Thursday, June 30, 2016

GIAI THOẠI BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC (楓橋夜泊)


Phong Kiều dạ bạc là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế (张继 Zhang Jì), tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756- đời vua Đường Túc Tông. Trương Kế tự là Ý Tôn, từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự... đặc biệt rất thích làm thơ.

Nguyên tác bài thơ Phong Kiều dạ bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn Sơn để cho người đời sau qua đây thưởng lãm.


楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船


Giai thoại kể rằng, một hôm nhà thơ Trương Kế đi chơi thuyền trên sông Cô Tô. giữa đêm khuya bên ngọn đèn dầu hiu hắt nhìn trăng khuya sắp tàn mà tức cảnh nhà thơ cao hứng cất lên hai câu thơ tuyệt tác:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên

月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠

Chỉ được đến đó, nhà thơ loay hoay tìm từ, tìm ý mãi vẫn không ra, gật gù ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Cùng lúc đó, tại chùa Hàn Sơn ngoại thành Cô Tô, sư cụ trụ trì Hàn Sơn thức dậy để hành thiền. Trời êm cảnh tĩnh. Nhìn vầng trăng khuyết thượng tuần, mờ mờ, ảo ảo trong mây sắp ngã về Tây. Một cảnh khá trầm lắng, nên thơ. Sư Cụ cũng tức cảnh cảm hứng nghĩ ra 2 câu thơ:


Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung

初三初四月朦朧
半似銀鉤半似弓

Làm xong hai câu thơ trên, Sư Cụ loay hoay mãi vẫn chưa đặt thêm được các câu tiếp. Sư Cụ vừa nhắp trà, vừa đọc đi, đọc lại hai câu trên để tìm ý, tìm từ. Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mà mình mới nghĩ ra:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ đế bán phù không

一片玉胡分兩斷
半沈水底半浮空

nhưng cũng không làm tiếp được và cầu xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu ăn khớp với 2 câu của sư cụ thành một bài tứ tuyệt :


Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ đế bán phù không

初三初四月朦朧
半似銀鉤半似弓
一片玉胡分兩斷
半沈水底半浮空

Trần Trọng San đã dịch như sau:

Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không


Để tạ ơn Thần Phật, phá lệ thường, sư cụ cho dóng lên một hồi chuông giữa đêm khuya thanh vắng.

Nhà thơ Trương Kế, vẫn đang trằn trọc với hình ành “Nguyệt lạc ô đề” mà chưa ngủ được; bỗng đâu nghe tiếng chuông chùa vừa thực vừa hư gieo vào lòng ông thi hứng, thi nhân từ đó cảm hứng viết tiếp 2 câu cuối, và cũng là 2 câu thơ để lại nhiều tranh cãi luận bàn cho hậu thế:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Cả bài thơ tuyệt cú đã thành! Nguyễn Hàm Ninh xưa đã dịch bài thơ sang thể lục bát như sau:

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Ngoài ra, bản dịch của nhà thơ Tản Đà thịnh hành và được yêu thích hơn:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Hình ảnh bài thơ đẹp và thi vị quá! Trải qua 13 thế kỷ, hai bài thơ tứ tuyệt trên vẫn đầy sức sống, vẫn kiến tạc nên một không gian hư ảo nhiều chiều, khiến người đọc như thấy được một phong cảnh trời nước hữu tình, mênh mông từ thành Cô Tô ra tới chùa Hàn Sơn. Hình ảnh con đò, dòng sông với ánh lửa chài và văng vẳng tiếng quạ kêu sương hiện lên vừa nên thơ, vừa thân thuộc. Thế rồi trong cái cô tịch khuya khoắt của đêm trăng mờ, chợt ngân lên tiếng chuông chùa vừa thái bình lại vừa xáo động. Những yếu tố đó kết hợp với nhau, cùng với những địa danh vùng Tô Châu - Thượng Hải, gieo vào lòng người đọc chút gì đó huyền thoại, lắng đọng, tất cả đều thanh tao, thơ mộng, thật hạnh phúc, thật tuyệt vời…

Trí Bửu Nguyễn Thừa

No comments: