Thursday, October 31, 2019

BIỆT THỰ LÀNG QUÊ ĐƯỢC ĐÁNH ĐỔI BẰNG MÁU VÀ NƯỚC MẮT

Có mặt tại xã Đô Nghĩa (Yên Thành, Nghệ An), chúng tôi choáng ngợp bởi vô số biệt thự bề thế. Đây cũng là nơi được gọi là "Làng tỷ phú".

Hai bên đường vào trung tâm xã Diễn Tháp là những dãy nhà biệt thự liền kề nhau.

Nhà nhà, làng làng đi lao động nước ngoài

Mới đây, sự việc 39 người tử vong trong xe container tại Anh đã gây chấn động dư luận, nhất là khi xuất hiện thông tin trong số người tử vong có cả người Việt Nam. Giới chức Anh cho rằng số người trên là lao động nhập cư trái phép vào nước này và đây không phải là lần đầu.

Tìm về huyện Yên Thành và Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), chính quyền nơi đây xác nhận đã nhận được đơn trình báo của một số gia đình về việc con đi nước ngoài lao động và bị mất tích. Đại diện chính quyền hai huyện trên cũng cho biết, tình trạng người dân một số xã trên địa bàn huyện đi lao động nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu rất phổ biến.

Người thân những người bị nghi tử vong trong chuyến xe container đang rất lo lắng


Điển hình như xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu), xã Thọ Thành, xã Đô Thành huyện Yên Thanh (huyện Yên Thành)... có số người đi lao động nước ngoài rất nhiều. Tính riêng tại xóm 11, xã Diễn Thịnh (nơi có 2 anh em họ nghi là nạn nhân trong chuyến xe có 39 người tử vong), có tới 40% số người đi lao động nước ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng xóm 11 cho biết cả xóm có 450 hộ với 1720 khẩu (người), thì có tới 750 người (chiếm 43.6% tổng số) di cư lao động ở tất cả các nước trên thế giới. Trong đó tính riêng ở các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức,...) chiếm gần một nửa.

Ông Trường cho biết có xóm tới 43.6% người di cư lao động

“Làng tôi có rất nhiều nhà chỉ có phụ nữ trẻ em ở nhà, còn đàn ông đi hết. Có nhà cả bố và 4, 5 người con cùng đi. Vì thế thanh niên ở làng giờ ít lắm”, ông Trường nói. Cũng theo thông tin từ ông Trường, đa số mọi người đi lao động ở châu Âu là đi chui hoặc đi theo kiểu du lịch, sau đó ở lại bên đó lao động luôn.

Lý do khiến nhiều người bất chấp để đi lao động nước ngoài

Lao động chui không hồ sơ, giấy tờ hay việc vượt biên từ nước nọ đến nước kia để lao động là vi phạm pháp luật và cần phải ngăn chặn ngay từ trong trứng nước. Ngay cả những người đi lao động nước ngoài, dù biết việc bản thân làm như vậy là trái luật, là tự nhận nguy hiểm về cho bản thân nhưng họ bất chấp để ra đi. Lý do phổ biến nhất là muốn kiếm thật nhiều tiền mong được đổi đời.

Cổng vào làng biệt thự tiền tỷ ở xã Đô Nghĩa, Yên Thành, Nghệ An


Anh M. (nhân vật xin được giấu tên) ở xã Diễn Thịnh chia sẻ, bản thân anh cũng từng đi lao động nước ngoài, cũng từng trải qua những ngày tăm tối, cũng dự định sang Anh nhưng bị bắt và bị trục xuất về nước.

Cũng giống như bao người khác, khi người làng và các bạn cùng trang lứa đi lao động ở trời Tây mang được nhiều tiền về mua đất đai, xây biệt thự... nên anh M. cũng thấy hậm hực vì “con gà tức nhau tiếng gáy”.

Cũng chính vì suy nghĩ đó mà nhiều người làng anh M. đua nhau đi Tây, trước là để đổi đời, sau là để lên đời với bàn dân thiên hạ. Ban đầu anh M. sang Nga, sau đó cùng một nhóm người ngày đêm vượt biên qua đường rừng, qua Ba Lan, Rumani.... rồi sang Pháp.

Tại Pháp, anh ở lại làm một thời gian để làm việc kiếm tiền nuôi ý định sang Anh. “Chỉ sang Anh là kiếm được tiền thôi. Nếu ở Pháp, Đức kiếm được 20-30 triệu, thì sang Anh 1 tháng ít cũng được 70 triệu, thậm chí 120 triệu nên ai cũng hám”, anh M. nói.

Thế nhưng ý định chưa thành thì anh bị bắt vì nhập cư trái phép rồi bị trục xuất về nước. Đến giờ khi sự việc 39 người tử vong xảy ra, anh M. mới rùng mình nói: “Đó là cách để đi sang Anh nhiều người lựa chọn. Để kiếm được tiền phải sẵn sàng đánh cược tính mạng”.

Mùa bóng đá – mùa của những chuyến đi đổi đời

Hàng năm, luôn có những người bằng cách này cách kia, tìm đường đi lao động ở nước ngoài. Nhưng có những thời điểm đặc biệt trở thành "mùa ra đi" của những người dân quê ôm giấc mộng đổi đời.

Trưởng thôn 11 (xã Diễn Thịnh) Nguyễn Xuân Trường cho biết, năm nào đến mùa Euro, hay World Cup được tổ chức tại các nước châu Âu là năm đó số người đi "lao động" ở các nước tăng lên chóng mặt. “Họ bỏ tiền mua vé xem bóng đá, tới nơi họ ở lại luôn để lao động và không về nữa”, ông Trường nói.

Ông Trường chia sẻ với phóng viên

Điều làm ông Trường xót xa nhất, đó là có những trường hợp chưa đến tuổi trưởng thành cũng đi, hay có người học đại học về có việc làm nhưng chê thu nhập thấp nên cũng ra đi. “Có trường hợp tôi biết là cháu bé mới 16 tuổi đã đi sang châu Âu rồi. Tất nhiên họ có người nhà bên đó, nhưng sang đó có được nhận vào làm luôn đâu, làm nhà hàng cũng không nhận. Vậy là phải ở đó đợi đủ tuổi để đi xin việc hoặc lại từ Pháp sang Anh để kiếm tiền”, ông Trường cho biết.

Cũng giống như anh M., ông Trường cho rằng nguyên nhân mọi người đi Tây lao động nhiều là vì người nọ đi trước, kéo người kia đi sau. Rồi thấy nhà hàng xóm đi về lắm tiền nên cũng tìm mọi cách để ra đi.

“Gia đình tôi ở nhà làm ruộng, nuôi bò 1 năm chỉ được mấy chục triệu thôi. Con tôi không đứa nào đi tây, đi ta cả. Tôi bảo con rằng phải cố học, sau này có nghề đi làm dần dần sẽ tăng thu nhập. Đó là cách bền vững nhất, chứ tôi không dám đánh đổi”, ông Trường nói.

Biệt thự làng quê được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tính mạng

Có mặt tại xã Đô Nghĩa (Yên Thành, Nghệ An) chúng tôi choáng ngợp bởi những ngôi nhà bề thế xây theo kiểu biệt thự nhà vườn mọc san sát nhau. Đây cũng là địa phương được nhắc tới là 1 trong 10 xã giàu nhất tỉnh Nghệ An hay được nhiều người gọi với cái tên “thân mật” là: Làng tỉ phú.




Những ngôi nhà bạc tỷ ở làng biệt thự

Hỏi ra mới biết đại đa số những ngôi nhà sang trọng ở đây được xây dựng từ nguồn tiền đi xuất khẩu lao động gửi về. Bà Liên ở làng Phú Mỹ, có ngôi biệt thự 2 tầng rộng vài trăm mét vuông cho biết, hiện có 4 người con và 1 người cháu đang đi xuất khẩu lao động, hàng tháng các con gửi tiền về cho bà để sinh hoạt, đổi lại bà đang phải trông tất cả 4 đứa cháu nội ngoại để các con ra nước ngoài làm việc.

