ nhau, nên được trường sinh bất tử. Nhờ vậy, nàng trở thành tiên thánh, xuống cõi trần thế để cứu nhân độ thế. Kể dứt lời, cô gái nọ té nhào, bất tỉnh hồi lâu mới dậy. Lê Văn Duyệt đã thay mặt vua, phong cho cô Lý Thị Thiên Hương chức vị "Linh Sơn Thánh Mẫu", ngự ở Núi Một, tức là núi Bà Đen ngày nay ở Tây Ninh. Núi Bà Đen nổi danh là một địa thế linh hiển, kỳ bí, nhiều phép lạ, khó ai giải thích được.

(Sưu tầm trên mạng)



Saturday, April 29, 2017

MỘT ĐÀN CÒ TRẮNG BAY QUANH



Ca Dao

Một đàn cò trắng bay quanh 
Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta 
Mình nhớ ta như cà nhớ muối 
Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng 
Mình về mình nhớ ta chăng 
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.

(Khuyết danh Việt Nam)


ĐƯỜNG VỀ CÕI MỘNG


“Cõi mộng” thường được xem như một triết lý thuần túy phương Đông. Trang Tử nói mộng, Lý Bạch nói mộng, kinh Phật thì bàng bạc cõi mộng:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán.
(Kinh Kim Cang)

一 切 有 爲 法
如 夢 幻 泡 影
如 露 亦 如 電
應 作 如 是 觀
(金剛經)

Dịch:

Tất cả pháp hữu vi
Như mơ, như ảo, như bọt, như bóng
Như sương và như chớp
Nên quán sát như vậy.



Nhưng không vì thế mà mộng được xem là “đặc quyền” của triết học phương Đông. Ở trời Tây, các vị tổ khai sáng triết học phương Tây cũng nhìn trần gian là một giấc mộng miên trường.
Mộng của Platon
Platon (427-347 TCN) là một cây đại thụ của triết học Hy Lạp cổ đại. Cùng với thầy là Socrates và học trò là Aristoteles, Platon đã xây dựng được nền móng vững chắc cho ngôi nhà triết học Tây phương mà bóng đổ của nó vẫn là niềm kiêu hãnh của hơn một nửa nhân loại cho đến hôm nay.
Nếu như Socrates là “người khổng lồ” – với chén thuốc độc trên tay – đã dám bẻ cong con đường Triết học cổ đại từ phía thần linh về phía con người với tư tưởng “Hãy tự biết chính mình”, thì Platon lại làm một việc có vẻ như thách đố với thầy mình.
Platon nhìn trần gian là cõi mộng. Tất cả chỉ là cái bóng mờ của sự hiện hữu phía sau lưng con người. “Chân lý nằm ở góc khuất phía sau”… Tư tưởng này đã được Platon gửi gắm trong “Dụ ngôn về cái hang” ở tập thứ 7 của “The Republic” (Cộng hòa), tác phẩm tiêu biểu của ông. Đây là đoạn đối thoại về bản chất của sự nhận thức pháp giới mà Platon đã mượn lời nói của Socrates và Glaucon để minh họa cho tư tưởng mình.


“Socrates: Và giờ – tôi nói – để tôi trưng ra một hình ảnh cho thấy bản chất của chúng ta là được khai sáng hay không được khai sáng tới đâu: Nhìn kìa! Loài người sống trong một cái hang dưới lòng đất, miệng hang mở, hướng về phía ánh sáng và ánh sáng chiếu dọc theo hang; họ đã sống tại đây từ bé, chân cũng như đầu bị xích nên không thể cử động, và chỉ có thể nhìn ra phía trước mặt, vì xích ngăn không cho họ ngoái đầu. Ở trên cao và phía sau họ, phía xa xa, là một ngọn lửa bập bùng, giữa ngọn lửa và các tù nhân có một lối đi nhô lên, và anh sẽ thấy, nếu nhìn kỹ, có một bức tường thấp xây dọc theo lối đi ấy, giống như bức màn mà những người diễn rối vẫn có trước mặt họ, qua đó họ biểu diễn rối cho chúng ta xem.
Glaucon: Tôi thấy.
Socrates: Và anh có thấy – tôi nói – có những người đi dọc theo bức tường, đem theo đủ các loại bình, tượng cũng như hình thú vật làm từ gỗ, đá, và nhiều chất liệu khác, những hình ảnh này hiện ra bên kia bức tường? Một vài người đang trò chuyện, một số khác thì im lặng.
Glaucon: Anh đã cho tôi xem một hình ảnh kỳ lạ, và những tù nhân này cũng kỳ lạ.
Socrates: Giống chúng ta thôi – tôi đáp; và họ chỉ thấy bóng của chính mình, hoặc bóng của nhau, do ánh lửa hắt lên bức tường đối diện của cái hang? (1)


Platon quan niệm rằng con người luôn bị trói buộc trong những điều kiện hữu hạn về nhận thức. Họ chỉ có thể nhìn thấy một phía giống như những tù nhân trong lòng đất, chỉ thấy được cái bóng của mọi vật hắt lên bức tường trước mặt mà không hay biết về bản chất thực của chúng. Vì thế tất cả những gì mà con người cảm nhận được chỉ là thế giới ảo mà thôi.
Một cõi mộng sinh ra từ nhân duyên: Lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức. Đó là một đường thẳng được định dạng bởi nghiệp thức của con người. Platon đã ví con đường này là con đường hầm giam hãm nhận thức, khiến người ta không thoát ra khỏi cái thấy biết trong vọng tưởng của mình.Và như thế, con người luôn sống trong cõi mộng, bỏ lại cõi thực của những “Idea” (thuật ngữ chỉ chân lý tuyệt đối của Platon) ở phía sau lưng mình.
Platon đã đặt con người giữa hai bức tường hư ảo. Một bên là bức tường với những “Form” mô thức, là con rối với những hình nộm được dựng nên từ những “Idea”. Bên kia là cái bóng của con rối với những “Illusion” (ảo ảnh), chỉ là cái minh hoạ khiếm khuyết của con rối bên này.
Mộng của Trang Tử


