滄浪之水清兮,可以濯吾纓
滄浪之水濁兮,可以濯吾足
Thương Lang chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngô anh.
Thương Lang chi thủy trọc hề khả dĩ trạc ngô túc.
Xin tạm phóng dịch:
Thương Lang dòng nước trong xanh,
Thì ta ngã nón rửa quanh mái đầu.
Thương Lang dòng nước đục ngầu,
Thì ta vẫn rửa, mặc dầu rửa chân.
Xin mời các bạn suy nghĩ.
Để tìm hiểu nhiều hơn về Khuất Nguyên xin đọc bài sau đây đăng trong mục 中國百科 (China ABC):
Khuất Nguyên và thơ ca của ông
Khuất Nguyên (屈原) là nhà thơ được nhân dân Trung Quốc kính trọng nhất và yêu thích nhất trong hàng nghìn năm nay. Ông sống vào thời ky Chiến Quốc (từ năm 475 đến năm 221 trước công nguyên ). Cái gọi là “Chiến Quốc” là vì đây là một thời đại các nước chư hầu san sát, hỗn chiến không ngừng. Trong đó nước Tần và nước Sở là hai nước có thực lực lớn mạnh nhất lúc đó. Mười mấy nước nhỏ khác đều dựa vào hai nước này.
Khuất Nguyên là quý tộc nước Sở, và đảm nhiệm chức quan cấp cao. Ông có học thức uyên bác, giỏi về ngoại giao, ban đầu, ông được nhà vua nước Sở ưa thích và tin tưởng. Trong thời đại đó, nhà vua và quyền quý các nước đều tranh nhau thu hút nhân tài phục vụ cho mình, cho nên họ tiếp đãi nhân tài một cách lễ phép. Lúc đó, nhiều người có học thức nổi tiếng đều du thuyết ở các nước, nỗ lực hết sức nhằm thực hiện lý tưởng chính trị của mình. Nhưng Khuất Nguyên không như vậy, ông rất quyến luyến tổ quốc, mong phụ tá nhà vua nước Sở bằng tài hoa của mình, khiến nước Sở chính trị dân chủ, thực lực nhà nước mạnh mẽ. Với lý tưởng như trên, Khuất Nguyên cho đến chết cũng không muốn rời khỏi tổ quốc. Điều đáng tiếc là, vì Khuất Nguyên có mâu thuẫn gay gắt với tập đoàn quý tộc hủ bại nước Sở về mặt nội chính và ngoại giao, hơn nữa lại bị người khác vu cáo hãm hại, Khuất Nguyên bị nhà vua nước Sở xa lánh, sau đó, địa vị nước lớn và thực lực nhà nước mạnh mẽ của nước Sở dần dần suy sụp. Năm 278 trước công nguyên, quân đội nước Tần đánh phá Dĩnh Đô, thủ đô nước Sở. Nước tan nhà tan, Khuất Nguyên không chịu nổi nỗi căm phẫn, nhảy xuống sông tự tử.
Khuất Nguyên để lại di sản bất hủ cho đời sau. Là nhà thơ sáng tác độc lập đầu tiên, bài thơ “Ly Tao” (離騷)—tác phẩm tiêu biểu của ông là một bài thơ trữ tình chính trị mang đậm chủ nghĩa lãng mạn dài nhất trong lịch sử văn học cổ đại Trung Quốc. Trong bài thơ, tác giả dẫn lại nhiều điển tích lịch sử, mong nhà vua nước Sở học các quân chủ thánh hiền sáng suốt trong truyền thuyết như nhà vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, trong nước trọng dụng nhân tài, công bằng vô tư, thực thi đức chính; đối ngoại thì tích cực liên hợp với các nước khác chống lại nước Tần. Bài thơ “Ly Tao” đột phá hình thức biểu hiện của cuốn sách “Kinh Thi”—tập thơ đầu tiên của Trung Quốc, tăng cường sức biểu hiện của thơ ca, mở ra một không gian mới cho sáng tác thơ ca cổ đại Trung Quốc. Do vậy, người đời sau gọi chung “Sở Từ” và “Kinh Thi” là “Phong, Tao”. “Phong, Tao” là cội nguồn của hai truyền thống chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn trong lịch sử thơ ca Trung Quốc.
Ngoài tác phẩm tiêu biểu “Ly Tao” (離騷) ra, bài văn “Thiên Vấn” (天問) của Khuất Nguyên là một bài thơ lạ lùng hiếm thấy từ trước đến nay, dùng câu nghi vấn nêu ra 172 vấn đề liền với ông trời, đề cập tới nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, văn học, triết học v.v., thể hiện tinh thần khoa học mạnh dạn hoài nghi quan niệm truyền thống và theo đuổi chân lý của nhà thơ. Ngoài ra, “Cửu Ca” (九歌) là một nhóm bài hát tế thần, được sáng tác trên cơ sở bài hát tế lễ dân gian, trong thơ, nhà thơ sáng tạo nhiều hình tượng thần tiên, đa số là bài hát tình yêu giữa loài người và thần tiên.
Tác phẩm của Khuất Nguyên thể hiện nhiều ý nghĩ lạ lùng, ông nhân cách hóa hoa cỏ cây cối, sáng tạo nhiều hình tượng nàng tiên, để gửi gắm tình cảm cao cả của mình. Cho nên, đọc tác phẩm của Khuất Nguyên, không những có thể thể nghiệm cái đẹp đẽ của ngôn ngữ, cái lạ lùng của ví dụ, mà còn có thể thể nghiệm tình cảm cao cả và tình yêu quê hương yêu đất nước của nhà thơ. Bởi vậy, hàng nghìn năm nay, Khuất Nguyên luôn là nhà thơ cổ điển được người Trung Quốc kính trọng nhất.
Nguồn:
中國百科 (China ABC)
No comments:
Post a Comment