Trước đây, người dân ở xã Đô Nghĩa luôn tự hào vì những danh xưng mọi người đặt cho mình. Nhưng từ khi xảy ra sự việc 39 người tử vong ở Anh, nhất là xã Đô Nghĩa cũng có ít nhất 3 trường hợp nghi có mặt trên chiếc container đó thì không khí u ám bao quanh khắp làng xã. Các căn biệt thự không rộn vang tiếng cười như trước, bởi nhiều gia đình đang có con em ở trời Tây, không biết ngày mai sẽ ra sao.

Theo chia sẻ của những người đã đi lao động nước ngoài trở về, để có được đồng tiền, họ bỏ biết bao mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu và đánh cược cả tính mạng mới có được. Bởi sang Anh, Pháp, Đức... cũng chỉ là đi làm thuê mà thôi. Công việc của họ chủ yếu là làm nông ở các trang trại, rửa bát thuê, bồi bếp, phụ bàn...thậm chí là đi phụ hồ.

Với những người nhập cư trái phép, họ có thể bị bắt và trục xuất bất cứ lúc nào. Thậm chí, họ còn bị đánh đập bởi người bản địa, chủ thuê vì bị những người này nắm thóp điểm yếu.

Anh M. (người đã chia sẻ ở trên) cho biết, nhiều người bị bắt phải cố trốn ra để kiếm tiền, vì khi mới bắt đầu đi ai cũng phải cắm sổ vay ngân hàng hoặc vay tín dụng. “Nếu bị trục xuất về thì... chết còn hơn vì số nợ quá lớn. Vì thế nhiều người chấp nhận đánh đổi cả tính mạng mình, nếu trót lọt họ sẽ giàu nhanh”, anh M. nói.

Riêng đối với việc sang Anh, anh M. cho biết những người “dắt mối” cũng rất sòng phẳng, bao giờ dẫn sang đến nơi họ mới lấy tiền từ phía gia đình. Bởi vậy, nhiều người ham vì không phải bỏ tiền ra trước, mà khi đã sang được Anh thì cuộc đời coi như bước sang trang mới.

Lao động đi nước ngoài bằng con đường “không chính ngạch” đang được nhiều người lựa chọn. Sức hút từ "tiền tươi" rất hấp dẫn, tuy nhiên, cái giá phải trả quá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng.

Nhưng hơn hết, những người đi lao động nước ngoài kiếm được tiền về cho gia đình cần nói rõ những rủi ro, nguy hiểm đang chờ đón trước mắt để cảnh tỉnh người thân, giúp họ biết rõ những nguy cơ sắp tới trước mỗi lựa chọn. Đó là những đồng tiền được đánh đổi bằng việc mất hết danh tính, nhân quyền, trường hợp xấu nhất có thể mất luôn tính mạng, chưa kể các nguy cơ bị bán, bị ép buộc làm việc phi pháp ở nước sở tại…

Theo Lê Phương (Khám phá)



ANH CÒN NỢ EM – DUYÊN THƠ NHẠC GIỮA ANH BẲNG VÀ PHẠM THÀNH TÀI


Khi nhạc sĩ Anh Bằng giã từ nhân thế, báo chí ghi sự nghiệp ca nhạc có nhắc đến bản Anh Còn Nợ Em như là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông. Có lẽ đây là ca khúc phổ thơ thành công và sau cùng nhất so với những ca khúc khác và được nhiều ca sĩ trình bày trên sân khấu hiện thời cũng như bao nhiêu người yêu nhạc hát khắp nơi.

Bài ca chỉ có mấy câu thơ lập đi lập lại rất khéo, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát, để phổ biến rộng rãi. Giai điệu ngọt ngào và đặc biệt bốn chữ “Anh Còn Nợ Em” thật tình tứ, quyến luyến.

Hai kẻ yêu nhau, chia tay, rồi có khi nào nhớ tới nhau, viết thư, nhắn tin, hay tái ngộ tình cờ chỉ cần một câu hát “ Anh Còn Nợ Em” là đủ. Để chứng tỏ anh vẫn còn yêu em và như một lời xin lỗi khéo léo.

Nói theo dân gian, hai tiếng “duyên nợ” chỉ tình yêu đôi lứa và trở thành vợ chồng. Nếu gặp nhau mà xa nhau thì “có duyên mà không có nợ ”. Và nếu mà nói “Anh còn nợ em” thì đâu đó, hình như vẫn còn yêu em.

Chợt nhớ câu văn nổi tiếng “Love means never having to say you’re sorry (Yêu có nghĩa là không bao giờ nói xin lỗi rất tiếc)” trong cuốn truyện Love Story của Erich Segal dựng thành phim được bao người thưởng thức.

Nhạc sĩ Anh Bằng (1926 - 2015)

Nhạc sĩ Anh Bằng kể rằng đọc tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài, có mấy bài thơ ngắn, rồi thích thú phổ thành bản Anh Còn Nợ Em. Lời ca như sau:

“Anh còn nợ em, công viên ghế đá, công viên ghế đá, lá đổ chiều êm. Anh còn nợ em, giòng xưa bến cũ, giòng xưa bến cũ, con sông êm đềm. Anh còn nợ em, chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm. Anh còn nợ em, nụ hôn vội vàng, nụ hôn vội vàng, nắng chiếu qua rèm. Anh còn nợ em, con tim bối rối, con tim bối rối, anh còn nợ em. Và còn nợ em, cuộc tình đã lỡ, cuộc tình đã lỡ, anh còn nợ em.”

Trong mỗi đoạn nhạc, có 4 câu thơ mà có câu lập lại hai lần, toàn bài câu “anh còn nợ em” lập lại 8 lần; đó là nét riêng của ca khúc và lập lại mà nghe không chán.

Khi bài hát phổ biến, nhạc sĩ Anh Bằng nhờ người tìm tác giả bài thơ và khi tìm được thì thi sĩ Phạm Thành Tài đã qua đời hơn mười năm. Ông chép tay bài nhạc Anh Còn Nợ Em và tặng cho người vợ của thi sĩ làm kỷ niệm.


Thi sĩ Phạm Thành Tài sinh năm 1932 và mất năm 1997. Quê quán ở quận Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Ông từng bị tù Cộng Sản sau năm 1975, đi qua Mỹ qua diện HO và học lấy bằng Đông Y Bác Sĩ (OMD- Oriental Medical Doctor).

Ông đã viết văn làm thơ từ năm 1955. Những tác phẩm đã xuất bản gồm Tình Em Còn Đó (Thơ), Hương Gây Mùi Nhớ (Thơ), Hoa Đào Năm Ngoái (Tập Truyện).

Xin ghi ra mấy dòng thơ của Phạm Thành Tài để hiểu thêm :

“Anh là Tháp, anh nhìn em ngủ. Em là sông em nằm gối chân anh. Gió Tháp sông trôi đôi bờ thủ thỉ. Em là sông Cái anh Tháp Chàm.

Cầu Bóng đón em, cánh tay em đó. Sóng eo thon vòng nối đôi bờ. Kìa nụ hôn anh hay mặt trời chói đỏ. Nụ hôn thật dài trên dòng chảy như mơ.”
(Phát Cảnh- Tình Em Còn Đó)

“Ngang vườn chợt vắng áo em phơi. Nhớ xao xác lá ngóng mây trời. Mong như dây thép trơ ngoài nắng. Chim sẻ giăng chờ chẳng muốn bay.” (Áo Trắng- Tình Em Còn Đó)

“Mai bỏ anh về. Sao. /Hoa thôi nở. Và áo nữa./ Thôi bay. Nắng thôi đỏ. Lửa/ Tàn thôi cháy bước xôn xao”. (Em Bỏ Anh- Tình Em Còn Đó)

“Hai đứa bên nhau trong rừng vắng. Gió lá rì rào vây quanh. Anh nhặt dùm em bên suối vắng. Những sợi thông vàng vương tóc xanh. Em ơi cho dẫu tình cách mặt. Chớ có trông hình để bóng xa. Giữa thư yêu anh tặng em kỷ vật. Một sợi thông vàng vương tóc xanh.” (Kỷ Vật- Tình Em Còn Đó)


Phạm Thành Tài có viết một Hồi Ký, xin trích một đoạn :

“Hồi còn ở quê nhà, sau tám năm “cải tạo học tập” về, tôi có mở một phòng mạch chữa bệnh cho bà con để kiếm sống qua ngày. Chữa bệnh bằng Tây Y kiếm cơm hơi khó vì thuốc hiếm, mắc quá, bệnh nhân mua không nổi nên tôi chuyển sang chữa bằng Đông Tây Y kết hợp. Nhờ trời cũng đắp đổi bữa có bữa không. Nhưng tôi quyết không bỏ nghề, không chỉ vì sợ mất cần câu cơm, mà còn vì tôi không thể bỏ ngang thân chủ mình. Bà con lành được bệnh tôi cũng có niềm an ủi, hơn nữa cái thế giới quen biết của mình ngày càng rộng khắp với bao nhiêu tâm sự vui buồn trong thời ly loạn nhân tâm. Trong số đó có một người con gái tên Thư. Cô gái này hình như là sinh viên cũ của Sàigòn không được vô Đại Học Nhà Nước, rất thích đọc sách. Lạ một điều là cô ta chỉ thích loại tiểu thuyết lịch sử. Cô kể cho tôi nghe gần như thuộc lòng nào là “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng, nào là “Chiến Tranh và Hoà Bình”, nào là “Ana Karenina” của Tolstoi. Cuốn này cô kể thật hấp dẫn, đây là cuốn có tình tiết rất tinh tế, rất khó kể sao cho hấp dẫn, thế mà tôi nghe phải mê luôn các nhân vật trong ấy. Có một lần nghe cô kể, không hiểu sao tôi buột miệng hỏi:

– À mà lâu nay cứ nghe chuyện ngoại quốc. Còn truyện trong nước Thư có đọc nhiều không ?

– Chuyện nào em cũng đọc. Hễ thấy là em mua ngay. Hết tiền vì đọc, má em la hoài… Em đọc cả sách “chui” nữa.

– Cả sách “chui” nữa, sách “chui” thì Thu thích cuốn nào?

– “Một Ngày của Ivan” và “Quần Đảo Ngục Tù” của Solzenitsyne, nhất là cuốn “Tầng Đầu Địa Ngục” cũng của Solzenitsyne.

Tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng ra mặt tỉnh bơ.

– Còn sách chui trong nước ?

– “Đường Đi Không Đến” của Xuân Vũ !


(Trích trong Hồi Ký Phạm Thành Tài)

Tình Em Còn Đó. Tập Thơ. Nhà XB TH. Sông Bé 1990 in 1000 cuốn khổ 12×19. Bìa họa sĩ Đằng Giao. Tựa nhà văn Sơn Nam.

Đó là những nét thơ văn của thi sĩ Phạm Thành Tài, tác giả mấy câu thơ được nhạc sĩ Anh Bằng đưa vào ca khúc nổi tiếng Anh Còn Nợ Em.

Người ta vẫn thường nói nhạc chắp cánh cho thơ. Những câu thơ đưa vào bài hát được ca sĩ, được quần chúng hát khắp nơi. Bốn chữ Anh Còn Nợ Em, nói ra thì nghe rất bình thường ; nhưng hát thì trở nên tình tứ chứa chan bao ý nghĩa.

Thi sĩ Phạm Thành Tài ra đi năm 1997, nhạc sĩ Anh Bằng vừa giã từ giới yêu nhạc ngày 12 tháng 11 năm 2015. Mối duyên thơ nhạc giữa hai người tạo nên ca khúc nổi tiếng Anh Còn Nợ Em.

Trần Chí Phúc

Núi Nhạn (thành phố Tuy Hòa), địa danh đã xuất hiện trong bài thơ “Anh còn nợ em”.

Viết thêm: Trong bài thơ có câu “ Chim về núi Nhạn” làm cho người dân Tuy Hòa thắc mắc. Núi Nhạn là tên của ngọn núi nhỏ nằm giữa thành phố Tuy Hòa, trên đỉnh có cái tháp của người Chiêm Thành xây và thời xưa chim nhạn thường bay về ẩn náu nơi này, do đó dân địa phương gọi là Tháp Nhạn và ngọn núi nhỏ này gọi là Núi Nhạn.

Thi sĩ Phạm Thành Tài đã khuất bóng cho nên không ai giải đáp sự thắc mắc này, ông là dân Ninh Hòa cũng gần Tuy Hòa và có thể là ông đã từng ở Tuy Hòa cho nên cảm hứng đưa hình ảnh Núi Nhạn vào bài thơ.



THẦN THOẠI VỀ BÍ NGÔ "JACK O'LANTERN" VÀ ÁNH SÁNG BÍ ẨN

Chúng ta từng được nghe qua trong rất nhiều câu chuyện về thứ ánh sáng bí ẩn và kỳ lạ được đặt trong những trái bí ngô thường xuất hiện trong các dịp Halloween. Có rất nhiều tên gọi khác nhau, hay những câu chuyện khác nhau kể về thứ ánh sáng này, sự xuất hiện của chúng làm cho nhiều người sợ hãi. Họ nghĩ rằng đây là một hiện tượng siêu nhiên.

Jack O’Lantern và ánh sáng bí ẩn: Thần thoại và khoa học. (Ảnh từ Mental Floss)

Ánh sáng kỳ lạ và đáng sợ

Jack O’Lantern là một quả bí ngô được khắc hình khuôn mặt. Nó chứa một thứ ánh sáng được đặt bên trong. Đây là thứ phổ biến trong các ngày lễ Halloween.

Nhưng thuật ngữ ở”Jack O’Lantern” lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Đó là một cái tên được đặt cho thứ ánh sáng mà mọi người vẫn thường nhìn thấy bên trên các vũng lầy, đầm lầy và lớp bùn vào lúc hoàng hôn hay ban đêm.

Loại ánh sáng này có hình dạng của ngọn lửa, hoặc một quả bóng. Nó sẽ di chuyển ra xa khi một người muốn tiếp cận mình.

Sự xuất hiện của ánh sáng thần bí làm cho nhiều người sợ hãi. Họ nghĩ rằng đây thực sự là một hiện tượng siêu nhiên. Khi này thế lực siêu nhiên đó đã nhận thấy được sự xuất hiện của họ và muốn dẫn họ vào nơi nguy hiểm.

Được biết loại ánh sáng thần bí được nhìn thấy ở vũng lầy, đầm lầy và bùn lầy đã được ghi nhận trong nhiều văn bản báo cáo của thế kỷ trước. Mặc dù khi đó chúng được đặt tên khác nhau trong các nền văn hóa.

Và thậm chí cho đến ngày nay, nhiều người vẫn nói rằng họ vẫn thường nhìn thấy thứ ánh sáng kỳ dị này.

Thời gian qua các nhà khoa học đã đưa ra những lời giải thích cho sự tồn tại của ánh sáng thần bí. Nhưng điều đáng buồn là ngày càng có nhiều vùng đất ngập nước bị cạn kiệt.

Điều đó cũng đồng nghĩa rằng chúng ta đang mất dần cơ hội được nhìn thấy và ghi lại ánh sáng Jack O’Lantern, hoặc tìm hiểu chi tiết về bản chất của “ngọn đèn”.

Vũng lầy, đầm lầy và bùn lầy

Một vùng đất ngập nước là khu vực có khối lượng đất được bão hòa với nước. Và mặc dù vũng lầy, đầm lầy và bùn lầy đều là vùng đất ngập nước, nhưng giữa chúng có sự khác biệt nhất định. Cụ thể là:
  • Vũng lầy là vùng đất ngập nước có cây cối
  • Đầm lầy chỉ có sự tồn tại của những loại cây thân cỏ.
  • Bùn lầy nằm ở khu vực ẩm ướt và mềm lún. Nó có chứa một loại vật liệu được gọi là than bùn. Thứ được tạo ra từ rong rêu phân hủy.
Ngày nay đã có nhiều người cho biết mình đã nhìn thấy ánh sáng Jack O’Lantern ở các khu vực khác ngoài vùng đất ngập nước. Nhìn chung hiện tại nó được gọi là đèn ma hoặc đèn quỷ. Dưới đây những là những ghi nhận về thứ ánh sáng thần bí mà mọi người vẫn thường nhìn thấy bên trên vùng đất ngập nước và lầy lội.

Câu chuyện của Jack O’Lantern hoặc Stingy Jack


Câu chuyện của Jack O’Lantern hoặc Stingy Jack. (Ảnh từ blogspot)

Câu chuyện của Ai Len về người đàn ông Stingy Jack đã từng được sử dụng để giải thích thứ ánh sáng tại vùng đất ngập nước.

Giống như nhiều câu chuyện xưa cũ, nó đã tồn tại trong nhiều phiên bản khác nhau. Nhưng những điểm chính của câu chuyện thường diễn biến như sau:

Jack là một kẻ say rượu, một kẻ nói dối và cũng là một kẻ thao túng vị đại. Trong một số phiên bản của câu chuyện, ông ta chính là người thợ rèn.

Một ngày nọ Jack đã gặp một con quỷ, người sẽ đưa linh hồn của ông xuống địa ngục.

Khi này Jack đã thuyết phục quỷ sa tăng thực hiện một yêu cầu cuối cùng của mình là cho phép ông uống rượu trong quán rượu địa phương.

Sau khi uống khá nhiều rượu tại đó, Jack đã cầu xin quỷ sa tăng biến nó thành một đồng xu để trả cho người phục vụ. Quỷ sa tăng đã làm theo yêu cầu này

Nhưng thay vì trả nó cho người phục vụ, thì ông lại đặt đồng xu quỷ trong chiếc túi có cây thánh giá của mình. Chính cây thánh giá này đã khiến cho sa tăng không thể trở lại hình dạng ban đầu.

Do đó, Jack đã đưa ra một thỏa thuận với quỷ dữ. Cụ thể ông sẽ giải phóng cho quỷ sa tăng, nếu như nó đồng ý rời đi và không lấy mất linh hồn của ông trong 10 năm. Trong tình thế bắt buộc quỷ sa tăng đồng ý và rời đi sau khi được thả ra.

Sự trở lại của ma quỷ

Hết thời hạn 10 năm, quỷ sa tăng đã quay lại tìm Jack. Lần này Jack đã yêu cầu sa tăng cho phép mình được leo lên cây để chọn một quả táo và ăn nó trước khi ông xuống địa ngục. Quỷ sa tăng đồng ý.

Nhưng khi vừa trèo lên, Jack đã nhanh chóng khắc cho mình một cây thánh giá trên thân cây để giam cầm con quỷ.

Jack đã nhanh chóng khắc cho mình một cây thánh giá trên thân cây để giam cầm con quỷ. (Ảnh từ blogspot)

Tương tự như lần trước, Jack lại đạt được một thỏa thuận với quỷ sa tăng. Theo đó để được giải phóng con quỷ không bao giờ được bắt linh hồn của Jack đến địa ngục nữa. Sau đó con quỷ đã được thả ra.

Tuy nhiên, lúc Jack chết đi linh hồn của ông lại không được Chúa đưa lên thiên đàng. Vì khi còn sống ông đã làm nhiều thứ xấu xa. Khi đó quỷ sa tăng cũng không cho phép linh hồn ông ta bước vào địa ngục, bởi giữa họ đã có sự thỏa thuận từ trước.

Vì vậy, quỷ sa tăng đã phải gửi linh hồn của Jack vào bóng đêm để nó có thể lang thang trên thế giới vô tận một mình.

Linh hồn Jack được đặt trong một thanh củi rỗng. (Ảnh: Internet)

Đây cũng là lúc mà linh hồn của Jack được đưa vào một cây củi đang cháy dở của địa ngục. Sau đó, linh hồn được đặt bên trong cây củ cải rỗng, để nó được thắp sáng theo cách của mình. Kể từ đó thứ ánh sáng này được gọi là Jack of the Lantern, hoặc Jack O’Lantern.

Đối với một số người trong quá khứ, thứ ánh sáng kỳ lạ và nhấp nháy trên vùng đất ngập nước dường như rất phù hợp với câu chuyện của jack O’Lantern.

Nó được cho là linh hồn xấu xa của Jack đã bị mắc kẹt giữa sự sống và cái chết.

Khi ánh sáng biến mất, người ta nghĩ rằng Jack đang cố gắng dẫn dụ mọi người vào sâu trong đầm lầy để cướp đi sinh mạng của họ.

Quaking Bog là gì?


Một số cái tên lịch sử khác cho ánh sáng của vũng lầy, đầm lầy và bùn lầy

Trong lịch sử, thứ ánh sáng của vùng đất ngập nước được biết đến với nhiều tên gọi khác ngoài jack o’lanterns. Một trong số đó chính là Wisp.

Được biết Wisp là một bó củi hoặc bó giấy được thắp sáng và sử dụng như ngọn đuốc.

Bên cạnh đó, tương tự như Jack, Will là một linh hồn bất đắc dĩ phải đi lang thang một mình vào ban đêm trong sự cô đơn, vì ông đã làm điều gì đó sai trái.


Will là một linh hồn bất đắc dĩ phải đi lang thang một mình vào ban đêm trong sự cô đơn, vì ông đã làm điều gì đó sai trái. (Ảnh từ nocookie)

Ngoài ra, một tên gọi khác được đặt cho ánh sáng ở vùng đất ngập nước là Ignis fatuus. Trong tiếng La tinh nó có nghĩa là “ngọn lửa ngu ngốc”.

Và một tên gọi cũ cũng từng được dùng cho nó là ngọn nến xác chết. Nhiều người nghĩ rằng khi mình nhìn thấy thứ ánh sáng này có nghĩa là cái chết đã đến rất gần với họ.

Theo truyền thuyết, đầm lầy Louisiana là nơi tập trung của các fifollet hay feu-follet (trong tiếng Pháp là ngọn lửa ngu ngốc). Thứ ánh sáng ma quái này được cho là có hình dạng của một quả cầu phát sáng trên mặt nước đầm lầy. Nó tương tự như một quả cầu lửa của thế lực siêu nhiên. Quả cầu này sẽ xa những ai đang cố gắng tiếp cận nó.

Truyền thuyết cũng nói rằng, các fifollet là những linh hồn bị Thiên Chúa gửi trả lại trần gian để trừng phạt họ. Đôi lúc nó có thể tấn công con người.

Nhưng trong một số Phiên Bản khác của truyền thuyết, mặc dù fifollet khá tinh nghịch nhưng nó không gây hại đến ai cả.

Mặt khác, trong nhiều phiên bản còn lại, fifollet lại rất đáng sợ và nó có thể hút máu con người như ma cà rồng .

Và một truyền thuyết khác còn cho biết quả cầu lửa trên đầm lầy là linh hồn của một đứa trẻ chưa được làm lễ rửa tội.

Tú Văn, Theo Owl Cation

Wednesday, October 30, 2019

NEM CÁ CƠM

Đồng bằng Sông Cửu Long dồi dào lúa gạo, sẵn cá chim muông nên món ăn cũng phong phú, trong đó có một món hết sức dân dã mang hương vị đồng quê đậm đà khó quên đây là món nem cá cơm.

Nem cá cơm chiên

Cá cơm có thân hình nhỏ bằng đầu đũa, toàn than màu trắng đục, xuất hiện vào khoảng tháng ba âm lịch, hàng năm. Lúc mới “xuống” chúng chỉ to hơn que tăm, dân gian gọi là cá “mòn”. Sau một thời gian trôi dạt theo sông, chúng lớn dần lên. Con lớn nhất đã dài khoảng 3 cm, 1úc bấy giờ chúng mới mang tên chính thức là cá cơm.