Gần một thế kỷ sau Platon, Trang Tử của phương Đông cũng đã diễn tả cõi mộng của mình bằng “Trang Chu mộng hồ điệp”, một đoạn văn bất hủ trong thiên Tề Vật luận của Nam Hoa kinh:

Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp

Hủ hủ nhiên hồ điệp dã
Tự du thích chí dư
Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư
Hồ điệp chi mộng vi Chu dư 
Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phận hĩ 
Thử chi vị vật hoá”(2). 


昔者庄周梦为胡蝶

栩栩然胡蝶也.
自喻适志与!
不知周之梦为胡蝶与?
胡蝶之梦为周与? 
周与胡蝶则必有分矣. 
此之谓物化

Dịch:

Ngày kia Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm
Bướm bay phấp phới Thích thú vô cùng Tỉnh dậy
Không biết Chu hóa bướm
Hay bướm hóa Chu
Chu với bướm đều có thân phận 
Đó là vật hóa.


Khi Trang Tử vừa tỉnh mộng thì lại lửng lơ giữa mộng và thực, không biết là Chu đã hóa thành bướm hay bướm đã hóa thành Chu. Trang Tử bay qua lại giữa “Bướm” và “Chu”. Platon lững lờ giữa “Form” và “Illusion”. Hai triết gia Đông Tây có thể chưa một lần gặp mặt nhưng thẳm sâu trong tư tưởng mỗi người là một bầu trời hiu hắt của giấc mộng tồn sinh.
Mộng của Duy-ma-cật
Nhưng đó không phải là hai nhà hiền triết cô độc trên hành trình “Mộng” và “Thực”. Bên cạnh họ còn có Duy-ma-cật, một vị Bồ-tát ẩn danh đã xuất hiện cùng thời với Đức Phật và khai thị cho hàng đại đệ tử của Phật bằng sự im lặng sấm sét (mặc như lôi). Trong phẩm Đệ tử (thứ 3), Ngài Tu-bồ-đề kể lại câu chuyện khiến ông không thể đến thăm bệnh Duy-ma-cật.
“Duy-ma-cật nói: Ông Tu-bồ-đề, xin ông hãy cầm lấy bát, đừng sợ. Ý ông nghĩ sao, như Đức Như Lai có tạo ra những người ảo hóa, nếu tôi đem việc ấy mà hỏi ông, ông có sợ chăng?’. Con đáp lại: ‘Không sợ’. Duy-ma-cật liền nói: “Tất cả các pháp dường như tướng ảo hóa, nay ngài không nên sợ chi cả. Tại sao vậy? Tất cả lời nói cũng chẳng lìa khỏi tướng ảo hóa ấy”(3).


Platon với “Dụ ngôn về cái hang” đã phơi bày thân phận con người trong thế giới của những cái bóng mờ hư ảo. Trang Tử với “Mộng hồ điệp” đã đánh thức con người rằng cuộc đời chỉ là chuyện phù du trong giấc mơ của một cánh bướm mà thôi. Và Bồ tát Duy-ma-cật qua đối thoại với Trưởng lão Tu-bồ-đề đã ra tuyên bố: “Tất cả các pháp dường như tướng ảo hóa” để đưa con người ra khỏi tham đắm, si mê.
Phải chăng Platon cùng với Trang Tử và Duy-ma-cật đã cùng nhau viết lên một bản kinh về thực tướng của pháp giới mà mỗi người trong chúng ta cần phải đọc tụng hàng ngày?
PHAN CÁT TƯỜNG
(1) Bản dịch từ tiếng Anh của Benjamin Jowett, Nhà xuất bản Vintage, 1991.
(2) Tề vật luận (Nam Hoa kinh)
(3) Phẩm Đệ tử (Duy Ma Cật kinh do Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch từ bản Hán văn)
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 188
(Sưu tầm trên mạng)


TRUNG QUỐC TỨ ĐẠI XÚ NỮ

Nếu hỏi các bạn "Tứ Đại Mỹ Nhân" (四大美人) Trung Quốc là ai thì chắc chắn dù không biết hết cũng kể ra được vài người. Các bạn biết được vì đọc qua văn học Viêt Nam hay truyện Trung Quốc, qua phim ảnh...nhưng ngược lại nếu hỏi về "Tứ Đại Xú Nữ" (四大丑女) của TQ thì chắc phải suy nghĩ một hồi rồi chỉ nói ra được một cái tên "Chung Vô Diệm" vì coi phim hay đọc truyện Tàu mà cũng không chắc đúng hay không.


