Thông thường, dưới góc nhìn tượng hình, nhiều người vẫn tưởng bữa ăn phải lắm thịt thừa cá mới bổ! Không sai!, khi hầu hết các loại chất đạm cơ bản (acid amin) là thành phần chủ yếu trong thực phẩm gốc động vật. Càng đúng hơn nữa nếu cơ thể của người có khuynh hướng mạnh miệng với thịt mỡ đang có nhu cầu phục hồi. Nhưng đừng lạm dụng. Cảm giác có ăn thịt mới no, nói chính xác hơn, cảm giác buồn ray rức thế nào khi thiếu thịt trong bữa cơm, trên thực tế chỉ là một loại thói quen của đường tiêu hóa. Nói thế không để đả kích chuyện ăn thịt vì muốn quảng cáo cho nhà hàng bán cơm chay! Nếu xét thuần túy về mặt khoa học không có gì sai nếu thích ăn thịt. Vấn đề chỉ là món ăn nên thuốc hay nên thuốc độc, như y sư Paracelsus đã khẳng định, là do liều lượng.
Nhưng nếu hại thì hại thế nào? Bên cạnh hậu quả bất lợi trên tiến trình biến dưỡng chất đạm và chất béo, cụ thể là tình trạng tăng acid uric và cholesterol trong máu, lượng chất đạm tích lũy trong cơ thể người ăn quá nhiều thịt còn là lý do khiến thực khách dễ bị… trầm cảm! Mới nghe như có gì nghịch lý, vì đầy đủ rượu thịt tại sao lại buồn!, nhưng đây không là chuyện đoán mò, mà là kết quả đúc kết từ một công trình nghiên cứu lâu năm của viện Max-Planck ở Munich, CHLB Đức. Theo các nhà nghiên cứu ở thành phố nổi tiếng với lễ hội bia tháng 10, trái với định kiến thịt càng tươi càng bổ, lượng chất đạm trong khẩu phần càng cao thì thực khách càng dễ bi quan, thụ động và đãng trí!, nghĩa là đầy đủ dấu hiệu của hội chứng “suy nhược thần kinh”. Tình trạng này càng trầm trọng hơn nữa khi lượng chất đường, cụ thể là rau cải, tinh bột, trái cây tươi chiếm tỷ lệ không đến 55% trong khẩu phần. Nhận xét này đã được xác minh qua một nhóm đối tượng thử nghiệm có chế độ dinh dưỡng trong sáu tuần liên tục hầu như chỉ với toàn chất đạm từ thịt cá. Kết quả là 2/3 trong số đó trở nên buồn chán vô cớ. Gần 1/3 trong nhóm thậm chí biểu lộ nhiều triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm, từ nhức đầu, mất ngủ cho đến rối loạn cá tính!
Hiện tượng vừa mô tả xem vậy mà không có gì khó hiểu. Cảm giác lạc quan, yêu đời, năng động chỉ tồn tại khi não bộ phóng thích một loại nội tiết tố có tên là serotonin. Chất này được tổng hợp từ chất đạm mang tên tryptophan. Hoạt chất này có mặt trong nhiều loại thực phẩm, nghĩa là không dễ thiếu ngoại trừ trường hợp suy dinh dưỡng lâu ngày. Nhưng tryptophan lại vướng một nhược điểm. Đó là chất này luôn nhường bước cho các chất đạm khác được quyền ưu tiên vận chuyển về não bộ. Tryptophan do đó giống như người muốn mua vé vào xem đại nhạc hội nhưng không chịu bon chen giành vé cho bằng được. Hậu quả là tryptophan tuy vẫn đủ trong máu nhưng lại thiếu trong não bộ khiến serotonin đành chịu cảnh “lực bất tòng tâm” trong vở tuồng “Buồn ơi chào mi”!
Đáng tiếc hơn nữa là hiện tượng kể trên cũng có thể xảy ra ở người tuy ăn lượng thịt không đến độ quá nhiều, nhưng phần chất xơ từ rau quả quá thấp trong khẩu phần khiến lượng chất đạm động vật đúng lý không cao lại trở thành quá nhiều do một mình một chợ.
Phải nói ngay để tránh hiểu lầm. Nhận xét nêu trên không có nghĩa phải kiêng thịt như nhà tu. Thiếu thịt tất nhiên cũng không tốt cho sức khỏe. Chỉ nên lưu ý đừng ăn thịt thường hơn 3 ngày trong tuần. Càng không nên ăn thịt mà thiếu rau quả đi kèm. Cho dù có ăn thịt thường hơn cũng được, nhưng đừng để bữa ăn đồng nghĩa với cảnh “lấy thịt đè người”! Vừa phải mới mong “ăn ít no dai”!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.
No comments:
Post a Comment