Nem cá cơm hơi hiếm vì chế biến rất mất công, nên chỉ thấy xuất hiện trong một vài nhà hàng có tiếng ở miền Tây Nam Bộ.


Để làm nem cá cơm trước tiên là phải làm sạch cá. Cá cơm tuy nhỏ nhưng lại có rất nhiều xương li ti tập trung dày đặc ở bụng, nên có thể lấy kéo cắt bỏ phần sườn, cạo sạch vẩy rồi ngâm với nước muối hơi mặn cho tới khi thịt của con cá tách ra làm hai thì vớt ra, gỡ bỏ xương sống ngâm tiếp với nước dừa tươi độ 30 phút cho thịt cá thấm chất ngọt mới vớt ra rổ, xóc nhẹ cho rảo nước. Công việc tiếp theo là đổ hết thịt cá vào miếng vải thưa vắt khô rồi chuẩn bị gia vị theo công thức sau:

Cá cơm đã cắt đầu, đuôi và lườn (bụng)

1 kg thịt cá cơm
1/4 thìa nhỏ muối diêm
50g đường trắng
10g tiêu bột
1 miếng vôi ăn trầu
100g hoa da khô
1 củ tỏi nướng
50g muối bột
50g thính gạo
Một ít lá tấm ruột non, lá vông lá chuối lau khô sạch.

Dùng lá non cây chùm ruột để quấn nem cá cơm,sau đó ốp một lá vông nem, rồi gói thêm lớp lá chuối bên ngoài.

Cá cơm vắt khô tẩm ướp muối đưòng, bột ngọt, vôi, tỏi nướng, bỏ tất cả vào cối quết cho thật nhuyễn. Dùng tay quết cho đều. Sức mạnh đôi tay của người đứng quết làm cho các mô protein của cá kết cáu gắn chặt lấy nhau. Nếu dùng cối xay nát nguyên liệu thì sau này viên nem sẽ không dai không dính nữa.

Mỗi khi giã nhuyễn cần chấm đầu chày vào mỡ nước đã phi tỏi cho khỏi dính và cũng mới dễ quết, không thấy nặng tay, chày không bị mút chặt vào cối. Quết xong nêm lại cho vừa ăn. Trộn mỡ, hoa da, thính gạo và hạt tiêu vào cối cá đã quết. Trộn đều thêm một lần nữa rỗi viên cá thành từng viên tròn. Lấy 5-6 lá chùm ruột non gói qua viên cá lại, gói tiếp lá vông nem, lấy lạt mỏng quẩn bên ngoài, buộc theo hình chữ thập.

Nguyên liệu làm nem cá cơm: cá cơm đã rút xương, quết nhuyễn; bì (da heo xắt sợi), mấy món gia vị và vài loại lá quấn gói

Công việc chế biến nem như thế là xong. Bây giờ chỉ còn mỗi việc là treo những chiếc nem sống vừa gói nơi gần bếp hơi nóng thúc đẩy quá trình lên men nhanh chóng. Trong thời gian lên men, các enjim của vi sinh vật sẽ cắt những mạch prôtein của thịt cá thành những mạch gỉản đơn. Đồng thời, sự lên men cũng tổng hợp được các sinh tố như Vitamin B2, B12… làm cho nem cá cơm có mùi thơm đặc trưng dễ tiêu hoá và bổ dưỡng, ăn ngon như những chiếc nem làm bằng thịt lợn. Nem thịt lợn đâu cũng có nhưng không lạ miệng bằng chất nem làm từ cá. Nếu cá cơm chuyên dành để làm nước mắm nhĩ mới thơm ngon thì nó cũng là thứ nguyên liệu quí hiếm để có được chiếc nem ngon mà thời gian đợi chờ không lâu, chỉ khoảng bốn ngày sau là ta đã có mẻ nem ăn được, nhưng cũng không nên để lâu quá 10 ngày chắc không còn chất lượng. Nem cá cơm ăn ngon nhất là vào ngày thứ hai, thứ ba sau ngày nem chín. Ngày thứ nhất đã được ăn rồi nhưng chưa thật “ngấu”. Hãy lùi lại một hai ngày sau rủ bạn bè đến thưởng thức nhâm nhi. Chỉ cần có vài ba chiếc nem chua với xị rượu đế là có thể ngồi với nhau suốt buổi chiều, đợi bữa cơm tối là vừa.

Nem cá cơm thành phẩm

Vùng Châu Đốc – An Giang là nơi thường xuyên làm món nem này. Chỉ tiếc rằng không mấy nhà hàng chịu làm bán cho khách. Cho nên “Muốn ăn thì lăn vào bếp”, chịu vậy chứ biết làm sao? Công thức sẵn rồỉ, cứ mạnh dạn làm thử một lần xem sao! Hỏng một lần làm lần khác, khó đến mấy cũng xong. Có dày công mới có bữa nhậu chứ!

(Sưu tầm trên mạng)

HONG KONG, CÔNG TY ĐÔNG ẤN VÀ CHIẾN TRANH NHA PHIẾN Ở TRUNG QUỐC

Người Anh đã dùng thủ đoạn gì để thâu tóm Hong Kong từ Trung Quốc 156 năm. Làm sao họ có được hòn đảo này? Và Hong Kong có liên quan gì đến chiến tranh nha phiến?

Triều đình Mãn Thanh cho người phá hủy số thuốc phiện lấy được từ tàu buôn của Anh. (Ảnh: Pinterest)

Thuốc phiện dùng trong y học được sản xuất ở Trung Quốc lần đầu vào cuối thế kỷ 15. Các thầy thuốc Trung Hoa dùng nó để trị bệnh lỵ, dịch tả… Và không phải đến thế kỷ 18 người Trung Quốc mới hút thuốc phiện.

Năm 1729, triều đình Mãn Thanh cảnh báo người dân rằng, thuốc phiện rất hại người. Họ ban chỉ lệnh cấm bán thuốc phiện trộn chung với thuốc lá, cấm cửa các khách điếm hút thuốc phiện. Trong “The Imperial Drug Trade” xuất bản tại London năm 1905, Joshua Rowntree viết, tội bán thuốc phiện “bị xếp ngang với tội cướp của và xúi giục giết người, có thể bị đày ra biên ải hoặc tử hình”.

Tuy nhiên, lệnh cấm không ngăn được Anh, vốn đã dần dần tiếp quản việc buôn bán thuốc phiện từ các đối thủ tư bản châu Âu là Bồ Đào Nha và Hà Lan. Lúc này, phần lớn thuốc phiện do Ấn Độ – thuộc địa của Anh – trồng và sản xuất.

Nhà thám hiểm tự do người Anh là thuyền trưởng Hamilton đã ở Ấn Độ 40 năm đầu thế kỷ 18. Ông miêu tả thành phố Patna là “nơi người châu Âu thường xuyên lui tới, nơi người Anh và Hà Lan có các nhà máy. Ở đó sản xuất rất nhiều thuốc phiện để phục vụ tất cả các vùng miền ở Ấn Độ”.

Nước Anh độc quyền thương mại về thuốc phiện

Một kho thuốc phiện của Công ty Đông Ấn, chúng sẽ được đưa qua Trung Quốc. (Ảnh qua Kate Tattersall)

Karl Marx viết trong “Sự hình thành của tư bản công nghiệp” (Genesis of the Industrial Capitalist), tập 1 với tựa đề “Tư bản”: “Công ty Đông Ấn của Anh quốc, bên cạnh việc giành được quyền lực chính trị ở Ấn Độ, còn nổi tiếng với việc nắm độc quyền thương mại trà, cũng như thương mại của Trung Quốc nói chung, và vận chuyển hàng hóa đến và đi từ châu Âu… Độc quyền muối, thuốc phiện, trầu và các mặt hàng khác, là công ty sở hữu của cải vô tận”.