Có một bài viết hôm nay rất hay, cho chúng ta biết về tiểu sử "bốn người đàn bà trời bắt xấu" nhưng lại được làm vợ của vua, quan lớn. (LKH)

TRUNG QUỐC TỨ ĐẠI XÚ NỮ
中国四大丑女
Trong lịch sử Trung Quốc có tứ đại mỹ nữ là Tây Thi 西施, Chiêu Quân 昭君 Điêu Thiền 貂蝉, Dương Quý Phi 楊贵妃. Tứ đại mỹ nữ này thường trở thành đối tượng ngâm vịnh khen hoặc chê của tao nhân mặc khách các đời. Trong lịch sử Trung Quốc cũng có tứ đại xú nữ, dung mạo tuy xấu nhưng lại có tài có đức. Đó là Mô mẫu 嫫母, Chung Ly Xuân 锺离春, Mạnh Quang 孟光 và Nguyễn nữ 阮女. Họ thỉnh thoảng cũng xuất hiện dưới ngòi bút của các văn nhân.
Mô mẫu thời viễn cổ
Người phụ nữ xấu xí nhất thời cổ phải nói đến Mô mẫu 嫫母. Vương Tử Uyên 王子渊 đời Hán trong Tứ tử giảng đức luận 四子讲德论 viết rằng:
Mô mẫu oa khôi, thiện dự giả bất năng yểm kì xú.
嫫母倭傀, 善誉者不能掩其丑
(Mô mẫu vóc người to lùn, người mà giỏi khen cũng không thể giấu được chỗ xấu của bà ta)
Nhưng Mô mẫu lại là người hiền đức, Hoàng Đế 黄帝 cưới bà làm vợ. Hoàng Đế là thuỷ tổ của dân tộc Trung Hoa, truyền thuyết kể rằng, Hoàng Đế đánh bại Viêm Đế 炎帝, giết Xi Vưu 蚩尤 đều là nhờ có công giúp đỡ của Mô mẫu.


Chung Ly Xuân thời Chiến Quốc
Mọi người thường dùng câu “mạo tự Vô Diêm” 貌似无盐 (tướng mạo giống Vô Diêm) để hình dung người phụ nữ xấu xí. “Vô Diêm” 无盐 ở đây chỉ xú nữ Chung Ly Xuân 锺离春 (1), người huyện Vô Diêm 无盐 nước Tề thời Chiến Quốc (nay là phía đông huyện Đông Bình 东平 tỉnh Sơn Đông 山东). Trong sử sách nói bà “tứ thập vị giá” 四十未嫁 (40 tuổi vẫn chưa có chồng), “cực xú vô song” 极丑无双 (cực xấu không ai bằng). Mắt bà lõm sâu, bụng to có ngấn, cổ lộ cục yết hầu, nước da đen kịt. Nhưng bà lại rất quan tâm đại sự của quốc gia, từng tự mình đi yết kiến Tề Tuyên Vương, chỉ trích thẳng Tuyên Vương xa xỉ dâm dật và hủ bại. Tuyên Vương vô cùng cảm động, lập bà làm Hậu. Người đời Nguyên đem sự tích của bà viết thành tạp kịch, tán dương tinh thần xem việc trong thiên hạ là nhiệm vụ của mình của bà.
Mạnh Quang thời Đông Hán
Thành ngữ “cử án tề mi” 举案齐眉 nói về câu chuyện giữa hiền sĩ Lương Hồng 粱鸿 với người vợ là Mạnh Quang 孟光 thời Đông Hán.
Tương truyền khi Mạnh Quang theo Lương Hồng đến đất Ngô làm mướn, mỗi khi Lương Hồng về nhà, Mạnh Quang đã chuẩn bị sẵn thức ăn, nâng chiếc án lên ngang tầm chân mày, biểu thị sự kính trọng người chồng. Vị hiền phụ này “thô lậu không ai bằng”, “mập xấu lại đen”. Truyền thuyết có kể, Lương Hồng trước khi cưới vợ, danh tiếng đã vang xa, nhiều nhà muốn gã con gái co nhưng Lương Hồng không chịu. Mạnh Quang khi chưa lấy chống, có người đến làm mai, nhưng Mạnh Quang không đồng ý, nói rằng: “nếu lấy chồng thì lấy người như Lương Hồng”. Sau khi thành hôn, sang ngày thứ hai, Mạnh Quang thay y phục lụa là gấm vóc, mặc vào loại vải thô, chăm lo việc gia đình. Sau theo Lương Hồng đến ẩn cư trong núi Bá Lăng 霸陵, chồng cày vợ dệt, cùng ngâm thơ đàn hát, vợ chồng xướng hoạ, sống một cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc.


Nguyễn nữ thời Đông Tấn
Hứa Doãn 许允 thời Đông Tấn cưới con gái của Nguyễn Đức Uý 阮德慰 làm vợ. Đêm động phòng hoa chúc, Hứa Doãn phát hiện cô gái nhà họ Nguyễn này dung mạo xấu xí vội bỏ chạy ra khỏi phòng, từ đó không chịu vào. Về sau người bạn của Hứa Doãn là Hoàn Phạm 桓范 đến thăm, nói với Hứa Doãn rằng:
- Nhà họ Nguyễn đã gã cô con gái xấu xí cho anh tất có nguyên nhân, anh nên tìm hiểu xem thử.
Hứa Doãn nghe theo lời Hoàn Phạm vào phòng. Hứa Doãn chỉ thấy dung mạo xấu xí của vợ định bước ra. Người vợ níu lại. Hứa Doãn vừa vùng vẫy vừa hỏi người vợ rằng:
- Đàn bà có “tứ đức”, nàng được mấy đức?
Người vợ đáp rằng:
- Thiếp chỉ thiếu mỹ dung. Còn những người đọc sách có “bách hạnh”, chàng được mấy điều?
Hứa Doãn đáp rằng:
- Ta có đủ bách hạnh.
Người vợ nói:
- Bách hạnh lấy đức làm đầu, chàng hiếu sắc mà không hiếu đức, sao lại cho là có đủ?
Hứa Doãn không trả lời được.
Từ đó hai vợ chồng tương thân tương ái, tình cảm ngày càng sâu đậm.


CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chung Ly Xuân 锺离春: họ là Chung Ly 锺离, tên là Xuân 春, vì là người ở Vô Diêm 无盐 nên cũng được gọi là Chung Vô Diêm. Về sau ngoa truyền biến thành Chung Vô Diễm 锺无艳. Mọi người thường gọi là Chung Vô Diệm.

Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
(Sưu tầm trên mạng)



中國古代四大丑女都嫁給了誰?

說古代的美女大家都很熟悉了,西施、王昭君、貂蟬和楊玉環,就是這幾位。但是聽說古代還有四大丑女,不知道大家有沒有聽說過。

第一名、嫫母

古代最出名的醜女,當首推嫫母。漢王子淵《四子講德論》中云:「嫫母倭傀,善譽者不能掩其丑。」但她為人十分賢德。嫫母養蠶抽絲,把絲織成綢子用來做衣服,被後人尊稱為「先蠶姑娘」。為此,黃帝娶她為妻。黃帝是中華民族的始祖,後來黃帝打敗炎帝,殺死蚩尤,皆因嫫母內助有功。

第二名、鍾離春

人們常用「貌似無鹽」來形容醜女,這「無鹽」指的就是戰國時代齊國無鹽縣的醜女鍾離春。據古史記載,她「四十未嫁」、「極丑無雙」,癟腦袋,稀頭髮,高顴骨,深眼窩兒,鼻孔上翻,喉結腫大,脖子粗胖,貓腰駝背,骨節粗陋,四肢高壯。但她關心國家大事,以天下為己任,曾自己去謁見齊宣王推銷自己,當面指責齊宣王的奢淫腐敗。宣王十分感動,遂立她為後。


第三名、孟光

《後漢書.梁鴻傳》記載,孟光「粗陋無比」、「肥丑而黑」,能「力舉石臼」。梁鴻未婚前,因為是東漢賢士名氣很大,許多人家都要把女兒家給他,他都不答應。有人給孟光提親時,她居然說「必嫁梁鴻」,當時的人都笑她。梁鴻看準了孟光的德行,娶孟光為妻。梁鴻歸家,孟光每天準備好飯菜等梁鴻回來,雙手把盤子舉到自己眼眉處,以表示對丈夫的敬重。這就是「舉案齊眉」這個成語的由來。後孟光隨梁鴻隱居霸陵山中,男耕女織,吟詩彈琴,夫婦唱和,過著清貧而諧的生活。

第四名、阮氏

阮氏是東晉時期東晉阮德尉的女兒。她嫁給了當時的名士許允。但是花燭之夜,許允發現阮家女貌丑容陋,匆忙跑出新房,從此不肯再進。後來,許允的朋友桓范來看他,對許允說:「阮家既然嫁醜女於你,必有原因,你得考察考察她。」

許允聽了桓范的話,於是跨進了新房。但他一見妻子的容貌拔腿又要往外溜,新婦一把拽住他。許允邊掙扎邊同新婦說:「婦有『四德』,你符合幾條?」新婦說:「婦女有婦德、婦言、婦容、婦功四項標準,我所缺的僅僅是『美貌』而已。而君子讀書人有『百行』,您又符合幾條呢?」許允說:「我百行俱備。」新婦又說:「百行德為首,您好色不好德,怎能說俱備呢?」許允啞口無言。從此夫妻相敬相愛,感情和諧。


VOI THẦN PHẢN CHỦ

Vài tháng trước, tôi có kể cho các bạn một đôi nét về Quế Lâm TQ, cổ tích vể Quế Lâm, Li giang và Quế hoa cao. Khi đến Quế Lâm, chắc chắn tour guide sẽ đưa các bạn tham quan núi vòi voi, thất tinh nham, đi xem hang thạch nhủ, xem biểu diễn show "Lưu tam tả"....Hôm nay tôi tìm được một câu chuyện cổ tích về sự thành hình của các cảnh điểm này. (LKH)


VOI THẦN PHẢN CHỦ
神象叛主

Tượng tị sơn 象鼻山 (núi vòi voi) toạ lạc tại nơi hội lưu của Li giang 漓江 và Đào Hoa giang 桃花江. Vòi voi đang thò vào giòng Li giang, rất giống voi thần đang say sưa uống nước. Tượng tị sơn nổi tiếng khắp thế giới, nhưng Trĩ sơn 雉山cách Tượng tị sơn không xa lại ít người biết đến. Có một câu chuyện thần thoại khiến mọi người cảm thán.
Một này nọ, có hai con quái thú một lớn một nhỏ đến Quế Lâm 桂林, con nhỏ cưỡi lên con lớn, con nhỏ tự xưng là “trĩ phụng đại tiên” 雉凤大仙, con lớn tên là “tượng” 象. Bách tính Quế Lâm trước giờ chưa thấy qua hai con thú như thế này nên chạy đến xem, cảnh tượng rất là náo nhiệt. Con trĩ yêu quái cười nhạt một tiếng, nhẹ gõ vào đầu đại tượng, đại tượng vươn vòi quấn lấy một ông lão rồi quăng ra giòng Li giang. Trong phút chốc mọi người cảm thấy đại hoạ đến, vội về đóng chặt cửa.

