Vườn dâu Hạ Châu ở Phong Điền rất nổi tiếng nhưng có tin là năm ngoái giá dâu hạ quá thấp, các nhà vườn không thèm hái để rụng đầy đất. Hồi đó ăn dâu rất ít có trái ngọt chua nhiều, dâu miền trên thì trái ngọt ngọt chua chua và giá bán cũng mắc hơn dâu miệt dưới nhưng thật sự tôi chỉ thích ăn bòn bon vì nó ngọt hơn và ít hột hay có múi không hột và thời đó bòn bon mắc hơn dâu rất nhiều.
Về Việt Nam nhiều lần nhưng không có duyên nên chưa lần nào ăn lại bòn bon Việt Nam nhưng qua Thái và Đài Loan thì mua được và bòn bon ở đây ngọt ngon lắm. Hôm nay đọc được một tài liêu cho biết bòn bon còn là một loại thuốc, một loại trái cây "tiến vua" ngày xưa và là "Thiên hạ đệ nhất gỏi" ở xứ Quảng. (LKH)
Về Việt Nam nhiều lần nhưng không có duyên nên chưa lần nào ăn lại bòn bon Việt Nam nhưng qua Thái và Đài Loan thì mua được và bòn bon ở đây ngọt ngon lắm. Hôm nay đọc được một tài liêu cho biết bòn bon còn là một loại thuốc, một loại trái cây "tiến vua" ngày xưa và là "Thiên hạ đệ nhất gỏi" ở xứ Quảng. (LKH)
BÒN BON
Bòn bon có tên khoa học là Lansium domesticum, thuộc họ Meliaceae. Bòn bon chứa nhiều đường, chất xơ, chất béo, protein, vitamin A, B1, B2, B3, C, E; các khoáng tố như: Ca, Fe, P...
Còn được gọi là Dâu da đất (phương ngữ Bắc), hay Bòn bon (phương ngữ Nam), Lòn bon (phương ngữ Quảng Nam). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: trái Nam Trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trái Trung Quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế.
Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.
Ở các nước Đông Nam Á, toàn cây bòn bon đều được dùng làm thuốc. Vỏ và hạt làm thuốc hạ sốt, diệt ký sinh trùng đường ruột, ký sinh trùng sốt rét, tiêu chảy, kiết lỵ... Chất xơ trong trái bòn bon giúp hệ tiêu hóa và phòng ngừa nhiều bệnh ung thư. Trái bòn bon giàu thiamin, chứa riboflavin chống lại chứng đau nửa đầu và niacin làm giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL) trong máu.
Bòn bon được xem là nguồn dinh dưỡng không chứa nhiều calo. 100g thịt trái bòn bon cung cấp 70 calo nhưng lại nhiều chất xơ. Ăn bòn bon giúp cơ thể khỏe mạnh và tốt cho ruột già, phòng ngừa nhiều bệnh đường ruột, nhất là ung thư ruột kết. Bòn bon còn giúp tăng cường hoạt động hệ vi khuẩn có lợi trong ruột.
Lưu ý khi ăn bòn bon, những múi chưa có hạt hoặc hạt nhỏ có thể nhai luôn. Tuy nhiên, một số múi có hạt lớn thì không nên nhai hoặc nuốt vì trong hạt chứa một chất xác định là cấu trúc alkaloid độc nhưng chưa đặt tên. Trong vỏ bòn bon còn chứa một chất gọi là acid lansium, ở liều cao có thể làm ngừng tim ếch.
Tốt nhất, khi ăn bòn bon không nên cắn trái, nhai hạt mà cần dùng tay để tách vỏ, bỏ hạt.
DS. Lê Kim Phụng
GỎI BÒN BON
"THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GỎI" CỦA XỨ QUẢNG
Người Quảng Nam đi làm ăn 'giang hồ tứ chiếng' nhớ về quê hương là nhớ về vị ngọt lịm của trái bòn bon trong tròn ngoài méo.
"THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT GỎI" CỦA XỨ QUẢNG
Người Quảng Nam đi làm ăn 'giang hồ tứ chiếng' nhớ về quê hương là nhớ về vị ngọt lịm của trái bòn bon trong tròn ngoài méo.
“Lụt nguồn trôi trái bòn bon” – câu ca đã trở thành quen thuộc với người dân xứ Quảng – quê hương của trái bòn bon. Bòn bon có nhiều ở các vùng Đại Lộc, Tiên Phước, Nam Giang.
Cùng cô bạn thân du hí về vùng quê bán sơn địa Tiên Phước nơi mà khi nhắc tới người ta sẽ nghĩ ngay tới trái bòn bon mang hương vị ngọt thanh của núi rừng Quảng Nam, tôi được “ngợp mắt” trước những vườn cây bòn bon trĩu quả vàng ươm.
Được ăn thỏa thích, hai đứa còn được nghe kể chuyện về loại quả đặc biệt này. Bòn bon còn được gọi là “nam trân” (trái quý của phương Nam) vì đã từng cứu chúa Nguyễn thoát nạn đói khát trên đường chạy trốn. Rồi khi xưa loại quả này mọc trong rừng và chỉ có vua chúa mới được dùng. Vỏ bòn bon còn được người dân sử dụng như một vị thuốc.
Cuộc sống phát triển, văn hóa ẩm thực cũng phát triển theo. Về Tiên Phước ngoài những trái bòn bon ngọt lịm tôi còn được thưởng thức gỏi bòn bon vô cùng đặc sắc. Gỏi bòn bon tôm thịt có thể nói là một tinh hoa ẩm thực của người Quảng.
Vị của rừng (bòn bon), vị của đồng bằng (thịt ba chỉ) hòa với vị của biển (tôm) khiến thực khách ăn một lần rồi nhớ mãi. Lần đầu ăn bòn bon và cũng là lần đầu ăn gỏi từ trái cây, ấn tượng của tôi với món ăn này lại càng khó phai hơn. Vị ngọt của trái bòn bon cứ đọng lại mãi trên đầu lưỡi.
Gỏi bòn bon đậm đà, đặc sắc mà cách làm lại vô cùng đơn giản. Chuẩn bị thịt ba chỉ (luộc thái mỏng), tôm sú (luộc, bóc vỏ, bỏ đầu), nước mắm chanh tỏi ớt. Trộn tất cả với bòn bon đã tách thành từng múi, cuối cùng rắc đậu phộng và vừng lên trên. Gỏi bòn bon mà ăn kèm với bánh phồng tôm nữa thì ngon miễn bàn.
Quả thật đúng như người xưa nói “đói lòng ăn trái bòn bon”, ăn hoài ăn mãi mà tôi chẳng thấy chán. Ăn một lần rồi lại muốn trở lại vùng đất gò đồi này để được đắm mình trong hương vị thanh tao ấy.
(Sưu tầm trên mạng)