Thế thì, tuy triều đình Mãn Thanh đã thực hiện các hoạt động và biện pháp mạnh tay hơn để chấm dứt nạn buôn bán thuốc phiện, nhưng người Anh đã làm tất cả những gì có thể để đẩy mạnh vấn nạn này.

Công ty Đông Ấn của Anh tiến hành 3 cuộc chiến với Trung Quốc nhằm giành quyền bán thuốc phiện. Những chiến tranh, cướp bóc của chủ nghĩa đế quốc đã mở ra các thị trường mới và định đoạt số phận của Hong Kong.

Đó là những cuộc chiến tranh thuốc phiện đầu tiên trên thế giới. Mục đích duy nhất là đảm bảo việc nhập khẩu thuốc phiện, sinh ra lượng lợi nhuận khổng lồ.

Doanh số bán thuốc phiện tăng dần từ 2.330 rương năm 1788 lên 4.968 rương năm 1810. Sau khi người Anh nắm độc quyền, họ đã đẩy con số lên 17.257 rương năm 1835, trị giá hàng triệu bảng Anh.

Năm 1830, Thống đốc người Anh của Ấn Độ viết: “Chúng tôi đang áp dụng các biện pháp để mở rộng trồng trọt, nhằm tăng lượng cung thuốc phiện”.

Cuộc chiến tranh nha phiến năm 1839-1842 bắt đầu khi triều đình Mãn Thanh đối đầu với các tàu buôn nước ngoài và yêu cầu họ giao nộp hàng hóa bất hợp pháp. Sĩ quan cảnh sát của hạm đội Anh là thuyền trưởng Elliot, đã yêu cầu Thống đốc của Ấn Độ gửi thêm nhiều tàu chiến cho ông.

Tàu chiến được đưa đến Hong Kong để bảo vệ các tàu buôn thuốc phiện lớn. Tàu gỗ do hoàng đế Mãn Thanh phái đi không có cơ hội đánh thắng tàu chiến Anh.

Tàu gỗ do hoàng đế Mãn Thanh phái đi không có cơ hội đánh thắng tàu chiến Anh. (Ảnh qua Spectator)

Rowntree viết rằng: Người Anh “đang rất vội vã kiếm tiền ở phương Đông, và những tàu chiến giúp dọn đường nhanh chóng. Một chút lòng trắc ẩn với người đã bị các đồng bạc rup cuốn trôi, để rót vào kho bạc Anh ở Calcutta”.

Những cuộc chiến này gây ra chết chóc, thương vong chưa từng có ở Trung Quốc. Người Anh đã dùng nhiều thủ đoạn để phá hủy, chiếm đoạt, cướp bóc dọc bờ biển Trung Quốc.

Không còn lại gì để cướp và phá

Công báo Ấn Độ, một ấn phẩm của Anh, viết về vụ cướp ở thành phố Chu San, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc năm 1840 như sau:

“Một vụ cướp phá toàn diện không thể tàn nhẫn hơn đã xảy ra. Từng ngôi nhà tan nát, từng ngăn kéo và két sắt bị lục soát, những con đường rải rác các mảnh vật dụng, tranh vẽ, bàn, ghế, các loại ngũ cốc – toàn bộ thành phố chỉ toàn là người chết hoặc bị thương không thể chạy trốn do vết thương từ những phát súng tàn nhẫn của chúng ta… Vụ cướp chỉ chấm dứt khi không còn gì để cướp phá”.

Các cuộc đàm phán dẫn đến “Hiệp ước Bogue” nhưng bị thất bại vì Trung Quốc từ chối bồi thường số thuốc phiện mà Anh mất trong chiến tranh. Sau đó, Anh chiếm Hạ Môn, Thanh Hải, Châu Hải, Ninh Ba.

Sau cái chết của hàng nghìn người Trung Quốc, ngày 29/8 /1842, cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên kết thúc với hiệp ước Nam Kinh. Hiệp ước buộc triều đình Mãn Thanh bồi thường 15 triệu đô la cho các thương gia Anh. Hơn nữa, nó mở ra 5 cảng thương mại cho người Anh.

Cuối cùng, Trung Quốc nhượng lại Hong Kong cho Anh.

Đây là nguồn gốc đẫm máu: Vì sao Hong Kong có 156 năm làm thuộc địa của Anh. Nó diễn ra cùng thời với cuộc xâm lược đế quốc ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và một số nước châu Á. Đó là những điều kinh hoàng của thế kỷ 19 và 20, mang đến sự đau đớn cùng cực cho nhiều dân tộc.

Xuân Nhạn, theo Sanskriti

TÍNH NHÂN VĂN CỦA LÃNH ĐẠO NƯỚC NGƯỜI

THỦ TƯỚNG ANH GHI SỔ TANG CHIA BUỒN VỚI GIA ĐÌNH 39 NẠN NHÂN CHẾT TRONG XE CONTAINER

Thủ tướng Anh Boris Johnson ghi sổ chia buồn và cam kết làm mọi thứ trong khả năng để đưa những kẻ phạm tội ra trước pháp luật. 


Hôm 28.10, Thủ tướng Anh Boris Johnson tới văn phòng hội đồng quận Thurrock cùng với Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel và các thành viên cấp cao lực lượng khẩn cấp của hạt Essex để tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ 39 thi thể được tìm thấy trên xe container.

Trong sổ chia buồn, Thủ tướng Anh viết: "Cả đất nước và đúng là cả thế giới bàng hoàng bởi thảm kịch này và sự nghiệt ngã mà những người vô tội hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở đất nước này đã phải trải qua".
 
Thủ tướng Anh ghi sổ chia buồn. Ảnh: PA.

Ông Boris Johnson cũng bày tỏ sự thương tiếc các nạn nhân, chia sẻ với thân nhân của những người đã khuất.

"Để lên án sự nhẫn tâm của những kẻ gây ra tội ác này, chính phủ vương quốc Anh chúng tôi quyết tâm làm tất cả trong khả năng của mình để đưa các thủ phạm ra công lý" - ông nhấn mạnh.
 
Thủ tướng Anh đặt hoa bên ngoài văn phòng quận Thurrock để tưởng nhớ các nạn nhân vụ 39 thi thể trên xe tải. Ảnh: PA.

Được biết, cùng với việc ghi sổ chia buồn Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Priti Patel cùng giới chức địa phương đã đặt hoa trong khu vườn Mulberry bên ngoài văn phòng quận Thurrock để tưởng nhớ các nạn nhân. 

LƯƠNG HẠNH


Tuesday, October 29, 2019

10 MÓN ĂN NHẬT BẢN ĐẮT ĐỎ NHẤT NHẬT BẢN

Nhật Bản sở hữu những món ăn có giá hàng nghìn USD chỉ cho một phần nhỏ, theo The Richest.

10. Sushi Edomae

Tokyo có rất nhiều nhà hàng sushi với chất lượng 3 sao vàng Michelin. Đặt bàn ở những nhà hàng này tương đối khó khăn. Đồng thời, sự điêu luyện của các bậc thầy sushi khiến giá bữa ăn tại những nhà hàng này luôn thuộc hàng “cắt cổ”. Một thực đơn Omasake (thực đơn do đầu bếp chọn) gồm 20-30 miếng sushi có giá trên 300 USD. Thậm chí, chi phí ăn uống ở những nhà hàng sushi Edomae không có sao vàng Michelin cũng không rẻ.

9. Fugu (cá nóc)

Fugu thường được phục vụ cùng món sashimi. Những lựa chọn phổ biến khác bao gồm Karaage, Nabe và Yaki Fugu. Các gia đình Nhật Bản thường chỉ ăn fugu 1-2 lần trong năm do chi phí cao. Một bữa ăn phục vụ fugu có giá 100-200 USD, thậm chí cao hơn. Loại hoang dã sẽ có giá đắt hơn loại nuôi.