Trĩ yêu quái cười lớn, bảo rằng:
Từ nay về sau, ta chính là đại vương của Quế Lâm, nếu ai không theo, ta sẽ bảo đại tượng ăn thịt.
Tiếp đó, nó lại bảo đại tượng nhổ cây, phá ruộng, lật sông, cả một vùng Quế Lâm bị hai con yêu quái làm hư hại.
Tình cảnh đó khiến cho ông lão do Mục mã lão nhân 牧马老人 biến thành cũng hoảng kinh vội đi gọi Thường Nga 嫦娥.
Thường Nga tức giận, nói với trĩ yêu quái rằng:
Nhà ngươi là loài yêu nghiệt từ đâu tới? dám tung hoành bá đạo!


Trĩ yêu quái nói rằng:
Hôm nay thử cho bà không còn chút nhan sắc xem sao, bà không biết sự lợi hại của ta.
Nói xong trĩ yêu quái biến ra 36 tay, cầm 18 loại binh khí, nhắm Thường Nga bổ xuống. Thường Nga đấu mấy hiệp với trĩ yêu quái, trĩ yêu quái biết mình không địch lại bèn chui xuống đất trốn mất.
Trĩ yêu quái tìm đại tượng, thấy đại tượng đang tắm trong giòng Li giang, tức giận mắng rằng:
Ta suýt chút nữa mất mạng, nhà ngươi không trợ chiến lại ở đây vui đùa.
Nói xong liền rút roi da đánh đại tượng đến rách da. Lúc bấy giờ Thường Nga chạy đến, trĩ yêu quái hoá thành một luồng ánh sáng vàng bay mất. Thường Nga tìm linh chi cho đại tượng ăn, vết thương trên người đại tượng liền lành lại như cũ.


Đại tượng vô cùng cảm kích ơn cứu mạng của Thường Nga, nghĩ đến trước đây theo trĩ yêu quái làm những điều xằng bậy, liền quyết định sửa đổi. Thế là đại tượng liền lưu lại Quế Lâm, cố gắng làm việc để tẩy rửa tội lỗi của mình. Đại tượng mùa xuân cày ruộng, mùa hè chống hạn, mùa thu thu hoạch vận chuyển thóc lúa, cuối cùng giành được sự yêu quý và tín nhiệm của mọi người.
Năm sau trĩ yêu quái đến Quế Lâm, thấy đại tượng giúp bách tính làm việc, buột miệng mắng rằng:
Thật là một kẻ chẳng ra gì, theo ta ăn uống đầy đủ uy phong không chịu lại ở đây làm nô tài! Giờ đi với ta.
Đại tượng lúc này đã khác với lúc trước, sống chết cũng không chụi đi. Mọi người nghe tin chạy đến vây chặt trĩ yêu quái, mắng rằng:


Ác ma! Cút! Cút cho xa! Chúng tao không muốn nhìn thấy mầy.
Trĩ yêu quái lửa giận bốc cao 3 trượng, rút roi da ra đánh bách tính, ai nấy bị vỡ đầu chảy máu. Đại tượng tức giận vung vòi ra quấn trĩ yêu quái quăng thật mạnh, tới gian nhà xí tận Quảng Đông.
Trĩ yêu quái không thể ngờ đại tượng lại đánh chủ nhân, quyết định phải phun ra ác khí. Đang lúc Quế Lâm đại hạn, bách tính đang chống hạn, đại tượng vươn chiếc vòi dài của mình đến đầm Thuỷ Nguyệt 水月 hút nước lên phun khắp ruộng vườn. Trĩ yêu quái nhân cơ hội lén rút kiếm, cưỡi lên mây bay hướng đến đầu đại tượng, đâm mạnh một nhát vào lưng đại tượng, kiếm xuyên qua bụng đại tượng, găm thẳng xuống đất. Đại tượng bị dính chặt vào đất không cử động được. Thường Nga trông thấy vội lấy kính chiếu yêu chiếu xuống, chỉ thấy một luồng ánh sáng vàng từ trên trời rơi xuống, trĩ yêu quái bị kính đập chết phía sau đại tượng.


Về sau, đại tượng và trĩ yêu quái đều hoá thành núi đá, lần lượt là Tượng sơn 象山 và Trĩ sơn 雉山. Bảo tháp trên Tượng sơn chính là cán kiếm mà năm đó trĩ yêu quái đâm xuyên qua đại tượng lưu lại. Mọi người lấy Tượng sơn làm biểu trưng của thành phố Quế Lâm, còn Trĩ sơn thì chẳng mấy ai nhớ tới. Kính chiếu yêu của Thường Nga đập trúng trĩ yêu quái, võ thành 7 mảnh, bách tính đem treo trên sườn núi Phổ Đà 普陀, biến thành Thất tinh nham 七星岩 nổi tiếng sau này.


Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
THẦN TƯỢNG BẠN CHỦ
神象叛主

Friday, April 28, 2017

HỒ NƯỚC TUYỆT ĐẸP TẠI BỒ ĐÀO NHA


Một hố nước tuyệt đẹp tưởng chừng như một con quái vật có thể nuốt chửng tàu thuyền với con xoáy dữ dội. Đó là hố nước tại đập tràn Covão dos Conchos, khu vực núi Serra da Estrela, Bồ Đào Nha.

Bất kì du khách nào khi đến tham quan hố nước tuyệt đẹp này cũng đều ngạc nhiên và hiếu kỳ về sự kỳ lạ của nó.



Hố nước tuyệt đẹp này là một phần của hệ thống đập thủy điện được xây dựng vào năm 1955. Nó có chức năng dẫn nước từ sông Naves đến hồ Lagoa Comprida, thông qua đường hầm dài 1.519 mét.


Dòng chảy kì lạ của hố nước kết hợp với hình ảnh rêu xanh bao quanh miệng hố làm từ bê tông và đá granite khiến hố nước tuyệt đẹp này tựa như một cánh cửa bí mật dẫn đến xứ sở thần tiên.


Khách du lịch thường đến thăm hố nước tuyệt đẹp này thông qua một con đường mòn đi bộ ở vùng núi Serra de Estrela. Do nằm tại vị trí hẻo lánh nên nhiều người thậm chí không biết về sự tồn tại của cảnh quan này.

Thiên Tân group


Link tham khảo thêm:





NHÚT THANH CHƯƠNG

"Ra đi anh nhớ Nghệ An,
Nhớ Thanh Chương ngon nhút, 
Nhớ Nam Đàn thơm tương."


Nhắc đến món ngon xứ Nghệ không thể không nhắc tới món nhút Thanh Chương. Món ăn dân dã này đã trở thành “thương hiệu” mà bất cứ du khách nào đến đây cũng muốn được một lần thưởng thức.

Nhút Thanh Chương - Đặc sản xứ Nghệ
Nhút là cách gọi quen thuộc của người miền Trung, là quả mít muối mặn ăn với cơm cũng giống như món dưa muối của người miền Bắc. 
Ở xứ Nghệ có nhiều nơi làm nhút, nhưng nơi làm nhút phổ biến và ngon hơn cả là ở huyện Thanh Chương bởi nơi đây nổi tiếng trồng được giống mít ngon của tỉnh Nghệ An. Thường thì mỗi năm chỉ có một mùa mít, nên nhút được muối dùng để ăn quanh năm, tùy từng mùa mà chế biến những món ăn khác nhau.


Nghề làm nhút ở Thanh Chương có từ lâu đời, là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình. Vật liệu để làm nhút gồm có mít xanh và muối trắng. Mít xanh, loại ương ương càng ngon. Mít đang ở trên cây, người ta hái xuống, gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa rồi bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Sau đó cho muối trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra. Cuối cùng bỏ vào vại sành khoả đều trên bề mặt, bỏ vỉ vào dằn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5-6 ngày. Hàng ngày trong bữa cơm, một bát nhút và nước mắm làm nước chấm là đủ. Ngoài ra nhút còn được chế biến thành món canh hoặc xào.


Vào mùa đông gió rét, nhút xào thịt ba chỉ nêm ớt, đường ăn với cơm nóng rất ngon, vị chua chua của nhút, ngọt của đường, cay cay của ớt, sợi nhút sánh lên quyện lấy mỡ của thịt ăn rất ngậy và giòn. Vào mùa hè, nhút có thể làm nộm tai heo nhấm rượu hay đem nấu canh cá chua, canh lạc ăn bùi bùi chua chua rất lạ miệng lại có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho cơ thể. Hay chỉ đơn giản, nhút chấm nước mắm tỏi, rau kinh giới ăn cơm canh cũng ngon không kém. 


Nhút ăn giòn giòn, mặn của muối, cay xè của ớt, và dậy mùi thơm của mít, thanh ngọt của mía đường…”quyện” một vị ngon rất đặc biệt.
Đến Nghệ An, ăn một bữa cơm quê dân dã với nhút du khách sẽ hiểu hơn về con người và sự đậm đà xứ Nghệ. 
X.Chi – K. Hồng
(Sưu tầm trên mạng)


TRUNG HOA TỨ ĐẠI MỸ NHÂN


天地風塵
紅顏多屯

"Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân"



Đặng Trần Côn đã mở đầu Chinh Phụ Ngâm Khúc (征婦吟曲) với mấy câu thơ thương xót cho thân phận "hồng nhan" mà bà Đoàn Thị Điễm còn làm cho ta thấm thía hơn vời lời diễn Nôm;

"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên."

Ngày xưa phận đàn bà đã khổ và đàn bà đẹp lại càng khổ nhiều hơn. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Lịch sử TQ và VN có cùng một thông điễm này.

Hôm qua tôi giới thiệu với các bạn TQ Tứ Đại Xú Nữ nhưng họ lại rất hạnh phúc với chồng. Hôm nay tôi muốn kể lại TQ Tứ Đại Mỹ Nhân nhưng không ai có một kết cục tốt đẹp mà còn mang lời bình phẩm của con người. Tôi nghĩ đó chỉ là những đố kỵ của người xưa trong một xã hội bảo thủ của tư tưởng phong kiến TQ.



Dầu sao đi nữa chúng ta phải đọc lại để biết, nói về "Tứ Đại Mỹ Nhân" ai cũng biết nhưng chưa chắc biết hết được những gì tôi post hôm nay. (LKH)

TRUNG HOA TỨ ĐẠI MỸ NHÂN
中華四大美人


Trong lịch sử Trung Quốc có bốn người con gái được mệnh danh là tứ đại mỹ nhân (四大美人), có sắc đẹp làm khuynh đảo cả một đất nước, thay đổi cả lịch sử. Nhan sắc của họ được ca ngợi là "trầm ngư" (沉魚 cá chìm sâu dưới nước), "lạc nhạn" (落雁 chim nhạn sa xuống đất), "bế nguyệt" (閉月 Mặt Trăng phải giấu mình) và "tu hoa" (羞花 khiến hoa phải xấu hổ). Các tài liệu lịch sử về họ cũng bị ảnh hưởng nhiều do một số truyền thuyết và lời đồn dân gian. Họ nổi tiếng và được gọi là tứ đại mỹ nhân do sắc đẹp và ảnh hưởng của họ đối với các vị hoàng đế Trung Quốc và làm thay đổi lịch sử Trung Quốc. Tất cả bốn người mỹ nhân đều có những kết thúc không có hậu hoặc vẫn còn là bí ẩn. Số phận họ đúng như các câu dân gian "phụng nhân bạc mạng" (phục vụ và cống hiến hết sức cho dân nhưng kết cục khổ) và "hồng nhan bạc mệnh" (có sắc đẹp thì số xấu).