8. Kujira

Hầu hết các nhà hàng thịt cá voi Nhật Bản sẽ treo những biển hiệu bằng tiếng Anh với nội dung “Chúng tôi là một nhà hàng thịt cá voi”. Điều này sẽ tránh cho thực khách vào nhà hàng khỏi bị sốc hay sợ hãi khi nhìn thực đơn. Phần thịt cá voi đắt nhất có tên gọi là onomi. Đây là miếng cơ chạy từ vây lưng đến phần đuôi cá voi. Giá của món ăn này là khoảng 200 USD/kg.

7. Basashi (thịt ngựa)

Với chỉ 10 USD, thực khách có thể được phục vụ một miếng basashi nhỏ tại bất cứ Izakaya (quán nhậu) nào ở Nhật Bản. Tuy nhiên, để có được chất lượng món ăn ngon hơn, khách sẽ phải chi nhiều tiền hơn. Sẽ không ngạc nhiên nếu một đĩa gồm những miếng thịt thăn, thịt mông, bờm, bụng có giá hơn 100 USD.

6. Wagyu (thịt bò vân đá)

3 loại thịt bò vân đá nổi nhất của Nhật Bản là Kobe, Matsusaka và Ohmi. Tên những loại thịt này gắn liền với tên của vùng những chú bò được chăn nuôi. Một miếng thịt gắn mác những vùng này có “uy danh” như một chiếc xe Rolls Royce, chiếc đồng hồ Rolex hay túi Gucci. Một miếng bò bít tết Kobe có thể tiêu tốn của bạn hơn 500 USD.

5. Hoa quả cao cấp

Dưa Yubari từ vùng Hokkaido là một loại quả cao cấp, đắt tiền của Nhật Bản. Loại dưa này có thời gian sinh trưởng cực ngắn và chỉ có tại một số khu vực tuyết rơi dày hàng tháng trong khoảng thời gian còn lại trong năm. Dưa Yubari thường có giá khoảng 200 USD. Năm 2008, một đôi quả Yubari King được bán đấu giá và thu về hơn 20.000 USD.

4. Otoro (bụng cá ngừ)

Năm 2013, Kiyoshi Kimura, 1 chủ nhà hàng sushi, chi 1,76 triệu USD trong một cuộc đấu giá tại Tsukiji cho một con cá ngừ vây xanh nặng 221 kg. Một năm trước đó, Kimura cũng từng chi 736.000 USD cho một con cá ngừ nặng 269 kg.

3. Ẩm thực Kaiseki

Một bữa ăn chất lượng Kaiseki có thể có giá trên 100 USD hoặc đôi khi là 340 USD. Kaiseki là một dạng ẩm thực thượng hạng tại Nhật Bản và đặc biệt phổ biến tại Kyoto, là nét văn hóa quen thuộc tại Nhật Bản trong thời kỳ Meiji hay Edo.

2. Tempura

Các nhà hàng tempura sở hữu một sao vàng Michelin có thể bán những món ăn có giá gần 100 USD – mức giá vô cùng đắt đỏ khi Tempura là một món gần giống với đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, mức giá trên không quá gây bất ngờ khi Nhật Bản là quốc gia tôn thờ ẩm thực. Thậm chí, một món không lấy gì làm sang trọng cũng có thể trở nên xa xỉ khi được tạo nên bởi kỹ thuật hay thành phẩm đẳng cấp thế giới.

1. Suppon (thịt rùa)

Khi ăn suppon, phần tim thường được trộn với rượu saki, trong khi quả trứng thì được ăn sống. Tại Nhật Bản, tim và trứng trong món suppon được cho là sẽ làm tăng khả năng tình dục và giúp cải thiện sinh lực phái mạnh. Một bữa ăn phục vụ suppon trọn vẹn không hề rẻ – hơn 100 USD. Khách sẽ được thử mọi phần của loài vật này dưới dạng nhiều món ăn khác nhau và có thể ăn các món như nabe (lẩu) hay yako suppon.

Nguồn zing

NƯỚC ĐÓNG CHAI KHÔNG HỀ AN TOÀN HƠN NƯỚC TỪ VÒI

Người dân Úc đang được thúc giục nên từ bỏ nước đóng chai sau một nghiên cứu mới công bố cho thấy nước đóng chai không hề an toàn hay lành mạnh hơn là nước từ vòi, sử dụng nước đóng chai không những tốn kém mà còn ảnh hưởng đến môi sinh.


Úc là một trong các quốc gia sử dụng nhiều nước đóng chai.

Thế nhưng một cuộc khảo sát gần đây do tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Úc CHOICE thưc hiện đã cho thấy, một số thương hiệu nước giải khát hiện nay đang quảng cáo sản phẩm một cách thiếu trung thực.
"Khi bạn mua nước đóng chai, bạn đang mua những ý tưởng về độ tinh khiết của các nhà tiếp thị, đâu nhất thiết phải như vậy, thực sự bạn đang phải trả tiền cho cái gì?" - Ký giả từ CHOICE Kate Browne
Nước đóng chai có đáng tin cậy?

Ký giả điều tra của CHOICE Kate Browne cho hay mặc dù người Úc cứ tin rằng nước đóng chai an toàn hơn nước vòi, thế nhưng các hãng sản xuất nước đóng chai chỉ phải kiểm tra sản phẩm của họ mỗi năm một lần, còn nước từ vòi lại bị buộc phải kiểm tra thường xuyên hơn.


“Chỉ riêng kỹ nghệ nước đóng chai tại Úc cũng có giá trị đến 700 triệu đô la và chúng ta biết rằng có một số lượng đáng kể người dân Úc hiện chỉ lựa chọn dùng nước đóng chai,” bà Browne nói.

Trong khi đó, theo ông Peter Hadfield từ Sydney Water thì chính thực tế việc tiêu dùng nước đóng chai này lại đang đặt gánh nặng lên hoạt động dọn dẹp sông Cooks, ở miền Đông Nam Sydney vào mỗi buổi sáng.

“Các chai nhựa gây ra một vấn đề môi sinh thực sự. Chúng ta mất nhiều công để tạo ra chúng, vận chuyển chai nước khắp nơi.”

“Điều quan trọng là chúng ta đang chứng kiến một vấn nạn rác thải thật sự khi mà những con sông, nguồn nước ở Sydney phải gánh chịu hàng triệu chai nhựa đổ ra từ mọi ngõ ngách đường nước mỗi năm,” ông Hadfield nói.

Tại sao trả tiền cho thứ không hơn đồ miễn phí?

Cuộc điều tra của CHOICE đã hé lộ những băn khoăn đáng quan tâm về lý do tại sao chúng ta lại chọn trả tiền cho một chai nước trong khi uống nước từ vòi miễn phí cũng tốt.

"Khi bạn mua nước đóng chai, bạn đang mua những ý tưởng về độ tinh khiết của các nhà tiếp thị, đâu nhất thiết phải như vậy, thực sự bạn đang phải trả tiền cho cái gì?" bà Browne nói.


Thay vì cái gọi là tinh khiết, CHOICE nhận thấy rằng khi người ta dùng từ này trong quảng cáo nước đóng chai của mình, thì thông điệp đó hơi tối tăm.

Một số thương hiệu tự hào về những thứ có trong nước đóng chai của họ ví dụ như bổ xung oxy, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, có thể là bền bỉ, tập trung tinh thần và hồi phục - hoặc là bổ sung các loại muối khoáng cho sức khoẻ và thanh lọc cơ thể.

Tuy nhiên, sự thật là gì, theo CHOICE, thực tế chỉ có nước từ các vòi nước cũ thì mới có nhiều oxy và nhiều khoáng chất hơn mà thôi.

Trong khi đó, cơ quan hữu trách nói rằng những người di dân từ các nước vốn có chất lượng nước thấp hơn thường nghĩ rằng sản phẩm đóng chai an toàn hơn.

Nhưng ông Peter Hadfield khẳng định thực tế là H2O từ vòi nước ở Úc thực sự được kiểm soát chặt chẽ hơn bất cứ thứ nước gì đang được bày bán trên các kệ hàng.