Theo thứ tự thời gian, bốn người đó là:

1. Đại mỹ nhân trầm ngư
là Tây Thi. Thời Xuân Thu, khoảng thế kỷ 7-thế kỷ 6 TCN.


TÂY THI (西施)


Tây Thi nổi tiếng là mỹ nữ xinh đẹp mỹ miều, khiến bao đấng nam nhi nghiêng ngả, chao đảo. Nàng là một trong "tứ đại mỹ nhân" nổi tiếng trong lịch sử.

Trong bài “Vịnh Tây Thi”, nhà thơ thời Đường Vương Duy từng viết: “Triêu vi Việt khê nữ, mộ tác Ngô cung phi” (Dịch thơ: Sáng còn giặt lụa đầu khe/Chiều buông đã được cận kề Ngô vương). Tây Thi vốn dĩ là một cô gái giặt lụa bên bờ sông Trữ La nước Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Nàng đã có mối tình sét đánh với Phạm Lãi là quan đại phu nước Việt. Sau này Ngô - Việt tương tranh, và nước Việt bại trận. Tây Thi được đưa sang nước Ngô, dâng lên Ngô Vương Phù Sai, đúng là đã một bước lên trời. Thế nhưng, canh cánh với nỗi đau mất nước, Tây Thi đã không phụ lòng người, nàng hợp sức với quân thần nước Việt thực hiện thành công nghiệp lớn phục quốc hưng bang.

Chính vì mê nữ sắc mà Phù Sai đem lòng yêu Tây Thi, chểnh mảng triều chính. Và cũng chính vì chuyện này mà nước Ngô đại bại. Sau khi làm nước Ngô đại bại, Phù Sai tự vẫn, Tây Thi cùng Phạm Lãi rút êm khỏi chốn công danh, cùng nhau cao chạy xa bay, sống cuộc đời ẩn cư êm ả bên hồ Ngũ Lý thanh vắng. Vậy là Tây Thi đã có kết cục “Trước là Ngô Vương Phi, sau làm vợ thứ dân”.

Thời TQ cổ đại, đạo quân - thần xem như cha - con, cho nên dù là quân đoạt thần thê, hay thần hưởng quân phi, đều thuộc hành vi loạn luân. Đầu tiên là Tây Thi bị Ngô Vương Phù Sai nạp làm cung phi, sau lại lấy Phạm Lãi - kẻ từng xưng thần với Ngô Vương Phù Sai, bởi vậy Tây Thi đã không thể tránh khỏi tiếng loạn luân.

2. Đại mỹ nhân lạc nhạn
là Vương Chiêu Quân. Thời nhà Tây Hán, khoảng thế kỷ 1 TCN.


VƯƠNG CHIÊU QUÂN (王昭君)

Vương Chiêu Quân cũng là một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Vương Chiêu Quân còn có tên là Vương Tường, là con gái của Vương Nhượng người nước Tề. Vương Chiêu Quân sống cách đây hơn 2.000 năm, thời vua Hán Nguyên đế (năm 49 - 33 TCN).

Thi thánh thời Đường Đỗ Phủ từng có thơ: “…Thiên tải tỳ bà tác hồ ngữ, phân minh oán hận khúc trung luận.” (Dịch thơ: Muôn thuở tỳ bà lưu điệu rợ/Khúc đàn ai oán mạch sầu tuôn) để nói về nỗi niềm xa xứ của Minh Phi Vương Chiêu Quân.

Năm 17 tuổi được tuyển vào hậu cung của Hán Nguyên Đế Lưu Thức, làm đãi chiêu cung nữ chốn thâm cung. Do không chịu hối lộ họa sư cung đình Mao Diên Thọ, nên đằng đẵng 3 năm sống giữa hậu cung mà nàng vẫn chưa một lần được Nguyên Đế sủng hạnh.

Về sau, khi Đan Vu (vua Hung Nô) đến Bắc Kinh để xin cầu hòa kết thân, Hán Nguyên Đế đã hạ dụ xuống hậu cung trưng tuyển cung nữ tự nguyện dâng mình hòa thần (làm vợ vua Hung Nô). Vương Chiêu Quân đã “thản nhiên đứng ra” nhận lấy sứ mạng này.

Khi gặp Chiêu Quân, Nguyên Đế đã sững sờ trước bậc giai nhân dung nhan như tiên, hậu cung đệ nhất này, cộng thêm đối đáp chừng mực, cử chỉ cao nhã của nàng, càng khiến nhà vua tiếc ngẩn ngơ, nhưng hiềm nỗi danh tính đã định, không thể đổi thay.

Trong nỗi tức giận, Nguyên Đế đã đem chém đầu bêu chợ tên Mao Diên Thọ để xả hận. Từ đó Vương Chiêu Quân lấy chồng Hung Nô, sống nơi nước Hồ xa xôi, tạo nên giai thoại thiên cổ.

Thế rồi sau bao năm sống tại xứ người, Vương Chiêu Quân đã nghiễm nhiên trở thành một thành viên Hung Nô. Theo phong tục Hung Nô, sau khi vua chết, toàn bộ giang sơn của cải, kể cả người vợ đều do Đan Vu con kế thừa, dù là bậc vương phi tôn quý như Vương Chiêu Quân cũng không thể miễn trừ. Theo quan điểm luân lý Trung Hoa, điều đó đích thực là loạn luân rồi.

3. Đại mỹ nhân bế nguyệt là Điêu Thuyền. Thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ 3.


ĐIÊU THUYỀN (貂蟬)

Điêu Thuyền vốn là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa. Nhắc tới cái tên này, người ta sẽ hết lòng ngợi ca bởi sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng. Dù chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng việc cô làm được thật sự không nhỏ chút nào. Đến tận bây giờ, tên của cô vẫn được lưu truyền.

Lá Quán Trung rất thành công khi phác họa hư cấu hình ảnh một mỹ nữ đẹp ‘bế nguyệt’, làm sinh động và phong phú thêm cho cốt truyện của mình. Dù thế, người ta vẫn tin rằng cô là nhân vật có thật và muốn truy tận gốc những thăng trầm trong cuộc đời của cô và kết cục của người con gái ấy.

“Tư Đồ khéo tính nơi hồng quần/Chẳng dung đao kiếm chẳng cần binh/Tam chiến ải Hổ uổng công sức/Ca khúc khải hoàn Phụng Nghi Đình”. Với lời thoại trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” này, La Quán Trung đã mô tả sống động sự đóng góp vô song của mỹ nữ Điêu Thuyền trong cuộc đấu trí trừ khử Đổng Trác.

Cuối đời Đông Hán, tên Hán tặc Đổng Trác chuyên quyền bạo ngược. Con nuôi Lã Bố của hắn cao lớn tuấn tú, khua một cây kích Phương Thiên, cưỡi một con chiến mã Xích Thố, là một hổ tướng nổi danh thiên hạ.

Người ta thường ví “nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố”, có thể thấy địa vị của Lã Bố khi ấy. Trận chiến ải Hổ Lao, 18 đạo quân chư hầu cũng không thể địch nổi cây kích Phương Thiên của Lã Bố. Kể cả trận quần chiến nổi tiếng “Tam anh chiến Lã Bố “ của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi cũng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng quân chư hầu tan tác, quần thần triều đình có bất mãn với Đổng Trác cũng đành buông tay ngậm miệng.

Rường cột triều đình là Tư Không Vương Doãn lại đặt trọng trách ngàn cân trừ Đổng Trác lên vai cô gia nhân xinh đẹp Điêu Thuyền. Nhiệm vụ gian khó đến thế, nhưng mỹ nhân Điêu Thuyền đã hoàn thành xuất sắc. Điêu Thuyền được gả cho Đổng Trác làm thiếp trước, sau đấy lại làm luôn vợ Lã Bố, tất nhiên là không thoát được tội danh loạn luân.

4. Đại mỹ nhân tu hoa là Dương Quý Phi. Thời nhà Đường, 719-756.


DƯƠNG NGỌC HOÀN (楊玉環)

Người ta thường nhắc đến Dương Quý phi như là một trong bốn mỹ nhân đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, mỹ nhân họ Dương đình đám này cũng để lại không ít tiếng xấu.

Trong tuyệt tác “Trường Hận Ca”, Bạch Cư Dị viết: “Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành/Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức” (Con gái họ Dương tuổi dậy thì/ Sống trong chốn phòng khuê ít người biết). Nhân vật chính được nhà thơ mô tả như một cô gái trinh trong trắng.

Dương Quý Phi cũng giống như Tây Thi, chịu tội danh loạn luận vì bà lấy cả bố lẫn con của vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Kỳ thực, Dương Ngọc Hoàn đã từng là “Thọ Vương Phi”, là con dâu của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Sắc đẹp của Ngọc Hoàn làm Huyền Tông động lòng, và muốn chiếm hữu nàng. Vua bèn giáng chỉ đưa nàng xuất cung làm nữ đạo sĩ, mấy năm sau lại đón nàng vào hoàng cung nạp làm phi.

Thế là từ đó “ …Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi, tùng thử quân vương bất tảo trào. Thừa hoan thị yến vô nhàn giả, xuân tòng xuân du dạ chuyên dạ. Hậu cung giai lệ tam thiên nhân, tam thiên sủng ái tại nhất thân.” (Đêm xuân sao ngắn trời ngỡ sáng, từ đó ông vua bỏ triều sáng, yến tiệc hoan lạc không ngừng nghỉ, tràn trề tình xuân đêm lại đêm. Hậu cung giai nhân trên 3 ngàn, 3 ngàn yêu chiều dồn mình nàng).

“Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị miêu tả lênh láng đến tận cùng sự sủng ái mà Đường Huyền Tông đã dành cho Dương Ngọc Hoàn. Thế nhưng, việc Đường Huyền Tông sủng hạnh Dương Ngọc Hoàn, thực chất là đã chiếm đoạt vợ của con trai. Mà Dương Ngọc Hoàn bước từ Phủ Thọ Vương lên giường trong tẩm cung của Đường Huyền Tông cũng đích thị tội danh loạn luân rồi.

Trong xã hội phong kến nam quyền cổ đại, đồng thời với sự chiếm đoạt mỹ nữ, người đàn ông còn đổ mọi tội danh lên người đàn bà nhan sắc. Kỳ thực, thủ phạm chính là những người đàn ông đương quyền tham lam vô độ bất chấp tình nghĩa anh em, cha con, miễn là đạt được mục đích của mình.

(Sưu tầm trên mạng: kết hợp nhiều nguồn khác nhau)