"Úc có một số quy định hướng dẫn thuộc loại nghiêm ngặt nhất về nước uống so với các nước trên thế giới.”


“Chúng tôi liên tục theo dõi và kiểm tra chất lượng nước để bảo đảm phẩm chất cao nhất và an toàn tuyệt đối cho người sử dụng," ông Hadfield nói.

Theo Hội đồng Kỹ nghệ Đồ uống Úc, tất cả các nhà sản xuất nước đóng chai phải tuân theo luật tiêu dùng để công chúng có thể tin tưởng rằng họ không bị lừa dối.

Cũng theo tổ chức này thì nước đóng chai phải là loại ít tác hại môi trường nhất so với bất kỳ đồ uống nào, bằng cách bảo đảm toàn bộ bao bì, chai nước phải có thể tái chế 100%.

Theo: SBS Tiếng Việt

Monday, October 28, 2019

VỤ 39 THI THỂ TRONG CONTAINER: TẠI SAO RẤT NHIỀU NẠN NHÂN KHÔNG MẶC QUẦN ÁO KHI XE LẠNH ĐẾN ÂM 25 ĐỘ C?

Tại sao trong môi trường lạnh như thế, các nạn nhân lại làm hành động ngược đời là cởi hết đồ?


Sáng ngày 26/10, nguồn tin từ cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy những "dấu tay đẫm máu" ở bên trong cánh cửa và thành container, được cho là của 39 người di cư để lại trước khi tử vong. Đó là bằng chứng nghiệt ngã về những khoảnh khắc tuyệt vọng cuối cùng của nạn nhân vì bị nhốt trong một thùng xe đông lạnh trên đường đến Anh.

Đáng chú ý, cảnh sát ghi nhận các nạn nhân khi đó mặc rất ít quần áo, thậm chí có người hoàn toàn khỏa thân, trong khi nhiệt độ của thùng xe được ước tính xuống tới âm 25 độ C để qua mặt camera tầm nhiệt tại cửa khẩu.



Nhưng điều này chẳng phải quá vô lý hay sao? Nhiệt độ lạnh như vậy mà tất cả lại cởi bỏ quần áo ư?

Thực ra, đây là một hiện tượng hết sức "ngược đời" đã được khoa học ghi nhận. Nó được gọi là Hypothermia Undressing (tạm dịch: lột quần áo khi hạ thân nhiệt).

Hiện tượng ngược đời và những giả thuyết phía sau

Nếu ai đã từng xem bộ phim Everest năm 2015, hẳn sẽ thấy trong đó có một cảnh quay rất lạ: khi nhân vật Andy bị mắc kẹt trên đỉnh núi lạnh giá và có nguy cơ sẽ chết rét, anh ta lại ... cởi hết quần áo của mình ra. Đây chính là một ví dụ của Hypothermia Undressing.

Hiện tượng này xảy ra khi thân nhiệt bị hạ xuống mức nguy hiểm (dưới 35 độ C), nạn nhân sẽ đột nhiên cởi bỏ hết tất cả quần áo của mình, trong khi thứ họ cần làm là điều hoàn toàn ngược lại. Thực tế, các đội cứu hộ trên thế giới cũng ghi nhận không ít trường hợp tương tự, khi các nạn nhân chết rét trong tình trạng không có mảnh vải che thân, hoặc mặc rất ít quần áo.

Nạn nhân chết cóng có hiện tượng cởi hết áo quần trên người (Ảnh minh hoạ)

Ban đầu, giới cảnh sát đều xem những trường hợp qua đời như vậy là án mạng, nhưng hầu hết đều không tìm được thủ phạm. Phải đến khi các nhà khoa học ra tay, bí ẩn mới được hé mở với 2 giả thuyết phổ biến như sau:

Giả thuyết đầu tiên cho rằng hiện tượng này là hệ quả của Chứng co thắt mạch ngoại biên. Trong cái rét thấu xương, cơ thể làm co thắt các mạch máu ở tứ chi để dồn máu về thân mình, nhằm giữ cho nhiệt độ của nội tạng ở mức cao nhất có thể. Nhờ cơ chế này, các cơ quan trọng yếu như não, phổi... sẽ đỡ bị tổn thương bởi khí lạnh, và nhờ thế khả năng sống sót sẽ cao hơn.

Thế nhưng khi đến một ngưỡng cơ thể không thể chống được nữa, các thớ cơ sẽ giãn ra, khiến cho mạch máu mở lại như trạng thái ban đầu. Một lượng máu lớn lại từ thân chính đổ ra chân tay và khiến cho nạn nhân cảm thấy nóng lên đột ngột. Các chuyên gia tin rằng chính cảm giác tức thời này đã khiến các nạn nhân vùng lên cởi bỏ quần áo, và cuối cùng chết vì mất nhiệt.

Giả thuyết thứ hai liên quan não bộ, cho rằng nhiệt độ thấp đã làm rối loạn chức năng của vùng đồi dưới não - chính là trung tâm điều hòa thân nhiệt. Khi thân nhiệt hạ xuống quá thấp, khu vực đồi dưới sẽ gửi đi một tín hiệu sai lầm chết người đến toàn bộ cơ thể rằng "Ở đây đang rất nóng" – trong khi sự thực thì không phải như vậy.

Tuy nhiên, tất cả đều chỉ dừng lại ở giả thuyết, vì Hypothermia Undressing thường đi kèm với một hiện tượng khác cũng kì lạ không kém: Nạn nhân tự vùi mình xuống nền tuyết hoặc chui vào những nơi hẹp như gầm ô tô, trong các khe đá nhỏ. Các trường hợp chết trong nhà thì trốn vào sau tủ quần áo, dưới hộc bàn...

Chưa có một kết luận nào là hoàn toàn xác đáng và thuyết phục cho hiện tượng kì lạ này. Giới khoa học vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm và câu trả lời chắc hẳn sẽ lộ diện trong một ngày gần nhất.

J.D

DU GIÀ TRỊ SÔNG ĐÀ

Nạn hạn hán khiến một ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở Ấn Độ thêm xác xơ. Một đêm trăng, trưởng làng quyết định triệu tập cả làng:

- Chúng ta sống trên một vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi, nay lại thêm hạn hán khiến mùa màng càng thất bát. Tình hình nguy ngập lắm rồi, ai có ý gì để cải thiện sinh kế chung, xin nói mau!

Người dân rồng rắn xếp hàng lấy nước sạch sau sự cố nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm dầu thải. Ảnh: Internet

Đáp lại toàn là tiếng thở dài. Đã vậy còn có vị giơ tay rao giảng nên “nuôi con gì, trồng cây gì” khiến trưởng làng thêm ngao ngán. Đang lúc tuyệt vọng, chợt trưởng làng nghe thoang thoảng tiếng than van của một vị du già: “Cũng may là làng chúng ta có truyền thống tu tập yoga hơn năm ngàn năm qua, nên không cần ăn nhiều cơm, uống nhiều nước mà cũng đủ năng lượng để lây lất tới tận bây giờ!”

Trưởng làng vỗ đùi cái đét, la lên:

- Hay quá! Ta chợt nhớ ở phía Đông có một nơi môi trường đang nhiễm độc đến mức con người ở đó rất sợ ăn sợ uống, thậm chí sợ cả... thở nữa. Vậy nên nếu chúng ta cử người mang môn yoga qua đó dạy, chắc chắn sẽ được đón nhận và gửi ngoại tệ về nuôi cả làng!


Trưởng làng vừa nói xong, cả làng vỗ tay hoan hỉ. Một cụ già thắc mắc:

- Nhưng khi qua đó, chúng ta phải quảng bá thế nào cho môn yoga của chúng ta nhanh chóng được đón nhận?

Chẳng cần nghĩ ngợi, trưởng làng phán ngay:

- “Tập yoga, tha hồ uống nước sông Đà!”

Người Già Chuyện
Nguồn: Người Đô Thị Online